Tiểu Bộ – Pháp Cú – 11. Phẩm Già – Tỳ Khưu Indacanda Dịch
11. PHẨM GIÀ
[146] 1. Nụ cười gì đây, tại sao có niềm vui, khi thường xuyên bị đốt cháy? Bị bao trùm bởi bóng tối, phải chăng các ngươi sẽ không tìm kiếm ngọn đèn?
[147] 2. Hãy nhìn xem hình bóng đã được tô điểm, tập hợp những vết thương, đã được dựng đứng lên (với những mảnh xương), bệnh hoạn, có nhiều suy tư, đối với nó không có sự bền vững, ổn định.
[148] 3. Thể xác này là hoàn toàn tàn tạ, ổ bệnh tật, mỏng manh. Xác thân hôi thối (sẽ) bị tan rã bởi vì mạng sống có sự chết là điểm cuối cùng.
[149] 4. Có sự thích thú gì sau khi nhìn thấy những mảnh xương có màu trắng xám này bị quăng bỏ tứ tán tựa như những trái bầu ở vào mùa thu?
[150] 5. (Thân này) là thành trì được làm bằng những mảnh xương, có sự bôi trét bằng thịt và máu, là nơi mà sự già, sự chết, ngã mạn, và đố kỵ ẩn náu.
[151] 6. Các cỗ xe của đức vua, khéo được trang điểm, đương nhiên (sẽ) trở thành tàn tạ, rồi thân xác cũng đi đến sự già nua, nhưng Giáo Pháp của các bậc Thánh không đi đến sự già nua. Đúng vậy, các bậc Thánh tuyên thuyết đến các người tốt lành.
[152] 7. Người nam này, ít chịu học hỏi, trở thành già cỗi ví như con bò mộng, các bắp thịt của kẻ ấy tăng trưởng, trí tuệ của kẻ ấy không tăng trưởng.
[153] 8. Ta đã trải qua luân hồi trong nhiều kiếp sống không ngừng nghỉ, trong khi tìm kiếm người thợ làm nhà; sự sanh tái diễn là khổ đau.
[154] 9. Hỡi người thợ làm nhà, ngươi đã bị nhìn thấy. Ngươi sẽ không xây dựng nhà nữa. Tất cả các rường cột của ngươi đã bị gãy đổ, mái nhà đã bị phá tan. Tâm (của Ta) đã đi đến sự không còn tạo tác, Ta đã chứng đạt sự diệt tận của các tham ái.
[155] 10. Những người đã không thực hành Phạm hạnh, đã không đạt được tài sản lúc còn trẻ, ví như những con cò già bị tàn tạ ở hồ nước cạn, không còn cá.
[156] 11. Những người đã không thực hành Phạm hạnh, đã không thành tựu tài sản lúc còn trẻ, nằm dài thở than về các việc quá khứ, ví như những (mũi tên) hết đà bắn ra từ cây cung, rơi xuống đất.
Phẩm Già là thứ mười một.
[1] tiṇṇamaññataraṃ yāmaṃ: Chú giải giải thích là một trong ba giai đoạn của cuộc đời, chứ không phải một trong ba canh của đêm (DhA. iii, 138).
[2] Không ghi theo nghĩa thông thường của seti là ‘nằm, ngủ.’ Chú Giải giải thích từ seti là viharati: ‘sống, sinh hoạt’ (DhA. iii, 165).
[3] Theo Chú Giải, bệnh (ātura) ở đây có nghĩa là ô nhiễm (kilesa), không bệnh nghĩa là không có ô nhiễm (DhA. iii, 257).
[4] atidhonacārinaṃ: ‘kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét’ ý nghĩa này được ghi theo lời giải thích của Chú Giải (DhA. iii, 344).
[5] Ba mươi sáu dòng chảy: nói đến sáu ái liên quan nội phần và sáu ái liên quan ngoại phần, ở vào ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (DhA. iv, 48).
[6] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 108).
[7] Về cả hai pháp: nói đến samathavipassanā, chỉ tịnh và minh sát (DhA. iv, 140).
[8] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 160).
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda