8. Thái Tử Siddhattha Thành Hôn Với Công Chúa Yasodhara
ĐỨC BỒ TÁT QUÁN XÉT NGŨ TRẦN
Năm Thái tử Siddhattha được mười sáu (16) tuổi thì Đức vua Suddhodana truyền ngôi báu cho Thái tử.
Trong buổi lễ đăng quang lên ngôi vua của Thái tử Siddhattha cùng với lễ thành hôn với Công chúa Yasodharā, Đức vua Siddhattha tấn phong Công chúa Yasodharā lên ngôi vị chánh cung Hoàng hậu. Đức vua trị vì đất nước được thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ được an cư lạc nghiệp.
Đức Thái Thượng Hoàng Suddhodana muốn Đức vua Siddhattha trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, không muốn Đức Bồ Tát đi xuất gia để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác; cho nên, Đức Thái Thượng Hoàng truyền lệnh cho các quân lính ngăn cấm người già, người bệnh, người chết và bậc xuất gia, phải xa cách không để cho Đức vua Siddhattha nhìn thấy họ.
Đức Bồ Tát lên ngôi vua an hưởng sự an lạc trên ngai vàng thời gian trải qua 12 năm, chưa từng thấy cảnh nào để phát sinh động tâm (saṃvega)
Sau những lần được chư Thiên nhắc nhở, Đức Bồ Tát thường hay khởi trong tâm những suy tư không dứt. Trong những đêm sau đó, khi Đấng Đại sĩ bước vào tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ như một thiên cung và nằm lên chiếc giường bằng 7 loại ngọc quý, nhìn đoàn nữ nhạc điêu luyện trong nghệ thuật đàn ca, cùng đoàn vũ nữ điêu luyện trong những vũ khúc “mê hồn”, tất cả đều trang điểm xinh đẹp như những thiên nữ, gương mặt thanh tú như như vầng trăng vừa tròn, đôi môi tươi mọng và hồng như quả nimba chín, thân hình đều đăn thon thả, đôi chân thon chắc, răng trắng bóng và đều như những hạt bắp non. Đôi mày đen nháy hình vòng nguyệt như cọng sen được uốn cong, đôi mắt đen nháy như hồ nước sâu thẳm, ngực tròn đầy như những con thiên nga màu hồng ẩn hiện trong mây, trên người nhiều loại trang sức, khua lên những âm thanh vui nhộn theo những vũ khúc. Tất cả đồng bước ra đàn ca, múa hát để “vị chúa chư thiên” thưởng thức những vũ khúc “mê ly”, những tiếng hát du dương làm say đắm lòng người, những tiếng đàn réo rắt những âm điệu khi trầm, khi bổng, khi than thở, khi reo vui …. Trước đây thì Ngài cũng thả mình vào những thú vui hoan lạc đó, Nhưng giờ tâm Bồ Tát đang hướng về xuất gia, chán nản những gì đang diễn tiến chung quanh, Ngài không thấy vui thích những thú tiêu khiển ấy và dần dần đi vào giấc ngủ.
Nhìn thấy Bồ Tát ngủ say, đoàn nhạc công cùng vũ nữ suy nghĩ “chúng ta đàn ca, múa hát để làm vui vị chủ nhân, nhưng Ngài đã ngủ rồi. Vậy chúng ta cũng tạm dừng để nghỉ ngơi”. Và tất cả cùng ngủ tại nơi đấy dưới ánh sáng lung linh của những ngọn đèn thắp sáng bằng những loại dầu thơm hảo hạng.
Giữa đêm, Bồ Tát thức giấc Ngài ngồi kiết già trên giường ngọc, nhìn chung quanh, thấy đoàn vũ nữ cùng nhạc công xinh như những thiên nữ đầu hôm, giờ đây trong lúc ngủ say, đã phơi bày đầy đủ mọi nét dơ uế, một số nằm gác chân lên mình nhau như những khối thịt xếp chồng lên nhau, những chiếc miệng xinh như mọng giờ đây tuôn chảy giòng nước dãi, hàm răng tròn đều như những hạt bắp non giờ đây nghiến vào nhau, phát ra âm thanh “trèo trẹo” ghê rợn. Đâu rồi những âm giọng du dương?
Những đôi môi hồng như quả nimba giờ đây há hốc phơi bày hố sâu đen ngòm thăm thẳm đầy âm u.
Xiêm y lụa là giờ đây nhàu nát, một số phơi bày thân thể một cách lộ liểu, số khác thì tóc rối bời hoặc mái tóc mượt mà khéo trang điểm giờ đây xổ tung tóe, như những sợi tóc ma trơi.
Phấn sáp chảy dài trên mặt bởi những giọt mồ hôi như những con giun uốn éo trên đất. Trang sức xinh đẹp để làm tăng thêm vẽ diễm kiều thân xác, giờ đây rơi rụng trên sàn, những nhạc cụ được nâng niu bởi đôi tay ngà ngọc giờ đây được ném vào một góc. Những chiếc ngực căng tròn như những con thiên nga hồng, giờ đang phập phồng như đang giẫy chết …
Ngài có cảm giác như đang ở trong bãi tha ma, thiên nữ đầu hôm giờ đây như những tử thi trong mộ địa, mùi hương thơm đã bị thay thế bởi xú khí bốc lên từ những thi hài ấy. Thấy khung cảnh chung quanh như vây, kinh cảm trí (saṃvegañāṇa) cùng tâm viễn ly (nikkhepacitta) nảy sinh mãnh liệt.
QUÁN XÉT DỤC LẠC
Bồ Tát quán xét “năm dục lạc này ít vui nhiều khổ (appassādā), những tội lỗi cùng khiếm khuyết của chúng thật nhiều.
* Ngũ dục này như khúc xương (aṭṭhikaṅkapamā kāmā).
Ngũ dục này ví như khúc xương được khéo lóc, con chó đói chạy tìn vật thực, thấy được khúc xương chỉ còn dính chút ít thịt, nó ngỡ được no lòng. Nhưng dù cố công liếm sạch khúc xương khô nó vẫn cứ đói, tuy vậy nó không từ bỏ khúc xương, nó tha khúc xương từ nơi này sang nơi khác và sẵn sàng chống lại những con chó khác muốn tranh cướp khúc xương của nó, vì sao? Vì khúc xương khô còn có mùi thơm.
* Ngũ dục này như miếng thịt thối (maṃsapesūpamā kāmā).
Ví như con kên kên, con diều hâu hay con chim ưng, tìm được miếng thịt thối từ nơi xác chết, nó ngậm miếng thịt bay lên. Ngay lập tức đám kên kên, diều hâu, chim ưng khác bay lên tấn công để tranh cướp miếng thịt. Khi con kên kên còn giữ miếng thịt thì còn bị đồng loại cùng với kẻ thù tấn công, bao giờ nó buông bỏ miếng thịt thì nó vơi đi đau khổ.
* Ngũ dục như lửa rơm (tinukkūpamā kāmā).
Ví như người cầm bó đuốc lửa rơm đang cháy, đi ngược chiều gió. Ngọn lửa sẽ đốt vào mặt mày, tay chân, mình, y phục người ấy, người ấy có thể bị thương tật hay bị tử vong.
* Ngũ dục như hầm lửa đỏ (aṅgārakasūpamā kāmā).
Ví như hầm lửa đỏ được che phủ bởi lớp cỏ non bên trên, con nai ham cỏ non sẽ bị rơi vào hầm lửa và bị thiệt mạng. Cũng vậy, năm dục lạc này, bên ngoài trông khả ái, hấp dẫn; do đắm nhiễm trong 5 dục chúng sinh tạo ra những ác-bất thiện pháp, như rơi vào hầm lửa phải chịu khổ lâu dài trong địa ngục, đọa xứ.
* Ngũ dục như giấc chiêm bao (supinatūpamā kāmā).
Ví như người nằm mộng, có thể thấy mình đang là vị đại đế, tha hồ thụ hưởng những món dục lạc thích ý hài lòng. Khi thức giấc, không thể tìm thấy những gì có trong giấc mộng.
* Ngũ dục như vật tạm mượn (yācitakūpamā kāmā).
Ví như người muốn đi dự lễ hội, nhưng không có vật trang điểm, mượn những trang sức của người khác để dùng. Sau lễ hội, y phải trả lại những vật mượn ấy. Cũng vậy, khi sinh ra trong đời sống này, phải sử dụng năm món dục lạc, khi mệnh chung thì phải trả lại những dục lạc mà mình có như: tài sản, ruộng đất, vợ con…
* Ngũ dục như cây có trái chín trên cao (rukkhaphalūpamā kāmā).
Ví như cây có nhiều trái chín trên cao, một người đi đến thấy cây có nhiều trái chín, người ấy leo lên cây, hái trái cây ăn thỏa thích rồi hái mang về. Người thứ hai đi đến cây có nhiều trái chín, y cũng muốn ăn những trái cây, nhưng không thể leo lên, y dùng rìu bén đốn gốc cây ngã xuống. Cũng vậy, người có nhiều tài sản, quyền chức … sẽ là “mục tiêu” cho người khác triệt hạ.
Hoặc “năm dục ví như trái cây độc”; những trái cây độc thường có màu sắc xinh đẹp và nhiều hương thơm. Nhưng khi ăn vào, trái cây có thể làm chết người ấy hay hành hạ người ấy quằn quại trong khổ.
* Ngũ dục như lưỡi kiếm bén (sattisūlūpamā kāmā).
Lưỡi kiếm bén có khả năng cắm sâu hay cắt đứt bất cứ vật gì chạm vào nó, đó là loại khí giới mang tính “tiêu diệt”. Trên lưỡi kiếm có vài giọt mật ngọt, người ưa thích mật ngọt, liếm những giọt mật trên lưỡi kiếm sẽ bị lưỡi kiếm cắt đứt lưỡi.
Cũng vậy, năm dục: Sắc, thinh, hương, vị và xúc có chút ít lạc, đam mê “năm dục” sẽ bị “lưỡi kiếm sát hại”.
Ví như con cá mắc câu, cá càng vùng vẫy càng thêm đau khổ, cũng vậy khi đắm nhiễm trong năm dục rồi, càng muốn thoát ra càng bị đau khổ.
Khi đắm nhiễm trong cảnh sắc (rūpārammaṇa) ví như con cá bị mắc câu, không thể tự mình tháo gỡ thoát khỏi móc câu. Cũng vì “cảnh sắc khả ái”, chúng sinh tạo những ác-bất thiện pháp để chiếm hữu “cảnh sắc”, do đó những thiện pháp đã bị cắt đứt hay bị hủy diệt và chúng sinh ấy đau khổ bởi “sắc kiếm”.
Tương tự như vậy với cảnh thinh, cảnh hương, cảnh vị và cảnh xúc.
* Ngũ dục như dao và thớt (asisūmūpamā kāmā).
Dao bầm nát những gì được đặt trên thớt. Người đam mê, đắm nhiễm ngũ dục ví như tử tội đang đặt đầu lên thớt chém và ngọn đao rơi xuống giết chết người ấy.
* Ngũ dục như đầu con rắn độc (sappasirūpamā kāmā).
Đầu con rắn độc là nơi chất chứa chất kịch độc, có thể sát hại nhiều loại chúng sinh. Đầu con rắn độc có thể gây tử vong hay đau khổ cho những chúng sinh nào va chạm vào nó. Đầu con rắn độc chỉ mang đến tai họa chứ không mang đến hạnh phúc an lạc.
Cũng vậy, ngũ dục là chất độc hại có thể mang đến tai hại, tử vong cho chúng sinh, ngũ dục chỉ mang lại đau khổ chứ không mang đến lợi ích như đầu con rắn độc kia vậy.
Mười điều quán tưởng về tai hại của năm dục lạc này chính là nền tảng cho chí “nguyện xuất ly của Bồ Tát”, nhờ nhận thức rõ tai hại của ngũ dục lạc, nên suốt sáu năm xuất gia tầm cầu pháp giải thoát già, bệnh, chết, Ma vương cận kề theo dõi, nhưng không tìm thấy tâm ý hưởng thụ dục lạc của Đấng Đại sĩ.
Chính “10 tai hại của dục lạc” được chư Tỳ khưu nhắc nhở đến Tỳ khưu Ariṭṭha xưa làm nghề huấn luyện chim ưng.