Phân Tích Đạo I – Paṭisambhidāmaggo – Giảng Về Trí: Tụng Phẩm Thứ Tư

MAIN CONTENT

Tụng phẩm thứ tư.

(6)

Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được tác chứng,’[42]  tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?

Một pháp cần được tác chứng là: Tâm giải thoát là không chuyển đổi.

Hai pháp cần được tác chứng là: Minh và giải thoát.

Ba pháp cần được tác chứng là: Ba minh.[43]

Bốn pháp cần được tác chứng là: Bốn Quả vị của Sa-môn.[44]

Năm pháp cần được tác chứng là: Năm pháp uẩn.[45]

Sáu pháp cần được tác chứng là: Sáu thắng trí.[46]

Bảy pháp cần được tác chứng là: Bảy lực của bậc Lậu Tận.[47]

Tám pháp cần được tác chứng là: Tám giải thoát.[48]

Chín pháp cần được tác chứng là: Chín sự diệt tận theo tuần tự.[49]

Mười pháp cần được tác chứng là: Mười pháp của bậc Vô Học.[50]

(7)

Này các tỳ khưu, tất cả cần được tác chứng. Và này các tỳ khưu, điều gì là tất cả cần được tác chứng?

Này các tỳ khưu, mắt cần được tác chứng, các sắc cần được tác chứng, nhãn thức cần được tác chứng, nhãn xúc cần được tác chứng, cảm thọ nào được sanh lên do duyên nhãn xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được tác chứng.

Tai cần được tác chứng, các thinh cần được tác chứng, … (như trên) … Mũi cần được tác chứng, các khí cần được tác chứng. … (như trên) … Lưỡi cần được tác chứng, các vị cần được tác chứng. … (như trên) … Thân cần được tác chứng, các xúc cần được tác chứng. … (như trên) … Ý cần được tác chứng, các pháp cần được tác chứng, ý thức cần được tác chứng, ý xúc cần được tác chứng, cảm thọ nào được sanh lên do duyên ý xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được tác chứng.

Trong lúc nhận thấy sắc, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy thọ, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy tưởng, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy các hành, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy thức, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy mắt …(như trên)… lão tử …(như trên)… Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc, (hành giả) tác chứng.

Các pháp nào đã được tác chứng, các pháp ấy là đã được chạm đến. Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được tác chứng,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”

Phần giải thích về ‘Cần được tu tập.’

(8)

Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này đưa đến thoái hóa, các pháp này đưa đến bền vững, các pháp này đưa đến thù thắng, các pháp này đưa đến thông suốt,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?

Đối với vị đã đắc sơ thiền, tưởng và tác ý đi cùng với dục sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý không đi cùng với tầm sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.

Đối với vị đã đắc nhị thiền, tưởng và tác ý đi cùng với tầm sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với xả và lạc sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.

Đối với vị đã đắc tam thiền, tưởng và tác ý đi cùng với hỷ và lạc sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với không khổ và không lạc sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.

Đối với vị đã đắc tứ thiền, tưởng và tác ý đi cùng với xả và lạc sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với không vô biên xứ sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.

Đối với vị đã đắc không vô biên xứ, tưởng và tác ý đi cùng với sắc sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với thức vô biên xứ sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.

Đối với vị đã đắc thức vô biên xứ, tưởng và tác ý đi cùng với không vô biên xứ sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với vô sở hữu xứ sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.

Đối với vị đã đắc vô sở hữu xứ, tưởng và tác ý đi cùng với thức vô biên xứ sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với phi tưởng phi phi tưởng xứ sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý …(nt)… là pháp đưa đến thông suốt.

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này đưa đến thoái hóa, các pháp này đưa đến bền vững, các pháp này đưa đến thù thắng, các pháp này đưa đến thông suốt,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”

Phần giải thích nhóm bốn về ‘Đưa đến thoái hóa.’

(9)

Sự nhận định ở tai là ‘Tất cả các hành là vô thường, tất cả các hành là khổ não, tất cả các pháp là vô ngã,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?

Sự nhận định ở tai là ‘Sắc là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.

Sự nhận định ở tai là ‘ThọTưởngCác hành ThứcMắtLão tử là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Tất cả các hành là vô thường, tất cả các hành là khổ não, tất cả các pháp là vô ngã,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”

Phần giải thích nhóm ba về ‘Hiện tướng.’

 (10)

Sự nhận định ở tai là ‘Đây là chân lý cao thượng về Khổ, đây là chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ, đây là chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ, đây là chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?

Ở đây, chân lý cao thượng về Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?[51] Sanh là khổ, già cũng là khổ, chết cũng là khổ, sự sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng cũng là khổ, sự liên hệ với những gì không yêu thích là khổ, sự xa lìa với những gì yêu thích là khổ, mong muốn mà không đạt được cũng là khổ, tóm tắt lại năm thủ uẩn là khổ.

Ở đây, sanh là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự sanh ra, sự sanh khởi, sự hạ sanh, sự tái sanh, sự hiện khởi của các uẩn, sự thành tựu của các xứ đối với các chúng sanh ấy ở tập thể của các chúng sanh ấy, sự việc này được gọi là sanh.

Ở đây, già là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự già nua, sự hư hoại, sự rụng răng, tình trạng bạc tóc, da nhăn, sự rút ngắn tuổi thọ, sự suy nhược các căn đối với các chúng sanh ấy ở tập thể của các chúng sanh ấy, sự việc này được gọi là già.

Ở đây, chết là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự từ trần, sự tiêu hoại, sự phân rã, sự biến mất, sự tử, sự chết, sự hết thời kỳ, sự tan rã các uẩn, sự bỏ lại xác thân, sự gián đoạn các quyền đối với các chúng sanh ấy ở tập thể của các chúng sanh ấy, sự việc này được gọi là chết.

Ở đây, sầu muộn là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự sầu muộn, sự buồn rầu, trạng thái buồn phiền, sự sầu muộn ở nội tâm, sự buồn thảm ở nội tâm, nỗi ưu phiền do trạng thái bực bội ở tâm, sự sầu muộn ví như mũi tên của người bị tác động bởi sự rủi ro về thân quyến, bị tác động bởi sự rủi ro về của cải, bị tác động bởi sự rủi ro về tật bệnh, bị tác động bởi sự suy giảm về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc rủi ro khác, bị tác động bởi sự khổ đau này hoặc sự khổ đau khác; điều này được gọi là sầu muộn.

Ở đây, than vãn là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự phàn nàn, sự than vãn, sự kể lể, sự kêu gào, trạng thái kể lể, trạng thái kêu gào, lời nói lảm nhảm, sự lải nhải, sự rên rỉ, sự khóc than, trạng thái khóc than của người bị tác động bởi sự rủi ro về thân quyến, bị tác động bởi sự rủi ro về của cải, bị tác động bởi sự rủi ro về tật bệnh, bị tác động bởi sự suy giảm về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc rủi ro khác, bị tác động bởi sự khổ đau này hoặc sự khổ đau khác; điều này được gọi là than vãn.

Ở đây, khổ đau là (có ý nghĩa) thế nào? Điều nào là sự không thoải mái thuộc thân, khổ đau thuộc thân, được nhận biết là không thoải mái và khổ đau sanh lên do thân xúc, là cảm thọ không thoải mái và khổ đau sanh lên do thân xúc; điều này được gọi là khổ đau.

Ở đây, ưu phiền là (có ý nghĩa) thế nào? Điều nào là sự không thoải mái thuộc tâm, khổ đau thuộc tâm, được nhận biết là không thoải mái và khổ đau sanh lên do ý xúc, là cảm thọ không thoải mái và khổ đau sanh lên do ý xúc; điều này được gọi là ưu phiền.

Ở đây, thất vọng là (có ý nghĩa) thế nào? Điều nào là sự lo âu, sự thất vọng, sự bồn chồn, sự tuyệt vọng, trạng thái bồn chồn, trạng thái tuyệt vọng của người bị tác động bởi sự rủi ro về thân quyến, bị tác động bởi sự rủi ro về của cải, bị tác động bởi sự rủi ro về tật bệnh, bị tác động bởi sự rủi ro về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc rủi ro khác, bị tác động bởi khổ đau này hoặc khổ đau khác; điều này được gọi là thất vọng.

Ở đây, sự liên hệ với những gì không yêu thích là khổ là (có ý nghĩa) thế nào? Trong trường hợp này, điều nào sự giao tiếp, sự kết hợp, sự liên kết, tình trạng dính líu với các sắc, các thinh, các khí, các vị, các xúc khó chịu, khó ưa, không hợp ý, hoặc là với những người không tầm cầu điều hữu ích, không tầm cầu điều có lợi, không tầm cầu sự an lạc, không tầm cầu sự yên ổn khỏi các vướng bận; điều này được gọi là sự liên hệ với những gì không yêu thích là khổ.

Ở đây, sự xa lìa với những gì yêu thích là khổ là (có ý nghĩa) thế nào? Trong trường hợp này, điều nào là sự không giao tiếp, sự không kết hợp, sự không liên kết, tình trạng không dính líu với các sắc, các thinh, các khí, các vị, các xúc dễ chịu, đáng ưa, hợp ý, hoặc là với những người tầm cầu điều hữu ích, tầm cầu điều có lợi, tầm cầu sự an lạc, tầm cầu sự yên ổn khỏi các vướng bận, hoặc là với mẹ, với cha, với anh em trai, với chị em gái, với bạn bè, với thân hữu, với họ hàng, hay là với quyến thuộc; điều này được gọi là sự xa lìa với những gì yêu thích là khổ.

Ở đây, mong muốn mà không đạt được cũng là khổ là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với các chúng sanh là đối tượng của sự sanh có mong muốn khởi lên như vầy: “Ôi, ước sao chúng ta không là đối tượng của sự sanh! Và ước sao sự sanh không thể tác động đến chúng ta!” Tuy nhiên, điều ấy không thể đạt được do mong muốn, điều này chính là mong muốn mà không đạt được cũng là khổ. Đối với các chúng sanh là đối tượng của sự già …(như trên)… là đối tượng của sự bệnh …(như trên)… là đối tượng của sự chết …(như trên)… là đối tượng của sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng, “Ôi, ước sao chúng ta không là đối tượng của sự sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng! Và ước sao sự sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng không thể tác động đến chúng ta!” Tuy nhiên, điều ấy không thể đạt được do mong muốn; điều này chính là mong muốn mà không đạt được cũng là khổ.

Ở đây, tóm tắt lại năm thủ uẩn là khổ là (có ý nghĩa) thế nào? Tức là: sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn; các điều này tóm tắt lại được gọi là năm thủ uẩn là khổ. Điều này được gọi là chân lý cao thượng về Khổ.

Phần giải thích ‘Chân lý về Khổ.’

Ở đây, chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?

Điều này là ái đưa đến tái sanh, đi cùng với sự vui thích và tham ái, có sự thích thú nơi này nơi nọ, tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.[52] Vậy ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở đâu? Khi trụ lại thì trụ lại ở đâu? Ở đời, vật nào được yêu thích vật nào đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy.

Vậy ở đời, vật được yêu thích vật đem lại sảng khoái là gì? Ở đời, mắt là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy. Ở đời, tai …(như trên)… Ở đời, mũi …(như trên)… Ở đời, lưỡi …(như trên)… Ở đời, thân …(như trên)… Ở đời, ý là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy.

Ở đời, các sắc là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy. Ở đời, các thinh …(như trên)… Ở đời, các pháp …(như trên)… Ở đời, nhãn thức …(như trên)… Ở đời, ý thức …(như trên)… Ở đời, nhãn xúc …(như trên)… Ở đời, ý xúc …(như trên)… Ở đời, cảm thọ sanh lên do nhãn xúc …(như trên)… Ở đời, cảm thọ sanh lên do ý xúc …(như trên)… Ở đời, sắc tưởng …(như trên)… Ở đời, pháp tưởng …(như trên)… Ở đời, sắc tư …(như trên)… Ở đời, pháp tư …(như trên)… Ở đời, sắc ái …(như trên)… Ở đời, pháp ái …(như trên)… Ở đời, sắc tầm …(như trên)… Ở đời, pháp tầm …(như trên)… Ở đời, sắc tứ …(như trên)… Ở đời, pháp tứ là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy. Điều này được gọi là chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ.

Phần giải thích ‘Chân lý về Nhân Sanh (Khổ).’

Ở đây, chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?

Là sự ly tham ái và sự diệt tận hoàn toàn, là sự xả bỏ, là sự từ bỏ, là sự thoát khỏi, là sự không dính líu đối với chính ái ấy. Vậy ái ấy khi được dứt bỏ thì được dứt bỏ ở đâu? Khi được diệt tận thì được diệt tận ở đâu? Ở đời, vật nào được yêu thích vật nào đem lại sảng khoái, ái ấy khi được dứt bỏ thì được dứt bỏ ở nơi ấy, khi được diệt tận thì được diệt tận ở nơi ấy.

Vậy ở đời, vật được yêu thích vật đem lại sảng khoái là gì? Ở đời, mắt là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi được dứt bỏ thì được dứt bỏ ở nơi ấy, khi được diệt tận thì được diệt tận ở nơi ấy. …(như trên)… Ở đời, pháp tứ là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi được dứt bỏ thì được dứt bỏ ở nơi ấy, khi được diệt tận thì được diệt tận ở nơi ấy. Điều này được gọi là chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ.

Phần giải thích ‘Chân lý về Nhân Sanh (Khổ).’

Ở đây, chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?

Điều này chính là Thánh Đạo tám chi phần, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Ở đây, chánh kiến là (có ý nghĩa) thế nào? Là trí về Khổ, trí về nhân sanh Khổ, trí về sự diệt tận Khổ, trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ; điều này được gọi là chánh kiến.

Ở đây, chánh tư duy là (có ý nghĩa) thế nào? Là tư duy về sự thoát ly, tư duy về không sân độc, tư duy về không hãm hại; điều này được gọi là chánh tư duy.

Ở đây, chánh ngữ là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự ngăn ngừa việc nói láo, sự ngăn ngừa việc nói đâm thọc, sự ngăn ngừa việc nói độc ác, sự ngăn ngừa việc nói nhảm nhí; điều này được gọi là chánh ngữ.

Ở đây, chánh nghiệp là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự ngăn ngừa việc giết hại mạng sống, sự ngăn ngừa việc trộm cắp, sự ngăn ngừa hành động sai trái trong các dục; điều này được gọi là chánh nghiệp.

Ở đây, chánh mạng là (có ý nghĩa) thế nào? Trong Giáo Pháp này, vị đệ tử Phật dứt bỏ sự nuôi mạng sai trái và duy trì mạng sống bằng sự nuôi mạng chân chánh; điều này được gọi là chánh mạng.

Ở đây, chánh tinh tấn là (có ý nghĩa) thế nào? Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này khởi lên ước muốn về việc không làm sanh khởi của các ác bất thiện pháp chưa được sanh khởi, (vị ấy) cần mẫn, khởi sự tinh tấn, quyết tâm, nỗ lực, khởi lên ước muốn về việc dứt bỏ các ác bất thiện pháp đã được sanh khởi …(như trên) …, khởi lên ước muốn về việc làm sanh khởi các thiện pháp chưa được sanh khởi …(như trên) …, khởi lên ước muốn về việc duy trì, về sự không tiêu hoại, về tình trạng tăng trưởng, về sự lớn mạnh, về sự phát triển, về sự toàn vẹn của các thiện pháp đã được sanh khởi, (vị ấy) cần mẫn, khởi sự tinh tấn, quyết tâm, nỗ lực; điều này được gọi là chánh tinh tấn.

Ở đây, chánh niệm là (có ý nghĩa) thế nào? Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này sống có sự quán xét thân trên thân, với nhiệt tâm, tỉnh giác, có niệm, (vị ấy) có thể chế ngự tham đắm và ưu phiền ở chính bản thân. … có sự quán xét thọ trên các thọ, … có sự quán xét tâm trên tâm, … có sự quán xét pháp trên các pháp, với nhiệt tâm, tỉnh giác, có niệm, (vị ấy) có thể chế ngự tham đắm và ưu phiền ở chính bản thân; điều này được gọi là chánh niệm.

Ở đây, chánh định là (có ý nghĩa) thế nào? Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này ngay sau khi tách ly các dục, tách ly các bất thiện pháp, (vị ấy) đạt đến và an trú sơ thiền có tầm có tứ có hỷ lạc sanh lên do sự tách ly; do sự vắng lặng của tầm và tứ, (vị ấy) đạt đến và an trú nhị thiền với nội phần tĩnh lặng, có trạng thái nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc sanh lên do định; ly hỷ và ly tham ái (không còn tham muốn ở hỷ), (vị ấy) an trú xả, có niệm và tỉnh giác, và (vị ấy) cảm nhận lạc bằng thân, các bậc Thánh gọi điều ấy là: ‘Có xả, có niệm, trú vào lạc,’ (vị ấy) đạt đến và an trú tam thiền ấy; do sự dứt bỏ lạc và do sự dứt bỏ khổ, do sự biến mất của hỷ và ưu ngay trước đây, (vị ấy) đạt đến và an trú tứ thiền không khổ không lạc, có sự thanh tịnh của xả và niệm; điều này được gọi là chánh định. Điều này được gọi là chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.

Phần giải thích ‘Chân lý về Đạo.’

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Đây là chân lý cao thượng về Khổ, đây là chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ, đây là chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ, đây là chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”

Tuệ về sự ghi nhận ở tai là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) như thế.

Phần giải thích về ‘Bốn Chân Lý.’

Phần giải thích  ‘Trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.’

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo I“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda