Đại Phẩm Ii – Chương Dược Phẩm: Tụng Phẩm Thứ Năm
Đại Phẩm II
Chương Dược Phẩm
Tụng Phẩm Thứ Năm
Vào lúc bấy giờ, gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa.
Người vợ có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, nàng phân phát thức ăn cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết.
Cậu con trai có năng lực thần thông như vầy: Sau khi cầm cái túi chứa chỉ một ngàn đồng, cậu ta trả lương sáu tháng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào cái túi còn ở trong tay của cậu ta thì cái túi vẫn không cạn (tiền).
Cô con dâu có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh chỉ một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, nàng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu lương thực sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn.
Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện.
Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nghe rằng: “Nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. Người vợ có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, nàng phân phát thức ăn cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết. Cậu con trai có năng lực thần thông như vầy: Sau khi cầm cái túi chứa chỉ một ngàn đồng, cậu ta trả lương sáu tháng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào cái túi còn ở trong tay của cậu ta thì cái túi vẫn không cạn (tiền). Cô con dâu có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh chỉ một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, nàng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu lương thực sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn. Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện.”
Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã bảo viên quan đại thần nọ là vị tổng quản rằng: – “Này khanh, nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. Người vợ ―(như trên)― Cậu con trai ―(như trên)― Cô con dâu ―(như trên)― Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện. Này khanh, hãy đi. Hãy biết rằng đích thân trẫm xem xét như thế nào, thì ngươi sẽ xem xét như thế ấy.”
– “Tâu đại vương, xin tuân lệnh.” Rồi viên quan đại thần ấy nghe theo đức vua Seniya Bimbisāsa xứ Magadha cùng với đội quân gồm bốn loại binh chủng đã khởi hành đi thành phố Bhaddiya, tuần tự đã đến thành phố Bhaddiya gặp gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã nói với gia chủ Meṇḍaka điều này: – “Này gia chủ, chính ta đã được đức vua ra lệnh rằng: ‘Này khanh, nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. ―(như trên)― Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện. Này khanh, hãy đi và tìm hiểu. Đích thân trẫm xem xét như thế nào thì ngươi sẽ xem xét như thế ấy.’ Này gia chủ, hãy cho chúng ta nhìn thấy năng lực thần thông của ngươi.”
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa.
– “Này gia chủ, năng lực thần thông của ngươi đã được nhìn thấy. Chúng ta hãy xem năng lực thần thông của vợ ngươi.” Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người vợ rằng: – “Như vậy thì nàng hãy phân phát thức ăn cho đội quân gồm bốn loại binh chủng đi.” Khi ấy, sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, người vợ của gia chủ Meṇḍaka đã phân phát thức ăn cho đội quân gồm bốn loại binh chủng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết.
– “Này gia chủ, năng lực thần thông của vợ ngươi đã được nhìn thấy. Chúng ta hãy xem năng lực thần thông của con trai ngươi.” Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người con trai rằng: – “Như vậy thì con hãy trả lương sáu tháng cho đội quân gồm bốn loại binh chủng đi.” Khi ấy, sau khi cầm một cái túi chứa chỉ một ngàn đồng, người con trai của gia chủ Meṇḍaka đã trả lương sáu tháng cho đội quân gồm bốn loại binh chủng; cho đến khi nào cái túi còn ở trong tay của cậu ta thì cái túi vẫn không cạn (tiền).
– “Này gia chủ, năng lực thần thông của con trai ngươi đã được nhìn thấy. Chúng ta hãy xem năng lực thần thông của con dâu ngươi.” Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người con dâu rằng: – “Như vậy thì con hãy cho đội quân gồm bốn loại binh chủng lương thực sáu tháng đi.” Khi ấy, sau khi ngồi xuống bên cạnh chỉ một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, người con dâu của gia chủ Meṇḍakanàng đã cho đội quân gồm bốn loại binh chủng lương thực sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn.
– “Này gia chủ, năng lực thần thông của con dâu ngươi đã được nhìn thấy. Chúng ta hãy xem năng lực thần thông của người tớ trai của ngươi.” – “Thưa ngài, năng lực thần thông của người tớ trai của tôi sẽ được nhìn thấy ở ngoài ruộng.” – “Này gia chủ, thôi đi. Năng lực thần thông của người tớ trai của ngươi cũng đã được nhìn thấy rồi.”
Sau đó, viên quan đại thần ấy cùng với đội quân gồm bốn loại binh chủng đã quay trở về lại thành Rājagaha rồi đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã trình sự việc ấy lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.
Sau đó, khi đã ngự tại thành Vesāli theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Bhaddiya cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.
Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Bhaddiya. Tại nơi đó ở Bhaddiya, đức Thế Tôn ngự tại khu rừng Jātiyā.
Gia chủ Meṇḍaka đã nghe rằng: “Quả thật ngài Sa-môn Gotama con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, nay đã ngự đến Bhaddiya và ngụ tại khu rừng Jātiyā. Tiếng đồn tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí của mình, vị ấy chứng ngộ và công bố về thế gian này tính luôn cõi chư Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy.”
Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe lộng lẫy, sau đó rời khỏi Bhaddiya với những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn.
Nhiều du sĩ ngoại đạo đã nhìn thấy gia chủ Meṇḍaka từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với gia chủ Meṇḍaka điều này: – “Này gia chủ, ngươi đi đâu vậy?” – “Thưa các ngài, tôi đi để diện kiến đức Thế Tôn là Sa-môn Gotama.” – “Này gia chủ, ngươi là người theo thuyết hành động, sao lại đi đến diện kiến Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động? Này gia chủ, chính Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về Pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã khởi ý điều này: “Theo như cách những người du sĩ ngoại đạo này ganh tị thì quả nhiên không còn nghi ngờ về đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.” Sau khi đã đi bằng cỗ xe hết khoảng đường dành cho xe, gia chủ Meṇḍaka đã xuống xe rồi làm người bộ hành đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi gia chủ Meṇḍaka đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến gia chủ Meṇḍaka. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly.
Khi đức Thế Tôn biết được Gia chủ Meṇḍaka có tâm đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gia chủ Meṇḍaka: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;’ tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Meṇḍaka đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: – “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.
Sau đó, người vợ của gia chủ Meṇḍaka cùng với con trai, con dâu, và người tớ trai đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly.
Khi đức Thế Tôn biết được những người ấy có tâm đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến những người ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;’ tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, chúng con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là những cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Meṇḍaka đã ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, con xin dâng vật thực thường xuyên đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu cho đến khi nào đức Thế Tôn còn ngụ tại Bhaddiya.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Meṇḍaka bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, khi đã ngự tại Bhaddiya theo như ý thích, đức Thế Tôn không thông báo cho gia chủ Meṇḍaka rồi đã ra đi du hành về phía Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.
Gia chủ Meṇḍaka đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đang đi du hành về phía Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.”
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho những người nô lệ và những người làm công rằng: – “Này các người, như thế thì hãy chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi hãy đi đến. Và một ngàn hai trăm năm mươi người chăn bò hãy lấy ra một ngàn hai trăm năm mươi con bò cái rồi hãy đi đến. Nơi nào chúng ta gặp được đức Thế Tôn, chúng ta sẽ dâng sữa tươi để (ngài) thọ dụng.”
Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã gặp được đức Thế Tôn ở khu rừng vắng trên đường đi. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Meṇḍaka đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: – “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến chỗ cúng dường thức ăn của gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho một ngàn hai trăm năm mươi người chăn bò rằng: – “Này các người, như vậy thì hãy dắt mỗi một con bò cái đến đứng gần mỗi một vị tỳ khưu. Chúng ta sẽ dâng sữa tươi để (các vị) thọ dụng.”
Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm và sữa tươi. Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh sữa. – “Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.”
Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm và sữa tươi. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Meṇḍaka đã ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, có những con đường, những khu rừng vắng, ít nước, ít vật thực, công việc không được thuận tiện nếu đi không có vật thực đi đường. Bạch ngài, tốt thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép vật thực đi đường đến các vị tỳ khưu.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Meṇḍaka bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép năm sản phẩm từ bò là sữa tươi, sữa đông, sữa bơ, bơ đặc, bơ lỏng. Này các tỳ khưu, có những con đường, những khu rừng vắng, ít nước, ít vật thực, công việc không được thuận tiện nếu đi không có vật thực đi đường. Này các tỳ khưu, ta cho phép tầm cầu vật thực đi đường là gạo lức với vị có nhu cầu về gạo lức, đậu muggavới vị có nhu cầu về đậu mugga, đậu māsa với vị có nhu cầu về đậu māsa, muối với vị có nhu cầu về muối, đường với vị có nhu cầu về đường, dầu ăn với vị có nhu cầu về dầu ăn, bơ lỏng với vị có nhu cầu về bơ lỏng. Này các tỳ khưu, có những người dân có niềm tin, mộ đạo, những người này để tiền vàng ở tay của người làm thành được phép (nói rằng): ‘Hãy dâng đến ngài đại đức vật đã làm trở thành được phép từ vật này.’ Này các tỳ khưu, ta cho phép chấp nhận vật đã làm trở thành được phép từ điều ấy, nhưng này các tỳ khưu ta không nói rằng: ‘Vàng và bạc có thể được chấp nhận, có thể được tầm cầu bởi bất cứ cách thức nào.’”
Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Āpaṇa. Đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nghe rằng: “Quả thật ngài Sa-môn Gotama con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, nay đã ngự đến Bhaddiya và ngụ tại Āpaṇa. Tiếng đồn tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí của mình, vị ấy chứng ngộ và công bố về thế gian này tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người. ―(như trên)― Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy.”
Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã khởi ý điều này: “Ta nên cho người đem đến cho Sa-môn Gotama vật gì đây?” Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã khởi ý điều này: “Những người ẩn sĩ trước đây là Bà-la-môn, là những người làm ra chú thuật, là những người sử dụng chú thuật, những người ấy có hình thức chú thuật cổ điển đã được đọc tụng, đã được nói ra, đã được thực hiện mà những người Bà-la-môn hiện nay cũng đọc tụng theo hình thức ấy, nói ra theo hình thức ấy, giảng giải theo điều đã được giảng giải, nói lại điều đã được nói, (các vị ấy) như là: Aṭṭaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Aṅgīrasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu đã không ăn vào buổi tối, đã kiêng cữ việc ăn phi thời, các vị ấy chấp nhận các thức uống như thế này. Sa-môn Gotama cũng không ăn vào buổi tối và kiêng cữ việc ăn phi thời nên Sa-môn Gotama cũng xứng đáng được chấp nhận các thức uống như thế này” nên đã cho chuẩn bị sẵn sàng nhiều thức uống và cho người đem đi bằng những giỏ mang sau vai rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng một bên. Khi đã đứng một bên, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Xin ngài Gotama hãy thọ lãnh thức uống của tôi.” – “Này Keṇiya, như vậy thì hãy dâng cho các tỳ khưu.” Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh. – “Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.”
Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với nhiều loại thức uống. Đến khi đức Thế Tôn có cánh tay đã được rửa, bàn tay đã rời khỏi bình bát, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống một bên. Khi đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng bài Pháp thoại.
Sau đó, khi đã được đức Thế tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” – “Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn.” Đến lần thứ nhì, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” – “Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn.” Đến lần thứ ba, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tám loại thức uống: nước xoài, nước mận, nước chuối hột, nước chuối không hột, nước mật ong, nước nho, nước ngó sen, nước dâu. Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt trái cây ngoại trừ nước cốt của ngũ cốc. Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt của lá cây ngoại trừ nước cốt của rau cải nấu chín. Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt của bông hoa ngoại trừ nước cốt của bông cây cam thảo. Này các tỳ khưu, ta cho phép nước cốt của cây mía.”
Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm tại khu ẩn cư của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: – “Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến khu ẩn cư của đạo sĩ bện tóc Keṇiya, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.
Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống một bên. Khi đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ đến đạo sĩ bện tóc Keṇiya đang ngồi một bên bằng những lời kệ này:
“Các việc cúng tế có sự cúng dường lửa là đứng đầu, kinh cổ Sāvittī là đứng đầu về niêm luật, đức vua là đứng đầu loài người, biển cả đứng đầu các con sông.
Mặt trăng đứng đầu các vì sao, mặt trời đứng đầu các vật tỏa sáng. Đối với những người mong mỏi phước đang cúng dường thì Hội Chúng là đứng đầu.”
Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ đến đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, khi đã ngự tại Āpaṇa theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.
Những người dân Malla ở Kusinārā đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đi đến Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.” Họ đã ra quy định là: “Ai không thực hiện việc đi ra đón đức Thế Tôn, hình phạt dành cho người này là năm trăm (tiền).”
Vào lúc bấy giờ, Roja người Malla là bạn của đại đức Ānanda. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Kusinārā. Khi ấy, những người dân Malla ở Kusinārā đã thực hiện việc đi ra đón đức Thế Tôn.
Sau đó, khi đã thực hiện việc đi ra đón đức Thế Tôn, Roja người Malla đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng một bên. Khi Roja người Malla đã đứng một bên, đại đức Ānanda đã nói với Roja người Malla điều này: – “Này bạn Roja, thật là tuyệt vời khi bạn đã thực hiện việc đi ra đón đức Thế Tôn.” – “Thưa ngài Ānanda, tôi không có nhiều niềm tin đối với đức Phật, Giáo Pháp, hay Hội Chúng. Chỉ vì thân quyến đã ra quy định là: ‘Ai không thực hiện việc đi ra đón đức Thế Tôn, hình phạt dành cho người này là năm trăm (tiền).’ Thưa ngài Ānanda, chính vì nỗi lo sợ về hình phạt của thân quyến nên tôi đã thực hiện việc đi ra đón đức Thế Tôn.”
Khi ấy, đại đức Ānanda đã không được hoan hỷ (nghĩ rằng): “Vì sao Roja người Malla lại nói như thế?” Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồì xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, Roja này người Malla được nổi tiếng, là người có danh tiếng. Những người có danh tiếng như thế nếu có được niềm tin trong Pháp và Luật này sẽ có sự thuận lợi lớn. Bạch ngài, thật tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy làm như thế nào đó để Roja người Malla có thể an trú niềm tin vào Pháp và Luật này.” – “Này Ānanda, điều ấy không phải là việc khó làm đối với đức Như Lai như là việc Roja người Malla có thể an trú niềm tin vào Pháp và Luật này.”
Sau đó, đức Thế Tôn đã phát ra luồng tâm bác ái đến Roja người Malla rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào trú xá. Khi ấy, bị xúc chạm bởi luồng tâm bác ái của đức Thế Tôn, cũng giống như con bê con (đi tìm) bò mẹ, tương tợ như thế Roja người Malla đi đến trú xá này đến trú xá khác, phòng này đến phòng khác và hỏi các vị tỳ khưu rằng: – “Thưa ngài, bây giờ đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy đang ngụ ở đâu vậy, bởi vì chúng tôi có ý muốn diện kiến đức Thế Tôn bậc A-la-hán đấng Chánh Đẳng Giác ấy?” – “Này đạo hữu Roja, là trú xá có cánh cửa đóng lại kia. Hãy đi đến với sự nhẹ nhàng và chớ có vượt qua (cánh cửa), hãy bước vào hành lang, đằng hắng, và gõ vào thanh cài cửa, rồi đức Thế Tôn sẽ mở cửa cho đạo hữu.”
Sau đó, Roja người Malla đã đi đến trú xá có cánh cửa đóng lại kia với sự nhẹ nhàng, không có vượt qua (cánh cửa), rồi bước vào hành lang, đằng hắng, và gõ vào thanh cài cửa. Đức Thế Tôn đã mở cánh cửa ra. Khi ấy, Roja người Malla đã bước vào trú xá, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi Roja người Malla đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến Roja người Malla. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly.
Khi đức Thế Tôn biết được Roja người Malla có tâm đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến Roja người Malla: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, Roja người Malla đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, tốt đẹp thay nếu các ngài đại đức có thể thọ lãnh vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men trị bịnh của riêng mình con thôi, không phải của người khác.” – “Này Roja, nếu những người đã thấy được Pháp với trí tuệ của vị hữu học, với tầm nhìn của vị hữu học như là ngươi đây thì những người ấy cũng khởi ý như vầy: ‘Đương nhiên các ngài đại đức có thể thọ lãnh vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men trị bịnh của riêng mình chúng ta thôi, không phải của người khác.’ Này Roja, chính vì điều ấy các vị (tỳ khưu) sẽ thọ lãnh của chính ngươi và của những người khác nữa.”
Vào lúc bấy giờ, ở Kusinārā sự dâng vật thực theo tuần tự của các bữa ăn hảo hạng đã được xác lập. Khi ấy, Roja người Malla đã không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên nhìn xem ở nhà ăn, món gì ở nhà ăn không có thì ta nên chuẩn bị món đó?” Sau đó, Roja người Malla trong khi nhìn xem ở nhà ăn đã không thấy hai món là rau xanh và bánh bột. Khi ấy, Roja người Malla đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này: – “Thưa ngài Ānanda, ở đây trong khi tôi không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: ‘Hay là ta nên nhìn xem ở nhà ăn, món gì ở nhà ăn không có thì ta nên chuẩn bị món đó?’ Thưa ngài Ānanda, rồi trong khi nhìn xem ở nhà ăn tôi đây đã không thấy hai món là rau xanh và bánh bột. Thưa ngài Ānanda, nếu tôi chuẩn bị sẵn sàng rau xanh và bánh bột, đức Thế Tôn có thể nhận lãnh của tôi không?” – “Này Roja, như thế thì tôi sẽ hỏi đức Thế Tôn.”
Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này Ānanda, như thế thì (Roja) hãy chuẩn bị sẵn sàng.” – “Này Roja, như thế thì bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng.”
Sau đó, khi trải qua đêm ấy Roja người Malla đã cho chuẩn bị sẵn sàng rau cải và bánh bột, rồi đã đem dâng đến đức Thế Tôn. – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhận lãnh rau cải và bánh bột.” – “Này Roja, như vậy thì hãy dâng cho các vị tỳ khưu.” Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh. – “Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.”
Sau đó, Roja người Malla đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với nhiều rau cải và bánh bột. Đến khi đức Thế Tôn có cánh tay đã được rửa, bàn tay đã rời khỏi bình bát, Roja người Malla đã ngồi xuống một bên. Khi Roja người Malla đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Roja người Malla bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại rau xanh và tất cả các loại bánh bột.”
Sau đó, khi đã ngự tại Kusinārā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.
Vào lúc bấy giờ, có vị xuất gia lúc tuổi già nọ, trước đây là thợ cạo, ngụ tại Ātumā. Vị ấy có hai người con trai ăn nói ngọt ngào, khôn ngoan, khéo léo, thiện nghệ trong nghề thợ cạo từ thầy của họ. Vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đi đến Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.”
Khi ấy, vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã nói với hai người con trai ấy rằng: – “Này hai con thương, nghe nói đức Thế Tôn đi đến Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Này hai con thương, hai con hãy đi và mang theo thùng dao cạo, hãy viếng từng nhà với thùng và bao bị, hãy gom góp muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng; chúng ta sẽ thực hiện việc dâng cúng cháo đến đức Thế Tôn khi ngài đi đến.” – “Thưa cha, xin vâng.” Rồi hai người con trai ấy nghe theo vị xuất gia lúc tuổi già ấy mang theo thùng dao cạo đi viếng từng nhà với thùng và bao bị, trong lúc gom góp muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng. Dân chúng sau khi nhìn thấy hai người con trai ăn nói ngọt ngào, khôn ngoan ấy, dầu không có ý muốn thuê làm cũng bảo chúng làm, và sau khi bảo chúng làm lại còn thưởng rất nhiều. Khi ấy, hai người con trai ấy đã gom góp nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng.
Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Ātumā. Tại nơi ấy ở Ātumā, đức Thế Tôn ngự tại Bhusāgāra.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng rất nhiều cháo, rồi đã đem dâng đến đức Thế Tôn. – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh cháo của con.”
Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu vì hai lý do: “Hoặc là chúng ta sẽ thuyết Pháp, hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.”
Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị xuất gia lúc tuổi già ấy điều này: – “Này tỳ khưu, cháo này từ đâu vậy?” Khi ấy, vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm. Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại bảo các vị xuất gia làm việc không được phép? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên bảo các vị xuất gia làm việc không được phép; vị nào bảo làm thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, vị trước đây là thợ cạo không nên mang theo thùng dao cạo; vị nào mang theo thì phạm tội dukkaṭa.”
Sau đó, khi đã ngự tại Ātumā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi ấy ở thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngụ tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Sāvatthi nhiều loại vật thực cứng là trái cây được phát sanh. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Loại vật thực cứng là trái cây nào được cho phép, loại nào không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại vật thực cứng là trái cây.”
Vào lúc bấy giờ, các hạt giống của hội chúng được gieo trồng trên vùng đất của cá nhân, các hạt giống của các cá nhân được gieo trồng trên vùng đất của hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, các hạt giống của hội chúng đã được gieo trồng trên vùng đất của cá nhân nên được thọ dụng sau khi đã trao cho phần chia. Các hạt giống của các cá nhân đã được gieo trồng trên vùng đất của hội chúng nên được thọ dụng sau khi đã trao cho phần chia.”
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu khởi lên sự phân vân về vấn đề này về vấn đề nọ: “Điều nào đã được đức Thế Tôn cho phép, điều nào đã không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cấm rằng: ‘Điều này không được phép,’ và điều ấy phù hợp với điều không được phép và trái nghịch với điều được phép, đối với các ngươi điều ấy là không được phép. Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cấm rằng: ‘Điều này không được phép,’ và điều ấy phù hợp với điều được phép và trái nghịch với điều không được phép, đối với các ngươi điều ấy là được phép. Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cho phép rằng: ‘Điều này được phép,’ và điều ấy phù hợp với điều không được phép và trái nghịch với điều được phép, đối với các ngươi điều ấy là không được phép. Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cho phép rằng: ‘Điều này được phép,’ và điều ấy phù hợp với điều được phép và trái nghịch với điều không được phép, đối với các ngươi điều ấy là được phép.”
Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vật dùng đến hết đêm (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép? Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép? Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép? Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm là được phép, hay là không được phép? Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm là được phép, hay là không được phép? Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng trong bảy ngày là được phép, hay là không được phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, vật dùng đến hết đêm (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc đúng thời, phi thời không được phép. Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc đúng thời, phi thời không được phép. Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc đúng thời, phi thời không được phép. Này các tỳ khưu, vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong đêm, không được phép khi đêm đã trôi qua. Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong đêm, không được phép khi đêm đã trôi qua. Này các tỳ khưu, vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng trong bảy ngày (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong bảy ngày, không được phép khi bảy ngày đã trôi qua.”
Dứt chương Dược Phẩm là thứ sáu.
*****
Trong chương này có một trăm lẻ sáu sự việc.
Tóm lược chương này
Vào mùa thu, vào lúc phi thời nữa, mỡ thú vật, các loại rễ cây, với các loại bột nghiền, các loại nước sắc, lá cây, trái cây, nhựa cây, và muối gồm sáu loại.
Bột tắm, cái rây bột, và thịt sống, thuốc bôi, bột nghiền nát, hộp thuốc bôi đặc biệt, không được đậy lại, que bôi thuốc, hộp đựng que bôi thuốc.
Túi đựng, có dây mang vai, sợi chỉ, dầu xoa ở đầu, và lỗ mũi, cái muỗng đặt ở mũi, và ống dẫn khói, nắp đậy, túi kép.
Và rượu trong các loại dầu nấu, được thêm vào quá nhiều, thuốc thoa, bình chứa, hơi nóng, và của nhiều loại lá cây, nhiều hơi nóng, và nước nấu của nhiều loại lá cây là tương tợ.
Bể nước ngâm, và trích máu, ống sừng, thuốc cao bôi chân, sự phòng ngừa, dao mổ, và nước làm đông máu, cao hạt mè, vải cầm máu.
Vải băng vết thương, và bột mù-tạt, việc xông khói, và mảnh sứ, dầu xức vết thương, băng vải, vật dơ, và việc thọ lãnh.
(Uống) phân, trong lúc làm, và đất ở lưỡi cày, nước tro, (hợp chất) nước tiểu và trái hariṭakī, (mỡ có) mùi thơm, và luôn cả thuốc xổ, nước súp không chất béo, thêm chút ít chất béo.
Nước luộc thịt, hang núi, tu viện, năm trăm ngưòi, đường, đậu mugga, và cháo chua, tự mình nấu, nấu lại.
Ngài đã cho phép lần nữa, vào lúc khó khăn về vật thực, và trái cây, mè, và vật nhai, trước bữa ăn, bệnh sốt toàn thân, và được lấy hết hột, bệnh lở loét.
Và công việc bơm thụt, và nàng Suppiyā, lại thêm chuyện thịt người, voi, ngựa, và chó nhà, rắn, sư tử, và beo.
Và thịt gấu rừng, chó sói, chờ đến phiên, và cháo, (đức tin) còn non trẻ, thêm chuyện nữa về đường, vị quan Sunīdha, nhà nghỉ trọ.
Sông Gaṅgā, làng Koṭi, sự thuyết giảng về Chân Lý, nàng Ambapālī, và các vị Licchavi, đã được làm có liên quan (đến người thọ dụng), lúc vật thực dễ dàng, Ngài cũng đã ngăn cấm lại.
Đám mây đen, vị Yasoja, và Meṇḍaka, sản phẩm từ loài bò, và vật thực đi đường, đạo sĩ Keṇiya, nước xoài, nước mận, chuối có hột, không hột, nước mật ong, nước nho, nước ngó sen.
Nước dâu, rau xanh và bánh bột, người thợ cạo ở Ātumā, ở Sāvatthi, trái cây, hột giống, thuộc về trường hợp nào, và (vật thực) liên quan đến thời gian.”
–ooOoo–
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)