Chùa Thanh Phước
Ấp Thanh Tân, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Trụ trì: ĐĐ Thiện Hòa
Chùa thành lập năm 2008 do Đại đức Thiện Hòa khai sơn tạo tự. Diện tích đất 1300 m2, nguồn gốc đất do ĐĐ Thiện Hòa vận động Tăng, Ni và Phật tử mua với giá 700 triệu đồng, nằm trên một quả đồi nho nhỏ, mặt tiền hướng xuống Quốc Lộ 13, khung cảnh vô cùng đẹp và thanh tịnh. Vị trí địa lý của ngôi già lam này cách trung tâm thị xã Bình Long 7 km, trung tâm tỉnh Bình Phước 25 km và cửa khẩu Hoa Lư 30 km.
Vài nét lịch sử
Chùa Thanh Phước là ngôi chùa thứ ba của Phật giáo Nguyên Thủy – hệ phái Nam Tông Kinh ở tỉnh Bình Phước.
Năm 2007, ĐĐ Thiện Hòa trụ trì chùa Tứ Phương Tăng khởi tâm muốn xây dựng thêm chùa Phật giáo Nguyên Thủy ở tỉnh Bình Phước. Đại đức đi tìm nhiều nơi để chọn khu đất phù hợp với đời sống của những vị tăng sĩ hành đạo. Cuối cùng, đại đức đã mua được khu đất nằm trên quả đồi, có khung cảnh đẹp, thiên nhiên trong lành, nhìn bao quát thị xã Bình Long và mặt tiền của Quốc Lộ 13, đường lên cửa khẩu Hoa Lư – biên giới Việt Nam và Campuchia.
Ngày 8/4/2008, đại đức đã bàn giao chùa Tứ Phương Tăng cho ĐĐ Phước Tịnh làm trụ trì. Đại đức chính thức lên khu đất chùa Thanh Phước ngày nay ở trong một thảo am nho nhỏ để lên kế hoạch xin thành lập cơ sở tôn giáo hợp pháp và xây dựng chùa Thanh Phước.
Ngày 12/1/2009, Tăng, Ni và Phật tử chùa Thanh Phước vô cùng phấn khởi vì đã được sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Phước cấp sổ đỏ cho chùa.
Ngày 9/7/2010, ông Giang Văn Khoa, phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước ký quyết định chấp thuận cho ĐĐ Thiện Hòa làm trụ trì chùa Thanh Phước.
Ngày 13/7/2010, HT Thích Nhuận Thanh – Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước – chính thức ký quyết định bổ nhiệm trụ trì cho ĐĐ Thiện Hòa có đủ pháp nhân pháp lý để hướng dẫn Tăng, Ni và đồng bào Phật tử tu hành đúng chánh pháp, đúng nội quy ban Tăng sự Trung ương GHPGVN và pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo.
Ngày 20/3/2011, chùa Thanh Phước chính thức động thổ xây dựng chánh điện. Trong ngày động thổ có HT Viên Minh – thành viên Hội đồng Chứng Minh GHPGVN – cùng chư tôn Hòa thượng Tăng Ni, hệ phái Phật giáo Nguyên thủy.
Ngày 6/1/2014, sở Công an tỉnh Bình Phước cấp dấu tròn cho chùa Thanh Phước để giao dịch cho phù hợp với luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 19/6/2016, đại lễ kết giới sīmā chùa Thanh Phước đã diễn ra vô cùng long trọng. Lễ kết giới sīmā là nghi lễ đặc biệt của Phật giáo Nguyên Thủy đánh dấu sự hiện hữu của một ngôi chùa, đồng thời phù hợp với luật tạng Pāli để chư tăng hành lễ theo truyền thống Phật giáo. Trong đại lễ kết giới sīmā, HT Viên Minh – thành viên Hội đồng Chứng Minh GHPGVN – tán dương công đức ĐĐ Thiện Hòa đã phát tâm khai sơn tạo tự chùa Thanh Phước giúp cho tỉnh Bình Phước có thêm một già lam và Phật giáo Nguyên Thủy có thêm ngôi chùa thứ 3 tại tỉnh Bình Phước.
Kiến trúc xây dựng
Chùa Thanh Phước xây dựng chánh điện có diện tích 500 m2. Hiện nay, chùa xây dựng chưa hoàn thành, chỉ đạt được 80%. Kiến trúc xây dựng theo dạng kiến trúc của các nước Phật giáo Đông Nam Á. Hiện tại, có 5 Phật cảnh: Bồ tát đản sanh, thành đạo, Đức Phật chuyển pháp luân, Đức Phật nhập Niết-bàn và Phật cảnh Đức Phật ban phước. Những Phật cảnh này được tôn tạo theo dạng bê tông cốt sắt, trang trí rất tao nhã và bắt mắt. Tăng, Ni và Phật tử viếng chùa Thanh Phước, viếng Phật cảnh cũng xem như lễ bái cúng dường bốn chỗ động tâm mà đã in dấu trên đất nước Ấn Độ. Cuộc đời của Đức Phật đã trãi qua 45 năm hoằng pháp nhưng còn lưu dấu lại trên đất Ấn bốn chỗ động tâm. Chùa Thanh Phước đã tạo bốn chỗ động tâm là một mô hình bốn chỗ động tâm thu nhỏ trên đất Việt.
Những ngày lễ
Chùa Thanh Phước ở tương đối xa với Thành phố Hồ Chí Minh, vả lại mới thành lập, chưa xây dựng xong nên số lượng Tăng, Ni và Phật tử hiện tại rất ít. Nhưng hàng năm, chùa cũng tổ chức những ngày lễ để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Tăng, Ni và Phật tử và tỏ lòng tôn kính và đền ơn Tam bảo. Những ngày lễ trong năm gồm có:
– Ngày 15 tháng giêng tổ chức đại lễ Rằm tháng giêng kỷ niệm ngày Đại hội Thánh tăng 1250 vị thiện lai tỳ kheo và Phật tuyên hứa với Ma vương ngày nhập Niết-bàn.
– Ngày 15/4 ngày đại lễ Tam hợp kỷ niệm Bồ tát đản sanh, thành đạo và Đức Phật nhập Niết-bàn.
– Từ mùng 5 đếm 10/6, chọn ngày chủ nhật làm lễ dâng y nhập hạ.
– Từ mùng 6 đến 10/7, chọn ngày chủ nhật tổ chức Vu lan mùa báo hiếu.
– Từ mùng 1 đến 7/10, chọn ngày chủ nhật tổ chức dâng y Kaṭhina.
– Ngày 14 và 30 hàng tháng, chùa tổ chức sám hối lệ.
Vài nét về Trụ trì
Trụ trì chùa Thanh Phước, pháp danh Thiện Hòa, thế danh Trần Kim Hoài, sinh năm 1963 tại tỉnh Bình Phước. Đại đức xuất gia sa di ngày 16/11/1998 tại Tam Bảo Thiền Đường, thầy bổn sư: HT. Thiện Pháp. Đại đức thọ cụ túc giới tỳ khưu ngày 10/6/1999 tại chùa Thiền Quang I, Long Thành, Đồng Nai. Thầy bổn sư: HT. Thiện Pháp, thầy yết ma: TT. Giác Giới, TT. Tăng Định.
Từ năm 2012 – 2016, đại đức là Phó ban Trị sự GHPGVN thị xã Bình Long. Và nhiệm kỳ tiếp theo 2016 – 2021, đại đức cũng là Phó ban Trị sự GHPGVN thị xã Bình Long. Nhiệm kỳ 2012 – 2016, đại đức là đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Thanh Lương.
Kết luận
Tỉnh Sông Bé là tiền thân của tỉnh Bình Phước ngày nay. Năm 1997, tỉnh Sông Bé được tách thành 2 tỉnh là Bình Dương và Bình Phước. Phật giáo Nguyên Thủy hệ phái Nam Tông Kinh ít được biết đến ở tỉnh Bình Phước có hai lý do vì số lượng chùa chiền quá ít, thứ hai là Tăng, Ni và Phật tử cũng quá khiêm tốn. Chư tăng chính thức chưa được 5 vị. Phật tử, tín đồ cơ hữu của Phật giáo Nguyên Thủy – hệ phái Nam Tông thì khoảng 500 hộ gia đình. Có thể nói thời điểm hiện tại, ĐĐ. Thiện Hòa là người đầu tiên được bổ nhiệm trụ trì chùa Tứ Phương Tăng đó là tiền đề pháp nhân pháp lý để giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Phước và chính quyền tỉnh, huyện và xã biết đến Phật giáo Nguyên Thủy – hệ phái Nam Tông Kinh trong cộng đồng của GHPGVN. Tuy nhiên, trước đây, thời của TT. Chánh Trí, TT. Giác Tâm vẫn biết sự hiện hữu của Phật giáo Nguyên Thủy sinh hoạt tự do chứ chưa được công nhận là cơ sở tôn giáo hợp pháp. Chùa Thanh Phước là ngôi chùa thứ ba của Phật giáo Nguyên Thủy. Tuy mới thành lập nhưng địa thế và vị trí khá tốt, nằm ở mặt tiền Quốc Lộ 13, trục lộ giao thông chính biên giới cửa khẩu Hoa Lư , biên giới của Việt Nam và Campuchia. Trong tương lai, khi xây dựng xong sẽ là một địa điểm quan trọng của Phật giáo Nguyên Thủy tỉnh Bình Phước để giới thiệu nét đẹp văn hóa của Phật giáo cho Tăng, Ni và đồng bào Phật tử.