About Mohnyin Sayadaw
MAIN CONTENT
Thiền sư Mohnyin Sayadaw |
Ðây là một bản dịch thoát về một bài pháp của một vị thiền sư Mohnyin Sayadaw đã thuyết giảng ở Miến Ðiện vào thập niên 1960. Có nhiều đệ tử của ngài Mohnyin Sayadaw ở khắp Miến Ðiện, và có một trung tâm thiền ở Rangoon. Những lời dạy của ngài Mohnyin không chỉ đến từ sự vi diệu của thiền quán mà còn ở sự thông thái của ngài là vị thầy của Vi diệu pháp (Abhidhamma), sự trình bày về tâm lý Phật giáo.
Ở Miến Ðiện việc sử dụng và đặt nặng môn Vi diệu pháp có phần trội hơn. Hơn bất cứ quốc gia Phật giáo khác. Phương pháp của ngài Mohnyin là muốn đến với giáo pháp, đầu tiên phải nghiên cứu Vi diệu pháp, sau đó áp dụng để tu tập, ngài có nhiều đệ tử ở Miến Ðiện. Vi diệu pháp là tạng thứ ba của kinh điển Phật giáo nguyên thủy, gồm có nhiều bộ nói về những cách giải thích rất chi tiết về tiến trình tâm và những sự vi diệu của giáo pháp, theo dõi những sát-na thân và tâm. Người ta có thể vào các tu viện ở Miến Ðiện và nhận thấy những vị sư tu tập một cách công phu như là dòng chảy của tiến trình tâm. Những sự tu tập này dựa trên Vi diệu pháp có thể dẫn cho người ta đi đến sự hiểu biết rõ ràng, cặn kẽ về vô ngã và những nguyên tắc đi kèm theo sự thay đổi liên tục và những sự liên quan của nó dẫn đến đau khổ. Sau đó người ta tu tập thiền, sự hiểu biết này được sâu sắc nhờ bởi sự cảm nhận trực tiếp rõ ràng.
Thiền sư Mohnyin Sayadaw nhấn mạnh rằng, hành giả phải quen thuộc với những khái niệm căn bản nhứt của Vi diệu pháp trước khi bắt tay vào việc tu tập. Sự hiểu biết ban đầu này sẽ giúp cho họ quan tâm trực tiếp về những bản chất thật của những hiện tượng bằng một cách chính xác và rõ ràng. Khái niệm cơ bản nhứt mà hành giả cần phải hiểu biết trước khi thiền là những sự mô tả về những sự thật cơ bản đã tạo cho chúng ta một thế giới có vẻ vững chắc và liên tục. Những yếu tố mà chúng ta cảm nhận – sự biết, sự cảm nhận và những đối tượng của chúng và sắc uẩn – xuất hiện trước chúng ta như là một thế giới vững chắc do bởi sự thay đổi nhanh của chúng. Bằng cách theo dõi sự sanh diệt của những nhóm này, những yếu tố và sự nhận biết về thân tâm để hành giả phát huy sự hiểu biết sâu sắc chính xác. Khi sự hiểu biết này sâu sắc, người ấy sẽ biết tất cả sự kiện cảm nhận được là phù du và mộng ảo, không có chỗ nào để bám víu hoặc mưu cầu hạnh phúc. Không còn bị điên cuồng bởi bản chất của chúng, không còn bám víu, người ấy cảm nhận sự giải thoát thật sự.
Những bài tập Thiền quán
Thiền sư Mohnynin Sayadaw
Cầu chúc cho mọi người gặt hái thành công.
Phần trình bày dưới đây chia làm hai phần. Phần đầu dạy về những khái niệm cơ bản về tứ đại được nhìn theo quan điểm của Vi diệu pháp, phần hai là phần mô tả những cách tu tập thiền quán dựa trên những khái niệm này. Sự tu tập đặc biệt đặt nặng về sự phát sinh tuệ giác từ việc theo dõi những cử động và sự theo dõi oai nghi. Việc này đã dẫn đến những giai đoạn trí tuệ và tuệ giác xa hơn mà cả hai là chủ đề và kết quả của việc tu tập.
Các câu hỏi về những khái niệm cơ bản để cho hành giả hiểu biết
Hỏi: Xin giải thích về bản chất và những hiện tượng của thân và tâm.
Ðáp: Tất cả hiện tượng thân đều bị hoại diệt, vô ngã và vô thường. Tất cả những hiện tượng tâm đều vô ngã và vô thường.
Nói chính xác hơn, hai mươi tám loại hiện tượng thân tồn tại trong tất cả các cơ thể của tất cả chúng sinh. Cũng có tồn tại hiện tượng tâm, bao gồm tâm, sở hữu tâm và Níp-bàn đều quan trọng đối với việc tu tập thiền quán của chúng ta là tập trung và xem xét bản chất của những đặc tính của vật chất về tất cả hiện tượng vật lý. Ðiều này có thể thực hiện bằng cách chia chẻ tất cả những thực thể trở thành tám phần của chúng [1]. Ðây là những phần:
Tứ đại
Ðất (Cứng) – Nước (Dính) – Gió (Chuyển động) – Lửa (Tánh nóng lạnh)
Cộng thêm
Sắc – Hương – Vị – Dưỡng tố
Hỏi: Có phải đây là điều mà hành giả phải tìm hiểu để nhận ra chân lý cơ bản?
Ðáp: Tất cả vạn vật đều có hai đặc tính cơ bản. Do đó những đặc tính cơ bản tồn tại trong tất cả hiện tượng thân và tâm và chúng ta có thể nhìn thấy khi chúng ta theo dõi những chức năng và những đặc tính của chúng. Những sự thật này thì khó nhìn thấy do bởi quan điểm của chúng ta, bởi sự ảo giác, chúng ta có một cái nhìn thiên kiến về sự vững chắc và thường hằng trong thế giới vật lý và tâm linh.
Hỏi: Làm cách nào chúng ta tránh khỏi khái niệm về sự vững chắc liên kết của vật chất?
Ðáp: Ðể tìm hiểu những đối tượng tục đế là một cách giúp hành giả khám phá bản chất thật của chúng đã tạo nên bởi nhiều thành phần. Ví dụ khi người ta đổ nước vào sữa, thì sữa đầy ắp giữa những khoảng trống của nước. Ðây là sự thật cho tất cả những vật vô tri khác – chúng ta ra một ảo giác về sự liên kết và vững chắc nhưng cuối cùng chúng ta được hình thành bởi tứ đại, những nhóm mà trong đó những sự kết hợp khác nhau tạo nên toàn thể vũ trụ. Sự hiểu biết chân chánh đạt được kết quả khi hành giả hiểu biết được điều này qua sự cảm nhận trực tiếp trong thiền định.
Hỏi: Làm cách nào để áp dụng chân lý tuyệt đối với những vật có tri giác?
Ðáp: Những vật có tri giác giống như những vật vô tri mà hành giả phải nhìn theo quan điểm của người hành thiền để khám phá tính chất cơ bản của chúng. Tất cả sinh vật, dù dưới hình thức nào, bản chất thật của chúng đều ẩn trong dáng vẻ vững chắc và liên kết. Ðể loại trừ ảo giác này và ảo giác về bản ngã, hành giả phải xem những vật vô tri là được hình thành bởi “nhóm, phần, những yếu tố” của tinh thần lẫn vật chất. Theo nguyên tắc này, hành giả phải cố gắng xem xét tất cả mọi vật mà hành giả gặp gỡ đơn thuần là những yếu tố mà chúng ta bị bám víu vào ý nghĩa của những tên gọi, gọi chúng là đàn ông, đàn bà, thú vật. . .những sự phân biệt này chỉ tồn tại trên mặt tục đế và không phải là chân lý tuyệt đối. Như thế, một sự hiểu biết có phân tích được phát huy trong thiền quán sẽ nhìn thấy tất cả chúng sinh không có linh hồn thường hằng và bản ngã.
Ðừng có cố chấp vào những ý niệm và những tư tưởng này, hành giả sẽ nhận thấy rằng tất cả những vật có tri giác chỉ là những nhóm [2] của thân hoặc tứ đại. Như vậy sự hiểu biết này sẽ dẫn hành giả đến tuệ giác trong sáng đi vào bản chất và sự liên quan của thân và tâm, và cuối cùng đi đến tâm thản nhiên về sự sanh diệt của những đối tượng này, đi đến trạng thái an lạc nội tâm. Thậm chí hành giả có thể nhận thấy được những bài tập về bác ái, giới và lòng từ bi có liên quan, mà không cần chú trọng về mặt giá trị, và thậm chí không còn dính mắc vào những đề mục này.
Hỏi: Làm cách nào để hòa hợp khái niệm tứ đại của Phật giáo với nền vật lý hiện đại?
Ðáp: Bằng cách loại trừ khái niệm về sự vững chắc, các khoa học gia đã phân tích tất cả những thành phần vật chất ra hơn một trăm yếu tố. Cuối cùng ngay cả yếu tố này và các nguyên tử khi được họ quan sát đã trở thành làn sóng năng lượng trong một khoảng không rộng lớn. Những làn sóng luôn luôn hoạt động vì thế vật lý hiện đại cho thấy rằng vật thể thường xuyên thay đổi và không có linh hồn.
Hỏi: Những thực thể cơ bản nào phù hợp với tâm lý Phật giáo?
Ðáp: Hành giả phải hiểu là có bốn loại thực thể cơ bản [3]:
- Sắc
2. Hành
3. Thức
4. Níp-bàn
Những thực thể này đã vượt qua bất cứ những ý tưởng và những khái niệm mà hành giả có thể cảm nhận và quán chiếu trực tiếp. Hành giả cũng sẽ thấy rằng ba thực thể đều có những đặc tính thường xuyên thay đổi.
Hỏi: Làm cách nào chúng ta có thể hiểu được tâm thức?
Ðáp: Có sáu loại thức:
- Nhãn thức
2. Nhĩ thức
3. Tỷ thức
4. Thiệt thức
5. Thân thức
6. Tâm thức
Những thức này có đặc tính biết những đối tượng của thức. Bây giờ chúng ta có thể mở rộng sự hiểu biết đối với toàn thế giới như lời Phật dạy về nó.
ThứcNhãn thức Nhĩ thức Tỉ thức Thiệt thức Thân thức Tâm thức |
Các giác quanMắt Tai Mũi Lưỡi Thân Tâm |
Ðối tượngSắc Thinh Hương Vị Xúc Pháp |
Mười tám phần này tạo nên thế giới của chúng ta. Hành giả có thể thấy rằng nhãn thức phát sinh có sự liên hệ với mắt và vật có thể nhìn thấy được và nó phụ thuôc vào đó, nhĩ thức phát sinh có liên hệ với âm thanh và tùy thuộc vào đó và v.v. mỗi khoảnh khắc mang lại sự sanh và diệt của một trong sáu thức này liên hệ với một giác quan và một đối tượng. Bằng cách phát huy thể nhập, hành giả sẽ thấy rằng không có sự thường hằng về cái tôi hoặc ngã, chỉ là một chuỗi liên tục của sanh và diệt của mười tám giới. Hành giả phải suy niệm cho đến khi hành giả không còn đặt niềm tin về một linh hồn hoặc một thực thể thường hằng. Hành giả phải quán chiếu bản chất thật của thân và tâm cho đến khi hành giả hiểu được sự quan hệ giữa hai phần này.
Hỏi: Làm cách nào chúng ta không còn nghi ngờ những gì tạo ra hình thức và đối tượng và những gì tạo ra những hiện tượng tâm?
Ðáp: Thoát khỏi hoài nghi đối với thân và tâm từ sự suy niệm chân chánh. Nghiệp (những hành động của thân, khẩu và tâm) thức, khí hậu và thực phẩm là những điều kiện tạo ra những vật có tri giác [4]. Giống như thế, sáu căn và sáu trần là những điều kiện của hiện tượng tâm. Tất cả hành động tạo nghiệp có những quả đến từ một hành động thiện hoặc ác. Tiến trình tạo nghiệp này là điều cơ bản của vòng sanh tử luân hồi. Hành giả muốn hiểu rõ, phải quán chiếu một cách sâu sắc chính ngay những hiện tượng thân tâm của mình cho đến khi người ấy nhận thức được rõ ràng tiến trình này xảy ra trong thân tâm như thế nào. Sau đó hành giả sẽ không còn nghi ngờ về giáo pháp, về Phật. Hành giả sẽ thấy sự khởi đầu và kết thúc của vòng sanh tử luân hồi, và hiểu được bản chất nhân duyên của tất cả thân tâm.
Ðể giải thích xa hơn, nhân duyên là sự xoay chuyển của tất cả những hiện tượng thân tâm, sự hiểu biết về chúng, cùng với vô ngã tạo nên những cơ bản cho sự nhận thức về giáo pháp của đức Phật. Nó cho thấy rằng những bản chất khác nhau của hiện tượng thân tâm thường được gọi là ngã, cá nhân, đàn ông, đàn bà…, không phải là trò chơi cút bắt, mà là kết quả của nhân và duyên. Nó giải thích rằng sự tái sinh và đau khổ tùy thuộc vào những điều kiện và như thế đó, qua sự thay đổi của những điều kiện này, tất cả đau khổ biến mất. Thập nhị nhân duyên là:
- Vô minh, thiếu trí tuệ, là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Ðây là duyên cho sự phát sanh của hành nghiệp.
- Hành là duyên của vô minh.
- Thức
- Danh sắc
- Lục nhập
- Xúc
- Thọ
- Ái
- Thủ
- Hữu
- Sanh
- Lão tử
Những sự liên kết 1, 2, 8, 9 và 10 là năm nguyên nhân tạo nghiệp tái sinh, và liên kết 3, 4, 5, 6 và 7 là năm quả tạo nghiệp trong vòng sanh tử luân hồi.
Ðây là một bản tóm tắt nhưng hoàn hảo của vòng sanh tử, của nhân quả, hiện tượng thân tâm dựa trên sự tái sinh xảy ra [5]. Nếu hành giả suy niệm và cuối cùng hiểu được những nguyên nhân của thân tâm, hành giả sẽ đạt được sự thanh tịnh, thoát khỏi sự nghi ngờ.
Thực hành sự thanh lọc
Ðể đạt được tri kiến liên quan đến các tầng thánh, hành giả phải đạt được những tuệ giác như sau: tuệ xác định tam tướng, tuệ sanh diệt, tuệ hoại diệt, tuệ sợ hãi, là nhân cho sự nhàm chán tất cả hiện hữu, và cuối cùng là tuệ ham muốn giải thoát và tuệ hành xả liên quan đến những hình thức thân tâm. Ðây là sự quân bình hoàn hảo của tâm cần thiết để đạt Níp-bàn.
Trong mỗi phần này, việc tu tập để phát huy tuệ giác liên quan đến tam tướng, hành giả phải thực hành các bài tập tuệ giác bằng cách quan sát tiến trình thay đổi có liên quan đến sự chuyển động và oai nghi của thân. Ơủ đây hành giả có thể thấy rõ rằng bản chất thay đổi trong thân mình. Ðiều này đưa đến sự hiểu biết vượt quá khái niệm, để đi đến chân lý tối cao, rằng sự hiện hữu là một tiến trình thay đổi liên tục của thân và tâm mà bản thân nó không có sự thường hằng hoặc cá thể. Ðây là điều thích hợp nhứt để khởi đầu cho mức hiểu biết này và cảm nhận tam tướng ở đây trước khi phát huy những tuệ giác cao hơn.
Khi bắt đầu tu tập thiền quán, hành giả phải quán chiếu chi li những cách di chuyển và những sự thay đổi oai nghi, bởi vì ở đây hành giả có thể thấy tam tướng rõ ràng. Khi di chuyển tay của mình từ chỗ này qua chỗ khác, trước tiên hành giả phải nhận thấy toàn bộ bàn tay của mình di chuyển. Khi theo dõi tiến trình này kỹ càng hơn (đặc biệt qua cảm giác) hành giả sẽ thấy rằng mỗi khoảnh khắc “những cử động” cũ của nguồn năng lượng sắc pháp sanh và diệt nhường chỗ cho những sắc pháp mới, và sự quan sát như thế, hành giả sẽ tiếp cận để am tường định lý vô thường. Sự chuyển động bàn tay từ một vị trí này sang vị trí khác nhiều lần, hành giả suy gẫm được đặc tính vô thường của sắc pháp và cảm thọ. Theo ý nghĩa cơ bản (tiến trình của sự lay động hoặc rung chuyển phát sinh từ sự hoạt động tinh thần) cho thấy dáng vẻ bề ngoài của bàn tay di chuyển. Sự theo dõi tiến trình này chỉ áp dụng định tâm và tuệ giác thôi, hành giả phát huy sự cảm nhận về lý vô thường, xuyên qua tính phù du, bản chất vô ngã của cuộc đời bao gồm tất cả danh pháp và sắc pháp. Khi tuệ giác nhận chân được lý vô thường thì hành giả sẽ có thể cảm nhận được khổ đau, sự bấp bênh và lòng hỉ xả.
Tuy nhiên, một người bình thường sẽ nói rằng có cùng bàn tay trong tất cả các oai nghi, theo ý nghĩa tuyệt đối, có một ngàn tỷ sắc uẩn – sanh và diệt trong tiến trình di chuyển khi bàn tay cử động. Nó giống như một xô cát. Cho phép chúng tôi nói quý vị đâm thủng một lỗ dưới đáy xô và tự động những hạt cát rơi xuống dòng suối. Mặc dù quý vị thấy rằng cát trong xô đổ xuống dòng suối, trong thực tế, những hạt cát kết hợp lại với nhau và hình thành một dòng suối. Thực vậy những ý niệm, những tư tưởng của chúng ta – thuộc về hình thức, thì liên tục và rắn chắc – che dấu bởi chân lý thật. Nếu hành giả thấy rõ hành giả sẽ tiếp cận để biết làm cách nào danh sắc có liên quan một cách nhân quả, sanh và diệt một cách nhanh chóng, giống như cát tan trong suối cát.
Ghi nhớ trong tâm điều này, hành giả phải quán thường xuyên sự tan rã của danh sắc trong thân trong suốt các sinh hoạt hàng ngày, như thức dậy rửa mặt, đi tắm, ăm cơm, ra vào trong mọi oai nghi.
Ðức Phật dạy quán thân trên thân. Cho nên khi ngồi, một hành giả có thể xác định sự hoại diệt của sắc pháp trong sự chuyển động bàn tay từ một vị trí sang một vị trí khác có thể thấy sự hoại diệt của sắc pháp trên thân một cách dễ dàng hơn. Ðây là việc làm quán đúng thân trên thân.
Hãy nhắm mắt lại và quán chiếu sự hoại diệt của sắc uẩn trên thân. Sau đó xoay thân của quý vị qua phía phải, qua phía trái và cái thân ra phía trước hoặc phía sau. Trong tất cả những oai nghi này và ở mọi sự chuyển động quý vị sẽ ghi nhận rằng sắc pháp cũ hơn sanh và diệt, nhường chỗ cho những sắc pháp mới hơn. Hãy ghi nhớ những bài tập này cho đến khi nào quý vị có thể cảm nhận được điều này một cách rõ ràng. Hành giả cũng có thể áp dụng hơi thở để phát huy tuệ giác của mình vào sự sanh và diệt của vạn pháp. Trong công việc quán những sự hoại diệt của sắc pháp có liên quan với hơi thở, cũng như trong trường hợp sự chuyển động của bàn tay, một hành giả phải chú niệm những đặc tính của sắc pháp ở phần giữa của thân. Không cần thiết để theo dõi hơi thở ra vào ở chóp mũi khi hành giả thực hiện những bài tập hơi thở. Hãy chú tâm của quý vị trên phần giữa của thân; sau đó quý vị sẽ cảm nhận được những sự chuyển động phồng xẹp của phần này của thân – phồng khi hơi thở vào và xẹp khi hơi thở ra. Hãy quán sự hoại diệt của sắc pháp trong cả hai trường hợp hơi thở ra vào, và cuối cùng quý vị sẽ thực chứng được sự thay đổi liên tục một cách trực tiếp mà quý vị có thể cảm nhận nó là bản chất vạn pháp.
Mặc dù nó là sự quán thân và những cảm thọ của thân, nhưng đặc biệt những thành phần đó liên quan đến những oai nghi khác, mà hành giả có thể hiểu biết pháp chân đế tốt nhất.
Trong công việc quán thân trên thân và cảm nhận sự sanh và diệt của các pháp, sau đó hành giả có thể thấy được tiến trình chuyển động, sự chuyển động sắc pháp nảy sinh ra hoạt động tinh thần. Ðiều này là như thế, hành giả thấy được chu kỳ của nguồn gốc duyên khởi.
Hành giả hiểu rằng nếu ở đó nảy sinh ý nghĩ “tôi sẽ đứng”, ý nghĩ đó tạo ra tiến trình dao động. Tiến trình dao động này tạo ra sự biểu lộ của thân, toàn thân thẳng đứng, do bởi sự phân tán của tiến trình dao động, người ta gọi là đứng. Nếu ở đó hành giả nảy sinh ý nghĩ “tôi sẽ bước bằng chân phải”, một hành giả có thể phân biệt sự sanh diệt của danh pháp trong suốt tiến trình dao động của thân và cũng nên phân biệt trong suốt những giai đoạn đi đến những sự dở, bước và đạp.
Sau khi biết được như vậy, một hành giả phải quán như sau: “Thậm chí trong khi tôi đang đứng, danh và sắc pháp sanh và diệt nhanh chóng ở mỗi khoảnh khắc, như vậy hành giả thấy được vô thường”. Ðiều đó sẽ xuất hiện trong tâm của một hành giả mà nó là bản chất cơ bản của tất cả danh và sắc pháp tạo điều kiện nhân quả để sanh diệt ngay lập tức. Hành giả phải quán lý vô thường theo phương pháp này thường xuyên, vì quán nhiều ngày, nhiều tháng như thế, hành giả sẽ đạt được lý vô thường một cách hoàn hảo.
Trong sự quán niệm tinh chuyên, hành giả có thể chú tâm đặc biệt đến sự hoại diệt của tất cả sự việc xảy ra. Như vậy, khi một hành giả bắt đầu bước đi bằng chân phải, hành giả xác định sự hoại diệt của danh và sắc pháp ghi nhận diệt, diệt; mất dạng, mất dạng; không tồn tại nữa, không tồn tại nữa; hay là vô thường, vô thường. Khi chân trái bước hành giả phải áp dụng giống như chân phải. Ðiều quan trọng là một hành giả tiếp tục những bài tập này lâu dài, như thế hành giả mới có thể cảm nhận được sự hoại diệt của danh và sắc pháp trong khi hành giả đi nhanh hoặc đi chậm. Kiên tâm những bài tập này là để thực hiện công việc quán thân trên nội thân.
Ðối với hành giả, để quán chiếu danh pháp cũng như sắc pháp là điều quan trọng như nhau. Nếu ở đó hành giả nảy sinh ý nghĩ “tôi sẽ đi”, một hành giả phải xác định sanh và diệt của danh pháp bao gồm trong “hoạt động tinh thần” của sự suy nghĩ. Hành giả cũng phải chú niệm đến sự sanh và diệt của sắc pháp bao gồm bàn chân ở mỗi bước. Bây giờ hành giả có thể quan sát cả hai danh và sắc pháp khi chúng sanh và diệt ở mỗi bước.
Một hành giả khi bước đi nên hiểu “tôi đang bước”, và bất cứ oai nghi gì của thân có thể hành giả hiểu oai nghi đó đồng thời theo dõi sự hoại diệt của danh pháp bao gồm việc suy nghĩ về “bước chân”, sự hoại diệt của sắc pháp bao gồm bàn chân, và cũng theo dõi sự hoại diệt của sắc pháp trong những bước chân chạm đất. Như vậy hành giả chăm chú vào sự quán chiếu thân của chính mình một cách khách quan. Hành giả vừa chú y sanh vừa chú ý diệt trong thân; hoặc cả hai sanh diệt trong thân.
Bắt đầu bài tập thiền hành, một hành giả phải đứng trước khi đi. Sau đó hành giả sẽ theo dõi những đặc tính thuộc về danh và sắc pháp bao gồm trong thân, và quán như vầy:
“Bây giờ, không có cái gì là tôi đang đứng cả, chỉ là tập hợp danh và sắc “uẩn” thôi, bao gồm trong thân, trong oai nghi đứng của nó để tiến trình dao động phát sinh từ hoạt động tinh thần”.
Một lần nữa, nếu như ở đó phát sinh ý tưởng “tôi sẽ đi bằng chân phải”, ý tưởng đó tạo nên tiến trình dao động sự khuếch tán của tiến trình dao động tạo ra ấn tượng trong sự chuyển động sau đây: dỡ, bước, đạp. Hành giả phải suy niệm sự hoại diệt của sắc pháp nằm trong thân ở mọi oai nghi, và sự hoại diệt đồng thời của sắc pháp trên mặt đất mà chân phải của hành giả đạp lên nó. Hành giả phải liên tục thực hành bài tập này trong nhiều ngày bằng cách di chuyển nhanh và chậm. Sự suy niệm này cần phải theo dõi trong mọi oai nghi -đi, đứng, ngồi, nằm – cho đến khi hành giả thể nhập với sự hiểu biết đầy đủ về những đặc tính của sự sống.
Ðiều cơ bản là hành giả suy niệm sự sanh diệt ở giây phút hiện tiền, chỉ khi hành giả có thể thấy được những đặc tướng đó rõ ràng. Hành giả bắt đầu những bài tập của mình với sự chuyển động rất chậm, thường thì rất hữu ích, hành giả có thể theo dõi rõ ràng hơn những hiện tượng thân tâm.
Một khi hành giả suy niệm sự sanh diệt của những hiện tượng ở mọi oai nghi trong tứ oai nghi cuối cùng sẽ nhận thấy rằng những hiện tượng thân tâm sanh diệt liên tục và hình thức mới của sự sống phát sinh để thay thế những phần cũ, giống như hạt mè được tách ra với những tiếng nổ lách tách khi rang chúng trên chảo.
Trong lúc tu tập thiền quán, trong phần này, hành giả có thể cảm nhận được sự sanh diệt của vạn pháp, ở đó “những phiền não của tuệ giác” cũng phát sinh đến hành giả. Ðặc biệt những điều này cũng phát sinh với hành giả đã và đang thực hành thiền quán kết hợp với thiền định. Một số phiền não vi tế thì bị dính mắc với hỉ lạc, vắng lặng hạnh phúc, tia sáng, năng lượng, sự nhận biết, xả và sự khoái lạc phát sinh nơi hành giả.
Những chấp thủ và những phiền não vi tế này được hành giả khống chế khi nhận thấy rằng chẳng một điều nào là con đường chân chính để đoạn trừ đau khổ, và do đó hành giả phải từ bỏ sự chấp thủ của mình và chỉ tiếp tục suy niệm rõ ràng về tiến trình sanh diệt của vạn pháp.
Ðể hành giả có thể nắm bắt ý tưởng về danh và sắc pháp này diệt sanh như thế nào, hành giả có thể theo dõi bong bóng nước được hình thành trên mặt hồ vào một ngày có mưa lớn. Như vậy hành giả nhận thấy rằng những bong bóng đó sanh diệt liên tục. Giống như thế, những hiện tượng thân tâm thuộc ngũ uẩn cũng sanh diệt rất nhanh. Lại nữa, ví dụ như xô cát, quý vị sẽ nhận thấy rằng dòng cát từ xô chảy ra dù có vẻ rắn chắc do bởi nhiều hạt cát tạo nên và những hạt cát đó sanh diệt liên tục, những phần cũ đã diệt đi được thay thế vào những hạt mới.
Khi hành giả cảm nhận được sự hoại diệt về những hiện tượng trong từng oai nghi của thân, cũng như tất cả những vật chất từ bên ngoài, hành giả có thể sớm cảm nhận rằng những hành nghiệp tạo ra những cuộc sống mới mãi mãi thì không vững chắc, sợ hãi, khó chịu, và đau khổ, và bị nhàm chán cùng với đời thường, hành giả dần dần đạt được tuệ giác cao hơn.
Hành giả sẽ càng nhận thấy rõ hơn về bản chất của tứ diệu đế và phiền não nằm trong vạn pháp. Những cảm tưởng đau đớn về thân tâm và những cảm thọ là những phiền não. Khổ đế hoặc đau khổ không chỉ đơn thuần đề cập đến những ý tưởng đau đớn, nhưng còn dạy rằng, do bởi tuân theo luật vô thường, tất cả hiện tượng của sự sống đều khổ đau, và chúng mang mầm móng của khổ đau.
Cảm thấy chán ngắt đối với mọi hình thức của cuộc sống, mệt mỏi và không còn ham thích điều gì nữa, tâm của hành giả không bám một điều gì của những hình thức này, và ở hành giả khởi lên lòng ham muốn thoát ly.
Sự quán niệm của hành giả bây giờ được tập trung vào tam tướng của cuộc đời – vô thường, khổ não, vô ngã – với lòng mong cầu tìm thấy sự giác ngộ từ tất cả những hình thái của cuộc sống đang gia tăng mạnh mẽ nơi hành giả.
Ví như rơm rạ, bong bóng hay ảo ảnh thì không có bền vững, dễ tan và rỗng không, như vậy sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì cũng không bền chắc và dễ tan, rỗng không, phù du và vô ngã. Chúng không có chủ nhân, hoặc không ai nắm quyền chúng được, chúng không phải trẻ con, đàn ông, đàn bà, con người, mà cũng không có cái gì thuộc về con ngưgời cả, không có “tôi” hoặc “của tôi”, mà chúng cũng không thuộc về người nào khác nữa.
Cuối cùng, trong khi liên tục thẩm tra những hình thức của cuộc sống, hành giả khắc phục được mọi lo sợ, lạc thú, và sự lãnh đạm và ở đó phát sinh trong hành giả một tâm xả mạnh mẽ. Hành giả thấy rằng tất cả điều kiện liên quan nhau có nhân quả, sanh và diệt, danh và sắc pháp không còn bị bó buộc điều gì trong bản chất thực thể của linh hồn, “tôi”, “của tôi”, “của anh” và “của cá nhân nào đó”.
Tất cả đều là vô ngã, nghĩa là:
- Không còn chấp vào cá nhân trường tồn hay linh hồn nào cả.
2. Không có một xuất xứ tuyệt đối.
3. Không kềm chế, không thống trị được.
Bây giờ, trong khi liên tục quán niệm tam tướng của cuộc sống, tâm hành giả hướng đến an lạc Níp-bàn. Tâm an lạc và xả bỏ phù hợp với tam tướng để giải thoát, ba con đường này dẫn đến Níp-bàn.
Ba con đường giác ngộ đều đưa đến sự thoát khỏi những hiện tượng thế gian. Tâm biết tất cả những pháp hành chẳng hạn như thay đổi và giới hạn và hướng đến sự vô ngã.
Tâm bị thúc dục hướng về sự khổ não của tất cả pháp hành thuộc về thế gian, và đi đến sự vô tham. Tâm xem tất cả vạn vật đều rỗng không, không bị ràng buộc và hướng đến sự vô thường.
Như vậy trong khi tu tập thiền quán theo những hướng dẫn này, hành giả sẽ nhận thấy rằng do bởi sự theo dõi liên tục sẽ thấy được tam tướng (những sự thay đổi, thay thế, phiền não, những tính cách thay đổi của thân tâm), hành giả đang tu tập tâm với một hình thức như thế với tuệ giác mà hành giả cảm nhận được sẽ giúp hành giả đoạn trừ được niềm tin trường cửu, và hoại diệt [6]. Tâm của người ấy sẽ đoạn trừ những ảo giác như sau: (1) ý niệm về sự thường hằng, (2) ý niệm về hạnh phúc thế gian, (3) ý niệm về bản ngã, (4) ý niệm về tham ái, (5) tham, (6) hữu [7], (7) thủ, (8) ý niệm về sự vững chắc, (9) tà kiến về những hành tạo nghiệp, (10) ý niệm về sự bền vững, (11) điều kiện tạo nghiệp (conditions of becoming), (12) khoái lạc, (13) chấp thủ, (14) thường kiến, (15) đoạn kiến, (16) cố chấp, (17) vô thường, (18) kiến thủ. Ðây là kết quả của việc tu tập thiền quán chính xác. Chân lý này sẽ giúp hành giả vượt ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Hành giả muốn thực hiện việc tu tập này phải bắt đầu bằng cách quy y tam bảo. Hành giả phải thọ trì giới luật và liên tục theo con đường từ bi bác ái:
Cầu xin cho tôi được hạnh phúc, cầu xin cho tôi duy trì được hạnh phúc và không kết oan trái.
Cầu xin cho tất cả chúng sinh được thịnh vượng và hạnh phúc; cầu xin cho tất cả chúng sinh tâm được an vui, tất cả chúng sinh có sự sống, yếu mạnh, nhỏ lớn, hữu hình hoặc vô hình, gần hoặc xa, đã sinh hoặc chưa sinh, cầu nguyện cho tất cả chúng sinh được an vui.
Cầu xin không ai lừa gạt lẫn nhau, không ai bị chửi mắng, không ai bị thù hận hoặc đau yếu. Thậm chí như một người mẹ, vào lúc hiểm nghèo của cuộc sống vẫn chăm lo và bảo vệ người con duy nhất của mình, như vậy với tâm từ bi vô lượng tôi quý trọng tất cả vạn vật, rải lòng từ trên khắp thế gian, trên, dưới và khắp mọi nơi, như vậy tôi đang rải tâm từ đến cho tất cả chúng sinh.
Ði đứng, nằm, ngồi, trong những giờ tôi thức tỉnh, tôi ôm ấp ý tưởng rằng đây là lòng yêu thương cao quý nhất thế gian.
Như vậy tôi sẽ từ bỏ những cuộc tranh luận và nói chuyện phù phiếm, bằng cách thiền hành đúng đắn, hành giả sẽ đạt được tuệ giác, giảm bớt ham muốn dục lạc, và chẳng bao giờ tái sinh trở lại. Cầu xin tất cả những điều này là nhân cho tất cả chúng sinh hoàn toàn được sung sướng ở mọi điều kiện dẫn đến giác ngộ Níp-bàn. Cầu xin cho tất cả tránh khỏi sự nguy hiểm, tuổi già, bịnh tật và chết. Cầu xin cho tất cả chúng sinh được giải thoát.
Chú thích:
[1] Ðây là những đặc tính của tất cả các loại vật chất khi chúng ta trực tiếp cảm nhận nó, trước khi có những tên gọi và khái niệm. Ví dụ sàn nhà được người ta nhìn bằng mắt là một mảng màu, hoặc cách sờ mó thì người ta cảm thấy lạnh, cứng, không di chuyển. Tất cả những cảm nhận này là tứ đại, từ đó chúng ta tạo nên những tên và khái niệm.
[2] Sắc uẩn là những thành phần nhỏ nhất của vật chất từ đó tạo ra những vật thể rắn. Những phần nhỏ nhứt này thường xuyên thay đổi.
[3] Chân lý tuyệt đối nằm trong Vi diệu pháp thì được tạo nên do sự liên kết của năm uẩn. Thức là thức uẩn, hành gồm có thọ tưởng và hành, trong khi đó sắc liên hệ với sắc uẩn. Chỉ có Níp-bàn là vượt ra khỏi ngũ uẩn.
[4] Theo truyền thống những phần này được biết là những thực phẩm nuôi sống và nhân duyên cho sự phát sanh tất cả vật có tri giác.
[5] Ðể giải thích sâu xa hơn về phần này, xin xem Chương về Thiền sư Mogok Sayadaw.
[6] Ðiều này ám chỉ đến niềm tin mù quáng về linh hồn ở bên ngoài như là điều cuối cùng nhất hoặc là sự tương phản cuối cùng về sự hủy hoại toàn bộ tiến trình thân tâm lúc chết.
[7] Ðiều này nghĩa là ham muốn sanh tử luân hồi.
Bài viết trích từ cuốn Những Vị Thiền Sư Đương Thời – Jack Kornfield (Tỳ Khưu Thiện Minh dịch Việt). Quý vị có thể tải cuốn sách bản PDF tại đây. Xem Tiểu sử các Bậc Trưởng Lão và các Thiền Sư khác tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH NHỮNG VỊ THIỀN SƯ ĐƯƠNG THỜI