Đọc Hiểu Pali – Bài Học Số 16 – Tỳ Khưu Thiện Hảo (bhikkhu Vāyāma)

BUỔI HỌC 16

Thứ Bảy, 03-10-2020

 

TỔNG HỢP

1. Thứ tự của câu:

  1. Trong câu (đơn, ghép hoặc phức), động từ luôn đặt cuối. 
  2. Nếu câu đơn có túc từ, thứ tự sẽ là: chủ từ (kattu) – túc từ (kamma) – động từ (kriyā). 
  3. Các từ chỉ định/bổ nghĩa chủ từ hoặc túc từ phải được đặt trước nó, và trạng từ thì trước động từ. 
  4. Các liên từ (pana, nhưng; udāhu, hoặc) được dùng để tạo nên câu ghép; còn (ce, yadi, sace, nếu) thì tạo nên câu phức. Trạng từ chỉ thời gian luôn đứng trước trong câu.

2. Mạo từ: Trong Pāli ngữ không có mạo từ tương đương như trong Anh ngữ, nhưng eko, ekacce (một) cũng được tạm dùng theo nghĩa mạo từ bất định; và eso (này, đó) theo nghĩa mạo từ xác định.

3. Sự Hoà hợp

Giữa chủ từ và động từ:

  1. Động từ có thể là một (i) động từ có ngôi như “bhikkhu gahapatiṃ ovādi – vị tỳ-khưu đã giáo giới người gia chủ”; (ii) danh từ với động từ hoti theo sau nó như “yadi ete guṇā – nếu những điều này (là = honti) giới”; (iii) tính từ với động từ hoti như “tvaṃ atibālo – bạn (thì = asi) rất là ngốc”; (iv) quá khứ phân từ như động từ có ngôi “so pi gato – hắn cũng đi rồi”.
  2. Động từ có ngôi phải hoà hợp với chủ từ về số và ngôi. Khi có nhiều chủ từ với các ngôi khác nhau, động từ được chia ở ngôi nhất số nhiều như “so ca tvaṃ ahaṃ gacchāma – hắn, bạn và tôi đi”. Nếu không có chủ từ ở ngôi nhất, động từ được chia ở ngôi hai số nhiều như “so ca tvaṃ gacchatha – hắn và bạn đi”.
  3. Khi một tính từ hoặc qkpt đóng vai trò của động từ, thì nó phải hoà hợp với chủ từ về tính và số như “so gato – hắn đã đi”. 
  4. Khi một danh từ đóng vai trò của động từ, thì không cần phải hoà hợp về tính và số như “appamādo nibbānapadaṃ bất phóng dật là con đường dẫn đến Níp-bàn”.

Giữa tính từ và danh từ: Tính từ phải hoà hợp về tính, số và ngôi với danh từ mà nó bổ nghĩa.

Giữa từ quan hệ với từ đứng trước: từ quan hệ phải hoà hớp với từ đứng trước về tính, số và ngôi.

  1. Từ quan hệ có thể được dùng riêng mà không có danh từ như “yo jānāti so imaṃ gaṇhātu – ai biết thì để người đó lấy”.
  2. Từ quan hệ được dùng thay cho danh từ đứng trước như “ahaṃ ekaṃ upāyaṃ jānāmi, amhe gaṇhituṃ no sakkissati – tôi biết một cách mà nó không thể bắt tôi”.
  3. Với danh từ diễn đạt như “yassa purisassa buddhi hoti so mahaddhano’ti vuccati – người có trí tuệ được gọi là ‘Đại phú gia’”.
  4. Mệnh đề có từ quan hệ được đặt trước; nhưng đôi khi mệnh đề có từ tương liên cũng được đặt trước để nhấn mạnh như “na so pitāyena putto na sikkhāpiyati – không phải do người cha mà đứa con trai ấy không được học tập”.

4. Cú pháp danh từ (kāraka): Kāraka” diễn đạt sự liên hệ giữa danh từ với động từ, nên sẽ không có cho Sở hữu cách và Hô cách. 

Chủ cách: 

  1. Được dùng làm chủ từ trong câu với 3 loại: (i) đơn giản như “so rukkhaṃ chindati – hắn chặt cây”; (ii) sai bảo như “seṭṭhī dāsaṃ rukkhaṃ chindāpeti – vị triệu phú sai người tớ trai chặt cây”; (iii) phản thân như “rukkho patati – cây ngã”.
  2. Làm danh từ đồng cách với chủ từ như “malliko kosalarājā – Mallika, vua của Kosala”.

Đối cách: 

  1. Đối cách bị chi phối bởi ngoại động từ như “rathaṃ karoti – hắn chế tạo chiếc xe”.
  2. Bị chi phối bởi tất cả động từ ngụ ý chuyển động như “nagaraṃ gacchati – hắn đi đến thành phố”.
  3. Các động từ có nghĩa ‘kêu gọi, chỉ định, hỏi, biết, làm…’ chi phối 2 đối cách là trực tiếp và gián tiếp như “puriso bhāraṃ gāmaṃ vahati – hắn gánh hàng về làng”.
  4. Các động từ Nguyên nhân cũng chi phối 2 đối cách như “ācariyo sissaṃ dhammaṃ pātheti – sư phụ sai đệ tử đọc pháp”. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, Công cụ cách được dùng thay cho túc từ gián tiếp như “ācariyo sissena dhammaṃ pātheti – sư phụ sai đệ tử đọc pháp”.
  5. Đối cách bị chi phối bới các ngữ căn √vas (sống), √ṭhā (đứng), √si (nằm), √pad (bước đi), √vis (đi vào) mà có các tiền tố ‘anu, upa, abhi, dhī, ā, ni’ đứng trước như “gāmaṃ upavasati – hắn sống gần làng”.
  6. Các bất biến từ được dùng với đối cách như “abhito gāmaṃ vasati – hắn sống gần làng; maṃ antarena – ngoại trừ tôi; parito nagaraṃ – quanh thị trấn; nadiṃ nerañjaraṃ pati – gần sông Nerañjarā”.
  7. Khoảng thời gian được dùng ở đối cách như “ekaṃ samayaṃ – một thời/thuở nọ”.
  8. Số thứ tự cũng ở đối cách với nghĩa ‘số lần’ như “dutiyaṃ – lần thứ hai”.
  9. Khoảng cách cũng ở đối cách như “yojanaṃ gacchati – hắn đi 1 do-tuần”.
  10. Phần lớn trạng từ được dùng ở đối cách như “tattha so sukhaṃ jīvi – hắn đã sống an lạc ở đấy”. 
  11. Đối cách được dùng thay cho Công cụ cách, Tặng cách, Vị trí cách như “sace maṃ so nālapissati – nếu hắn không nói chuyện với tôi; upamā maṃ paṭibhāti – thí dụ làm tôi sáng tỏ; nadiṃ (=nadiyaṃ) pivati – hắn uống nước ở sông”.

Công cụ cách:

  1. Nó diễn đạt nhân tố trung gian nhờ đó mà hành động được tạo nên như “cakkhunā rūpaṃ passati – hắn thấy sắc với mắt’.
  2. Nó diễn đạt nguyên nhân hay lý do như “rukkho vātena oṇamati – cây bị gió uốn cong”.
  3. Nó diễn đạt cách thức di chuyển như “yānena gacchati – hắn đi bằng xe”.
  4. Nó diễn đạt giá cả của vật được mua hoặc được bán như “kahāpaṇena no detha – hãy đưa cho chúng tôi một đồng Kahāpaṇa”.
  5. Nó diễn đạt phương hướng, lộ trình, con đường mà một người đi trên đó như “kena maggena so gato? –  hắn đã đi đường nào?”
  6. Nó diễn đạt tình trạng ốm yếu hoặc khuyết điểm trên cơ thể như “akkhinā so kāṇo – hắn bị mù một mắt”.
  7. Nó diễn đạt sự sanh ra, dòng dõi, nguồn gốc, bản chất như “jātiyā khattiyo buddho – Đức Phật là một Sát-đế-lị do sanh chủng”.
  8. Nó diễn đạt thời gian như “ekena māsena nagaraṃ gacchi – hắn đã đến thành phố sau 1 tháng”.
  9. Nó diễn đạt sự đồng hành với bất biến từ ‘saha, saddhiṃ’ như “nisīdi bhagavā saddhiṃ bhikkhusaṅghena – Thế Tôn cùng với chúng Tăng đã ngồi xuống”.
  10. Nó diễn đạt nghĩa ‘dùng để, lợi ích cho,…’ như “kin nu me buddhena – Đức Phật có ích gì cho tôi chứ?”.
  11. Được dùng với attho (mong muốn, cần), alaṃ (đủ rồi), vinā (ngoại trừ) như “maṇinā me attho – tôi muốn một viên ngọc; alaṃ idha vāsena – sống ở đây đủ rồi; vinā dosena – không có lỗi”.
  12. Được dùng với các từ chỉ sự chia cách/tách biệt như “piyehi vippayogo dukkho – xa những người/vật yêu quý là đau khổ”.
  13. Được dùng với các động từ mang nghĩa ‘vận chuyển, mang/lấy đi’ như “pattacīvaramādāya – đã lấy y và bát”.
  14. Được dùng cho vật được so sánh như “etena hi agginā sadiso aggi nāma natthi – không có lửa nào giống lửa ấy”.
  15. Được dùng thay cho Đối cách, Xuất xứ cách, Vị trí cách như “sace bhavaṃ reṇu rajjaṃ labhetha saṃvibhajetha no rajjena – nếu tôn giả Reṇu có được vương quốc thì có thể chia vương quốc cho chúng ta; sumuttā mayaṃ tena mahāsamaṇena – chúng ta đã may mắn thoát khỏi vị Đại sa-môn ấy; tena samayena buddho bhagavā uruvelāyaṃ viharati – trong khi ấy, Thế Tôn, bậc Giác Ngộ đang trú tại Uruvelā”.

Tặng cách:

  1. Được dùng làm túc từ gián tiếp trong câu như “ahaṃ yācakassa bhattaṃ dadāmi – tôi cho thức ăn đến người ăn xin”.
  2. Nó bị chi phối bởi các động từ chỉ sự khen ngợi, đổ lỗi, tức giận, tin tưởng, đồng ý, ghen tị,… như “buddhassa silāghate – người ấy tán thán đức Phật; tassa sampaṭicchi – hắn đã đồng ý với nó;…”
  3. Thường được dùng với động từ ‘hoti’ chỉ sự sở hữu như “puttā me natthi – không có con cho tôi”.
  4. Được dùng với alaṃ (đủ, thích hơp), attha (mục đích), hita (lợi ích), sukha (hạnh phúc, an lạc) như “alaṃ kukkuccāya – đầy đủ nghi ngờ!; ropanassa atthāya – với mục đích gieo giống; devamanussānaṃ hitāya – vì lợi ích của chư Thiên và nhân loiaj; tassa sukhāya – vì sự an lạc của vị ấy”.
  5. Diễn đạt mục đích hay nhu cầu như “dārassa bharaṇāya – để duy trì một người vợ”.
  6. Được dùng với động từ maññati (cân nhắn) để chỉ sự khinh bỉ như “kaliṅgarassa tuyhaṃ maññe – tôi xem anh như khúc cây”.
  7. Diễn đạt nơi mà hành động hướng tới như “appo saggāya gacchati – chỉ một số ít sanh về Thiên giới”.
  8. Đối tượng trong câu phủ định đôi khi được đặt ở tặng cách như “mayhaṃ evarūpāya jatāya kiccaṃ natthi – việc bện tóc như vậy không có đối với tôi”.
  9. Các ngữ căn ‘paṭi+√su, upa+√thā, pa+√khā…’ cần có túc từ ở tặng cách, ví dụ: te bhikkhū bhagavato paccassosuṃ – các tỳ-khưu đã đáp lời Thế Tôn; mātāpitūnaṃ upaṭṭhāhi – hãy phụng dưỡng cha mẹ;…]
  10. Được dùng thay cho Đối cách, Công cụ cách, Vị trí cách như “amatassa dātā – người ban sự bất tử; te vejjassa kathiṃsu – họ đã nói với vị y sĩ; sabbe tasanti daṇḍassa – tất cả đều sợ đòn gậy”.

Xuất xứ cách:

  1. Được đùng để chỉ sự tách biệt/rời như “gāmā nikkhamati – hắn rời khỏi làng”.
  2. Chỉ phương hướng như “avīcito upari – phía trên địa ngục Avīci”.
  3. Chỉ nguyên nhân hay lý do như “kasmā tvaṃ na pabbajase – tại sao ông không xuất gia?”
  4. Chỉ sự so sánh như “yo sukhaṃ dukkhato’ddakkhi dukkhaṃ addakkhi sallato – ai thấy hạnh phúc là đau khổ, thì thấy đau khổ là mũi tên”.
  5. Chỉ số đo chiều dài, chiều rộng hoặc khoảng cách như “dīghaso navavidatthiyo – dài chín nhịp”.
  6. Với các động từ có nghĩa che giấu như “upajjhāya antaradhāyati sisso – vị đệ tử núp/trốn khỏi thầy của mình”.
  7. Chỉ người hoặc động vật bị xua đuổi hoặc bắt giứ như “taṇḍulā kāke vāreti – hắn đuổi lũ quạ khỏi đám lúa”.
  8. Được dùng với các động từ có nghĩa ‘kiêng tránh, giải thoát, sợ hãi, ghê tởm’ như “pāpadhammato viramati – vị ấy kiêng tránh khởi ác pháp”.
  9. Được dùng với các từ chỉ sự gần gũi như “gāmā samīpaṃ – gần làng”.
  10. Được dùng với các động từ có nghĩa ‘được sinh ra/tái sanh, có nguồn gốc từ’ như “corā jāyati bhayaṃ – sự sợ hãi khởi sanh từ tên cướp”.
  11. Được dùng với bất biến từ như “rite saddhamma – không có chánh Pháp; buddhasmā pati sāriputto – tôn giả Sāriputta thế chỗ đức Phật”.
  12. Thường được dùng thay cho Đối cách, Sở hữu cách, Vị trí cách như “vināsaddhammā, vinā saddhammena, vinā saddhammaṃ”.

Sở hữu cách:

  1. Được dùng để chỉ sự sở hữu như “suvaṇṇassa rāsi – một đống vàng”.
  2. Được ghép với danh từ mà nó bổ nghĩa như “suvaṇṇarāsi”.
  3. Chỉ một phần trong tập thể như “sabbayodhānaṃ atisūro anh dũng nhất trong tất cả các chiến binh”.
  4. Chỉ tình trạng của sự vật như “pūpassa lahutā – tính nhẹ của sắc”.
  5. Được dùng với các từ chỉ sự khác nhau, sự bình đẳng… như “tassa antaraṃ na passiṃsu – họ không thấy sự khác biệt của nó”.
  6. Được dùng với các từ chỉ ‘sự danh dự, sự tôn kính…’ như “gāmassa pūjito – vinh dự của làng”.
  7. Được dùng với các từ chỉ ‘kỹ năng, lão luyện,… hoặc nghĩa đối lâp’ như “kusalā naccagītassa – lão luyện trong múa hát”.
  8. Được dùng với các từ chỉ ‘nơi chốn, thời gian, khoảng cách’ như “amhākaṃ buddhassa pubbe – trước thời đức Phật của chúng ta”.
  9. Được dùng với các từ chỉ ‘sự tin tưởng vào hoặc hướng tới’ như “buddhassa pasanno – người ấy có niềm tin nơi đức Phật”.
  10. Được dùng với các từ chỉ ‘sự nhớ hoặc suy nghĩ, thương xót, mong muốn, tôn kính, dọn dẹp, che lấp, sợ hãi’ như “mātussa sarati – người ấy nhớ đến mẹ của mình”.
  11. Sở hữu cách hoà hợp với phân từ tạo nên ‘Sở hữu cách tuyệt đối’ để chỉ tình trạng đi kèm như “tassa bhattaṃ bhutassa udakaṃ āharanti – họ lấy nước cho anh ta khi anh ta đã ăn xong”
  12. Được dùng thay cho Vị trí cách như “kīlantānaṃ kumārānaṃ eko bhūmiyaṃ pati – một trong những cậu bé đang nô đùa, đa ngã trên đất”.

Vị trí cách:

  1. Chỉ nơi chốn hoặc vị trí mà hành động được thực hiện như “kate nisīdati puriso – nam nhân đang ngồi trên chiếu”.
  2. Chỉ nguyên nhân, lý do hoặc động cơ của hành động như “dīpī cammesu haññante – con báo bị giết để lấy da”.
  3. Chỉ thời gian khi hành động diễn ra như “sāyaṇhasamaye āgato – hắn đến vào buổi tối”.
  4. Chỉ sự nổi trội của cá nhân trong tập thể, tương tự như tính tứ so sánh nhất, ví dụ: “manussesu khattiyo sūratamo – sát-đế-lị là anh dũng nhất trong nhân loại”. 
  5. Các từ: sāmī (ông chủ), issaro (vua, chúa tể), adhipati (thủ lĩnh, chúa tể), dāyādo (người thừa tự),… chi phối cho cả Vị trí cách lẫn Sở hữu cách như “gonesu sāmī – chủ nhân của các con bò”
  6. Các từ chỉ ‘vui vẻ, mãn nguyện’ cũng chi phối Vị trí cách và Công cụ cách như “ñāṇena/ñāṇasmiṃ pasīdito – thoả mãn với trí tuệ”.
  7. Các từ chỉ ‘tôn kính, yêu quý, thích thú, đón nhận, đánh, nắm bắt,…’ chi phối Vị trí cách như “pāpasmiṃ ramati mano – tâm ưa thích điều ác”.
  8. Chỉ sự vượt trội hoặc thấp kém với các từ ‘upa’ và adhi’ như “upa khāriyaṃ doṇo – doṇa kém hơn khāri”.
  9. Để chỉ sự gần gũi như “nadiyaṃ sassaṃ – cây bắp gần con sông”.
  10. Các từ chỉ ‘sự phù hợp/tương thích’ chi phối Vị trí cách như “tayi na yuttaṃ –  không phù hợp với bạn”.
  11. Chỉ tập thể mà một phần tử được tách rời như “tesu catusu purisesu eko kālaṃ akāsi – một trong bốn nam nhân ấy đã chết”.
  12. Được dùng thay cho Đối cách, Công cụ cách, Tặng cách như “bhikkhūsu abhivandatnti – họ đảnh lễ chư tỳ-khưu; samaṇā pattesu piṇḍāya caranti – các sa-môn đi khất thực với bình bát; saṅghe gotamī dehi – này Gotamī, hãy dâng đến Tăng chúng”.

Sở hữu cách tuyệt đối (shctđ) và Vị trí cách tuyệt đối (vtrctđ): Khi một danh từ hay một đại từ ở vtrc hoặc shc được dùng với một phân từ cùng cách với nó thì được gọi là Vtrctđ và Shctđ. Cấu trúc Vtrctđ xuất hiện nhiều hơn Shctđ. Chúng thường được dịch là ‘khi nào, trong khi, kể từ khi, mặc dù’ như “tesu vivadantesu bodhisatto cintesi – trong khi họ đang tranh luận, đức Bồ-tát đã suy nghĩ; tesaṃ kiḷantānaṃ yeva suriyatthaṅgamo jāto – trong khi họ đang chơi, thì trời đã chạng vạng”.

5. Sự mở rộng/khuếch trương: là sự nới rộng nghĩa của 3 thành phần chính (chủ từ, túc từ, động từ) trong cùng một câu, do vậy sẽ có 3 loại mở rộng là: (i) mở rộng chủ từ, (ii) mở rộng túc từ, và (iii) mở rộng động từ. 

Trong đó, chủ từ và túc từ có thể được mở rộng bằng các bổ túc từ sau ‘tính từ, danh từ đồng cách, danh hoặc đại từ ở Sở hữu cách, cụm từ, từ ghép/hợp thể, hay mệnh đề liên kết’, ví dụ:

Tính từ: dve kassakā khettaṃ kasanti – hai nông dân đang cày ruộng; puriso mahantaṃ rukkhaṃ chindati – người đàn ông đốn cội cây lớn.

Danh từ đồng cách: māgadho bimbisāro rājā buddhassa veḷvanaṃ pūjesi – vua Bimbisāra xứ Māgadha đã cúng khu trúc lâm đến đức Phật; so rājā attano pitaraṃ bimbisāraṃ jīvitā voropesi – vua ấy đã giết vua cha Bimbisāra của chính mình.

Từ ở sở hữu cách: gahapatino putto kālaṃ akāsi – con trai của người gia chủ đã chết; rājā seṭṭhino puttaṃ māresi – nàh vua đã giết chết con trai của ông triệu phú.

Từ ghép: sabbālaṅkarapatimaṇḍito kāliṅgo cakkavattī nagarā nikkhami – được trang điểm với mọi trang sức, vị Chuyển luân vương Kāliṅga đa xroiwf khởi thành; kāliṅgo cakkavattī mahantā nagarā nikkhami – Chuyển luân vương Kāliṅga đã rời khỏi đại đô.

Cụm từ: gāmaṃ gacchanto kumāro goṇaṃ passati – cậu bé thấy con bò đực khi đang đi đến làng; kumāro khette tiṇaṃ khāditaṃ goṇaṃ passati –  cậu bé thấy con bò đực đang ăn cỏ trên đồng.

Mệnh đề liên kết: yo dhammānudhammappatipanno viharati so buddhaṃ sakkaroti – ai sống theo Pháp và tuỳ Pháp là người tôn kính đức Phật; yo me ñāṇaṃ pakittesi pasannena cetanā, taṃ ahaṃ kittayissāmi – ai tán dướng trí tuệ của ta bằng tâm thanh tịnh, ta khen ngợi người ấy.

Còn động từ có thể được mở bởi trạng từ hoặc cụm trạng từ, ví dụ:

Trạng từ: ahaṃ sukhaṃ sayāmi – tôi ngủ an lạc.

Cụm trạng từ: bhagavati jetavane viharante bahū devamanussā taṃ namassiṃsu – nhiều chư Thiên và nhân loại đã đảnh lễ Thế Tôn (khi ngài đang trú tại Jetavana).

6. Mệnh đề: là 1 phần của câu chứa một động từ đã chia. Có 3 loại mệnh đề: (i) mệnh đề danh từ, (ii) mệnh đề tính từ, và (iii) mệnh đề trạng từ.

  1. Mệnh đề danh từ: dùng để thay thế cho danh từ làm chủ từ hay túc từ của câu, ví dụ: saccaṃ kira tvaṃ, nanda, sambahulānaṃ bhikkhūnaṃ evaṃ ārocesi? – này Nanda, có thật là ông đã thông báo như vậy cho nhiều vị tỳ-khưu?
  2. Mênh đề tính từ: dùng để thay thế cho tính từ và để mở rộng cho chủ từ hay túc từ, ví dụ: sukhaṃ supanti munayo ye itthīsu na bajjharecác ẩn sĩ là những người không bị ràng buộc với nữ nhân, ngủ được an lạc.
  3. Mệnh đề trạng từ: dùng để thay thế cho trạng từ và để mở rộng cho động từ, ví dụ: ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthiyaṃ viharati – một thời/thuở nọ Thế Tôn trú tại Sāvatthī.

7. Rút gọn câu: ta có thể rút gọn một câu phức thành một câu đơn bằng cách bỏ bớt các từ mở rộng không cần thiết, ví dụ: ekadā bhagavā sāvatthiyaṃ vihari, tadā devatā āgantvā dhammaṃ suṇiṃsu – Một thời/thuở nọ, Thế Tôn trú tại Sāvatthi, khi ấy chư Thiên đã đến và nghe Pháp. => bhagavati sāvatthiyaṃ viharante devatā’gantvā dhammaṃ suṇiṃsu – chư Thiên đã đến và nghe Pháp khi Thế Tôn đang trú tại Sāvatthi.

Các ví dụ cho phần Tổng hợp:

  1. Bhante, imaṃ catumāsaṃ bhikkhusaṅghaṃ gahetvā idh’eva vasatha, pasādamahaṃ karissāmi. 

(Sau khi chúng Tăng cho 4 tháng và bảo hãy sống ở đây, bạch ngài, con sẽ làm cho thanh tịnh.)

  1. Āyasmā aṅgulimālo bhinnena sīsena, lohitena galantena, bhinnena pattena, vipphālitāya saṅghāṭiyā yena bhagavā tenupasaṅkami. 

(Tôn giả Aṅgulimāla đã đi đến Thế Tôn với đầu bị bể, với máu nhỏ giọt, với bát bị vỡ, với y 2 lớp bị rách.)

  1. Vipassī kumāro bahuno janassa piyo ahosi manāpo.

(Hoàng tử Vipassī thì đáng yêu và dễ thương đối với nhiều người.)

  1. Atha kho āyasmā mahākassapo tassa sattāhassa accayena tamhā samādhimhā vuṭṭhāsi.

(Rồi tôn giả Mahākassapa đã xuất khỏi định trong suốt bảy ngày ấy.)

  1. Atīte bārāṇasiyaṃ brahmadatte rajjaṃ kārente bodhisatto… tassa vinicchayāmacco ahosi.

(Khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Bārāṇasī, đức Bồ-tát là vị quan đại thần phán xét.)

Ngữ vựng:

māsa (nat): tháng

gaheti (đt nguyên nhân của gaṇhāti): biểu lấy, dời đi

pasāda (nat): sự thanh tịnh

sīsa (trut): cái đầu

bhindati (√bhid+ṃ-a+ti): bể, vỡ, tan nát

lohita (trut): máu

galati (√gal+a+ti): nhỏ, chạy từng giọt

patta (nt): cái bát

vipphāḷeti (vi+√phal+e+ti): bung/rách/mở toang

saṅghāṭi (nut): y tăng-già-lê, y 2 lớp

piya (tt): đáng yêu

manāpa (tt): dễ thương, duyên dáng

accayena (trat): bằng 1 khoảng thời gian

vuṭṭhāti (u+√ṭhā+a+ti): khởi lên, xuất khỏi

vinicchayāmacca = vinicchaya (nat) sự xét sử, phán quyết + amacca (nat): đại thần cố vấn

 

Nhóm tổ chức lớp Đọc hiểu Pāḷi
—————————————
Email: dochieupali@gmail.com
FB: www.facebook.com/groups/dochieupali
Zalo: https://zalo.me/g/tswjmg798
Tổng hợp tài liệu: Đọc Hiểu Pali – Tổng Hợp Link & Tài Liệu Bài Học – Tỳ Khưu Thiện Hảo (BHIKKHU VĀYĀMA)

* Tài liệu này để các học viên trong lớp Đọc Hiểu Pali do Sư Thiện Hảo hướng dẫn tham khảo. Do sự thỉnh mời của một số quý vị thiền sinh mong muốn học tiếng Pali, đây là lớp đầu tiên Sư Thiện Hảo giảng dạy online, và tài liệu này không tránh khỏi có những chỗ chưa hoàn thiện, thậm chí có những chỗ sai ngoài ý muốn. Chúng tôi kính mong quý vị hoan hỷ góp ý để tài liệu và lớp học được hoàn thiện tốt hơn. Nguyện Dhamma được trường tồn và đem lại lợi lạc cho phần đông.

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.