Chuyện Về Tỳ Khưu Sunita – Xuất Gia Phạm Hạnh Đâu Chỉ Giới Quý Tộc Mà Thôi

CHUYỆN VỀ TỲ KHƯU SUNITA – XUẤT GIA PHẠM HẠNH ĐÂU CHỈ GIỚI QUÝ TỘC MÀ THÔI

Sau mùa an cư, Đức Phật và giáo đoàn chia nhau đi hành hóa tại các vùng lân cận thủ đô Savatthi. Một hôm, trong khi đi khất thực ở một xóm ven đô, cạnh bờ sông Aciravati, Đức Phật gặp một người gánh phân tên Sunita. Thấy Đức Phật và đoàn khất sĩ đang trang nghiêm, tề chỉnh đi tới, Sunita lúng túng. Anh ta biết mình đang ăn mặc dơ dáy, hôi hám, lại đang gánh hai thùng phân người. Anh ta vội vã lẩn tránh xuống bờ sông. Ðức Phật biết đây là người có nhiều căn lành nên Ngài cũng đi xuống bờ sông để đón đường Sunita. Thấy thế, Đại đức Sariputta cũng rời hàng ngũ đi theo Phật. Đại đức Meghiya, thị giả của Đức Phật, cũng vội bước theo. Các chư Tăng còn lại thấy lạ cũng dừng chân, đứng im lặng trong hàng, đưa mắt quan sát.

Sunita luống cuống. Anh ta đặt gánh phân xuống, dáo dác nhìn. Phía trên đường, các vị Tăng sĩ mặc áo cà-sa vàng rực đang đứng thành hàng dài. Phía bờ sông, ba vị sa-môn dung nhan tươi sáng đang tiến về phía chàng. Chẳng biết tránh đi đâu, Sunita liền lội xuống nước, định đi ra xa để tránh. Theo phong tục lúc bấy giờ, Sunita biết rằng người thuộc giai cấp hạ tiện như chàng không có quyền đến gần các tu sĩ và các quan chức. Nhưng khi chàng đi cách bờ được bốn năm thước, mực nước vừa tới đầu gối, thì Đức Phật đã đến mé nước, đứng nhìn chàng như muốn hỏi điều gì. Sunita vội chấp tay xá Đức Phật. Ngài ôn tồn bảo:

– Như Lai có chút việc muốn hỏi.

– Kính lạy Ngài, con không dám. Con là giới hạ tiện, con không dám đến gần Ngài, con sợ làm ô uế Ngài.

– Như Lai là người xuất gia tu hành. Chỉ sợ tham dục, sân hận và si mê làm ô uế tâm thôi. Anh đừng ngại, hãy đến đây Như Lai hỏi thăm chút việc. Anh tên gì?

– Dạ, con tên Sunita. Xin Ngài muốn hỏi việc gì cứ nói. Con không dám đến gần Ngài.

– Này Sunita, hãy chăm chú nghe đây. Nước các sông Ganga, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Mahi, sông Rohini, vân vân … một khi đã chảy ra biển rồi thì đều trở thành nước biển, cùng một vị mặn như nhau. Cũng thế, bất cứ người thuộc giai cấp nào, dù sang hay hèn, một khi đã xuất gia tu học, quyết tâm xa lìa tham dục, sân hận, si mê, quyết thực hành một lối sống trong sạch, thanh cao, giác ngộ, thì cũng đều có giá trị ngang nhau. Tất cả chúng sanh đều có nhân duyên. Người nào quyết tâm tu tập đạo lý cao thượng đều có thể trở thành bậc thánh nhân. Này Sunita, anh có muốn xuất gia theo Như Lai không?

– Kính bạch Ngài, Sunita ấp úng, con không dám … con không dám … Dạ, nếu Ngài cho phép thì … thì con rất sung sướng. Dạ, con rất sung sướng nếu được Ngài cho phép con xuất gia. Con xin đem hết lòng thành kính làm theo những điều Ngài chỉ dạy.

Nói xong, Sunita xá lia lịa. Ðức Phật bảo Sunita hãy tắm rửa sạch sẽ rồi lên bờ, Ngài sẽ cho xuất gia. Rồi Ngài nói thị giả Meghiya đến gặp Đại đức Ānanda lấy một tấm Y cà-sa mang xuống bờ sông. Khi tỳ khưu thị giả mang Y đến nơi thì Sunita cũng vừa tắm xong. Ðức Phật làm lễ xuất gia cho Sunita ngay tại bờ sông, rồi giao cho Đại đức Sariputta đưa vị tân tỳ khưu mới về tinh xá Jetavana, trong khi Đức Phật và Tăng đoàn tiếp tục đi khất thực.

Tất cả những gì xảy ra bên bờ sông hôm ấy đã được dân chúng địa phương chứng kiến. tin Đức Phật thu nhận Sunita vào Tăng đoàn bắt đầu được loan truyền trong thành Savatthi gây xáo động mạnh. Các nhân sĩ và giáo sĩ đều tỏ ý không tán thành việc làm táo bạo đó. Các vị đại đức lớn Sariputta, Moggallana, Mahakassapa, Anuruddha báo cáo với Phật về những dư luận không tốt để xin có biện pháp đối phó. Đức Phật dạy:

– Như Lai đã từng nói với các thầy “Nếu các thầy tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì chắc chắn các thầy cũng sẽ thành tựu đạo quả như Như Lai vậy.” Các thầy nghĩ sao? Nếu Sunita tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì Sunita có thể thành tựu đạo quả chăng?

– Bạch Đức Thế Tôn, nếu Sunita tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì chắc chắn sớm muộn gì cũng sẽ thành đạo quả.

– Ðúng vậy. Này các thầy, việc quan trọng là cứu giúp một chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ triền miên trong sanh tử luân hồi. Các thầy hãy cố gắng chỉ dẫn cho Sunita tinh tấn tu tập đúng theo Chánh pháp. Một khi Sunita đã thu hoạch được kết quả tốt thì tự nhiên dư luận kia sẽ ngừng bặt. Lại nữa, này các thầy, Như Lai đã từng khuyên các thầy nên thực hành tâm bình đẳng trong lúc đi khất thực, thì việc thu nhận tỳ khưu mới vào Tăng đoàn cũng phải được thực hiện với tâm bình đẳng. Lại nữa, này các thầy, việc thu nhận Sunita vào Tăng đoàn còn là một tiếng chuông cảnh tỉnh các giới thượng lưu về bất công xã hội gây ra do tâm cố chấp phân biệt giai cấp hiện nay. Nếu chúng ta không làm thì còn ai có thể làm. Các thầy cứ nhẫn nhục và tinh tiến thì mọi việc sẽ ổn thỏa.

Tăng chúng đều hoan hỷ phụng hành.

*Vua Pasenadi gặp tỳ khưu Sunita

Chừng một tháng sau, tin đồn về người gánh phân tên Sunita được Đức Phật thu nhận vào Tăng đoàn đến tai vua Pasenadi. Một số các vị lãnh đạo các giáo phái tại thành Savatthi đã đến xin yết kiến vua để phản đối việc này, vì trái với phong tục cổ truyền xưa nay trong xứ. Hơn nữa, theo thông lệ tôn kính Tăng đoàn, thì vua Pasenadi sẽ phải đối xử như thế nào cho hợp lẽ khi đứng trước tỳ khưu Sunita? Nhà vua cũng cảm thấy hoang mang không ít.

Một hôm vua bảo xa giá đưa ngài tới tịnh xá Jetavana. Xe ngừng trước cổng, vua một mình đi bộ vào. Vua Pasenadi đã quen đường lối trong tinh xá nên ngài cứ đi thẳng tới thất của Đức Phật, không cần hỏi thăm. Thỉnh thoảng gặp vài vị tỳ khưu đi tới, vua đều đứng lại chấp tay xá chào. Các vị tỳ khưu cũng đứng lại chấp tay đáp lễ. Vua nhận thấy vị nào cũng có dáng điệu trầm lặng, thong dong, nhàn nhã, đáng tôn kính. Nửa đường vào tịnh thất của Đức Phật, vua gặp một vị tỳ khưu đang ngồi thuyết pháp dưới một gốc cây, xung quanh có vài vị khất sĩ trẻ và độ mười người cư sĩ áo trắng đang ngồi chăm chỉ lắng nghe. Vị tỳ khưu đang ngồi thuyết pháp, tuổi chưa tới bốn mươi nhưng phong thái trang nghiêm, sáng rỡ. Vua đứng ngắm nhìn cảnh tượng đẹp đẽ này, lắng nghe trong giây lát, rồi lại tiếp tục đi về phía tịnh thất của Đức Phật.

Ðến trước tịnh thất, vua đã thấy Đức Phật đứng sẵn trước cửa tự bao giờ. Sau khi đảnh lễ Ngài, vua mở lời:

– Thưa Đức Thế Tôn, vị khất sĩ đang thuyết pháp dưới cội cây đàng kia là ai mà có phong thái trang nghiêm đáng kính như vậy?

– Thưa Ðại vương, đó là tỳ khưu Sunita. Vị này mới xuất gia cách nay trên một tháng nhưng tu học rất tinh tấn. vị tỳ khưu này rất chất phát, thành thật, lại thông minh và có chí lớn. Với đà này thì chỉ cần vài năm nữa là có thể đi hoằng hóa bất cứ nơi nào.

– Thưa Đức Thế Tôn, người ấy có phải là … có phải là tên Sunita gánh phân mướn?

– Thưa Ðại vương, đúng vậy. Vì nghiệp ác đời trước nên Sunita phải sanh vào dòng hạ tiện, làm nghề gánh phân. Nhưng Sunita cũng đã trồng nhiều căn lành nên kiếp này học đạo lý rất nhanh. Thưa Ðại vương, chúng sanh nào cũng có nhân duyên với Phật Giáo, có khả năng chứng ngộ Pháp cao thượng. Người mê lầm chỉ thấy đời hiện tại, sanh tâm phân biệt, khen chê, kỳ thị, làm cho tâm mê lầm càng thêm dầy đặc. Người giác ngộ biết tất cả chúng sanh đều có duyên lành, chỉ do nghiệp thiện ác mà tạm thời có sai biệt, nên phát tâm bình đẳng và đại bi, tạo nhân duyên thuận lợi cho chúng sanh sớm được thức tỉnh, thoát khỏi cảnh đau khổ luân hồi.

– Thật là tuyệt diệu, thưa Đức Thế Tôn. Với tâm bình đẳng, đại bi, với giáo lý cao thượng, Ngài đã độ cho Sunita thoát khỏi dòng hạ tiện, không còn bị khinh khi, kỳ thị. Hôm nay Ngài lại độ trẫm thoát khỏi tri kiến mê lầm của người thế tục, phát tâm bình đẳng, đại bi để theo giáo lý cao thượng. Trẫm như người ngủ mê vừa mới tỉnh, như người đi lạc trong rừng vừa tìm được lối ra. Trẫm nguyện từ nay cho đến trọn đời sẽ hết lòng yểm trợ Chánh Pháp.

Kể từ hôm đó tin đồn về người gánh phân tên Sunita xuất gia được kèm theo tin vua Pasenadi trở thành đệ tử trung kiên của Đức Phật. Các cuộc bàn tán phản đối dịu dần khi mọi người nhận thấy hạnh nhẫn nhục và tinh tấn của vị tân tỳ khưu.

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.