Kinh Nghiệm Thiền Quán – Thực Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày: Tâm Từ Và Cái Chết & Vì Lợi Ích Của Tất Cả
MAIN CONTENT
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Thực tập trong đời sống hằng ngày: Tâm từ và cái chết & Vì lợi ích của tất cả
Tâm Từ Và Cái Chết
Metta rất nhiệm mầu giúp ta đối diện với cái chết , hay tâm từ, có thể là một phương tiện của mình hoặc của người khác.
Tâm từ có một năng lực rất đặc biệt, nó làm tâm ý ta trở nên nhu hòa, an tĩnh hơn, để có thể đối phó và chế ngự được sự sợ hãi. Khi bắt đầu đối diện với một việc gì bí mật sắp xảy ra, như là cái chết chẳng hạn, thường thì bao giờ trong ta cũng có một nỗi sợ khuấy động lên. Có thể ta sợ cơn đau đớn thường đi đôi với lúc hấp hối. Có thể ta sợ sự bấp bênh của tình trạng ấy. Cũng có thể ta sợ những gì mình không biết rõ.
Lần đầu tiên khi Đức Phật giới thiệu pháp từ bi quán này, ngài dạy cho một số thầy đang gặp một hoàn cảnh sợ hãi. Phương pháp quán từ bi được sử dụng như là một liều thuốc giải độc cho tâm khiếp sợ. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể phát triển được năng lực của tâm từ, nếu ta biết tu tập cho thâm sâu. Khi tâm từ được vững mạnh, ta sẽ an trú trong một không gian của tình thương và thiện chí, biết lo cho chính mình cũng như cho người khác. Khi ta sống với năng lực và sự đơn sơ của tình thương này, ta sẽ thấy rằng mỗi khi tâm từ có mặt, sợ hãi sẽ vắng mặt. Tâm từ và sự sợ hãi không thể có mặt trong cùng một lúc!
Bạn hãy tu tập để phát triển tâm từ của mình cho được thâm sâu, điều đó sẽ xây đắp cho bạn một nền tảng vững vàng. Nơi đó sẽ là một nơi trú ẩn, một sức mạnh mà ta có thể nương tựa vào mỗi khi gặp bất cứ một cơn khủng hoảng nào trong cuộc sống, kể cả cái chết.
Tâm từ, metta, và thiền quán, vipassana, là những năng lực hỗ tương, chúng hòa hợp với nhau rất khéo léo. Trong những hoàn cảnh khốn khó, như lúc chết chẳng hạn, ta sẽ bị thu hẹp, vướng mắc và rất dễ bị phản ứng, mà chánh niệm thì tự nó chưa đủ sức để đối phó với tình trạng khó khăn ấy. Những lúc đó, ta có thể nương tựa vào phương pháp từ bi quán để đem lại sự tĩnh lặng cho tâm mình. Và khi có được sự tĩnh lặng ấy rồi, ta sẽ có thể cởi mở bằng chánh niệm, với bất cứ một khó khăn nào đang có mặt.
Phối hợp hai loại thiền này với nhau là một điều rất trọng yếu cho sự tu tập của ta trong lúc này, cho sự xoay xở của ta vào giờ phút lâm chung, cũng như cho cách xử sự của ta đối với một người đang hấp hối. Sự quây quần của người thân xung quanh một người trong giờ phút lâm chung, cũng có thể giúp ích rất nhiều cho tâm thức của người ấy. Mặc dù một người đang hấp hối có vẻ như không có một phản ứng nào, nhưng đừng vì vậy mà ta cho rằng họ vô thức. Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện về những người bị hôn mê sâu, sau khi tỉnh dậy, họ kể lại những kinh nghiệm rất sáng suốt. Tuy lúc ấy họ không có khả năng truyền thông, nhưng họ luôn luôn có mặt. Thật ra, chúng ta không biết được việc gì xảy ra trong giờ phút ấy. Bên ngoài có vẻ như thế này, mà bên trong thì có thể là hoàn toàn khác hẳn.
Ta có thể phục vụ một người đang hấp hối bằng cách ban rải năng lực của tâm từ đến cho họ. Nếu ta thực hiện được việc ấy trong một trạng thái thanh tịnh và vững vàng, điều đó sẽ có một ảnh hưởng trấn an rất lớn. Trong ta tỏa phát ra năng lượng của sự an lạc.
Và thiền quán cũng có thể phục vụ ta rất nhiều, vì nó giúp ta quan sát được tâm mình. Chánh niệm cho phép ta theo dõi những cảm thọ và phản ứng của mình mà không bị vướng mắc. Nó giúp ta không làm rối rắm thêm một tình trạng đã quá là khốn khó. Chứng kiến giờ phút lìa đời của một người thân yêu có thể là một kinh nghiệm rất mãnh liệt. Bạn hãy tự hỏi mình, khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta có cởi mở không? Ta có thể để cho chúng trôi qua, và giữ cho mình an trú trong năng lực tỏa chiếu của một tâm từ hay không?
Vì lợi ích của tất cả
Dù cho bạn có ý thức được hay không, việc bước chân vào hành trình giải thoát không chỉ là cho riêng mình bạn mà còn là cho hạnh phúc của tất cả những chúng sinh khác nữa. Vì khi ta hiểu được thấu đáo tự tính của mình, chân tính của thân tâm, ta sẽ thấy rằng tự tính này là của chung tất cả mọi người. Tuy có những dị biệt nhỏ, nhưng rất là tương đối và nông cạn, có chăng là chỉ tùy thuộc vào điều kiện mà thôi.
Chúng ta có những cá tính khác nhau. Và bề ngoài thân thể ta, nội dung tư tưởng ta cũng thế. Nhưng cách thức hoạt động của thân và tâm thì mọi người ai cũng giống như nhau. Giận dữ, sợ hãi, thương yêu và tâm từ, những cảm thọ ấy hoàn toàn giống hệt nhau trong bất cứ một ai. Như thân này của chúng ta đều sẽ già yếu và chết. Sau khi hiểu rõ được mình rồi, chúng ta sẽ có thể cảm nhận sâu xa hơn về sự tương đồng giữa ta và người khác.
Tùy theo trình độ hiểu biết của mình về sự tương đồng này mà chúng ta sẽ có những cách đối xử khác nhau với người chung quanh. Trên con đường tu tập, rồi sẽ có một ngày ta bớt đi cái cảm giác chia rẽ, bớt đi sự cách biệt giữa mình và người khác. Khi ấy, ngay cả loài vật cũng không còn khác biệt với ta nữa.
Từ khi tôi có cơ hội đi đến những nền văn hóa khác nhau để dạy thiền, tôi thấy tâm phân biệt của mình đã bắt đầu phai mờ mau chóng. Ví dụ, tôi đã có dịp hướng dẫn vài khóa tu ở Nga. Nơi đây, tình trạng sinh sống cũng như mối tương quan của người ta với nhau khác xa so với ở Tây phương. Dù vậy, trong sự tu tập, những kinh nghiệm đều có chung một phẩm chất: cũng cùng một cái đau nơi chân, cũng một cái “tâm viên ý mã” ấy, cũng bấy nhiêu cảm xúc, cũng cùng một năng lực tỉnh thức… Ta thấy rằng, bên dưới những nền văn hóa và hoàn cảnh khác biệt ấy, chúng ta đều cùng nhau chia sẻ một chân lý cơ bản của sự sống. Nhận xét này, bao giờ cũng vậy, đưa ta đến một cảm giác gần gũi và nối liền mạnh mẽ với mọi người. Hiểu được mình rồi, tự nhiên ta sẽ hiểu được người khác, và từ đó sợi dây liên hệ hợp nhất mọi người lại với nhau sẽ được siết chặt thêm.
Issa, một thi sĩ Nhật Bản thế kỷ 16, đã diễn tả một cách thật hay: “Dưới bóng hoa anh đào nở rộ, không có ai là người xa lạ cả.”
Sự tu tập của ta cũng sẽ trực tiếp mang lợi ích đến cho mọi chúng sinh khác. Chính vì mọi sự trên đời này đều có liên quan mật thiết với nhau, cho nên sự sống của ta là cần thiết và có ảnh hưởng đến sự mất còn của toàn thế giới. Có biết bao nhiêu sự liên hệ, mối tương quan khác nhau, chằng chịt nối liền mọi loài, mọi vật với nhau. Chắc chắn rằng phẩm chất của tâm và ý bạn, thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều sự việc khác, mà có lẽ bạn sẽ không bao giờ có thể hiểu hết được.
Môn khoa học mới về thuyết hỗn loạn diễn tả rằng, bên dưới những nhận thức thông thường của chúng ta, sự vật rất là hỗn độn và vô cùng khó hiểu. Tính chất hỗn độn này tự biểu hiện ra cho ta thấy trong những sự kiện thông thường hằng ngày, như là thời tiết thay đổi hoặc trong một làn khói bốc lên. Tuy vậy, nếu bạn đi sâu vào sự hỗn loạn ấy, bạn sẽ khám phá ra rằng chúng có những mô thức rất kỳ diệu và liên hệ với nhau. Có một nguyên lý gọi là “sự phụ thuộc bén nhạy vào tình trạng ban đầu,” có nghĩa là một sự kiện nhỏ bé đưa vào ở giai đoạn đầu của một diễn trình, có thể trở thành một kết quả rất to lớn sau này ở cuối diễn trình ấy. Vì vậy mà môn khoa học về thuyết hỗn loạn nói với chúng ta rằng, một con bướm đập cánh ở Trung Hoa sẽ tạo nên những tác động dây chuyền có thể ảnh hưởng đến một hệ thống bão tố ở Boston. Đó chính là tính tương quan duyên khởi của mọi vật: khi chúng ta thực hiện một hành động thương yêu, nói một lời giận dữ, hoặc sống với chánh niệm… làn sóng ảnh hưởng của những việc ấy sẽ dần dần lan rộng ra, và trở nên mạnh mẽ lên.
Càng ý thức được tính tương quan duyên khởi của vạn vật bao nhiêu, chúng ta sẽ càng nhận thấy rằng phẩm chất của cuộc sống mình không những chỉ ảnh hưởng tới những người mình gặp, mà sẽ còn cho mọi chúng sinh khác nữa. Một đêm cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật đã ngồi xuống dưới một cội cây tại Bồ-đề Đạo tràng, Ấn Độ, và cũng nhờ có hành động ấy mà bây giờ bạn ngồi đây vào thế kỷ 21 đọc những dòng này. Thật kỳ diệu! Và việc này có thể xảy ra là nhờ có những sự kiện dây chuyền, liên tục tiếp nối nhau trong suốt hơn 2.500 năm, qua nhiều nền văn hóa và quốc gia khác nhau. Và sợi dây chuyền ấy không phải chấm dứt với việc bạn cầm quyển sách này trên tay. Nó sẽ còn được tiếp nối từ bạn cho đến những ai nữa, mà bạn sẽ không bao giờ gặp, ở một thời gian và không gian xa xôi nào đó…
Vũ trụ huyền mặc này đầy những mối tương quan trùng trùng duyên khởi rất tinh vi. Mỗi một hành động của ta cũng tinh tế và có một ảnh hưởng vô cùng như cái vỗ cánh của con bướm. Và nếu ta càng thoát khỏi được tham, sân, si bao nhiêu, thì cuộc sống của ta sẽ càng đem lại hạnh phúc cho những chúng sinh khác bấy nhiêu. Chiêm nghiệm sự việc này có thể đem lại sinh khí mới cho sự tu tập và cuộc sống của ta, trong một không gian thênh thang và đầy tình thương, khi ta bước đi trên một con đường cổ xưa nhưng rất thực tế này.