Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy – Nhóm Một Pháp

PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY

NHÓM MỘT PHÁP 

PHẨM THỨ NHẤT

1. 1. 1. KINH THAM

[1]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, tham là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do tham nào chúng sinh bị khởi tham rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về tham ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 2. KINH SÂN

[2]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, sân là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do sân nào chúng sinh bị sân hận rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sân ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 3. KINH SI

[3]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, si là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. “Do si nào chúng sinh bị si mê rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về si ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 4. KINH GIẬN DỮ

[4]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, giận dữ là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do sự giận dữ nào chúng sinh bị tức giận rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sự giận dữ ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 5. KINH GIÈM PHA

[5]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, gièm pha là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”

 Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do sự gièm pha nào chúng sinh gièm pha rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sự gièm pha ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 6. KINH NGÃ MẠN

[6]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, ngã mạn là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do ngã mạn nào chúng sinh bị đắm say rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về ngã mạn ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 7. KINH BIẾT TOÀN DIỆN TẤT CẢ

[7]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện tất cả, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ (vô minh, ái, thủ), thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện tất cả, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ (vô minh, ái, thủ), thì có thể diệt trừ khổ đau.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Người nào biết tất cả về mọi phương diện, không bị ái luyến ở tất cả các pháp, chắc hẳn rằng sau khi biết toàn diện tất cả, người ấy đã vượt qua tất cả khổ đau.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 8. KINH BIẾT TOÀN DIỆN NGÃ MẠN

[8]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện ngã mạn, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện ngã mạn, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Các sinh mạng này sở hữu ngã mạn, bị trói buộc bởi ngã mạn, thích thú ở hữu, trong khi không biết toàn diện ngã mạn là những người đi đến sự hiện hữu lại nữa.

Còn những ai đã dứt bỏ ngã mạn, được giải thoát ở sự diệt trừ hoàn toàn ngã mạn, họ là những người chiến thắng sự trói buộc của ngã mạn, đã vượt qua tất cả khổ đau.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 9. KINH BIẾT TOÀN DIỆN THAM

[9]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện tham, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện tham, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do tham nào chúng sinh bị khởi tham rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về tham ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 1. 10. KINH BIẾT TOÀN DIỆN SÂN

[10]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện sân, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện sân, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do sân nào chúng sinh bị sân hận rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sân ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

Phẩm Người Bảo Đảm là thứ nhất.

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Tham, sân, rồi si, giận dữ, gièm pha, ngã mạn, tất cả,

từ ngã mạn, tham, sân đã được trình bày lần nữa, gọi là phẩm thứ nhất.

–ooOoo–

PHẨM THỨ NHÌ

1. 2. 1. KINH BIẾT TOÀN DIỆN SI

[11]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện si, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện si, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do si nào chúng sinh bị si mê rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về si ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 2. KINH BIẾT TOÀN DIỆN GIẬN DỮ

[12]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện giận dữ, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện giận dữ, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do sự giận dữ nào chúng sinh bị tức giận rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sự giận dữ ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 3. KINH BIẾT TOÀN DIỆN GIÈM PHA

[13]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện gièm pha, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện gièm pha, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Do sự gièm pha nào chúng sinh gièm pha rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sự gièm pha ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 4. KINH CHE LẤP BỞI VÔ MINH

[14]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, Ta không nhận thấy một sự che lấp nào khác, mà bị che lấp bởi sự che lấp ấy các sinh mạng rong ruổi luân chuyển một thời gian dài, này các tỳ khưu như là sự che lấp bởi vô minh. Này các tỳ khưu, chính vì bị che lấp bởi sự che lấp bởi vô minh, các sinh mạng rong ruổi luân chuyển một thời gian dài.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Không có một pháp nào khác, mà các sinh mạng bị che lấp như thế bởi nó, phải luân chuyển ngày và đêm, như là bị che khuất bởi si mê.
  1. Còn những ai đã dứt bỏ si mê và đã phá vỡ khối đống tăm tối, những người ấy không luân chuyển trở lại; nhân của những người ấy không tìm thấy.

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 5. KINH RÀNG BUỘC BỞI THAM ÁI

[15]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, Ta không nhận thấy một sự ràng buộc nào khác, mà bị ràng buộc bởi sự ràng buộc ấy các sinh mạng rong ruổi luân chuyển một thời gian dài, này các tỳ khưu như là sự ràng buộc bởi tham ái. Này các tỳ khưu, chính vì bị ràng buộc với sự ràng buộc bởi tham ái, chúng sinh rong ruổi luân chuyển một thời gian dài.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Có tham ái là bạn lữ, trong khi luân chuyển một thời gian dài đến cõi này và cõi khác, con người không vượt qua được luân hồi.
  2. Sau khi biết được sự bất lợi như vậy, (biết được) tham ái là nguồn sanh khởi của khổ, vị tỳ khưu, đã xa lìa tham ái, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 6. KINH HỮU HỌC – THỨ NHẤT

[16]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu là bậc hữu học, còn chưa đạt được mục đích, đang sống, đang ước nguyện sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc, Ta không nhận thấy một yếu tố nào khác sau khi tạo thành yếu tố ở nội phần có nhiều sự hỗ trợ như vầy, này các tỳ khưu như là tác ý đúng đường lối. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu, trong khi tác ý đúng đường lối, dứt bỏ bất thiện, phát triển thiện.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Tác ý đúng đường lối là pháp của vị tỳ khưu hữu học, không có cái khác có nhiều sự ích lợi như vậy đối với việc đạt đến mục đích tối thượng. Trong khi nỗ lực đúng đường lối, vị tỳ khưu có thể đạt được sự diệt trừ khổ đau.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 7. KINH HỮU HỌC – THỨ NHÌ

[17]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu là bậc hữu học, còn chưa đạt được mục đích, đang sống, đang ước nguyện sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc, Ta không nhận thấy một yếu tố nào khác, sau khi tạo thành yếu tố ở ngoại phần, có nhiều sự hỗ trợ như vầy, này các tỳ khưu như là trạng thái có bạn tốt lành. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu, có bạn tốt lành, dứt bỏ bất thiện, phát triển thiện.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Vị tỳ khưu nào có bạn tốt lành, có sự tôn trọng, có sự tôn kính, trong khi thực hành theo lời nói của những người bạn, có sự nhận biết rõ, có niệm, có thể đạt được theo tuần tự sự diệt trừ tất cả các ràng buộc.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 8. KINH CHIA RẼ HỘI CHÚNG

[18]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, có một pháp, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự bất lợi cho nhiều người, đem lại sự bất an cho nhiều người, đem lại sự tai hại, đem lại sự bất lợi, đem lại sự khổ đau cho nhiều người, cho chư Thiên và nhân loại. Một pháp nào? Sự chia rẽ hội chúng. Này các tỳ khưu, hơn nữa khi hội chúng bị chia rẽ, không những có sự xung đột lẫn nhau, mà còn có sự mắng nhiếc lẫn nhau, sự ngăn cách lẫn nhau, sự tẩy chay lẫn nhau. Tại nơi ấy, những kẻ chưa có đức tin chẳng những không có niềm tin, mà còn có sự thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Kẻ chia rẽ hội chúng là kẻ sanh đọa xứ, kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp. Kẻ có sự ưa thích phe nhóm, trú ở phi pháp, bị tiêu hoại sự an toàn đối với các trói buộc, sau khi chia rẽ hội chúng hợp nhất bị nung nấu ở địa ngục trọn kiếp.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 9. KINH HỢP NHẤT HỘI CHÚNG

[19]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, có một pháp, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự lợi ích cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, đem lại sự tấn hóa, đem lại sự lợi ích, đem lại sự an lạc cho nhiều người, cho chư Thiên và nhân loại. Một pháp nào? Sự hợp nhất hội chúng. Này các tỳ khưu, hơn nữa khi hội chúng có sự hợp nhất, chẳng những không có sự xung đột lẫn nhau, mà còn không có sự mắng nhiếc lẫn nhau, không có sự ngăn cách lẫn nhau, không có sự tẩy chay lẫn nhau. Tại nơi ấy, những người chưa có đức tin chẳng những có niềm tin, mà còn có sự làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. An lạc thay sự hợp nhất của hội chúng, và sự tán đồng với những ai sống hợp nhất. Vị thích thú với sự hợp nhất, trú ở Pháp, không bị tiêu hoại sự an toàn đối với các trói buộc, sau khi đã làm cho hội chúng có sự hợp nhất, được vui hưởng ở cõi Trời trọn kiếp.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 2. 10. KINH NGƯỜI XẤU XA

[20]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, ở đây sau khi biết được tâm bằng tâm Ta nhận biết về một người nào đó có tâm xấu xa rằng: Vào lúc này, người này có thể từ trần, bị rơi xuống ở địa ngục như vậy, giống như là bị đưa đẩy. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Này các tỳ khưu, bởi vì tâm của người này xấu xa. Này các tỳ khưu, hơn nữa do nhân xấu xa ở tâm, ở đây một số chúng sinh do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Sau khi biết được người nào đó ở đây có tâm xấu xa, đức Phật đã giải thích ý nghĩa này trong sự hiện diện của các vị tỳ khưu.
  1. Và vào lúc này người này có thể từ trần, có thể sanh vào địa ngục bởi vì tâm của người này xấu xa.
  1. Giống như là được đưa đi, người này có thể rơi xuống tương tự y như vậy, theo cách thức như thế. Bởi vì do nhân xấu xa ở tâm, các chúng sinh đi đến cõi khổ.

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

Phẩm thứ nhì.

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Si mê, giận dữ, rồi gièm pha, vô minh, tham ái, hai bài Kinh về hữu học, chia rẽ, hợp nhất, và người (xấu xa), đã nói là phẩm, được gọi là thứ nhì.

–ooOoo–

PHẨM THỨ BA

1. 3. 1. KINH TÂM TỊNH TÍN

[21]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, ở đây sau khi biết được tâm bằng tâm ta nhận biết về một người nào đó có tâm tịnh tín rằng: Vào lúc này, người này có thể từ trần, được sanh vào ở cõi Trời như vậy, giống như là bị đưa đẩy. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Này các tỳ khưu, bởi vì tâm của người này tịnh tín. Này các tỳ khưu, hơn nữa do nhân tịnh tín ở tâm, ở đây một số chúng sinh do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Sau khi biết được người nào đó ở đây có tâm tịnh tín, đức Phật đã giải thích ý nghĩa này trong sự hiện diện của các vị tỳ khưu.
  1. Và vào lúc này người này có thể từ trần, có thể sanh vào chốn an vui bởi vì tâm của người này tịnh tín.
  1. Giống như là được đưa đi, người này có thể đáp xuống tương tự y như vậy, theo cách thức như thế. Bởi vì d0 nhân tịnh tín ở tâm, các chúng sinh đi đến chốn an vui.

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 3. 2. CHỚ SỢ HÃI PHƯỚC THIỆN

[22]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, chớ sợ hãi đối với các phước thiện. Này các tỳ khưu, điều này là từ biểu trưng của sự an lạc, của điều được thích, được muốn, đáng mến, đáng yêu, tức là các phước thiện. Này các tỳ khưu, hơn nữa Ta biết rõ về quả thành tựu được thích, được muốn, đáng mến, đáng yêu, đã được kinh nghiệm, của các việc phước thiện đã làm trong một thời gian dài. Sau khi tu tập tâm từ trong bảy năm, Ta đã không trở lại thế gian này trong bảy thành và hoại kiếp. Này các tỳ khưu, vào giai đoạn thành kiếp Ta đi đến cõi Quang Âm Thiên, vào giai đoạn hoại kiếp Ta sanh lên Phạm Thiên Cung trống vắng. Này các tỳ khưu, tại nơi ấy Ta là Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, đấng chiến thắng, bậc không bị chế ngự, bậc nhìn thấy tất cả, bậc vận hành quyền lực. Này các tỳ khưu, hơn nữa ba mươi sáu lần Ta đã là Sakka, Chúa của chư Thiên. Nhiều trăm lần Ta đã là vị vua, Chuyển Luân Vương, bậc công minh, đấng Pháp vương, bậc cai trị bốn phương, bậc chiến thắng bậc đã đạt được sự ổn định của xứ sở, bậc có đầy đủ bảy vật báu. Còn nói gì đến vương quyền của địa phận. Này các tỳ khưu, Ta đây đã khởi ý điều này: ‘Đối với Ta, quả báu này là của nghiệp nào, quả thành tựu này là của nghiệp nào, nhờ vào nó hiện nay Ta có đại thần lực như vầy, có đại oai lực như vầy?’ Này các tỳ khưu, Ta đây đã khởi ý điều này: ‘Đối với Ta, quả báu này là của ba nghiệp, quả thành tựu này là của ba nghiệp, nhờ vào nó hiện nay Ta có đại thần lực như vầy, có đại oai lực như vầy;’ tức là của sự bố thí, của sự thuần hóa, của sự chế ngự.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Nên học tập thuần về phước thiện làm sanh lên an lạc tối cao kéo dài, nên tu tập bố thí, sự thực hành bình lặng, và tâm từ ái.
  1. Sau khi tu tập ba pháp làm sanh lên an lạc này, bậc sáng suốt sanh lên cõi an lạc, không khổ sầu.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 3. 3. KINH CẢ HAI LỢI ÍCH

[23]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, một pháp được tu tập, được thực hành thường xuyên, đạt được và tồn tại cả hai lợi ích, lợi ích ở đời hiện tại và ở đời vị lai. Một pháp nào? Không xao lãng trong các thiện pháp. Này các tỳ khưu, một pháp này được tu tập, được thực hành thường xuyên, đạt được và tồn tại cả hai lợi ích, lợi ích ở đời hiện tại và ở đời vị lai.”

 

 Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Các bậc sáng suốt ca ngợi sự không xao lãng trong các hành động phước thiện. Không xao lãng, bậc sáng suốt đạt được cả hai lợi ích.
  1. Lợi ích ở đời hiện tại và lợi ích ở đời vị lai. Do lãnh hội được sự lợi ích, người sáng trí được gọi là ‘bậc sáng suốt.’”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 3. 4. KINH ĐỐNG XƯƠNG

[24]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, phần xương khối xương đống xương của một cá nhân đang rong ruổi, đang luân chuyển trong thời gian một đại kiếp có thể to lớn như vầy, giống như là ngọn núi Vepulla này, nếu có người thâu gom lại và sự gom góp lại không bị tiêu hoại.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. “‘Sự tích lũy các xương của một cá nhân trong thời gian một kiếp có thể là một đống sánh bằng ngọn núi,’ bậc Đại Ẩn Sĩ đã nói thế ấy.
  1. Hơn nữa, vị ấy đã nói đống này là (bằng) ngọn núi Vepulla to lớn, ở phía bắc của núi Gijjhakūṭa, ở gần thành Rājagaha của xứ Magadha.
  1. Khi nhìn thấy bằng trí tuệ chân chánh các Sự Thật Cao Thượng: khổ, nguồn sanh khởi của khổ, sự vượt qua khổ, và đạo lộ cao thượng tám chi phần đưa đến sự yên lặng của khổ.
  1. Và cá nhân (ấy), sau khi rong ruổi tối đa bảy lần, là người thực hiện việc chấm dứt khổ do sự diệt trừ tất cả các ràng buộc.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 3. 5. KINH CỐ TÌNH NÓI DỐI

[25]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, đối với cá nhân con người đã vượt qua một pháp, Ta nói rằng đối với người ấy không có bất cứ việc ác nào là sẽ không làm. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, như là việc cố tình nói dối.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Đối với người đã vượt qua một pháp, có lời nói dối, đối với người đã buông bỏ đời sau, không có việc ác nào là sẽ không làm.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 3. 6. KINH BỐ THÍ VÀ SAN SẺ

[26]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, nếu chúng sinh có thể biết về quả thành tựu của sự bố thí và san sẻ giống như Ta biết, họ không thể thụ hưởng khi chưa bố thí, và sự ô nhiễm của bỏn xẻn không thể chiếm cứ tâm của họ và tồn tại. Cho dầu là miếng thức ăn cuối cùng, vắt thức ăn cuối cùng của họ, họ không thể ăn khi chưa san sẻ phần đó nếu có người thọ nhận (phần san sẻ) của họ. Này các tỳ khưu, và bởi vì chúng sinh không biết về quả thành tựu của sự bố thí và san sẻ giống như Ta biết, cho nên họ thụ hưởng khi chưa bố thí, và sự ô nhiễm của bỏn xẻn chiếm cứ tâm của họ và tồn tại.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Nếu chúng sinh có thể biết như vậy, giống như điều bậc Đại Ẩn Sĩ đã nói: Quả thành tựu của sự san sẻ là có quả báu to lớn.
  1. Họ có thể xua đi sự ô nhiễm của bỏn xẻn bằng tâm ý thanh tịnh, có thể bố thí hợp thời đến các bậc Thánh nhân; vật đã bố thí ở các vị ấy có quả báu to lớn.
  1. Và sau khi bố thí thức ăn, là vật cúng dường đến các bậc xứng đáng cúng dường, nhiều thí chủ, từ trần khỏi bản thể nhân loại ở nơi đây, đi đến cõi Trời.
  1. Và những người ấy đã đi đến cõi Trời. Là những người có ước muốn về dục, họ vui hưởng tại nơi ấy. Những người không bỏn xẻn hưởng thụ quả thành tựu của sự san sẻ.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

1. 3. 7. KINH TỪ TÂM GIẢI THOÁT

[27]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:

  1. “Này các tỳ khưu, bất cứ các nền tảng của hành động phước thiện nào có liên quan đến tái sanh, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu sự giải thoát của tâm thông qua từ ái. Chính sự giải thoát của tâm thông qua từ ái vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng. Này các tỳ khưu, cũng giống như bất cứ ánh sáng nào của các vì tinh tú, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Chính ánh sáng của mặt trăng vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng. Này các tỳ khưu, tương tự như thế bất cứ các nền tảng của hành động phước thiện nào có liên quan đến tái sanh, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu sự giải thoát của tâm thông qua từ ái. Chính sự giải thoát của tâm thông qua từ ái vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng.
  1. Này các tỳ khưu, cũng giống như vào tháng cuối cùng của mùa mưa, vào tiết thu, trên bầu trời trong vắt, mây đen đã tan, mặt trời đang vươn lên ở bầu trời, xua tan tất cả tăm tối ở không trung, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng, này các tỳ khưu, tương tự y như thế bất cứ các nền tảng của hành động phước thiện nào có liên quan đến tái sanh, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu sự giải thoát của tâm thông qua từ ái. Chính sự giải thoát của tâm thông qua từ ái vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng.

Này các tỳ khưu, cũng giống như vào lúc hừng sáng của đêm, ngôi sao mai chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng. Này các tỳ khưu, tương tự y như thế bất cứ các nền tảng của hành động phước thiện nào có liên quan đến tái sanh, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu sự giải thoát của tâm thông qua từ ái. Chính sự giải thoát của tâm thông qua từ ái vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng.”

Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:

  1. Và người nào tu tập tâm từ ái vô lượng, có niệm, các sự ràng buộc giảm thiểu đối với người nhìn thấy sự diệt trừ mầm tái sanh.
  1. Nếu với tâm không xấu xa khởi tâm từ đến chỉ một sinh mạng, do việc ấy trở nên tốt lành, còn bậc Thánh tạo ra phước thiện vô số trong khi có tâm thương tưởng đến tất cả sinh mạng.
  1. Các vị vua công minh, sau khi chinh phục trái đất có đông đảo chúng sinh, đã đi khắp nơi cống hiến lễ cúng tế ngựa, lễ cúng tế người, lễ ném cọc nhọn, lễ nếm rượu thánh, lễ hiến tế không hạn chế.
  1. Đối với người đã khéo tu tập về tâm từ ái thì các việc ấy không sánh bằng dầu là một phần mười sáu, tựa như tất cả quần thể các vì sao không sánh bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng.
  1. Người nào không giết hại, không bảo giết hại, không thống trị, không bảo thống trị, có tâm từ ái đối với tất cả sanh linh, người ấy không có oán thù với bất cứ ai.”

Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.

Phẩm thứ ba.

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Tâm (tịnh tín), có sự sợ hãi, về cả hai lợi ích, đống (xương) là ngọn núi Vepulla, cố tình nói dối, bố thí, và sự tu tập về từ ái.

Bảy bài Kinh ở đây và hai mươi bài Kinh ở trước, tổng hợp lại có hai mươi bảy bài Kinh về một pháp.

NHÓM MỘT PHÁP ĐƯỢC CHẤM DỨT.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phật Thuyết Như Vậy” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.