Phân Tích Giới Tỳ Khưu I – Chương Pārājika – Chuyện Con Khỉ Cái
Phân Tích Giới Tỳ Khưu I
Chương Pārājika
Chuyện Con Khỉ Cái
Vào lúc bấy giờ, tại Mahāvana ở Vesālī, có vị tỳ khưu nọ dùng thức ăn dụ dỗ con khỉ cái rồi thực hiện việc đôi lứa với nó. Khi ấy vào buổi sáng, vị tỳ khưu ấy đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Vesālī để khất thực.
Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu trong lúc đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu ấy. Con khỉ cái ấy đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy từ đàng xa đang đi lại, sau khi thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã lúc lắc hông ở phía trước các vị tỳ khưu ấy, đã lúc lắc đuôi, đã đưa hông ra, và đã làm dấu hiệu. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa, vị tỳ khưu ấy thực hiện việc đôi lứa với con khỉ cái này!” rồi đã nấp vào ở một bên. Sau đó, vị tỳ khưu ấy sau khi đi khất thực ở trong thành Vesālī đã mang đồ ăn khất thực quay trở về.
Khi ấy, con khỉ cái ấy đã đi đến gần vị tỳ khưu ấy. Rồi vị tỳ khưu ấy, sau khi thọ dụng đồ khất thực ấy một phần, đã cho con khỉ cái ấy một phần. Sau đó, khi đã ăn xong con khỉ cái ấy đã đưa hông ra cho vị tỳ khưu ấy. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy thực hiện việc đôi lứa với con khỉ cái ấy.
Rồi các vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này đại đức, chẳng phải điều học đã được đức Thế Tôn quy định hay sao? Này đại đức, tại sao đại đức lại thực hiện việc đôi lứa với con khỉ cái?” – “Này các đại đức, đúng vậy. Điều học đã được đức Thế Tôn quy định và điều ấy là với người nữ chứ không phải với thú cái.” – “Này đại đức, chẳng phải điều ấy là đúng như thế hay sao? Này đại đức, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này đại đức, tại sao đại đức sau khi xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời? Này đại đức, chẳng phải đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, ―(như trên)― đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao? Này đại đức, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này đại đức, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.” Sau đó, khi đã khiển trách vị tỳ khưu ấy bằng nhiều phương thức, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Khi đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi vị tỳ khưu ấy rằng:“Này tỳ khưu, nghe nói ngươi đã thực hiện việc đôi lứa với con khỉ cái, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
– “Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi sau khi xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời? Này kẻ rồ dại, không phải Ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, ―(như trên)― đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao?
Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong miệng của con rắn có nọc độc khủng khiếp còn là điều cao thượng, nhưng đặt dương vật vào trong âm vật của con khỉ cái là không (cao thượng). Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong miệng của con hắc xà còn là điều cao thượng, nhưng đặt dương vật vào trong âm vật của con khỉ cái là không (cao thượng). Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong hố than được đốt cháy có ngọn lửa sáng rực còn là điều cao thượng, chớ đặt dương vật vào trong âm vật của con khỉ cái là không (cao thượng). Điều ấy có lý do như thế nào? Này kẻ rồ dại, bởi vì do nguyên nhân kia[24] ngươi có thể đi đến cái chết hoặc khổ gần như chết, nhưng không vì nguyên nhân kia, khi tan rã thân xác và chết đi, ngươi lại có thể bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục. Này kẻ rồ dại, quả thật do nguyên nhân này,[25] khi tan rã thân xác và chết đi, ngươi có thể bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục.
Này kẻ rồ dại, thế mà ở đây lại là ngươi, tức là việc ngươi bị vướng vào việc kết hợp của hai người, theo từng cặp, ở nơi kín đáo, là việc làm không tốt đẹp, là việc làm của các dân làng, là việc làm của những người thấp kém, là xấu xa, kết cuộc phải dùng nước tẩy rửa. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này đại đức, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”
Sau đó, khi đã khiển trách vị tỳ khưu ấy bằng nhiều phương thức, đức Thế Tôn đã chê bai về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, sự khó khăn trong việc ăn uống, sự tầm cầu quá nhiều, sự không biết đủ, sự kết phe nhóm, sự biếng nhác; và bằng nhiều phương thức Ngài đã ngợi khen về sự dễ dàng trong việc cấp dưỡng, sự dễ dàng trong việc ăn uống, sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức nỗ lực. Ngài đã nói Pháp thoại thích đáng và phù hợp cho các tỳ khưu rồi đã bảo các tỳ khưu rằng:
“Này các tỳ khưu, như thế thì Ta sẽ quy định điều học cho các tỳ khưu vì mười điều lợi ích: Nhằm sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm sự an lạc cho hội chúng, nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện, nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai, nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin, nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào thực hiện việc đôi lứa ngay cả với loài thú cái là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
[Sự quy định lần hai]
Dứt chuyện con khỉ cái.
–ooOoo–
[16] Dịch sát từ sẽ là: “Sau khi nhìn thấy, điều này đã khởi đến anh ta: …”
[17] Y paṃsukūla: y được may bằng vải dơ bị người ta quăng bỏ, thông thường là vải quấn tử thi được tìm thấy ở bãi tha ma (ND).
[18] Ngài Buddhaghosa giải thích ở Chú Giải Samantapāsādikā rằng đã tám năm trôi qua nên người nữ tỳ không thể nhận ra đại đức Sudinna mà chỉ nhận biết qua các đặc điểm của tay, chân, và giọng nói. Thêm vào đó còn cho biết vị Sudinna đã xuất gia vào năm thứ mười hai của đức Thế Tôn và thời điểm xảy ra câu chuyện này là năm thứ hai mươi (VinA. i, 208).
[19] Theo ngài Buddhaghosa cho biết, hai mẹ con đã xuất gia sau đó khoảng bảy hoặc tám năm (VinA. i,215).
[20] Là việc đặt dương vật vào trong miệng của con rắn có nọc độc khủng khiếp, vào trong miệng của con hắc xà, vào trong hố than được đốt cháy có ngọn lửa sáng rực (ND).
[21] Là việc đặt dương vật vào trong âm vật của người nữ (ND).
[22] Chánh Pháp (saddhamma): Ngài Buddhaghosa giải thích saddhamma gồm có ba phần: Pariyattisaddhamma (Pháp Học) gồm tất cả các lời dạy của đức Phật đã được kết tập thành Tam Tạng,Paṭipattisaddhamma (Pháp Hành) là 13 pháp Đầu-đà, 14 pháp hành, 82 phận sự chính, Giới, Định, và Minh Sát, Adhigamasaddhamma (Pháp Đắc Chứng) là 4 Đạo, 4 Quả, và Niết Bàn (VinA. i, 225). Giải thích về 82 phận sự chính Ṭīkā (Sớ Giải) ghi rằng: 66 phận sự của vị hành parivāsa (bắt đầu với điều “Không nên ban phép tu lên bậc trên, …, không nên đi kinh hành ở đường kinh hành trong khi vị tỳ khưu trong sạch đi kinh hành ở trên mặt đất”); không ngụ chung với 5 hạng tỳ khưu (vị cũng thực hànhparivāsa nhưng thâm niên hơn, vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, vị tỳ khưu xứng đáng hành mānatta, vị đang thực hành mānatta, vị xứng đáng sự giải tội) tính là 5 điều thành 71; “không nên tiếp nhận sự đảnh lễ, sự đứng dậy, …, sự kỳ cọ lưng trong khi tắm của các vị tỳ khưu trong sạch” tính là 1 điều thành 72; “không nên bôi nhọ vị tỳ khưu trong sạch với sự hư hỏng về giới, v.v…” tính là 10 điều; tổng cộng là 82 phận sự.
[23] Từ “bất cộng trụ” đã được sử dụng quen thuộc khi đề cập đến tội pārājika. Thật ra, “bất cộng trụ” là từ dịch của asaṃvāso trong câu “ayampi pārājiko hoti asaṃvāso,” chứ không phải của pārājika. Pārājikađược xem là tên của tội, còn asaṃvàso có thể xem như là một hình thức xử lý tội pārājika, là không được sống chung và tiến hành các hành sự như là lễ Uposatha, lễ Parāraṇā, v.v… Ngài Buddhaghosa chỉ ra động từ liên quan là “parājeti = khuất phục, đánh bại, chế ngự, chiến thắng” và giải thích rằng vị “pārājiko” là vị “parājito,” (parājito là quá khứ phân từ thể thụ động của parājeti, có nghĩa là: bị khuất phục, bị đánh bại, bị chế ngự). Như vậy, pārājika có nghĩa là “kẻ thất trận, kẻ bại trận người thua cuộc” và được sử dụng cho tên của một loại tội cực nặng trong giới bổn Pātimokkha của tỳ khưu gồm 4 điều được trình bày trong chương này. Chúng tôi giữ nguyên từ pārājika không dịch.
[24] Nguyên nhân kia đã được giải thích ở phần trước.
[25] Nguyên nhân này là việc đặt dương vật vào trong âm vật của con khỉ cái (ND).
[26] Adhisīla: Tăng thượng giới là giới bổn Pātimokkha. Adhicitta: Tăng thượng tâm là sự tu tập các loại định hợp thế. Adhipaññā: Tăng thượng tuệ là sự tu tập (các tâm) Đạo Siêu Thế (VinA. i, 244-245).
[27] Từ Pāli paṇḍaka là đề cập đến người phái nam. Về phái nữ, các từ được tìm thấy là paṇḍikā, itthipaṇḍikā, itthipaṇḍaka. Từ tiếng Anh tương đương là eunuch được dịch sang tiếng Việt là “hoạn quan, thái giám.” Từ “bị thiến” đã được dùng đến trong một số bản dịch trước đây. Lâu nay, chúng tôi hiểu theo ý nghĩa thông thường đó. Gần đây, chúng tôi tìm thấy từ jātipaṇḍaka mới biết thêm được là có hạng người paṇḍaka bẩm sanh. Dựa theo phần giảng giải của giới pārājika thứ nhất này, chúng tôi có được khái niệm là hạng này không có bộ phận sinh dục, còn việc xác định nam hay nữ là do các đặc tính khác như vóc dáng, bộ ngực, giọng nói, v.v… Về tâm sinh lý, trong Mahāvagga – Đại Phẩm thuộc tạng Luật có câu chuyện đề cập đến bản chất ham muốn về nhục dục của hạng người này. Chúng tôi tạm dịch là “vô căn” cho hạng người không có bộ phận sinh dục này cho dù là bẩm sinh hay bị thiến.
[28] Bhikkhupaccatthikā được Ṭīkā (Sớ Giải) giải thích là “các kẻ đối nghịch của tỳ khưu,” còn ngài Buddhaghosa thiên về ý “các tỳ khưu đối nghịch.” Theo văn phạm, hai cách dịch trên đều có khả năng tùy theo cách phân tích hợp từ bhikkhupaccatthikā là tappurisa hay kammadhāraya. Sự chọn lựa của ngài Buddhaghosa có phần hợp lý hơn, xin xem giải thích ở phần kế.
[29] Nếu ở trên dịch hợp từ bhikkhupaccatthikā là “các kẻ đối nghịch của tỳ khưu” thì ở đây phải dịch rājapaccatthikā là “các kẻ đối nghịch của vị vua” xét ra không hợp lý. Chính vì ở đây phải dịch là “các vị vua đối nghịch” nên có thể xác định ý nghĩa cho từ bhikkhupaccatthikā ở trên là “các tỳ khưu đối nghịch.”
[30] Lúc này, vị tỳ khưu ni Uppalavaṇṇa đã là vị A-la-hán. Còn người thanh niên ấy khi vừa đi khuất tầm mắt của vị tỳ khưu ni thì quả địa cầu đã nứt tạo ra lỗ hổng hút vào lòng đất như thể quả địa cầu này không thể nâng đỡ nỗi kẻ độc ác ấy. Anh ta lập tức bị đọa vào địa ngục Avīci và ở vào trạng thái bị lửa địa ngục thiêu đốt (VinA. i, 273)
[31] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng vị này đẹp trai (sundara) và là vị Bất Lai nên không còn ưa thích về việc đôi lứa (VinA. i, 278).
Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I
–ooOoo–
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)