Phân Tích Giới Tỳ Khưu I – Chương Nissaggiya Phẩm Y – Điều Học Về Đức Vua
Phân Tích Giới Tỳ Khưu I
Chương 5: Nissaggiya
Điều học về đức vua
- Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị quan đại thần, là người hộ độ cho đại đức Upananda con trai dòng Sakya, đã phái sứ giả đem tiền mua y đến đại đức Upananda con trai dòng Sakya (bảo rằng): – “Hãy mua y với số tiền mua y này rồi dâng y đến ngài đại đức Upananda.” Sau đó, người sứ giả ấy đã đi đến đại đức Upananda con trai dòng Sakya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sakya điều này: – “Thưa ngài, số tiền mua y này được dành riêng cho đại đức đã được mang lại. Xin đại đức hãy nhận lãnh tiền mua y.” Khi được nói như thế, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã nói với người sứ giả ấy điều này: – “Này đạo hữu, chúng tôi không nhận lãnh tiền mua y và chúng tôi chỉ nhận lãnh y đúng phép vào lúc hợp thời.” Khi được nói như thế, người sứ giả ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sakya điều này: – “Vậy có ai là người phục vụ cho đại đức không?” Vào lúc bấy giờ, có nam cư sĩ nọ đã đi đến tu viện do công việc cần làm nào đó. Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã nói với người sứ giả ấy điều này: – “Này đạo hữu, chính nam cư sĩ này là người phục vụ cho các tỳ khưu.” Sau đó, khi đã dặn dò nam cư sĩ ấy, người sứ giả ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sakya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sakya điều này: – “Thưa ngài, người phục vụ mà đại đức chỉ ra đã được tôi dặn dò. Đại đức hãy đi đến lúc đúng thời, người ấy sẽ dâng y cho ngài.”
- Vào lúc bấy giờ, vị quan đại thần ấy đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sakya (nhắn rằng): – “Thưa ngài, xin hãy sử dụng y ấy. Chúng tôi muốn y ấy được ngài đại đức sử dụng.” Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã không nói với nam cư sĩ ấy điều gì cả. Đến lần thứ nhì, vị quan đại thần ấy đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sakya (nhắn rằng): – “Thưa ngài, xin hãy sử dụng y ấy. Chúng tôi muốn y ấy được ngài đại đức sử dụng.” Đến lần thứ nhì, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã không nói với nam cư sĩ ấy điều gì cả. Đến lần thứ ba, vị quan đại thần ấy đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sakya (nhắn rằng): – “Thưa ngài, xin hãy sử dụng y ấy. Chúng tôi muốn y ấy được ngài đại đức sử dụng.”
- Vào lúc bấy giờ là ngày hội họp của thị trấn. Và thị trấn đã thực hiện quy định là: “Ai đi đến trễ bị phạt năm mươi tiền.” Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến đã nói với nam cư sĩ ấy điều này:
– “Này đạo hữu, tôi có nhu cầu về y.” – “Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay. Hôm nay là ngày hội họp của thị trấn. Và thị trấn đã thực hiện quy định là: ‘Ai đi đến trễ bị phạt năm mươi tiền.’” – “Này đạo hữu, hãy dâng y cho tôi ngay hôm nay,” rồi đã nắm lấy dây thắt lưng (của người ấy).” Khi ấy, nam cư sĩ ấy trong lúc bị đại đức Upananda con trai dòng Sakya ép buộc nên đã mua y cho đại đức Upananda con trai dòng Sakya và đã đi đến trễ. Dân chúng đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: – “Này ông, vì sao ông lại đi đến trễ? Ông đã bị mất năm mươi tiền.”
- Khi ấy, nam cư sĩ ấy đã kể lại sự việc ấy cho những người ấy. Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này thật ham muốn quá độ, không tự biết đủ. Không dễ gì mà phục vụ cho những người này! Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya khi được nam cư sĩ nói rằng: ‘Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay’ lại không chờ đợi?” Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya khi được nam cư sĩ nói rằng: ‘Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay’ lại không chờ đợi?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này Upananda, nghe nói ngươi khi được nam cư sĩ nói rằng: ‘Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay’ lại không chờ đợi, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi khi được nam cư sĩ nói rằng: ‘Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay’ lại không chờ đợi? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Trường hợp đức vua, hoặc quan triều đình, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ phái sứ giả đem số tiền mua y dành riêng cho vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy mua y với số tiền mua y này rồi hãy dâng đến vị tỳ khưu tên (như vầy).’ Nếu người sứ giả ấy đi đến gặp vị tỳ khưu ấy và nói như vầy: ‘Thưa ngài, số tiền mua y này được dành riêng cho đại đức đã được mang lại. Xin đại đức hãy nhận lãnh tiền mua y.’ Người sứ giả ấy nên được vị tỳ khưu ấy nói như vầy: ‘Này đạo hữu, chúng tôi không nhận lãnh tiền mua y và chúng tôi chỉ nhận lãnh y đúng phép vào lúc hợp thời.’ Nếu người sứ giả ấy nói với vị tỳ khưu ấy như vầy: ‘Vậy có ai là người phục vụ cho đại đức không?’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có sự cần dùng y nên chỉ ra người phục vụ là người phụ việc chùa hoặc là nam cư sĩ: ‘Này đạo hữu, đây chính là người phục vụ cho các tỳ khưu.’ Nếu người sứ giả ấy sau khi đã dặn dò người phục vụ ấy rồi đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy nói như vầy: ‘Thưa ngài, người phục vụ mà đại đức đã chỉ ra đã được tôi dặn dò. Đại đức hãy đi đến lúc đúng thời, người ấy sẽ dâng y cho ngài.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có sự cần dùng y sau khi đi đến gặp người phục vụ ấy rồi nên thông báo nên nhắc nhở hai hoặc ba lần: ‘Này đạo hữu, tôi có nhu cầu về y.’
Trong khi thông báo nhắc nhở hai hoặc ba lần, nếu đạt được y ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không đạt được thì nên đứng với trạng thái im lặng bốn lần, năm lần, tối đa là sáu lần. Trong khi đứng với trạng thái im lặng bốn lần, năm lần, tối đa là sáu lần, nếu đạt được y ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không đạt được rồi ra sức vượt quá số lần ấy và đạt được y ấy thì (y ấy) phạm vào nissaggiya và (vị ấy) phạm tội pācittiya. Nếu không đạt được thì tiền mua y đã được mang lại là của nơi nào thì nên đích thân đi đến nơi ấy, hoặc nên phái sứ giả đi đến (nói rằng): ‘Này quý vị, các người đã gởi đến số tiền mua y dành riêng cho vị tỳ khưu nào, số tiền ấy không có được chút gì lợi ích cho vị tỳ khưu ấy. Quý vị hãy thâu hồi lại vật của mình, chớ để vật của quý vị bị mất mát. Đây là điều đúng đắn trong trường hợp ấy.”
- Dành riêng cho vị tỳ khưu: vì nhu cầu của vị tỳ khưu, sau khi nghĩ đến vị tỳ khưu rồi có ý định dâng vị tỳ khưu.
Đức vua nghĩa là người nào cai trị vương quốc.
Quan triều đình nghĩa là người nào nhận lãnh bữa ăn và tiền lương của đức vua.
Bà-la-môn nghĩa là Bà-la-môn do sự sanh ra.
Gia chủ nghĩa là trừ ra các vị vua, các quan triều đình, các Bà-la-môn; những người còn lại gọi là gia chủ.
Số tiền mua y nghĩa là vàng, hoặc là tiền vàng, hoặc là ngọc trai, hoặc ngọc là ma-ni.
Với số tiền mua y này: với (số tiền) đã được sẵn sàng.
Sau khi mua y: sau khi trao đổi.
Hãy dâng đến: hãy trao cho.
Nếu người sứ giả ấy đi đến gặp vị tỳ khưu ấy và nói như vầy: ‘Thưa ngài, số tiền mua y này được dành riêng cho đại đức đã được mang lại. Xin đại đức hãy nhận lãnh tiền mua y.’ Người sứ giả ấy nên được vị tỳ khưu ấy nói như vầy: ‘Này đạo hữu, chúng tôi không nhận lãnh tiền mua y và chúng tôi chỉ nhận lãnh y đúng phép vào lúc hợp thời.’ Nếu người sứ giả ấy nói với vị tỳ khưu ấy như vầy: ‘Vậy có ai là người phục vụ cho đại đức không?’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có sự cần dùng y nên chỉ ra người phục vụ là người phụ việc chùa hoặc là nam cư sĩ: ‘Này đạo hữu, đây chính là người phục vụ cho các tỳ khưu.’ Không nên nói: ‘Hãy trao cho người ấy;’ hoặc ‘Người ấy sẽ cất giữ;’ hoặc ‘Người ấy sẽ trao đổi;’ hoặc ‘Người ấy sẽ mua.’
Nếu người sứ giả ấy sau khi đã dặn dò người phục vụ ấy rồi đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy nói như vầy: ‘Thưa ngài, người phục vụ mà đại đức đã chỉ ra đã được tôi dặn dò. Đại đức hãy đi đến lúc đúng thời, người ấy sẽ dâng y cho ngài.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có sự cần dùng y sau khi đi đến gặp người phục vụ ấy rồi nên thông báo, nên nhắc nhở hai hoặc ba lần: ‘Này đạo hữu, tôi có nhu cầu về y.’ Không nên nói: ‘Hãy dâng y cho tôi;’ ‘Hãy mang lại y cho tôi;’ ‘Hãy trao đổi y cho tôi;’ ‘Hãy mua y cho tôi.’ Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu đạt được (y), như thế việc này là tốt đẹp.
Nếu không đạt được thì sau khi đi đến nơi ấy nên đứng với trạng thái im lặng. Không nên ngồi xuống chỗ ngồi. Không nên thọ nhận vật thực. Không nên thuyết Pháp. Nếu được hỏi: ‘Ngài đã đi đến vì lý do gì?’ Nên nói rằng: ‘Này đạo hữu, ngươi hãy biết lấy.’ Nếu ngồi xuống chỗ ngồi, hoặc thọ nhận vật thực, hoặc thuyết Pháp, thì làm hỏng việc đứng. Lần thứ nhì, nên đứng. Lần thứ ba, nên đứng. Sau khi thông báo bốn lần, nên đứng bốn lần. Sau khi thông báo năm lần, nên đứng hai lần. Sau khi thông báo sáu lần thì không nên đứng. Nếu không đạt được rồi ra sức vượt quá số lần ấy và đạt được y ấy, trong lúc thực hiện thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa. Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy ―(như trên)― “Bạch các ngài, y này của tôi đã đạt được do sự thông báo quá ba lần và đứng quá sáu lần, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ―(như trên)― hội chúng nên cho lại ―(như trên)― chư đại đức nên cho lại ―(như trên)― “Tôi cho lại đại đức.”
Nếu không đạt được thì tiền mua y đã được mang lại là của nơi nào thì nên đích thân đi đến nơi ấy hoặc nên phái sứ giả đi đến (nói rằng): “Này quý vị, các người đã gởi đến số tiền mua y dành riêng cho vị tỳ khưu nào, số tiền ấy không có được chút gì lợi ích cho vị tỳ khưu ấy. Quý vị hãy thâu hồi lại vật của mình, chớ để vật của quý vị bị mất mát.”
Đây là điều đúng đắn trong trường hợp ấy: Đây là điều hợp lý trong trường hợp ấy.
- Với sự thông báo hơn ba lần, với việc đứng hơn sáu lần, nhận biết là đã vượt quá, vị đạt được thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Với sự thông báo hơn ba lần, với việc đứng hơn sáu lần, có sự hoài nghi, vị đạt được thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Với sự thông báo hơn ba lần, với việc đứng hơn sáu lần, (lầm) tưởng là chưa đủ, vị đạt được thì phạm tội nissaggiya pācittiya. Với sự thông báo chưa đủ ba lần, với việc đứng chưa đủ sáu lần, (lầm) tưởng là đã vượt quá, phạm tội dukkaṭa. Với sự thông báo chưa đủ ba lần, với việc đứng chưa đủ sáu lần, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Với sự thông báo chưa đủ ba lần, với việc đứng chưa đủ sáu lần, nhận biết là chưa đủ thì vô tội.
- Với sự thông báo ba lần, với việc đứng sáu lần, với sự thông báo chưa đủ ba lần, với việc đứng chưa đủ sáu lần, (người ấy) dâng khi chưa được thông báo, thí chủ dâng sau khi thông báo, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Dứt điều học về đức vua.
Phẩm Y là thứ nhất.
–ooOoo–
Tóm lược phần này
Kaṭhina đã hết hiệu lực có ba điều, việc giặt, và việc nhận lãnh, ba điều nữa về không phải là thân quyến, của cả hai, và bởi người sứ giả.
–ooOoo–
Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I
–ooOoo–
Người dịch: Tỳ khưu Indacanda – Nguồn TamtangPaliViet.net
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)