Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 5: Tương Ưng Kassapa – Tri Túc

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 5: Tương Ưng Kassapa

I. TRI TÚC

Sáng nay mình bắt đầu chương Kassapa. Tương Ưng Ca Diếp. Thời Đức Phật có rất nhiều vị trùng tên nhau. Sau khi thành đạo, Ngài có độ được ba anh em đều có tên là Kassapa. (Gayā Kassapa, Nadī Kassapa, Uravelā Kassapa). Về sau này Ngài có một vị đệ tử nhỏ xíu bảy tuổi cũng tên Kassapa. Để phân biệt, Ngài gọi vị này là Kumāra Kassapa. Kumāra nghĩa là boy, cậu bé. Một vị nữa mà chúng ta đang học sáng nay là vị Đệ nhất biệt hạnh Đầu đà là Maha Kassapa. Trước mắt là có năm vị có tên tuổi, ngoài ra có hàng chục vị khác vì tên gọi Kassapa là tên gọi rất là phổ biến. Theo các nhà ngôn ngữ học, chữ ‘Kassapa’ này bên tiếng Sanskrit là ‘Kasyapa’, tiếng Pāḷi là ‘Kassapa’. Có người ngờ rằng tên này cùng nguồn gốc với chữ ‘kacchapa’, có nghĩa là ‘con rùa’. Bởi vì xưa người ta có khuynh hướng thờ bái vật, mỗi dòng họ người ta chọn một con vật.

Mahakassapa (Đại Ca Diếp)

Trong kinh nói rằng trước khi ngài gặp được Đức Phật kiếp cuối cùng để chứng thành quả vị La-Hán ngài là vị Phạm thiên từ cõi Phạm thiên sanh xuống. Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ānanda thì từ cõi Đâu Suất xuống chung với Bồ tát. Theo trong kinh nói những vị từ cõi Phạm thiên sinh xuống thì có một số điểm đặc biệt. Họ đối với năm dục hờ hững lắm vì một thời gian rất dài lòng nguội lạnh. Trong kinh nói ngài có một số tướng tốt giống như Đức Phật:

– Mã âm tàng – bộ phận sinh dục rất đặc biệt, tướng này ở ngoài đời thì sẽ có nhiều quí tử toàn anh hùng, giỏi giang, bác học.

– Lưỡi dài rộng, người này đời sống vật chất hoàn toàn không có gì lo lắng, nói ra là thiên hạ tin

– Khi đứng thẳng, bàn tay sờ được đầu gối.

Đức Phật có 32 tướng, đệ tử của Ngài thì rải rác, có vị có năm tướng, bảy tướng. Ngài Maha Kassapa sinh ra trong một gia tộc rất giàu có, trang trại rộng lớn đến mức phải đi ngựa, không đi bộ được. Giống như mấy cái farm của Mỹ hoặc Úc vậy, rất mênh mông, phải đi bằng xe hơi. Buổi trưa ngài cưỡi ngựa để đi thăm nom trang trại, thăm kho thóc kho đậu, chuồng trại…, ngài nhìn thấy giữa trưa nắng chang chang, những con trùn bò ra đất thì bị chim ăn, chim nhỏ bị chim lớn giành giựt cấu xé. Ngài nản quá, ngài nghĩ đời sống sao chán như vậy, may là chưa ai đụng tới mình nhưng chắc chắn cũng có kẻ dòm ngó mình như những con chim dòm con trùn, con mạnh dòm con yếu. Lúc trở về, gia đình hối ngài phải lập gia đình. Ngài quá nản nên từ chối mấy lần, nhưng thấy cha mẹ buồn nên ngài nói kiếm cô nào giống như cái tượng này thì ngài lấy, ngài tính đưa ra cái cớ để thoát thân. Không ngờ gia đình ngài giàu quá, “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền” (Năm Cam), họ vung tiền ra đi tìm và cuối cùng tìm được cô gái rất đẹp, tên là Bhaddā Kāpilānī. Đây là nhân vật rất quan trọng và có rất nhiều chuyện mà các vị nên biết, cần biết, phải biết vì không mấy khi các vị biết câu chuyện này, câu chuyện này không có trong bản kinh tiếng Việt. Cô này cũng ở trên Phạm thiên sanh xuống, lẽ ra cổ phải mang thân nam, nhưng cổ có lời nguyền tiền kiếp là thương ngài dữ lắm, cổ thương đến mức mà “đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”. Ngài đi tu thiền cổ cũng đi tu thiền, ngài đắc cổ cũng đắc, khi ngài trở về cõi Dục thì cổ cũng đóng vai trò tri âm, tri kỷ. Một số đông người mình chỉ biết thương chớ không biết chia sẻ lý tưởng, trong đạo lẫn ngoài đời. Nhiều khi mình thương chồng, thương anh em, bạn bè, sư phụ, nhưng chỉ biết nấu cơm giặt giũ, chăm sóc chớ không biết chia sẻ lý tưởng tâm tư của người ta. Xin mở ngoặc nói chuyện này, những người hộ trì tôi, nhiều lúc tôi lén lén dòm họ, tôi nghĩ không có họ thì mình cũng mệt, nhưng mà không có mợ thì chợ cũng đông. Có điều tôi tưởng tượng những người này mà ở gần mình suốt một tháng chắc một đêm nào đó tôi cũng tay bị tay gậy khăn áo lên đường chớ chịu không thấu. Bởi vì kiểu họ lo cho mình trớt quớt, họ lo cho mình ăn mập cái thây, chớ chuyện mình làm họ không chia sẻ được và nhiều lúc phát biểu nhiều câu không hay.

Ngoài đời ngài không có tên Maha Kassapa mà là tên Pippali. Khi tìm được nàng, hai gia đình gặp gỡ nhau và bắt đầu nói chuyện trầu cau chạm ngõ, đính hôn, kết hôn. Trong ngày cưới, ngài viết lá thư cho nàng Bhaddā Kāpilānī nói là vì chiều ý cha mẹ nên mới chịu làm đám cưới vậy thôi chớ ngài không muốn lấy vợ, ngài mong rằng nếu được thì nàng làm bạn với ngài và đừng trông đợi ở ngài vai trò trách nhiệm của một người chồng. Không ngờ lá thơ gởi đi cũng cùng lúc nàng viết cho ngài lá thơ nội dung cũng y hệt như vậy. Hôn lễ vẫn tổ chức. Cả hai đều đẹp lộng lẫy như tiên đồng ngọc nữ. Đêm hợp cẩn, họ lấy vòng hoa tươi để giữa hai người và nói với nhau một câu nửa đùa nửa thật: Sáng mai thức dậy, hoa héo bên cạnh nào thì người đó là kẻ hư, nói được làm không được. Sống với nhau được mấy ngày, sáng thức dậy thấy hoa vẫn còn tươi, họ nể nhau hơn. Bắt đầu sáng hôm sau cũng diễn cho người ta thấy, hai người trong vai vợ chồng đưa nhau đi tu. Đi một đoạn nào đó họ thấy không thể đi cùng nhau, khi rời nhà họ đã mặc đồ tu. Họ chia tay nơi ngã ba đường. Ngài dặn ai tìm được đạo giải thoát trước thì nhớ quay về tìm người kia. Đọc ngay chỗ này, tôi nhớ đến tình cảm của ngài Mục Kiền Liên và ngài Xá Lợi Phất. Cũng ngay chỗ này, trong lòng tôi, tôi biết nội lực của mình đến đâu. Riêng tôi, một người hồng nhan tri kỷ như vậy dù không có lòng tà với họ nhưng thật không có cái gan để nàng đi một mình giữa trời đất bao la, giang hồ hiểm ác, Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều. Lòng người này phải nguội lạnh dễ sợ lắm chớ như tôi chắc chịu không thấu. Trong kinh nói khi hai vị nói lời chia tay nhau ở ngã ba đường, địa cầu rung động. Nàng đi về một phương, chàng đi về một hướng. Ngài Maha Kassapa đi một đỗi vào cánh rừng thì gặp một vị Sa-môn ngồi đó, ba mươi hai tướng tốt, hào quang rực rỡ. Trong kinh nói rằng ngài chưa bao giờ gặp vị đó, vậy mà ngài đi thẳng tới và quỳ sụp xuống. Tiếng Pāḷi là Bhagāvā, theo Tàu gọi là Thế Tôn, chữ này ở Ấn Độ là chữ kính ngữ dùng để xưng hô cho những bậc khả kính:

-Bạch Thế Tôn, con là đệ tử của Thế Tôn và Thế Tôn là đạo sư của con.

Khi ngài ngồi xuống, Đức Phật hỏi thăm một vài câu rồi Ngài khen lá y ngài Maha Kassapa đang mặc. Vì sao ngài Maha Kassapa chưa đi tu mà tấm vải khoác lên người gọi là lá y? Bởi vì buổi đầu của PG, lá y chưa may thành từng miếng, từng điều lớn điều nhỏ như bây giờ mà chỉ là tấm vải nhuộm màu. Trong kinh gọi là màu kāsāva. Về sau lấy tên gọi cái màu này kāsāva gọi tên cho giáo phục của tăng ni. Buổi đầu kāsāva gọi chung cho màu cỏ úa, màu xám tro, màu đất.

ức Phật nói: Cái y của Kassapa đẹp. Một ông vua đi tu là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác mà lại khen cái y của ngài Kassapa đẹp! Ngài Kassapa nói: Bạch Thế Tôn, con mong ngài vì lòng đại bi mà đổi y cho con, cho con xin lá y của ngài rồi con cúng cho ngài lá y con đang mặc.

Thế là nảy ra chuyện đổi y giữa thầy trò. Lá y Đức Phật đổi cho ngài Kassapa không phải là lá y bình thường. Trong kinh nói trong đời mỗi vị Phật có ít nhất một lần tự tay mình lượm vải làm y mặc. Tấm y mà Đức Phật đổi cho ngài Kassapa là tấm vải bó xác của Punna, một nô tỳ chết và bị ném xác trong rừng. Xác cô được quấn bằng một tấm vải rẻ tiền. Lúc đó Đức Phật vào trong rừng một mình, đến chỗ người ta liệng xác, thấy tấm vải đó còn dùng được, Ngài mới lấy tấm vải đó về giặt làm lá y. Câu chuyện diễn ra lúc Ngài giặt y và phơi ly kỳ lắm, nhưng tôi suy nghĩ ba ngày ba đêm quyết định không kể, lý do là không cần thiết. Ngài đem vải đó về cho ngài Ānanda nhuộm và may thành lá y. Ngài mặc trên người trước khi gặp ngài Kassapa, và sau khi đổi y Ngài cho ngài Kassapa biết thêm lá y này từ đâu mà có. Cũng chính từ chuyện đổi y này mới có hai tình tiết nổi tiếng sau này.

Tình tiết thứ nhất, khi nhận lá y đó ngài Kassapa thấy rằng trên đời này không có gì hay cho bằng hạnh Đầu đà. Tưởng tượng cảnh ông thầy tu ngày một bữa ôm bát đi ngoài làng, có khoai ăn khoai, có cháo ăn cháo, không nhận lời đến nhà ai ăn mâm cao cỗ đầy. Y áo thì lượm đem về tự mình nhuộm may, rách thì vá, rồi đi kiếm miếng khác. Cuộc sống nhẹ nhàng, không lệ thuộc học trò làm eo làm phách. Ngài Kassapa phát nguyện trì 13 hạnh Đầu đà suốt một đời kể từ đó.

Tình tiết thứ hai, sau khi đức Phật Niết Bàn không lâu, anh em huynh đệ một số bất đồng nhau vài vấn đề về giáo lý, lối hành trì, bất đồng trong cách hiểu, trong cách tu tập, chưa kể lý do danh lợi, hoàn cảnh văn hóa địa phương khiến cho các vị có những thay đổi trong thuyết giảng. Một số anh em đã tách nhau ra, không đi theo các vị tôn túc nữa. Ví dụ mình thấy một số tăng trẻ VN khoái truyền thống của ngài Hộ Tông. Một số vị đi Thái Lan học theo kiểu của Thái Lan thấy hay, cả đời hành trì theo kiểu Thái Lan. Có một số vị ở bên Mỹ, bên Pháp, nhưng cách tu, cách mặc y, nói năng, hành trì y chang như Thái Lan. Có những vị xuất thân từ Miến Điện thì từ màu y, cách quấn y cũng của Miến Điện, kinh sách trong phòng trong tủ cũng của Miến Điện, và đối với Miến Điện hình như có giao tình rất mặn mà thấm thía tương chao hơn chư tăng xứ khác. Từ chỗ anh em tách nhau ra, mới nảy ra dị biệt về giáo lý. Câu chuyện đổi y của ngài Kassapa được sửa thành chuyện Tổ Ca Diếp được Đức Phật trao truyền chánh pháp nhãn tạng và y bát để xác lập trở thành đệ nhất tổ của Thiền tông, người đứng đầu trong 33 vị tổ Ấn Hoa. Nghĩa là bắt đầu là tổ Ca Diếp, truyền y bát cho tổ Ānanda, truyền riết đến Bồ Đề Đạt Ma, là tổ 28 của Ấn Độ, nhưng là tổ số 1 ở Tàu khi qua TQ truyền đạo. Sau đó mới truyền cho tổ Huệ Khả, Đạo Tính, Tăng Xáng, Hoằng Nhẫn… đến đời tổ thứ 6 là tổ Huệ Năng thì hết. Nghe thì hay, nhưng ngẫm lại, Phật ăn mặc như thế nào, truyền riết cả ngàn năm sau qua tới TQ lá y đó vẫn còn là chuyện lạ. Lạ thứ hai nữa Đức Phật đắp y kiểu gì mà truyền riết theo đến Lục tổ Huệ Năng thì Lục tổ ăn mặc theo kiểu người Tàu. Hôm nay về Quảng Đông, quí vị ghé chùa Hoa Dung, chiêm bái báu thân bất hoại của Lục Tổ. Ở Quảng Đông người ta tin đây là di hài của Lục Tổ.

Không biết cá nhân hay tập thể nào đã làm một chuyện rất lạ, họ thay đổi một số nội dung trong kinh điển Pāḷi. Trong kinh điển Pāḷi thì ngài Mục Kiền Liên gắn liền với sự tích bất hiếu trong quá khứ và hình ảnh đại hiếu thật ra là của ngài Xá Lợi Phất. Không hiểu vì sao nhánh PG Bắc Truyền ghét ngài Xá Lợi Phất kinh hoàng, họ chửi ngài không còn nước non nào. Ví dụ, trong kinh Duy Ma, một vị A-la-hán, lục thông tam minh, tứ tuệ phân tích, Đệ nhất Thinh văn, Đệ nhất trí tuệ mà trở thành một vị không ra gì hết, đi đứng thăm bệnh người ta mà nghe ông Duy Ma nói: Ở đây một lát nữa sẽ có vô số chư Phật, Bồ tát, long thần hộ pháp, thiên long bát bộ tới viếng, ngài thắc mắc nhà chật như vậy sao chứa hết chừng đó. Một lát sau gần tới giờ cơm thì lo lắng bồn chồn không biết trưa nay ăn uống ra sao. Họ mạt sát phỉ báng, dè bỉu ngài không còn gì nữa. Sẵn đây tôi cũng nói luôn, bà con vào internet sẽ thấy một bài “Tăng Triệu với Tánh Không của tỷ kheo ni Tuệ Hạnh”. Nhân vật Tuệ Hạnh này còn có một pháp danh nữa là Quảng Nhơn. Tôi xin thưa thiệt với quí vị, năm 93, 94 tôi có trực tiếp gặp mặt Ni Sư Trí Hải, tôi chỉ chào chứ chưa được hầu chuyện. Nhưng đặc biệt Ni sư Quảng Nhơn này là một vị tiến sĩ ở Úc, Ni sư du học trước 1975. Tôi có gặp Ni sư ở Houston, ít nhất là trên một lần. Ni sư là người cực kỳ uyên bác và quí vị có thể bằng cách nào đó có dịp tìm cách liên lạc. Đây là một vị tiến sĩ thứ thiệt của Úc. Ngoài chuyện uyên bác do trường lớp ra, vị này còn là một giáo sư đại học, một thời được hầu trà cho các vị tôn túc lừng danh như HT Mãn Giác bên Mỹ, HT Tuệ Sỹ. HT Tuệ Sỹ biết rất rõ về cô Tuệ Hạnh. Từ cô Tuệ Hạnh tôi biết một câu chuyện, đó là HT Thích Mãn Giác trước khi mất có viết một bài không hiểu là HT đổi ý hay có ai đó cố ý dìm mất bài đó, bài đó có nội dung là “Kinh Duy Ma là một âm mưu của Bà-la-môn giáo”. Bài đó ngay lập tức bị dìm mất, và sư cô là người đã đọc bài đó. Quí vị muốn biết HT Mãn Giác là ai thì tôi có thể cung cấp chút thông tin có trên internet, HT Mãn Giác là tiến sĩ từ Nhật, viện chủ chùa VN ở Los Angeles Hoa Kỳ. Ni sư Tuệ Hạnh là người VN ở Úc, tôi chỉ biết một chuyện là có một dạo Ni sư ở Mỹ vì tôi gặp Ni sư ở Mỹ, sau đó nghe nói là Ni sư trở về Úc để chăm sóc cho cha mẹ già. Đó là lần cuối cùng được nghe thấy tin tức về nhau. Ni sư bây giờ ít nhất cũng phải 65 cho đến 67 tuổi (vì du học trước 75, từ 75 đến giờ cũng đã 40 năm). Ni sư là người nhỏ con, sức khỏe không tốt nhưng mà cực kỳ uyên bác. Tôi rất tiết kiệm không mấy khi dùng bốn chữ này cho Tăng nói chi là Ni. Ở VN hiện giờ, những người tôi có thể hiến tặng bốn chữ này đếm được là HT Thiện Nhơn, một nhân vật bây giờ ghế cao lắm trong PGVN ở trong nước, HT như máy photocopy, đọc sách liếc qua là nhớ, thủ khoa của PHV Huệ Nghiêm. Chúng tôi có được học HT năm 93, 94. Thứ hai là HT Tuệ Sỹ, GS Mạnh Thát, rồi Ni sư Tuệ Hạnh. Tại sao tôi gọi là uyên bác? Các vị ấy khi muốn tìm hiểu một dòng thiền, một truyền thống PH, một vấn đề triết học, một vấn đề lịch sử, hay một môn ngoại ngữ nào đó, chỉ mất có vài tháng. Khi tiếp xúc với họ thì mình thấy kiến thức của mình chỉ là mớ giấy lộn. Tôi đếm mãi chỉ có bốn vị mà trong đó có Ni sư Tuệ Hạnh là tôi phải đắn đo nhiều lắm. Ni sư giỏi cực kỳ, có chút bất hạnh theo tôi nghĩ đó là thân tướng không đẹp. Vì thân tướng không đẹp, không có uy nghi nên đệ tử không nhiều. Phật tử VN mình cái gì chớ cứ khoái đẹp. Nhiều khi nửa đêm tôi ngồi soi kiếng tôi cũng hận, tôi nghĩ mình cũng có lòng hoằng pháp sao mà xấu hoắc, cũng khó ăn nói. Mới ngày hôm qua có cô Phật tử tới thăm tôi, cổ ngồi cổ dòm rồi nói: Trời đất ơi, sao giờ sư già quá trời quá đất.

Từ sự phân phe rẽ phái, thế là có một số chuyện gốc bị sửa. Ví dụ bên PG Nam Tông, ngài Xá Lợi Phất hôm kia ngồi trong phòng riêng, nghe được mấy câu nói bên ngoài ranh đất là “bà không được phép vào quấy rầy tôn giả”. Ngài biết câu nói đó của ai và đang nói với ai. Một con ngạ quỷ năm kiếp về trước là mẹ ruột của ngài do ác hạnh nên bị đọa làm ngạ quỷ. Hôm nay khổ quá, biết được ngài là người con kiếp xưa của mình có thần thông nên muốn đến gặp ngài để xin ngài giúp, nhưng các vị long thần hộ pháp bảo hộ ngài Xá Lợi Phất không cho phép bà đến gần. Trong mắt họ đây là rác rưởi, không cho phép quấy rầy ngài. Ngài lên tiếng: “Cứ để cho bà vào, bà là mẹ kiếp xưa của ta.” Khi tôn giả lên tiếng thì chư thiên không cản nữa. Bà vào, ngài hứa sẽ giúp. Chỗ này quí vị phải nghe cho kỹ, một vị A-la-hán mà vẫn phải làm theo cách này, ngài có được một lời thỉnh cầu của vua là khi cần gì cho vua biết. Vì có lời yêu cầu của vua nên ngài dùng đến, dùng trong trường hợp rất đặc biệt. Ngài đi thẳng vào cung vua kể hết chuyện, vua cho người chuẩn bị một số thực phẩm để ngài tác bạch trình lên Đức Phật và chư tăng kể rõ mọi sự. Ngài hồi hướng phước đó cho mẹ mình, lập tức bà sanh thiên. Làm sao không sanh thiên nổi, người hồi hướng là ai, người nhận cúng dường là ai! Bởi vậy trong kinh nói thân cận với người trí (làm con, làm vợ, làm chồng, làm mẹ, làm cha… của họ) vẫn tốt là tốt như vậy. Chơi với người xấu chỉ có hại. Quí vị tưởng tượng, khổ quá mình về báo mộng cho con, con mình đi giết gà giết vịt cúng, rồi đốt mấy chục tấn giấy vàng bạc thì mình có được cái gì. Khổ chỗ đó đó. Ở đây có cô Phật tử, cổ thương con như vàng như ngọc như trời như đất. Tôi nói cổ đưa con mình vào chánh kiến chớ thương nó quá rồi chuyện tầm bậy tầm bạ gì cũng khen, như bắt thang cho nó leo. Lúc tôi chịu không nổi, tôi nói cổ sẽ chết dưới tay thằng này, nó là phá gia chi tử mà cổ thương nó kiểu như vậy thì chỉ có ôm hận mà chết. Ngài Xá Lợi Phất chỉ là một đứa con kiếp xưa, sau này vẫn là người dưng nước lã, chỉ một chút quan hệ quá khứ mà đối với bà mẹ cũ tuyệt vời như vậy. Rồi thì bên Bắc Tông thì lại có chuyện ngài Mục Kiền Liên lục thông xuống địa ngục đưa cơm cho mẹ, mẹ không ăn được, “bối rối không biết làm sao cứu mẹ lòng đau như cắt.” Thật là lạ khi một vị A-la-hán mà không biết điều đó. Theo kinh Nam Tông, ngài Mục Kiền Liên cuối đời bị chết thảm vì kiếp xưa ngài từng là một người nghe lời vợ, cô vợ không muốn chăm sóc cha mẹ chồng, xúi chồng đem bỏ cha mẹ vào rừng, đánh đập tàn bạo đến chết; một câu chuyện khác là cha mẹ mù nghe tiếng ngài giả giọng người khác tưởng là cướp nên nói: Con ơi con chạy đi, cha mẹ già rồi chết không sao. Ngài nghe và nghĩ lại rồi đem về nuôi tiếp. Vì vậy kiếp chót dù ngài là đại thánh vẫn bị ngoại đạo thuê người băm vằm ngài nát như tương. Trong kinh nói ngài Mục Kiền Liên độ được những người em họ của ngài chớ không nhắc gì đến cha mẹ của ngài. Trong khi đó ngài Xá Lợi Phất mới đúng là đại hiếu. Khi ngài 84 tuổi, ngài vào đảnh lễ từ biệt Đức Phật rồi về làng Nalanda để từ biệt mẫu thân. Trong căn phòng ngày xưa mẹ ngài đã sanh ra ngài, từ căn phòng này ngài lớn lên đi tu, thành đạo, đi theo Đức Phật hoằng pháp 44 năm. Đêm cuối cùng đó ngài giảng đạo cho mẹ nghe, bà đắc Tu-đà-hoàn xong, ngài mới tịch. Ngài mới chính là bậc đại hiếu, ngài lo cho bà mẹ kiếp xưa, lo cho bà mẹ kiếp nay. Ngài còn có một người cậu là Dighanakha đi tu theo ngoại giáo. Khi nghe cháu mình là Đệ nhất trí tuệ đi tu theo Đức Phật, người này có lòng tò mò và kính ngưỡng Đức Thế Tôn. Khi Đức Phật thuyết giảng cho Dighanakha nghe thì ngài Xá Lợi Phất đứng kế bên quạt hầu, nghe Đức Phật giảng cho cậu của mình. Khi Đức Phật giảng dứt bài kinh thì ngài Xá Lợi Phất đắc quả A-la-hán. (Xem thêm kinh Dighanakha – Kinh Trường Trảo trong Kinh Trung Bộ).

Trở lại chuyện ngài Maha Kassapa, sau khi xuất gia rồi ngài Maha Kassapa trở thành Đệ nhất Đầu đà:

– Kể từ khi phát nguyện thì suốt đời không nằm, buồn ngủ thì chỉ ngồi. Ngồi có ba kiểu: bậc hạ là khi mệt có dựa; bậc trung thì cột sợi dây đâu đó rồi hai tay cứ nắm vào dây đó để khỏi gục; bậc thượng thì hơi khó, không dựa cũng không dây, y như cột điện. Tư thế ngồi suốt đời không nằm thì không dễ dàng đâu, trừ khi người có bệnh nằm không thở được. Giống như tôi có một thời bị trào ngược dạ dày mỗi lần nằm bị trào chua, lúc đó tôi cũng giống như… đầu đà vậy.

– Suốt đời không ăn cơm mời ở nhà cư sĩ, đi bát gặp gì ăn đó, gặp nóng ăn nóng, gặp nguội ăn nguội, gặp đồ thiu thì ăn đồ thiu. Lần đó ngài đi bát đi ngang xóm cùi, một lóng tay của người cùi rớt vào bát, khi về ngài bỏ lóng tay đó ra rồi vẫn ăn thức ăn còn lại. Mình nghe đã lạnh người rồi mà ngài thì tỉnh bơ. Ngài có hạnh rất độc đáo là chuyên gia ủng hộ người nghèo. Ngài kiếm chỗ nghèo mà đi bát, ngài biết người ta cúng ngài chỉ nửa trái chuối thôi thì phước đã vô lượng. Tướng của ngài đẹp lắm, trong kinh nói ngài đẹp như Phạm thiên vậy. Do ngài có ba hảo tướng: mã âm tàng, quãng trường thiệt (lưỡi dài rộng), mạc tất thủ (tay sờ đầu gối) nên ngài có oai thần quán chúng, nghĩa là đại chúng khi nhìn ngài thì nể được thì nể, sợ được thì sợ, dù đẹp trai như Phan An tái thế nhưng nhìn vô người ta không dám bất kính. Có những nhan sắc nhìn vô mình thấy đây là bà lớn, có những nhan sắc nhìn vô thấy rẻ tiền, chỉ nghĩ chuyện tào lao, có những nhan sắc nhìn vô người ta thấy hơi rờn rợn. Ví dụ cái đẹp của bà Nam Phương, của bà vợ Nguyễn Văn Thiệu, cái đẹp không giống của bà Đặng Tuyết Mai. Ngài Maha Kassapa có khả năng hiệu triệu thiên hạ, hiệu triệu quần hùng, ngài có oai thần của minh chủ võ lâm nên đây cũng là lý do bên PG Bắc Truyền tôn ngài là sơ tổ của Thiền tông. Sau khi Thế Tôn nằm xuống, chính ngài đã hiệu triệu tăng chúng mười phương thực hiện kỳ kiết tập Tam tạng, trùng tuyên Phật ngôn lần đầu và từ đó đặt nền móng cho PG năm ngàn năm lịch sử. Phải ghi nhận điểm này, người có thể võ lâm minh chủ không phải là đơn giản, phải có chơn mạng.

– Suốt đời không mặc y may sẵn, chỉ mặc y vải lượm

– Suốt đời không ở trong nhà có mái che mà chỉ ở trong hang động, gốc cây

– Suốt đời không có chuyện điểm tâm, chỉ ăn một bữa- nhất tọa thực.

– Suốt đời không giữ y dư. Rách rồi thì phải vá, vá không được nữa thì mới đi kiếm cái mới. Có nhiều người cho rằng tu phải tả tơi mới tốt, đây là suy nghĩ sai. Tăng tướng chư Phật ba đời để lại cho đệ tử đẹp lắm chứ không phải như người ta tưởng tượng. Trong kinh quy định rách là rách đến mức nào đó thôi chứ không phải rách tả tơi, không được quyền vá như cái mền trăm màu, khái niệm ‘bá nạp’ là không có bên Nam Tông. Bên Nam Tông chủ trương: nghèo, rách, vá được, rẻ tiền được, nhưng ở mức độ nào đó chứ không biến hình ảnh tăng ni trở thành ra hình ảnh của một kẻ hành khất kêu gọi tình thương hoặc làm cho người ta thấy phản cảm nhìn ra thành cặn bã, ký sinh của xã hội. Hình ảnh chư Phật để lại cho đệ tử là đơn giản, thanh bần, sạch sẽ như thể “chúng tôi là một bộ phận của xã hội, chúng tôi là đại diện cho đời sống tâm linh và tinh thần của thiên hạ, chớ không phải là chỗ để bà con ban phát tình thương.” Bằng chứng là “No money, food only.” Đi bát chỉ nhận thức ăn, không nhận tiền. Nghèo mà sạch, nghèo mà sang.

Theo chú giải, lúc này ngài Maha Kassapa đã là A-la-hán, đã là Đệ nhất Đầu đà rồi. Lúc này Đức Phật tán thán ngài Maha Kassapa.

Trong kinh có nói ba trường hợp tri túc (Santosa, santutthi)

Santosa, santutthi từ ngữ căn Pāḷi ‘tus’ có nghĩa là ‘vui’. Từ đây mới có chữ ‘tusita’, âm Tàu là ‘Đâu-Suất’, cõi này chư thiên luôn vui vẻ, không có lúc sầu muộn hay hờn giận như các cõi Dục thiên khác. Chư thiên các cõi Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma, cũng có lúc họ phiền, giận. Hóa Lạc, Tha Hóa thì sống nhiều về hưởng thụ, chữ ‘hưởng’ này phải hiểu ngầm là rất là vi tế chứ không có kiểu ăn uống, say sưa, chè chén. Theo mô tả trong kinh, vô các cõi Dục thiên, cõi cao sẽ có cảm giác như vô chùa vậy, ở đó họ không dễ duôi như cõi dưới, sự hưởng thụ ở đó rất nhẹ nhàng như gió mát, trăng thanh, niềm vui cây cỏ.

Cõi Đâu Suất có niềm vui tinh thần nhiều nhất. Đây là chỗ lui tới dưỡng sức của các vị đại nhân, cao nhân. Nghĩa là lâu lâu hành Ba-la-mật thì các vị sanh về đó, hoặc sắp xuống thành Phật cũng sanh về đó.

Từ ngữ căn ‘tus’ mới có chữ ‘santosa’, ‘santutthi’.

‘Sa’: của mình, có

Sa + tus: nghĩa là vui với cái gì mình có, vui với cái gì có trong tay, lúc này và tại đây.

Vui với cái gì mình đang có gọi là tri túc (santosa, santutthi). Vui ở đây là an tâm, bằng lòng chớ không phải đam mê. Có ba trường hợp ‘tri túc’:

1. Yathalabhasantosa (santutthi): vui với cái mình có (‘Labha’: được, gain)

Có được cái gì thì thấy đủ với cái đó. Ví dụ sáng nay tôi chỉ có một dĩa tàu hủ kho với cơm trắng, không canh, không đồ xào. Có một món nhắc tới là tôi đói bụng đó là tàu hủ kho với khổ qua. Thấy miếng đậu hũ thì tôi ước gì có miếng khổ qua nhét vô kho cho nó ngon. Vậy là không tri túc. Người thì thấy miếng đậu hủ thì lại ước có thịt dồn vô chiên cho ngon, rồi lại ước có thêm cà chua để sốt cà, đó không gọi là tri túc.

Hồi xưa Bồ tát là vua một nước lớn mà bỏ ngôi vị đi tu, một ông vua nước nhỏ thấy vậy cũng bỏ ngôi đi tu theo. Hai người tu trong rừng sâu núi thẳm, không có muối, thèm đủ thứ. Như tôi bây giờ, tôi ở bên Đức mà lâu lâu tôi thèm lạ lắm, nửa đêm đọc báo thấy nhắc trái ổi thế là thèm ổi, rồi thèm chè trôi nước, thèm rau lang luộc. Hai ông vua tu trong rừng này lâu quá không có muối, bữa đó xuống làng đi bát, có người cho muối. Ông sư đệ gói muối để dành. Bữa đó Bồ tát buột miệng nói, cái này có thêm chút muối thì dễ ăn hơn, ông sư đệ nói có muối, Bồ tát hỏi muối ở đâu mà có, khi biết ông sư đệ để dành, Bồ tát nói một câu: Ngai vàng bỏ được mà chút muối không bỏ được, lỡ tối nay tắt thở nhớ miếng muối trong kẹt đá này đi có yên không, tối nay đang hành thiền nghe mưa lộp bộp có sợ mưa ướt muối không, miếng muối mà làm cho mình nặng lòng như vậy có nên hay không. Ông sư đệ vội sám hối rằng đây là lần cuối trong đời. Vụ này thì tôi không dám bắt chước, mình thời nay mà thiếu chất này chất kia thì sinh ra bệnh, đi bác sĩ không bảo hiểm, không vợ không con, xứ lạnh quê người, chắc phải vừa tu vừa lấy tay che để giấu bớt một mớ.

2. Yathabalasantosa: bằng lòng sở hữu và sử dụng theo nhu cầu, không gì hơn nữa (‘Bala’: sức khỏe, nhu cầu.)

Có người cho tôi áo ấm thiệt tốt, cái màu áo tôi không thích, cái nút to, nhưng bằng len quá tốt. Không lấy thì tiếc cái len dày ấm. Đây không phải là tri túc. Nhu cầu thực sự của mình thì chỉ nhận đúng nhu cầu, nếu nó làm cho mình không vui, không khỏe thì không được tham, không tiếc. Không nên đội nón lớn hơn đầu, mang giày nhỏ hơn chân. Đôi giày mang không đúng thì ảnh hưởng đến cột sống của mình. Bên Tây có đôi giày MBT, mang ở chân mà hỗ trợ cho cột sống. Mang dưới chân mà cột sống sướng. Mang thì kỳ nhưng đã cái lưng lắm, tối về khỏi massage, khỏi dán Salonpas. Yathabalasantosa nghĩa là không vì tiếc vì tham mà nhận lãnh hay cất giữ hoặc sử dụng quá nhu cầu của mình.

3.Yathasaruppasantosa: sở hữu và sử dụng vật chất theo cách nào coi cho được (‘Saruppa’: appropriately)

Vai trò vị trí, vị thế của mình ở mức nào thì chỉ nên xài mức đó. Khi đi chung với sư phụ là hòa thượng, đệ tử không nên xài sang rực rỡ hơn sư phụ. Đi ra ngoài đường mà ông sư ông thầy dùng cặp da sáng bóng, mang mắt kiếng Rayban chói lòa, đeo đồng hồ Rolex đắt tiền, chạy xe mui trần, người ta ngó thì rất kỳ, như vậy thì không có yathasaruppasantosa. Tùy hoàn cảnh nào mà mình xài làm sao để coi cho được một chút, nên ngó trước trông sau xài có nên hay không.

Có nhiều người hiểu lầm pháp lục hòa, pháp tri túc chỉ dành cho tăng ni. Tăng ni phải biết và hành trì là đương nhiên, nhưng cư sĩ biết và hành trì thì tốt chớ không xấu. Tiết kiệm, tri túc không đồng nghĩa với hà tiện. Hào sảng, rộng rãi không đồng nghĩa với hoang phí. Thương người không đồng nghĩa với đa tình. Điềm đạm không phải là vô tâm.

Nguyên chương này là nói về ngài Maha Kassapa. Trong đời sống này, ăn mặc ở thật ra chỉ là nhu cầu bắt buộc. Bản thân sự có mặt trong đời sống này đã là cái khổ, đời sống chỉ có giải pháp, đối phó, chứ không có hưởng thụ, đó là lý do vì sao chư Phật ba đời kêu gọi mình hãy sống ở mức cần và đủ, bởi vì “các con hưởng mấy trăm ngàn tỷ a-tăng-kỳ chưa đủ hay sao?”. Một bữa cơm ăn trong sự say đắm, một lần mặc áo bằng sự say đắm, một lần sử dụng nữ trang bằng sự say đắm là một lần đầu tư thêm sinh tử. Đó là lý do vì sao Phật dạy tri túc, và hơn thế nữa, Phật dạy, nếu hàng xuất gia Đầu đà được thì tốt. Cứ một lần sử dụng vật chất bằng lòng tham đắm là một lần đầu tư sinh tử.