Tiểu Bộ – Pháp Cú – 18. Phẩm Vết Nhơ – Tỳ Khưu Indacanda Dịch

18. PHẨM VẾT NHƠ

[235] 1. Ngươi giờ đây ví như là chiếc lá úa vàng, và sứ giả của Thần Chết cũng đã đứng gần ngươi. Ngươi (đang) đứng ở ngưỡng cửa của sự tiêu vong, và lương thực đi đường của ngươi cũng không có.

[236] 2. Ngươi đây hãy tạo lập hòn đảo cho bản thân, hãy mau mau nỗ lực, hãy trở nên sáng suốt. Với vết nhơ đã được giũ bỏ, không còn nhơ nhớp, ngươi sẽ đi đến địa phận thuộc cõi trời của các bậc Thánh nhân. 

[237] 3. Và giờ đây người có sự diệt vong đã đến gần, ngươi đã tự đi đến gần Thần Chết. Không có chỗ trú ngụ cho ngươi ở khoảng giữa, và lương thực đi đường của ngươi cũng không có. 

[238] 4. Ngươi đây hãy tạo lập hòn đảo cho bản thân, hãy mau mau nỗ lực, hãy trở nên sáng suốt. Với vết nhơ đã được giũ bỏ, không còn nhơ nhuốc, ngươi sẽ không đi đến sự sanh và sự già lại nữa. 

[239] 5. Ví như thợ rèn giũ bỏ bụi dơ của bạc, bậc thông minh nên tuần tự giũ bỏ vết nhơ của bản thân từng chút từng chút theo từng giây từng phút. 

[240] 6. Ví như chất rỉ sét đã được sanh lên từ mảnh sắt, sau khi sanh lên từ mảnh sắt nó ăn mòn chính mảnh sắt ấy, tương tự như thế các việc làm của bản thân dẫn dắt kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét[4] đi đến cảnh giới khổ đau. 

[241] 7. Các chú thuật có sự không tụng đọc là vết nhơ. Các ngôi nhà có sự không cư ngụ là vết nhơ. Biếng nhác là vết nhơ của sắc đẹp. Xao lãng là vết nhơ của người đang canh gác. 

[242] 8. Tà hạnh là vết nhơ của người nữ. Bỏn xẻn là vết nhơ của người đang bố thí. Thật vậy các vết nhơ là các pháp ác xấu ở đời này và đời sau.

[243] 9. Vô minh là vết nhơ tối thượng, nhơ nhuốc hơn các vết nhơ kia. Này các tỳ khưu, hãy dứt bỏ vết nhơ ấy, hãy trở thành người không có vết nhơ.

[244] 10. Sự sinh sống bởi kẻ không biết hổ thẹn, trơ tráo như loài quạ, nói xấu sau lưng, khoác lác, xấc xược, nhơ nhuốc là cách sống dễ dàng.

[245] 11. Và (sự sinh sống) bởi người có sự hổ thẹn, thường xuyên tầm cầu sự trong sạch, không cố chấp, không xấc xược, có sự nuôi mạng trong sạch, hiểu biết là cách sống khó khăn.

[246] 12. Kẻ nào giết hại sanh mạng, và nói lời dối trá, lấy vật không được cho ở thế gian, và đi đến với vợ của người khác, …

[247] 13. … và người nam nào đam mê việc uống rượu và chất lên men, kẻ ấy đào bới gốc rễ của chính mình ở thế gian, ngay tại nơi này. 

[248] 14. Này nam nhân, như vậy ngươi hãy biết rằng các ác pháp là không kiềm chế được, chớ để tham lam và phi pháp đẩy đưa ngươi đến sự khổ đau lâu dài.

[249] 15. Quả vậy, người ta bố thí tùy theo đức tin, tùy theo sự tín thành, tại đó kẻ nào bất mãn về thức ăn nước uống của những người khác (bố thí), kẻ ấy không chứng được định vào ban ngày hoặc ban đêm.

[250] 16. Tuy nhiên, đối với vị nào có điều này đã được cắt đứt, gốc rễ đã được tiêu diệt, đã được bứng lên, vị ấy quả nhiên chứng được định vào ban ngày hoặc ban đêm. 

[251] 17. Không có lửa nào sánh bằng tham, không có sự kìm kẹp nào sánh bằng sân, không có màng lưới nào sánh bằng si, không có dòng sông nào sánh bằng tham ái. 

[252] 18. Lỗi của những người khác dễ thấy, trái lại của mình khó thấy. Kẻ ấy sàng lọc các lỗi của chính những người khác như là sàng lọc hạt lúa (lẫn trong gạo), trái lại che giấu (lỗi) của mình như là kẻ bẫy chim che giấu thân hình. 

[253] 19. Đối với kẻ tìm tòi lỗi của người khác, thường xuyên có ý tưởng phê phán, các lậu hoặc của kẻ ấy tăng trưởng, kẻ ấy cách xa sự diệt trừ các lậu hoặc.

[254] 20. Không có vết chân (lưu lại) ở không trung, không có Sa-môn ở bên ngoài (Giáo Pháp), người đời thích thú các pháp chướng ngại, các đức Như Lai không còn các pháp chướng ngại. 

[255] 21. Không có vết chân (lưu lại) ở không trung, không có Sa-môn ở bên ngoài (Giáo Pháp), các hành trường tồn là không có, chư Phật không có sự dao động. 

Phẩm Vết Nhơ là thứ mười tám.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Cú” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.