Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ – Chương Ba Pháp – Phẩm Kusinàra
TẠNG KINH
KINH TĂNG CHI BỘ
CHƯƠNG BỐN PHÁP
PHẨM KUSINÀRA
121. Tại Kusinàra
Một thời Thế Tôn trú ở Kusinàra, tại khóm rừng Bariharana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
– Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Rồi người gia chủ hay con người gia chủ đi đến vị ấy mời mai lại dùng cơm. Nếu muốn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhận lời. Sau khi đêm ấy đã mãn, Tỷ-kheo ấy vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi đến trú xứ người gia chủ hay con người gia chủ. Sau khi đến, vị ấy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người gia chủ hay con người gia chủ tự tay đứng mời và làm cho thỏa mãn Tỷ-kheo ấy với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Vị ấy suy nghĩ: “Thật tốt lành thay, người gia chủ hay con người gia chủ này tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm! “Rồi vị ấy suy nghĩ như sau: “Mong rằng người gia chủ hay con người gia chủ này trong tương lai, tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!”. Vị ấy thọ hưởng món ăn khất thực ấy, tham dính say đắm, đam trước, không thấy sự nguy hại, không thấy được sự xuất ly. Vị ấy ở đây khởi lên suy tầm về dục, khởi lên sự suy tầm về sân, khởi lên sự suy tầm về hại. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng bố thí cho Tỷ-kheo như vậy không có quả lớn. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống phóng dật.
Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn. Rồi một gia chủ hay con người gia chủ đi đến vị ấy mời mai lại dùng cơm. Nếu muốn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhận lời. Sau khi đêm ấy đã mãn, Tỷ-kheo ấy vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát và đi đến trú xứ người gia chủ hay con người gia chủ. Sau khi đến, vị ấy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi người gia chủ hay con người gia chủ tự tay đứng mời và làm cho thỏa mãn Tỷ-kheo ấy với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Vị ấy không có suy nghĩ: “Thật tốt lành thay, người gia chủ hay con người gia chủ này tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!”. Rồi vị ấy không suy nghĩ như sau: “Mong rằng người gia chủ hay con người gia chủ này trong tương lai, tự tay đứng mời và làm thỏa mãn ta với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm!”. Vị ấy thọ hưởng món ăn khất thực ấy, không tham dính, không say đắm, không đam trước, thấy được sự nguy hại, thấy được sự xuất ly. Vị ấy ở đây khởi lên suy tầm về viễn ly, khởi lên sự suy tầm về vô sân, khởi lên sự suy tầm về vô hại. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng bố thí cho Tỷ-kheo như vậy có quả lớn. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không sống phóng dật.
122.- Tranh Luận
– Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi, thật không thoải mái cho ta, này các Tỷ-kheo, khi nghĩ đến phương hướng ấy, còn nói gì đến chỗ ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: “Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp và đã làm quá nhiều ba pháp”.
Ba pháp họ đã từ bỏ là gì? Viễn ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Ba pháp này họ đã từ bỏ.
Ba pháp gì họ đã làm quá nhiều? Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Ba pháp này họ đã làm quá nhiều.
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với binh khí miệng lưỡi, thật không thoải mái cho ta, này các Tỷ-kheo, khi nghĩ đến phương hướng ấy, còn nói gì đến chỗ ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: “Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này”.
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không đấu tranh nhau, như sữa và nước lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, này các Tỷ-kheo, đi đến phương hướng ấy thật thoải mái cho ta, còn nói gì nghĩ đến phương hướng ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: “Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này”.
Ba pháp họ đã từ bỏ là gì? Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Ba pháp này họ đã từ bỏ.
Ba pháp gì họ đã làm quá nhiều? Viễn ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm.
Tại phương hướng nào, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo sống hòa hợp, hoan hỷ, không đấu tranh nhau, như sữa và nước lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính, này các Tỷ-kheo, đi đến phương hướng ấy thật thoải mái cho ta, còn nói gì nghĩ đến phương hướng ấy. Ở đây, Ta đi đến kết luận như sau: “Thật vậy, các Tỷ-kheo ấy đã từ bỏ ba pháp này và đã làm quá nhiều ba pháp này”.
123.- Ðiện Thờ Gotama
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại điện thờ Gotama. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với thắng trí, không phải với không thắng trí. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với nhân duyên, không phải với không nhân duyên. Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp với thần thông, không phải với không thần thông. Này các Tỷ-kheo, do vì Ta thuyết pháp có thắng trí, không phải với không thắng trí; do vì Ta thuyết pháp có nhân duyên, không phải không có nhân duyên; do vì Ta thuyết pháp có thần thông, không phải không có thần thông, nên giáo giới cần phải làm, giảng dạy cần phải làm.
Thật là vừa đủ, này các Tỷ-kheo, để các Thầy bằng lòng. Thật là vừa đủ để các Thầy hân hoan. Thật là vừa đủ để các Thầy hoan hỷ, Chánh Ðẳng Giác là Thế Tôn! Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, khéo hành trì là chúng Tăng!
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ lời Thế Tôn giảng. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, một ngàn thế giới đều rung động.
124. Bharandu
1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala và đi đến Kapilavatthu. Họ Thích Mahànàma nghe tin Thế Tôn đã đến Kapilavatthu. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma đang đứng một bên:
– Hãy đi, này Mahànàma và tìm xem ở Kapilavatthu có chỗ nào, tại chỗ ấy, hôm nay chúng ta sẽ trú lại một đêm.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Mahànàma vâng đáp Thế Tôn, đi vào Kapilavatthu, đi khắp toàn vùng Kapilavatthu và không thấy một chỗ nào, Thế Tôn có thể trú một đêm. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến bạch Thế Tôn:
2. – Bạch Thế Tôn, ở Kapilavatthu không có chỗ nào, tại đây, hôm nay Thế Tôn có thể trú một đêm. Nhưng có Bharandu, người Kàlàmà này, trước tu Phạm hạnh với Thế Tôn. Hôm nay, Thế Tôn hãy ở một đêm tại am thất của vị ấy.
– Này Mahànàma, hãy đi và trải một tấm thảm cho ta ở đó.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Họ Thích Mahànàma vâng đáp Thế Tôn, đi đến am thất của Bharandu người Kàlàmà, sau khi đến, trải tấm thảm, đặt nước để rửa chân, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, tấm thảm đã trải, nước để rửa chân đã sẵn sàng, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy làm gì Ngài nghĩ là phải thời!
3. Rồi Thế Tôn đi đến am thất của Bharandu người Kàlàmà, sau khi đến, ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn rửa chân.
Rồi họ Thích Mahànàma nghĩ như sau: “Nay không phải thời để hầu hạ Thế Tôn. Thế Tôn đang mệt mỏi. Ngày mai ta sẽ đến hầu hạ Thế Tôn”. Nghĩ vậy xong bèn đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về ngài rồi đi ra.
Họ Thích Mahànàma, sau khi đêm ấy đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma đang ngồi một bên:
4. – Này Mahànàma, có ba vị đạo sư có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này Mahànàma, có vị đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, nhưng không trình bày sự biến tri của các sắc, không trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Ở đây, này Mahànàma, có vị đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, trình bày sự biến tri của các sắc, nhưng không trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Nhưng ở đây, này Mahànàma, có vị đạo sư trình bày sự biến tri của các dục vọng, trình bày sự biến tri của các sắc, trình bày sự biến tri của các cảm thọ. Này Mahànàma, có ba vị đạo sư này có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba vị này, này Mahànàma, kết luận là một hay là sai khác?
5. Khi được nói như vậy, Bharandu, người Kàlàmà, nói với họ Thích Mahànàma:
– Này Mahànàma, hãy nói là một.
Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
– Này Mahànàma, hãy nói là khác.
Lần thứ hai, Brahandu, người Kàlàmà nói với họ Thích Mahànàma:
– Này Mahànàma, hãy nói là một.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
– Này Mahànàma, hãy nói là khác.
Lần thứ ba Brahandu, người Kàlàmà nói với họ Thích Mahànàma:
– Này Mahànàma, hãy nói là một.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với họ Thích Mahànàma:
– Này Mahànàma, hãy nói là khác.
6. Rồi Bharandu, người Kàlàmà suy nghĩ như sau: “Trước mặt họ Thích Mahànàma có thế lực lớn này, ta bị Sa-môn Gotama nói trái ngược cho đến lần thứ ba. Vậy ta hãy rời khỏi Kapilavatthu”.
Rồi Bharandu người Kàlàmà đi ra khỏi Kapilavatthu, một sự ra đi khỏi Kapilavatthu, không bao giờ có trở lại nữa.
125.- Hatthaka
1. Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetanava, khu vườn của Anàthapindika.
Rồi Thiên tử Hatthaka, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetanava đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy nghĩ: “Ta sẽ đứng thẳng trước Thế Tôn”, nhưng vị ấy chìm xuống, lún xuống, không có thể đứng thẳng; ví như thục tô hay dầu đổ trên cát, chìm xuống, lún xuống, không thể giữ lại. Cũng vậy, Thiên tử Hatthaka nghĩ rằng: “Ta sẽ đứng thẳng trước mặt Thế Tôn”, nhưng vị ấy chìm xuống, lún xuống, không thể đứng thẳng.
2. Rồi Thế Tôn nói với Thiên tử Hatthaka:
– Này Hatthaka, hãy hóa thành một tự thể thô xấu.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thiên tử Hatthaka vâng đáp Thế Tôn sau khi hóa thành một tự thể thô xấu, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với Thiên tử Hatthaka đang đứng một bên:
– Này Hatthaka, các pháp được diễn tiến trước kia, khi Ông còn làm người, các pháp ấy được diễn tiến hiện nay đối với Ông không?
– Bạch Thế Tôn, các pháp được diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn tiến hiện nay với con. Và bạch Thế Tôn, có các pháp không được diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn tiến hiện nay đối với con. Ví như, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sống, được các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua chúa, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo đoanh vây. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con sống được các Thiên tử đoanh vây. Từ xa, bạch Thế Tôn, các Thiên tử đi đến, nghĩ rằng: “Chúng ta hãy đến nghe pháp từ Thiên tử Hatthaka”.
Có ba pháp, bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc. Thế nào là ba?
Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ được thấy Thế Tôn, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc. Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ được nghe Diệu pháp, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc. Bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ được phục vụ hầu hạ chúng Tăng, con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Có ba pháp này, bạch Thế Tôn, con cảm thấy không bao giờ vừa đủ. Con chết con vẫn còn ân hận luyến tiếc.
Con thấy không vừa đủ
Khi được gặp Thế Tôn
Ðược phục vụ chúng Tăng
Ðược lắng nghe Diệu pháp
Học tập tăng thượng giới
Thích thú nghe Diệu pháp
Do đối với ba pháp
Cảm thấy không vừa đủ
Thiên tử Hatthaka
Ðược sanh vô phiền thiên
126.- Thối Nát.
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana vườn Nai
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Ba-la-nại để khất thực. Thế Tôn, trong khi đi khất thực tại Goyogapilakkha, gần cây sung, chỗ cột đàn bò, thấy một Tỷ-kheo hưởng thọ hương vị trống không, không có Thiền định, hưởng thọ hương vị hướng ngoại của vật dục, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, với tâm tán loạn, với các căn phóng túng. Thấy vậy, Thế Tôn liền nói với vị Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, này Tỷ-kheo! Thầy chớ có làm cho tự ngã trở thành thối nát. Này Tỷ-kheo, ai làm cho tự ngã thối nát đầy ứ, thoát ra toàn mùi hôi thối, rồi mong rằng các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không có chiếm cứ, sự kiện như vậy không xảy ra.
2. Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới như vậy, cảm thấy xúc động mạnh. Rồi Thế Tôn, sau khi đi khất thực ở Ba-la-nại xong, sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, ở đây, sau khi đắp y vào buổi sáng, Ta cầm lấy y bát, đi vào Ba-la-nại để khất thực. Này các Tỷ-kheo, trong khi đi khất thực tại Goyogapilakkha, Ta thấy một Tỷ-kheo hưởng thọ hương vị trống không, không có Thiền định, hưởng thọ hương vị hướng ngoại của vật dục, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, với tâm tán loạn, với các căn phóng túng. Thấy vậy, Ta liền nói với vị Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, này Tỷ-kheo! Thầy chớ có làm cho tự ngã trở thành thối nát. Này Tỷ-kheo, ai làm cho tự ngã thối nát đầy ứ, thoát ra toàn mùi hôi thối, rồi mong rằng: “Các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không có chiếm cứ, sự kiện như vậy không xảy ra””.
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được ta giáo giới với lời giáo giới này, cảm thấy xúc động mạnh.
3. Khi nghe nói như vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thối nát cái gì, mùi hôi thối cái gì, các loài ruồi lằng là gì?
– Tham cầu, này các Tỷ-kheo, là thối nát; sân là mùi hôi thối, các suy tầm ác bất thiện là ruồi lằng. Này các Tỷ-kheo, ai làm cho các tự ngã thối nát, đầy ứ, thoát ra mùi hôi thối, rồi mong rằng: “Các loài ruồi lằng sẽ không bu đậu, sẽ không chiếm cứ”, sự kiện như vậy không xảy ra.
Tai mắt không giữ gìn
Các căn không phòng hộ
Ruồi lằng sẽ bu đậu
Các tư duy tham ái
Tỷ-kheo làm thối nát
Ðầy ứ những mùi hôi
Xa thay là Niết-bàn!
Chịu phần về bất hạnh
Tại làng hay trong rừng
Tự ngã không an tịnh
Kẻ ngu và không trí
Ði đứng đầy ruồi lằng
Ai đầy đủ giới luật
Thích tịch tịnh trí tuệ
Sống an tịnh hạnh phúc
Mọi ruồi lằng diệt trừ
127. Anuruddha (1)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, con thấy phần lớn các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do đầy đủ với bao nhiêu pháp, bạch Thế Tôn, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục?
2. – Do đầy đủ ba pháp, này Anuruddha, các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Thế nào là ba?
Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân vào buổi sáng sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của xan lẫn; vào buổi trưa sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của tật đố; vào buổi chiều sống ở trong nhà, tâm bị ám ảnh cấu uế của dục tham. Do đầy đủ với ba pháp này, này Anuruddha các nữ nhân, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
128.- Anuruddha (2)
1. Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha nói với Tôn giả Sàriputta:
– Thưa Tôn giả Sàriputta, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới. Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm. Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ.
2. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới”. Ðây là kiêu mạn của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, nếu Hiền giả suy nghĩ như sau: “Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm”, đây là trạo cử của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: “Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ”; đây là hối quá của Hiền giả. Lành thay, nếu Tôn giả Anuruddha đoạn trừ ba pháp này, không tác ý ba pháp này, hãy chú tâm vào giới bất tử.
3. Rồi Tôn giả Anuruddha, sau môt thời gian, sau khi đoạn trừ ba pháp này, sau khi không tác ý ba pháp này, chú tâm vào giới bất tử. Rồi Tôn giả Anuruddha sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, sau khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Vị ấy chứng tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Tôn giả Anuruddha trở thành một vị A-la-hán nữa.
129.- Che Giấu
1. – Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Thế nào là ba?
Sở hành của nữ nhân, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ. Chú thuật của Bà-la-môn, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ. Tà kiến, này các Tỷ-kheo, được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ.
2. Này các Tỷ-kheo, ba pháp này chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trăng, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trời, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Pháp và Luật được Thế Tôn tuyên thuyết, này các Tỷ-kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Ba pháp này chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu.
130.- Chữ Viết Trên Ðá, Trên Ðất, Trên Nước.
1. – Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như chữ viết trên đá, hạng người như chữ viết trên đất, hạng người như chữ viết trên nước.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đá?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, được tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên đá.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đất?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên đất bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên đất.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên nước?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, ví như chữ viết trên nước được mau chóng biến mất, không có tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có người dầu bị nói một cách kịch liệt, dầu có bị nói một cách ác độc, dầu có bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện, và hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người như chữ được viết trên nước.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda