Tương Ưng Bộ Iv – Chương Xii: Tương Ưng Sự Thật – Phẩm Rừng Simsapà

TƯƠNG ƯNG BỘ V

CHƯƠNG XII: TƯƠNG ƯNG SỰ THẬT

PHẨM RỪNG SIMSAPÀ

31.I. Simsapà (S.v,437)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapà.

2) Rồi Thế Tôn lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapà, rồi bảo các Tỷ-kheo:

— Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một số ít lá Simsapà mà Ta nắm lấy trong tay, hay lá trong rừng Simsapà?

— Thật là quá ít, bạch Thế Tôn, một ít lá Simsapà mà Thế Tôn nắm lấy trong tay, và thật là quá nhiều lá trong rừng Simsapà.

3) — Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật là quá nhiều, những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các Ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra!

4) Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không nói lên những điều ấy.

5) Và này các Tỷ-kheo, điều gì mà Ta nói? “Ðây là Khổ”, này các Tỷ-kheo, là điều Ta nói. “Ðây là Khổ tập”, là điều Ta nói. “Ðây là Khổ diệt”, là điều Ta nói. “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”, là điều Ta nói.

6) Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta nói lên những điều ấy.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

32.II. Cây Keo (Khandira) (S.v,438)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người nói như sau : “Với những lá cây keo, hay lá cây palàsa (một thứ cây có bông màu đỏ thắm mọc trước lá) hay lá cây kha-lê-lặc (àmalaka), tôi sẽ làm giỏ bằng lá để đem nước lại hay làm cái quạt”; sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… không như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

4) Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói như sau: “Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ… sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận Khổ đau”; sự kiện này có xảy ra.

5) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người nói như sau: “Với những lá sen hay lá pasàla hay lá màluva (một loại cây leo), tôi sẽ làm các giỏ bằng lá để đem nước lại hay làm cái quạt”; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ai nói như sau: “Sau khi như thật chứng ngộ Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Khổ tập… Thánh đế về Khổ diệt… sau khi như thật chứng ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận Khổ đau”; sự kiện này có xảy ra.

6) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

33.III. Cái Gậy (S.v,439)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây gậy được quăng lên hư không, khi thì rơi xuống đầu gốc, khi thì rơi xuống chặng giữa, khi thì rơi xuống đầu ngọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, dong ruổi, luân chuyển, khi thì đi từ thế giới này đến thế giới kia, khi thì đi từ thế giới kia đến thế giới này. Vì sao? Vì rằng không thấy bốn Thánh đế. Này các Tỷ-kheo, bốn Thánh đế ấy là gì?

3) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

4) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như số 6, kinh trên) …

34.IV. Khăn Ðầu (S.v,440)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, khi khăn đầu hay đầu bị lửa cháy, thời phải làm gì?

— Bạch Thế Tôn, khi khăn đầu hay đầu bị bị lửa cháy, để dập tắt khăn đầu hay đầu bị lửa cháy cần phải có ước muốn tăng thượng (chanda), tinh tấn (vàyàmo), cố gắng (ussàho), nỗ lực (ussohii), không có thối thất (appativami), chánh niệm và tỉnh giác.

3) — Bỏ qua đầu và khăn bị cháy, này các Tỷ-kheo, không có tác ý để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế, chưa được chứng ngộ, cần phải có ước muốn tăng thượng, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, không thối thất, chánh niệm và tỉnh giác. Thế nào là bốn?

4) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

35.V. Một Trăm Cây Thương (Sattisata) (S.v,440)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người tuổi thọ đến một trăm năm, mạng sống đến một trăm năm. Có người đến nói với người ấy: “Này Ông, vào buổi sáng, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi trưa, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi chiều, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Này Ông, như vậy mỗi ngày Ông bị đâm ba trăm cây thương, với tuổi thọ đến một trăm năm, với mạng sống đến một trăm năm. Sau một trăm năm, Ông sẽ được giác ngộ bốn Thánh đế trước kia chưa được giác ngộ”. Này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử hiểu biết nghĩa lý (atthavasikena) có thể chấp nhận chăng? Vì sao?

3) Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Thế nào là bốn?

4) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

5) … (như đoạn số 5, kinh trên) …

36.VI. Sanh Loại (Pànà) (S.v,431)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người trên cõi Diêm-phù-đề này chặt cỏ, cây, cành, lá và chất thành một đống. Chất thành một đống xong, vị ấy làm thành những cây gậy có vót nhọn (sulàm). Sau khi làm thành những cây có vót nhọn, vị ấy đâm những sanh loại lớn trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn lớn; vị ấy đâm những sanh loại bậc trung trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn bậc trung; vị ấy đâm những sanh loại nhỏ trong biển lớn với những cây gậy có vót nhọn bậc nhỏ. Này các Tỷ-kheo, các sinh loại to lớn trong biển lớn không có thể cạn sạch hết. Dầu rằng tất cả cỏ, cây, cành, lá ở cõi Diêm-phù-đề có thể đem ra dùng hết sạch. Nhưng còn nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, là những sinh loại nhỏ trong biển lớn không dễ gì đâm chúng trên các gậy có vót nhọn. Vì sao?

3) Này các Tỷ-kheo, vì cá thể (attabhàva) của chúng rất tế nhị. Lớn vậy, này các Tỷ-kheo, là đọa xứ. Và này các Tỷ-kheo, được thoát khỏi đọa xứ lớn ấy là người nào đã thành tựu chánh kiến, như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

4) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

37.VII. Ví Dụ Mặt Trời (1) (S.v,442)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước sự giác ngộ như thật bốn Thánh đế, tức là chánh tri kiến…

3) Với Tỷ-kheo có chánh tri kiến này, này các Tỷ-kheo, chờ đợi là vị ấy sẽ rõ biết: “Ðây là Khổ”… Vị ấy sẽ rõ biết. “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

4) Do vậy, này các Tỷ-kheo… (như đoạn số 4, kinh trên) …

38.VIII. Ví Dụ Mặt Trời (2) (S.v,442)

1) …

2) — Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, mặt trăng, mặt trời không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không có ánh sáng lớn, hào quang lớn hiện hữu. Khi ấy chỉ có đêm tối, chỉ có u ám, không thể phân biệt đêm và ngày, không thể phân biệt tháng và nửa tháng, không thể phân biệt thời tiết hằng năm.

3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, mặt trăng, mặt trời hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, có ánh sáng lớn, có hào quang lớn hiện hữu. Khi ấy không có đêm tối, không có u ám. Và có sự phân biệt đêm ngày, có sự phân biệt tháng và nửa tháng, có sự phân biệt thời tiết hằng năm.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác không hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, không có ánh sáng lớn, không có hào quang lớn. Khi ấy chỉ có đêm tối, chỉ có u ám. Cho đến khi ấy, không có sự tuyên bố, không có sự thuyết giảng, không có sự trình bày, không có sự thiết lập, không có sự khai diễn, không có sự phân tích, không có sự hiển thị bốn Thánh đế.

5) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hiện ra ở đời, cho đến khi ấy, có ánh sáng lớn, có hào quang lớn. Khi ấy không có đêm tối, không có u ám. Cho đến khi ấy, có sự tuyên bố, có sự thuyết giảng, có sự trình bày, có sự thiết lập, có sự khai diễn, có sự phân tích, có sự hiển thị bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

6) Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một sự cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

39.IX. Cột Trụ (Indakhilo) (S.v,433)

1) …

2) — Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… không như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Họ ngước nhìn mặt (ullokenti) một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: “Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một hột bông hay một hột bông kappàsa bị gió nhẹ thổi lên, rơi xuống đất bằng, và gió phía Ðông thổi nó qua phía Tây; gió phía Tây thổi nó qua phía Ðông; gió phía Bắc thổi nó qua phía Nam; gió phía Nam thổi nó qua phía Bắc. Vì sao? Vì hột bông kappàsa rất nhẹ, này các Tỷ-kheo.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… không như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến khổ diệt”. Họ ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: “Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”. Vì sao? Vì không chánh kiến bốn Thánh đế, này các Tỷ-kheo.

5) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật rõ biết : “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Họ không ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn khác và nhận xét: “Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”.

6) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây cột sắt hay cây cột trụ, bàn tọa được đóng sâu (gambhiiranemo), khéo chôn sâu, bất động, không có lay chuyển; nếu từ phương Ðông có gió và mưa lớn đến, cột trụ ấy không rung chuyển, không lay chuyển, không động chuyển…; nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam có gió và mưa lớn đến, cột trụ ấy không có rung chuyển, không lay chuyển, không động chuyển. Vì sao? Vì bàn tọa được đóng sâu, khéo chôn sâu, này các Tỷ-kheo.

7) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Họ không ngước nhìn mặt một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác và nhận xét: “Vị Tôn giả này biết điều đáng biết, thấy điều đáng thấy”. Vì sao? Vì bốn Thánh đế được khéo thấy, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?

8-9) … (xem đoạn số 6 và số 7 của kinh trên) …

40.X. Tranh Luận (S.v,445)

1) …

2) — Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến khổ diệt”. Nếu từ phương Ðông có Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng : “Ta sẽ tranh luận”, người này không thể làm cho rung chuyển, làm lay chuyển, làm động chuyển Tỷ-kheo ấy một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam có Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: “Ta sẽ tranh luận”; người này không thể làm rung chuyển, làm lay chuyển, làm động chuyển Tỷ-kheo ấy một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra.

3) Ví như, này các Tỷ-kheo, một cột đá dài đến mười sáu khuỷu tay, và tám khuỷu tay được chôn dưới đất từ bàn tọa và tám khuỷu tay ở phía trên. Nếu từ phương Ðông có gió và mưa lớn đến, không thể làm cột đá ấy rung chuyển, lay chuyển, động chuyển, nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam có gió và mưa lớn đến, không thể làm cho cột đá ấy rung chuyển, lay chuyển, động chuyển. Vì sao? Vì bàn tọa cột trụ được đóng sâu, khéo chôn sâu, này các Tỷ-kheo.

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo nào như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”… như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”. Nếu từ phương Ðông có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: “Ta sẽ tranh luận”, vị ấy có thể làm cho Tỷ-kheo kia rung chuyển, lay chuyển, động chuyển một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Nếu từ phương Tây… nếu từ phương Bắc… nếu từ phương Nam có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến, ưa thích tranh luận, tầm cầu tranh luận, nói rằng: “Ta sẽ tranh luận”, vị ấy có thể làm cho Tỷ-kheo kia rung chuyển, lay chuyển, động chuyển một cách đúng pháp; sự kiện này không xảy ra. Vì sao? Vì bốn Thánh đế đã được khéo thấy, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn?

5-6) … (Giống như đoạn số 8, số 9, kinh 39) …

-ooOoo-

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda