Đại Phẩm Ii – Chương Dược Phẩm: Tụng Phẩm Suppiya

Đại Phẩm II

Chương Dược Phẩm

Tụng phẩm Suppiya

Sau đó, khi đã ngự tại thành Sāvatthi theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha.

Trên đường đi, đại đức Kaṅkhārevata[4] đã nhìn thấy lò nấu đường và đã bước xuống. Sau khi nhìn thấy (những người thợ) bỏ bột mì và tro vào trong mật đường, vị ấy (nghĩ rằng): “Mật đường trộn với vật thực là không được phép, (vì thế) đường không được thọ dụng lúc phi thời,” trong lúc ngần ngại nên cùng với tập thể không thọ dụng đường. Thậm chí nhiều vị nghĩ rằng nên nghe theo vị ấy rồi cũng không thọ dụng đường. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, vì mục đích gì mà họ bỏ bột mì và tro vào trong mật đường vậy?” – “Bạch Thế Tôn, vì mục đích kết tinh.” – “Này các tỳ khưu, nếu vì mục đích kết tinh mà họ bỏ bột mì và tro vào trong mật đường, (hỗn hợp) ấy kết thành khối vẫn gọi là ‘Đường’ vậy. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng đường một cách thoải mái.”

Trên đường đi, đại đức Kaṅkhārevata đã nhìn thấy cây đậu mugga[5] sinh trưởng ở bãi phân. Sau khi nhìn thấy, vị ấy (nghĩ rằng): “Các hạt đậu mugga là không được phép, dầu cho đã được nấu chín các hạt đậu mugga vẫn sinh trưởng” trong lúc ngần ngại nên cùng với tập thể không thọ dụng đậu mugga. Thậm chí nhiều vị nghĩ rằng nên nghe theo vị ấy rồi cũng không thọ dụng đậu mugga. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, dầu cho đã được nấu chín đậu mugga vẫn sinh trưởng. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng đậu mugga một cách thoải mái.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh đau bụng bão. Vị ấy đã húp cháo chua có muối. Bệnh đau bụng bão ấy của vị ấy đã được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng cháo chua có muối đối với vị bị bệnh, đối với vị không bệnh thì đã được pha trộn với nước như là thức uống.”

Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó ở Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bị bệnh đau bụng bão.

Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): “Trước đây, bệnh đau bụng bão của đức Thế Tôn được dịu đi nhờ cháo gồm có ba thứ” nên đã đích thân đi xin mè, gạo lức, và đậu mugga rồi tích trữ ở bên trong (khuôn viên), đích thân nấu ở bên trong, và đã đem đến dâng lên đức Thế Tôn: – “Xin Thế Tôn hãy húp cháo gồm có ba thứ.”

Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu vì hai lý do: “Hoặc là chúng ta sẽ thuyết Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, cháo này từ đâu vậy?”

Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Thật không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm. Này Ānanda, vì sao ngươi lại nghĩ đến việc đa đoan như thế này?

 Này Ānanda, vật đã được tích trữ ở bên trong (khuôn viên) là không được phép, vật đã được nấu ở bên trong là không được phép, vật đã được tự mình nấu là không được phép. Này Ānanda, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật) đã được tích trữ ở bên trong, đã được nấu ở bên trong, đã được tự mình nấu; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.

Này các tỳ khưu, nếu thọ dụng vật đã được tích trữ ở bên trong, đã được nấu ở bên trong, đã được tự mình nấu thì phạm ba tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu thọ dụng vật đã được tích trữ ở bên trong, đã được nấu ở bên trong, đã được những người khác nấu thì phạm hai tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu thọ dụng vật đã được tích trữ ở bên trong, đã được nấu ở bên ngoài (khuôn viên), đã được tự mình nấu thì phạm hai tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu thọ dụng vật đã được tích trữ ở bên ngoài, đã được nấu ở bên trong, đã được tự mình nấu thì phạm hai tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu thọ dụng vật đã được tích trữ ở bên trong, đã được nấu ở bên ngoài, đã được những người khác nấu thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu thọ dụng vật đã được tích trữ ở bên ngoài, đã được nấu ở bên trong, đã được những người khác nấu thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu thọ dụng vật đã được tích trữ ở bên ngoài, đã được nấu ở bên ngoài, đã được tự mình nấu thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, nếu thọ dụng vật đã được tích trữ ở bên ngoài, đã được nấu ở bên ngoài, đã được những người khác nấu thì vô tội.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Việc tự mình nấu đã được đức Thế Tôn cấm đoán” nên đã ngần ngại trong việc nấu lại lần nữa (hâm nóng thức ăn). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép nấu (lại) vật đã được nấu.”

Vào lúc bấy giờ, thành Rājagaha bị khó khăn về vật thực. Dân chúng đã đem đến tu viện muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực cứng. Các vị tỳ khưu đã tích trữ các thức ấy ở bên ngoài. Các con thú hoang ăn đi, những kẻ trộm lấy đi, những người chuyên ăn vật thực thừa mang đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tích trữ ở bên trong.” Sau khi tích trữ ở bên trong, các vị cho nấu ở bên ngoài. Những người chuyên ăn vật thực thừa vây quanh. Các vị tỳ khưu thọ dụng không được an toàn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép nấu ở bên trong.” Trong thời gian khó khăn về vật thực, người làm thành được phép (các món vật thực) đã mang đi các phần nhiều hơn và dâng cho các vị tỳ khưu phần ít hơn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tự mình nấu. Này các tỳ khưu, ta cho phép (vật) đã được tích trữ ở bên trong, đã được nấu ở bên trong, đã được tự mình nấu.”

Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu đã trải qua mùa (an cư) mưa ở xứ Kāsi đang đi đến Rājagaha để diện kiến đức Thế Tôn. Trên đường đi, các vị đã không được đầy đủ theo như nhu cầu về vật thực dầu là tầm thường hay hảo hạng. Và đã có nhiều vật ăn được là trái cây nhưng lại không có người làm (cho trái cây ấy) thành được phép. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy với vóc dáng mệt mỏi đã đi đến Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ đối với chư Phật Thế Tôn là niềm nở đối với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này các tỳ-khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không? Và này các tỳ khưu, các ngươi từ đâu đến vậy?” – “Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc đều tốt đẹp. Bạch ngài, trường hợp chúng con khi đã trải mùa (an cư) mưa ở xứ Kāsi và đang đi đến Rājagaha để diện kiến đức Thế Tôn. Trên đường đi, chúng con đã không đạt được sự đầy đủ theo như nhu cầu về vật thực dầu là tầm thường hay hảo hạng, và có nhiều vật ăn được là trái cây nhưng lại không có người làm thành được phép; vì thế, chúng con đã đi đến đường xa đến với vóc dáng mệt mỏi.”

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép ở nơi nào thấy trái cây có thể ăn được và không có người làm thành được phép thì tự mình nhặt lấy, mang đi, đến khi gặp được người làm thành được phép thì đặt (trái cây) trên mặt đất, bảo (người ấy) trao lại, rồi thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên.”

Vào lúc bấy giờ, có người Bà-la-môn nọ thâu hoạch mè mới và mật đường mới. Khi ấy, người Bà-la-môn ấy đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên dâng mè mới và mật đường mới đến hội chúng có đức Phật đứng đầu?” Sau đó, người Bà-la-môn ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng một bên. Khi đã đứng một bên, người Bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người Bà-la-môn ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã ra đi.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy người Bà-la-môn ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: – “Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của người Bà-la-môn ấy, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.

Sau đó, người Bà-la-môn ấy đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời bình bát, người Bà-la-môn ấy đã ngồi xuống một bên. Khi người ấy đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người Bà-la-môn ấy bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

Sau đó, khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, người Bà-la-môn ấy đã khởi ý điều này: “Hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được ta thỉnh mời vì mục đích của những thứ này: ‘Ta sẽ dâng mè mới và mật đường mới,’ nhưng ta đã quên dâng chúng rồi. Hay là ta sẽ cho người mang mè mới và mật đường mới bằng các vại và các hũ đến tu viện vậy?”

Sau đó, người Bà-la-môn ấy đã cho người mang mè mới và mật đường mới bằng các vại và các hũ đến tu viện rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng một bên. Khi đã đứng một bên, người Bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài Gotama, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được tôi thỉnh mời vì mục đích của những thứ này: ‘Ta sẽ dâng mè mới và mật đường mới,’ nhưng tôi đã quên dâng chúng. Bạch ngài Gotama, xin hãy thọ lãnh mè mới và mật đường mới của tôi.” – “Này Bà-la-môn, như vậy thì ngươi hãy dâng đến các vị tỳ khưu đi.”

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu nhận lãnh chỉ chút ít rồi ngăn lại, cũng có những vị suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu. Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh. – “Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong khi được yêu cầu thì được thọ dụng vật không phải còn thừa và đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong.”

Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của tỳ khưu Upananda con trai dòng Sakya đã cho người đem lại vật thực loại cứng nhằm dâng đến hội chúng (dặn dò) rằng: “Nên trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã đi vào làng để khất thực.

Khi ấy, những người ấy sau khi đi đến tu viện đã hỏi các vị tỳ khưu rằng: – “Thưa các ngài, ngài đại đức Upananda ở đâu vậy?” – “Này các đạo hữu, đại đức Upananda con trai dòng Sakya này đã đi vào làng để khất thực.” – “Thưa các ngài, vật thực loại cứng này nên được trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, như vậy thì sau khi thọ lãnh các ngươi hãy để riêng ra đến khi Upananda trở về.”

Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sakya sau khi đi giao thiệp với các gia đình trước bữa ăn rồi về lại trong ngày.

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu nhận lãnh chỉ chút ít rồi ngăn lại, cũng có những vị suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu. Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh. – “Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong và đã ngăn (vật thực) được thọ dụng vật không phải còn thừa đã được thọ lãnh trước bữa ăn.”

Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta bị bệnh sốt toàn thân.

Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna đã đi đến gặp đại đức Sāriputta, sau khi đến đã nói với đại đức Sāriputta điều này: – “Này đại đức Sāriputta, trước đây bịnh sốt toàn thân của đại đức được dịu đi nhờ vào thứ gì?” – “Này đại đức, tôi nhờ vào các củ sen và các cọng sen.”

Sau đó, giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đại đức Mahāmoggallāna đã biến mất tại Jetavana rồi hiện ra ở bờ hồ sen Mandākinī.

Có con long tượng nọ đã nhìn thấy đại đức Mahāmoggallāna từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với đại đức Mahāmoggallāna điều này: – “Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahāmoggallāna hãy đến. Thưa ngài, xin hoan nghênh ngài đại đức Mahāmoggallāna. Thưa ngài, ngài đại đức có nhu cầu gì? Tôi sẽ dâng vật gì?” – “Này đạo hữu, ta có nhu cầu về các củ sen và các cọng sen.”

Khi ấy, con long tượng ấy đã ra lệnh cho con long tượng khác rằng: – “Này bạn, như vậy bạn hãy dâng đến ngài đại đức các củ sen và các cọng sen theo như nhu cầu.” Sau đó, con long tượng ấy đã lội xuống hồ sen Mandākinī dùng vòi nhổ củ sen và cọng sen rồi rửa sạch sẽ, sau khi rửa xong đã buộc lại thành bó rồi đi đến gặp đại đức Mahāmoggallāna.

Khi ấy, giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đại đức Mahāmoggallāna đã biến mất tại bờ hồ sen Mandākinī rồi hiện ra ở Jetavana.

Con long tượng ấy cũng đã biến mất tại bờ hồ sen Mandākinī và hiện ra ở Jetavana. Khi ấy, con long tượng ấy sau khi đã dâng đến đại đức Mahāmoggallāna các củ sen và các cọng sen rồi đã biến mất tại Jetavana và hiện ra ở bờ hồ sen Mandākinī.

Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã đem lại các củ sen và các cọng sen cho đại đức Sāriputta. Khi ấy, vào lúc đại đức Sāriputta đã thọ dụng các củ sen và các cọng sen, bệnh sốt toàn thân đã được thuyên giảm. Nhiều củ sen và cọng sen còn thừa lại.

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu nhận lãnh chỉ chút ít rồi ngăn lại, cũng có những vị suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu. Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh. – “Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong và đã ngăn (vật thực) được thọ dụng vật không phải còn thừa đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước.”

Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthi được phát sanh nhiều trái cây có thể ăn được. Và người làm (cho trái cây ấy) thành được phép là không có. Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ dụng trái cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng trái cây không có hột, hoặc không còn hột, (cho dù) chưa được làm trở thành đúng phép.”

Sau đó, khi đã ngự tại thành Sāvatthi theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh lở loét. Thầy thuốc Ākāsagotta thực hiện công việc mổ xẻ. Sau đó, đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu nọ. Thầy thuốc Ākāsagotta đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài Gotama, xin hãy lại đây. Xin hãy nhìn xem hậu môn của vị tỳ khưu này, giống như là miệng của con kỳ nhông vậy.”

Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Kẻ rồ dại này (muốn) đùa cợt ta!” từ chính nơi ấy đã quay trở về, rồi nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, có phải trong trú xá kia có vị tỳ khưu bị bệnh?” – “Bạch Thế Tôn, thưa có.” – “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy bị bệnh gì?” – “Bạch ngài, đại đức ấy bị bệnh lở loét. Thầy thuốc Ākāsagotta thực hiện công việc mổ xẻ.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn cho kẻ rồ dại ấy, thật không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm. Này các tỳ khưu, vì sao kẻ rồ dại ấy lại cho người thực hiện công việc mổ xẻ ở chỗ kín (của cơ thể)? Này các tỳ khưu, da ở chỗ kín thì mỏng, vết thương khó liền da, dao khó điều khiển. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên cho người thực hiện việc mổ xẻ ở chỗ kín (của cơ thể); vị nào cho người thực hiện thì phạm tội thullaccaya.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán việc mổ xẻ” nên đã cho người thực hiện việc bơm thụt. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại cho người thực hiện việc bơm thụt?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

– “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư cho người thực hiện việc bơm thụt, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên cho người thực hiện việc mổ xẻ hoặc việc bơm thụt xung quanh chỗ kín (của cơ thể) hai lóng tay; vị nào cho người thực hiện thì phạm tội thullaccaya.”

Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāṇasī. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī. Tại nơi đó trong thành Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, ở vườn nai.

Vào lúc bấy giờ, trong thành Bārāṇasī có nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā. Cả hai đều mộ đạo, là thí chủ, là người phục vụ, là người hộ độ hội chúng. Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đi đến tu viện rồi đi từ trú xá này đến trú xá khác, từ phòng này đến phòng khác, và hỏi các vị tỳ khưu rằng: – “Thưa các ngài, vị nào bị bệnh? Vật gì cần được mang lại? Cho vị nào?”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã uống thuốc xổ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này: – “Này chị gái, tôi đã uống thuốc xổ. Tôi có nhu cầu về nước luộc thịt.” – “Thưa ngài, tốt lắm. (Nước luộc thịt) sẽ được mang lại.” Sau khi về nhà, nàng đã bảo người giúp việc rằng: – “Này chú em, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn.” – “Thưa cô chủ, xin vâng.” Rồi người đàn ông ấy, nghe theo nữ cư sĩ Suppiyā, trong khi đi rảo khắp cả thành Bārāṇasī vẫn không thấy loại thịt đã được làm sẵn. Sau đó, người đàn ông ấy đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này: – “Thưa cô chủ, không có thịt đã được làm sẵn. Hôm nay là ngày kiêng sát sanh.”

Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đã khởi ý điều này: “Vị tỳ khưu bị bệnh ấy mà không có được nước luộc thịt thì bệnh sẽ trầm trọng hơn, hoặc sẽ chết. Đối với ta, việc ta đã hứa mà không cho người đem lại là việc không thích đáng,” nên đã cầm lấy con dao găm cắt lìa miếng thịt ở đùi rồi trao cho người tớ gái (nói rằng): – “Này em, sau khi chuẩn bị miếng thịt này, ở trú xá kia có vị tỳ khưu bị bệnh, hãy dâng đến vị ấy. Và ai hỏi ta thì hãy báo cho biết là: ‘Cô chủ bị bệnh.’” Rồi nàng đã lấy thượng y quấn quanh đùi, đi vào phòng trong, và nằm xuống trên giường.

Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã trở về nhà và hỏi người tớ gái rằng: – “Suppiyā đâu rồi?” – “Thưa ông chủ, bà nằm ở phòng trong.” Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này: – “Vì sao nàng lại nằm vậy?” – “Thiếp bị bệnh.” – “Nàng bị bệnh gì vậy?” Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đã kể lại sự việc ấy cho nam cư sĩ Suppiya.

Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Nàng Suppiyā này có niềm tin, mộ đạo đến thế. Bởi vì ngay cả các phần thịt của chính bản thân còn được dứt bỏ, thì đối với nàng còn có vật gì khác nữa sẽ là không thể bố thí?” rồi đã mừng rỡ, phấn chấn đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Suppiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy nam cư sĩ Suppiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: – “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của nam cư sĩ Suppiya, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.

Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi nam cư sĩ Suppiya đã đứng một bên, đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ Suppiya điều này: – “Suppiyā đâu rồi?” – “Bạch Thế Tôn, nàng bị bệnh.” – “Như vậy thì (nàng) hãy đi đến.” – “Bạch Thế Tôn, nàng không đủ sức.” – “Như vậy thì hãy ẵm rồi đưa (nàng) lại.” Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã ẵm và đưa nữ cư sĩ Suppiyā lại. Đối với nàng, với ánh nhìn của đức Thế Tôn, ngay tức thời vết thương lớn đã được liền lại, có làn da đẹp, lông tơ đã mọc.

Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì ở đây với ánh nhìn của đức Thế Tôn, ngay tức thời vết thương lớn đã được liền lại, có làn da đẹp, lông tơ đã mọc” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, họ đã ngồi xuống một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các vị tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, vị nào đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt?” Khi được nói như thế, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, chính con đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt.” – “Này tỳ khưu, có phải (thịt) đã được đem đến?” – “Bạch Thế Tôn, (thịt) đã được đem đến.” – “Này tỳ khưu, có phải ngươi đã thọ dụng?” – “Bạch Thế Tôn, con đã thọ dụng.” – “Này tỳ khưu, thế ngươi có suy xét (là thịt gì) hay không?” – “Bạch Thế Tôn, con đã không suy xét (là thịt gì).”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi chưa suy xét mà lại thọ dụng thịt? Này kẻ rồ dại, ngươi đã thọ dụng thịt người. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, có những người có niềm tin, mộ đạo, ngay cả các phần thịt của chính bản thân còn được những người này dứt bỏ. Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt người; vị nào thọ dụng thì phạm tộithullaccaya. Và này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt khi chưa suy xét; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các con voi của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực, dân chúng ăn thịt voi. Họ bố thí thịt voi đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt voi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt voi? Các con voi là biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị ấy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt voi; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, các con ngựa của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực, dân chúng ăn thịt ngựa. Họ bố thí thịt ngựa đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt ngựa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt ngựa? Các con ngựa là biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị ấy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt ngựa; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt chó. Họ bố thí thịt chó đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt chó. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt chó? Loài chó thì ghê tởm và đáng ghét.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt chó; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt rắn. Họ bố thí thịt rắn đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt rắn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt rắn? Loài rắn thì ghê tởm và đáng ghét.”

Vua của loài rắn là Suphassa cũng đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Khi đã đứng một bên, Suphassa vua của loài rắn đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, có những loài rắn không có đức tin, không có lòng ngưỡng mộ, chúng có thể hãm hại các vị tỳ khưu dầu là việc không đáng. Bạch ngài, thật tốt đẹp thay các ngài đại đức chớ nên thọ dụng thịt rắn.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Suphassa vua của loài rắn bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Suphassa vua của loài rắn đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt rắn; vị nào thọ dụng thì phạm tộidukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con sư tử rồi ăn thịt sư tử. Họ bố thí thịt sư tử đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt sư tử rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con sư tử vồ lấy các vị tỳ khưu bởi mùi của thịt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt sư tử; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con hổ rồi ăn thịt hổ. Họ bố thí thịt hổ đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt hổ rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con hổ vồ lấy các vị tỳ khưu bởi mùi của thịt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt hổ; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con beo rồi ăn thịt beo. Họ bố thí thịt beo đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt beo rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con beo vồ lấy các vị tỳ khưu bởi mùi của thịt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt beo; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con gấu rồi ăn thịt gấu. Họ bố thí thịt gấu đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt gấu rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con gấu vồ lấy các vị tỳ khưu bởi mùi của thịt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt gấu; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con chó sói rồi ăn thịt chó sói. Họ bố thí thịt chó sói đến các vị tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt chó sói rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con chó sói vồ lấy các vị tỳ khưu bởi mùi của thịt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt chó sói; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

Tụng phẩm Suppiya là phần thứ nhì.

–ooOoo–

[4] Kaṅkhārevata: Kaṅkhā có nghĩa là sự hoài nghi, sự nghi ngờ, sự không chắc chắn. Dựa vào nội dung, có thể suy luận rằng đây là biệt hiệu của vị tỳ khưu tên Revata; như thế tên vị ấy có thể dịch là ‘Revata đa nghi’ (ND).

[5] Đậu mugga: Không rõ loại đậu này là loại đậu gì? Ngài Buddhaghosa giải thích: “Chính vì đã được nấu chín nên chúng vẫn được phép” (VinA. v, 1092). Chúng tôi không nghĩ ra được loại hạt gì đã được nấu chín, đã được ăn vào, và trải qua quá trình tiêu hóa rồi được thải ra theo đường phân mà vẫn có thể nẩy mầm và mọc thành cây.

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)