Tiểu Bộ – Chuyện Ngạ Quỷ – Mục Lục & Giới Thiệu
MAIN CONTENT
TAM TẠNG PĀLI – VIỆT
Tập 30
CHUYỆN NGẠ QUỶ
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
MỤC LỤC
*****
LỜI GIỚI THIỆU
1. PHẨM RẮN
1. Chuyện ngạ quỷ ví như cánh đồng
2. Chuyện ngạ quỷ mõm heo
3. Chuyện ngạ quỷ miệng thối
4. Chuyện ngạ quỷ hình nộm bằng bột
5. Chuyện ngạ quỷ ở bên kia bức tường
6. Chuyện ngạ quỷ ăn năm đứa con trai
7. Chuyện ngạ quỷ ăn bảy đứa con trai
8. Chuyện ngạ quỷ bò đực
9. Chuyện ngạ quỷ và người chủ thợ dệt
10. Chuyện ngạ quỷ sói đầu
11. Chuyện ngạ quỷ voi
12. Chuyện ngạ quỷ rắn
***
2. PHẨM UBBARĪ
1. Chuyện ngạ quỷ Saṃsāramocaka
2. Chuyện ngạ quỷ – Mẹ của trưởng lão Sāriputta
3. Chuyện ngạ quỷ Mattā
4. Chuyện ngạ quỷ Nandā
5. Chuyện ngạ quỷ Maṭṭakuṇḍalī
6. Chuyện ngạ quỷ của Kaṇha
7. Chuyện ngạ quỷ Dhanapāla
8. Chuyện ngạ quỷ Cullaseṭṭhi
9. Chuyện ngạ quỷ của Aṅkura
10. Chuyện ngạ quỷ – Mẹ của Uttara
11. Chuyện ngạ quỷ sợi chỉ
12. Chuyện ngạ quỷ ở hồ Kaṇṇamuṇḍa
13. Chuyện ngạ quỷ của Ubbarī
***
3. TIỂU PHẨM
1. Chuyện ngạ quỷ không làm (mặt) nước bị vỡ ra
2. Chuyện ngạ quỷ ở núi Sānuvāsī
3. Chuyện ngạ quỷ ở hồ Rathakāra
4. Chuyện ngạ quỷ vỏ trấu
5. Chuyện ngạ quỷ về đứa bé trai
6. Chuyện ngạ quỷ Seriṇī
7. Chuyện ngạ quỷ người thợ săn thú
8. Chuyện ngạ quỷ người thợ săn thú thứ nhì
9. Chuyện ngạ quỷ có sự quyết đoán sái quấy
10. Chuyện ngạ quỷ do chê bai xá-lợi
***
4. ĐẠI PHẨM
1. Chuyện ngạ quỷ của Ambasakkhara
2. Chuyện ngạ quỷ Serissaka
3. Chuyện ngạ quỷ Nandaka
4. Chuyện ngạ quỷ Revatī
5. Chuyện ngạ quỷ Mía
6. Chuyện ngạ quỷ hai người thanh niên
7. Chuyện ngạ quỷ con trai của đức vua
8. Chuyện ngạ quỷ ăn phân
9. Chuyện nữ ngạ quỷ ăn phân
10. Chuyện ngạ quỷ nhóm
11. Chuyện ngạ quỷ ở Pāṭaliputta
12. Chuyện ngạ quỷ ở hồ sen
13. Chuyện ngạ quỷ ở cây xoài
14. Chuyện ngạ quỷ gom góp của cải
15. Chuyện ngạ quỷ các con trai nhà triệu phú
16. Chuyện ngạ quỷ với sáu mươi ngàn quả búa tạ
LỜI GIỚI THIỆU
Petavatthupāḷi là tập thứ bảy thuộc Khuddakanikāya – Tiểu Bộ, Suttantanikāya – Tạng Kinh. Tập Kinh Petavatthupāḷi kể lại các câu chuyện (vatthu) của hạng chúng sanh gọi là peta. Từ peta được phân tích theo văn phạm như sau: pa + ita, với ita là quá khứ phân từ của động từ gốc √i (đi, di chuyển) cộng thêm vào tiếp đầu ngữ pa. Peta có ý nghĩa căn bản là “đã ra đi,” nghĩa là “đã quá vãng, đã chết.” Cụ thể hơn, peta là tên gọi của hạng chúng sanh đã bị đọa vào cảnh giới pettivisaya,[1] luôn có trạng thái bị đói, khát, rách rưới, thiếu thốn, khổ sở; trong ngữ cảnh này peta được dịch sang tiếng Việt là “ngạ quỷ” hay “quỷ đói.” Tập Kinh này còn đề cập đến một hạng peta khác nữa là vimānapeta, tạm dịch là “quỷ thần;” hạng này mặc dầu phải chịu đựng khổ đau nhưng do thiện nghiệp đã tạo trong quá khứ nên cũng được hưởng phần nào phước báu cõi Trời và còn đạt được quyền lực lớn lao (mahiddhikā) của chư Thiên nữa. Các tài liệu tiếng Anh trước đây ghi nghĩa peta là “hungry ghost” (ma đói), nhưng về sau này một số học giả giữ nguyên từ peta ở văn bản, không dịch. Về tiếng Việt, các dịch giả trước đây đã dịch tựa đề Petavatthu là Ngạ Quỷ Sự hoặc Chuyện Ngạ Quỷ; chúng tôi mạn phép sử dụng tựa đề Chuyện Ngạ Quỷ cho tập Kinh này.
Chú giải của tập Kinh Petavatthupāḷi – Chuyện Ngạ Quỷ có tên là Petavatthu-aṭṭhakathā. Thêm vào đó, ở phần kết thúc của tập Chú Giải này còn thấy đề cập đến hai tên gọi khác nữa là Paramatthadīpanī vàPetavatthu-aṭṭhasaṃvaṇṇanā. Chú Giải thuật lại câu chuyện và cung cấp nhiều chi tiết bổ sung cho phần kệ ngôn ở Chánh Tạng, xen kẻ vào đó là lời giải thích ý nghĩa của một số từ đã được chọn lọc. Được biết Chú Giải này đã được Ngài Dhammapāla thực hiện trong lúc ngụ tại tu viện Badaratitthavihāra.
Tập Kinh Petavatthupāḷi – Chuyện Ngạ Quỷ gồm có bốn phẩm (vagga) được liệt kê chi tiết như sau:
1. Uragavaggo – Phẩm Rắn có 12 câu chuyện,
2. Ubbarīvaggo – Phẩm Ubbarī có 13 câu chuyện,
3. Cūḷavaggo – Tiểu Phẩm có 10 câu chuyện,
4. Mahāvaggo – Đại Phẩm có 16 câu chuyện.
Tổng cộng có 51 câu chuyện và số lượng các kệ ngôn ở văn bản Pali-Sinhala được ghi nhận là 823.
Về nội dung, tập Kinh Petavatthupāḷi – Chuyện Ngạ Quỷ được trình bày một cách sinh động thông qua hình thức vấn đáp. Nhân vật đưa ra các câu hỏi đã được xác định ở Chánh Tạng gồm có đức Phật, trưởng lão Nārada, và trưởng lão Sāriputta. Chú Giải cung cấp thêm hai vị nữa là trưởng lão Moggallāna và đức vua Ajātasattu. Các câu trả lời là do chính các ngạ quỷ đã nói lên. Ở một số câu chuyện, còn có các kệ ngôn của các vị Trưởng Lão đã tham gia cuộc kết tập thêm vào để giải thích hoặc kết luận sự việc.
Việc bố thí để hồi hướng đến các ngạ quỷ được trình bày ở câu chuyện đầu tiên qua sự so sánh với các yếu tố của việc trồng trọt: hạt giống tốt (vật thí) được gieo ở các cánh đồng màu mỡ (các bậc A-la-hán) thì mùa màng sẽ được bội thu và các nông phu (thí chủ và các ngạ quỷ được chỉ định) sẽ thành tựu phước báu (1. 1). Các yếu tố trong ví dụ này được phân tích chi tiết hơn ở câu chuyện về Aṅkura (2. 9). Chúng tôi sẽ tuần tự trình bày một cách chi tiết hơn theo các tiêu đề dưới đây:
– Vật thí: Tùy theo vật cúng dường mà hàng ngạ quỷ được thành tựu kết quả tương xứng. Việc giúp đỡ cho các ngạ quỷ thoát khỏi khổ đau vật chất như là cơm ăn, nước uống, áo mặc, luôn cả nhà cửa trú ngụ và phương tiện đi lại, v.v… thì không thể san sẻ trực tiếp mà phải được bố thí dâng cúng qua một đối tượng trung gian. Sau khi bố thí và có sự hồi hướng thì ngay lập tức có sự thành tựu đến các ngạ quỷ đã được chỉ định (1. 4, 1. 5, 1. 10, 1. 12, 2. 1, 2. 2, 2. 3, 2. 4, 2. 5, 2. 6, 2. 8, 3. 1, 3. 2, 4. 1, 4. 3, 4. 12). Điểm quan trọng cần được lưu ý là việc khóc than thương tiếc đến người đã quá vãng là vô ích bởi vì người đã quá vãng không nghe hoặc hay biết điều ấy (1. 4, 1. 5, 1. 12).
– Đối tượng xứng đáng thọ nhận: gồm có Hội Chúng tỳ khưu (1. 4, 1. 5), các bậc A-la-hán (1. 1, 4. 1), và luôn cả các cư sĩ có niềm tin, đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác (1. 10, 3. 1). Yếu tố về đối tượng thọ thí được nêu bật ở Aṅkurapetavatthu – Chuyện Ngạ Quỷ của Aṅkura. Aṅkura đã tiến hành cuộc đại thí trong khoảng thời gian dài đến nhiều hạng người, còn Indaka đã dâng chỉ một muỗng thức ăn đến ngài trưởng lão Anuruddha; tuy nhiên Indaka đã sáng chói vượt trội Aṅkura về mười phương diện (2. 9). Đặc biệt có một câu chuyện mỉa mai rằng sự bố thí đến các vị Bà-la-môn không đem lại kết quả gì cho các ngạ quỷ (2. 8).
– Thí chủ: làm việc phước thiện để hồi hướng đến các ngạ quỷ không hẳn phải là thân bằng quyến thuộc. Các thí chủ làm phước rồi hồi hướng đến các ngạ quỷ không có sự liên hệ huyết thống cũng thành tựu. Để phước báu được trọn vẹn, yếu tố tâm lý của người thí chủ trong ba thời được xác định rõ: “Ngay trước khi bố thí có tâm hoan hỷ, trong khi bố thí nên làm cho tâm được tịnh tín, và sau khi đã bố thí có tâm hoan hỷ; điều ấy là sự thành công của việc dâng hiến” (câu kệ 307).
– Ngạ quỷ: Việc bị tái sanh trong cảnh giới ngạ quỷ phần lớn do việc đã không biết tích lũy phước thiện lúc làm người ở nhân gian, hoặc do đã có những ác nghiệp như bỏn xẻn, mắng nhiếc, chê bai người khác. Hãy xem kết quả tương phản của hai hạng người (2. 3, 3. 1, 3. 10), thậm chí các người con dầu có nhiều thiện sự cũng không giúp gì cho các bậc cha mẹ không biết tùy hỷ (1. 11), hay vợ chồng cũng vậy (4. 4).
– Hạng vimānapeta (quỷ thần): được hưởng một phần hạnh phúc do thiện nghiệp và một phần khổ đau do ác nghiệp đã làm đời trước (1.2, 1. 3, 1. 10, 2. 9, 2. 12, 3. 1, 3. 7, 3. 8, 3. 9, 4. 1, 4. 3). Có những câu chuyện nêu rõ sự phân minh về lãnh vực phước tội như người thiếu nữ có tâm tịnh tín đã bố thí chiếc bánh mè đến vị tỳ khưu đang đi du hành nên được sanh lên ở Thiên cung xinh đẹp nhưng lại không có vải vóc che thân (1. 10), hoặc người đã bố thí mía với tâm miễn cưỡng nên thành tựu quả báo là có được vườn mía bao la nhưng không thể hưởng dụng được (4. 5). Đặc điểm là hạng quỷ thần này còn biết khuyến khích, giáo hóa cho loài người nữa (3. 6, 4. 1, 4. 2, 4. 3, 4. 11).
– Hạng peta (người quá vãng) cũng được đề cập đến như chàng thanh niên Sujāta khuyên lơn người cha không nên khóc lóc thương tiếc ông nội đã quá vãng (1. 8), các lời phát biểu của thân quyến về việc từ trần của người thân trong gia đình (1. 12), Thiên nhân Maṭṭakuṇḍalī khuyên cha không nên sầu muộn vì việc người con trai đã từ trần (2. 5), Ghaṭa khuyên người anh trai Kaṇha bớt sầu muộn về cái chết của con trai (2. 6), việc một đứa bé trai vừa sanh ra đã bị quăng bỏ ở bãi tha ma nhưng vẫn sống sót và trở nên giàu có do việc làm tội và phước đã tạo ở kiếp trước đó (3. 5), về những hình ảnh của người bị lôi kéo vào địa ngục và thời gian dài phải chịu đựng ở nơi đó (4. 4, 4. 15), sự lập đi lập lại của kiếp sống trong tiến trình luân hồi (2. 13). Đa số các trường hợp bị trở thành ngạ quỷ do nghiệp ác đã tạo khi làm con người ở vào kiếp sống trước đó, nhưng cũng có trường hợp kẻ bị đọa đày phải trải qua thời kỳ khổ đau ở địa ngục rồi mới tái sanh vào cảnh giới ngạ quỷ (4. 7).
Điểm đáng lưu ý ở đây là các câu chuyện Maṭṭakuṇḍalīpetavatthu – Chuyện Ngạ Quỷ Maṭṭakuṇḍalī (2. 5), Serissakapetavatthu – Chuyện Ngạ Quỷ Serissaka (4. 2), và Revatīpetivatthu – Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Revatī (4. 4) cũng được tìm thấy ở Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung. Thêm nữa, hai câu chuyện Suttapetavatthu – Chuyện Ngạ Quỷ Sợi Chỉ (2. 11) và Rathakārapetavatthu – Chuyện Ngạ Quỷ ở Hồ Rathakāra (3. 3) lẽ ra nên được xếp vào Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung thay vì ở tập Kinh này.
Tập Kinh Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung và Petavatthupāḷi – Chuyện Ngạ Quỷ được trình bày song đôi với nhau vì cả hai đều liên quan đến việc tái sanh luân hồi (saṃsāra), nghiệp (kamma) và quả thành tựu của Nghiệp (kammavipāka). Điểm khác biệt quan trọng so sánh với các văn bản khác thuộc Tam Tạng Pāḷi là hai tập Kinh này tập trung vào chủ đề nghiệp quả và luân hồi, trong khi đó mục tiêu về việc giải thoát Niết Bàn đã không được chú trọng. Nói rõ hơn là hai tập Kinh này khuyến khích chúng sanh tích cực tránh ác hành thiện để khỏi phải đọa vào khổ cảnh, để được thọ hưởng phước báu nhân thiên ở ngày vị lai, trong khi đó giáo lý chủ yếu của đức Phật là đoạn trừ ô nhiễm giải thoát Niết Bàn. Chú Giải Tạng LuậtSamantapāsādikā có ghi lại việc Trưởng Lão Mahinda thuộc phái đoàn truyền giáo đến đảo Tích Lan vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên cũng đã thuyết giảng Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung và Petavatthupāḷi – Chuyện Ngạ Quỷ đến đức vua Devānampiyatissa cùng với đoàn tùy tùng (VinA. 1, tr. 80).
Về hình thức, tập Kinh Petavatthupāḷi – Chuyện Ngạ Quỷ được viết theo thể kệ thơ (gāthā), mỗi kệ ngôn gồm có bốn pāda được trình bày thành hai dòng. Ở đây, có những câu chuyện dài như Aṅkurapetavatthu (2.9) có 76 kệ ngôn và Ambasakkharapetavatthu (4. 1) có 87 kệ ngôn. Một số câu chuyện rất ngắn chỉ có một kệ ngôn (4. 13, 4. 14). Đa số các kệ ngôn của tập Kinh này làm theo thể thông dụng thường gặp gồm có tám âm cho mỗi pāda; tuy nhiên các thể khác phức tạp hơn cũng được tìm thấy. Trong đa số trường hợp, hai dòng kệ ngôn gồm bốn pāda là được hoàn chỉnh về ý nghĩa, nhưng cũng có một vài trường hợp ý nghĩa được nối từ kệ ngôn này sang kệ ngôn khác; trong trường hợp như vậy, có lúc chúng tôi dịch chung các câu kệ có liên quan với nhau nếu vị trí sắp xếp các đoạn văn không thuận tiện, còn đối với các trường hợp khác, chúng tôi sử dụng dấu ba chấm (…) ở cuối câu kệ trước và ở đầu câu kệ sau để báo hiệu sự tiếp nối.
Văn bản Pāḷi Roman trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka. Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành tâm tán dương công đức của Ven. Mettāvihārī đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet. Điểm đóng góp của chúng tôi trong việc thực hiện văn bản Pāḷi Roman này là những điểm khác biệt về văn tự ở Tam Tạng của các nước Thái Lan, Miến Điện, và Anh Quốc được ghi ở phần cước chú đã được so sánh kiểm tra lại, đồng thời đã bổ sung thêm một số điểm khác biệt phát hiện được trong lúc so sánh các văn bản với nhau.
Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, chúng tôi đã ghi nghĩa Việt của các kệ ngôn bằng văn xuôi nhằm diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của văn bản gốc. Có một số từ, do việc không tìm ra được nghĩa Việt, như trường hợp tên các loại thảo mộc nên đã được giữ nguyên từ Pāli. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này, đồng thời tạo sự thuận tiện cho công việc hiệu đính trong tương lai. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Thượng Tọa Bửu Hiền – Trụ Trì Chùa Pháp Bảo Mỹ Tho, Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Đại Học Peradeniya – Sri Lanka, gia đình Tu Nữ Khemā và Tu Nữ Vīrā, Cô Phạm Thu Hương (Hồng Kông), gia đình Phật tử Hoàng Thị Lựu (Đà Nẵng). Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không quên ghi nhận sự nhiệt tình của Sư Cô Mỹ Thúy, các Phật tử Nguyễn Tung Thiên, Trương Hồng Hạnh, và Nguyễn Hiếu đã sắp xếp thời gian để đọc lại bản thảo một cách kỹ lưỡng và đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt.
Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi – Việt được tồn tại và phát triển. Mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Chúng tôi xin thành kính tri ân công đức của Ngài Hòa Thượng Ven. Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, tu viện trưởng tu viện Sri Jayawardhanaramaya Colombo 8 – Sri Lanka, đã cung cấp trú xứ và các vật dụng cần thiết giúp cho chúng tôi có thể tập trung toàn thời gian cho công việc thực hiện tập Kinh này.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 06 tháng 04 năm 2012
Tỳ Khưu Indacanda (Trương Đình Dũng)
[1] Bốn đọa xứ (apāyabhūmi): địa ngục (niraya), súc sanh (tiracchānayoni), ngạ quỷ (pettivisaya), và A-tu-la (asurakāya).