Kinh Nghiệm Thiền Quán – Thực Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày: Mối Tương Quan Với Cha Mẹ
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Thực tập trong đời sống hằng ngày: Mối tương quan với cha mẹ
Trong mọi hình thức truyền thông của con người, mối tương quan giữa ta và cha mẹ dường như là một thử thách lớn nhất, đặc biệt là cho người Tây phương.
Đức Phật dạy rằng vì cha mẹ ta đã có công sinh ra và nuôi dưỡng ta, nên ta có một mối liên hệ nghiệp quả với cha mẹ. Ngoài việc tạo nên hình hài, cha mẹ còn phải mất biết bao công lao săn sóc khi ta còn bé thơ, khi ta không thể tự lo cho mình được. Nếu không có sự bảo vệ và nuôi dưỡng của cha mẹ, ta không thể sinh tồn cho đến ngày nay.
Cha mẹ đã ban cho ta sự sống bằng nhiều cách khác nhau. Vì thế, Đức Phật dạy ta phải có trách nhiệm lo cho các bậc sinh thành, và cố gắng làm sao đem các vị ấy vào con đường đạo. Đức Phật dùng một hình ảnh rất mạnh mẽ để chuyển đạt điểm này: dù ta có đặt cha mẹ trên hai vai mình trọn đời cũng không đủ để đền đáp công ơn cha mẹ.
Trong văn hóa Tây phương thì giáo lý này đôi khi cũng tạo nên những hoàn cảnh khó xử, vì có nhiều người đã gặp những xung đột với cha mẹ mình. Có thể họ đã bị thất vọng hoặc có một mối giận hờn nào đó chưa được giải tỏa, và cũng có thể họ cảm thấy rằng cha mẹ đã không chăm lo cho mình đầy đủ khi còn bé. Trong những năm gần đây, chúng ta đã biết được, càng lúc càng nhiều, một số lớn trẻ em trong xã hội Tây phương đã phải chịu đựng những sự lạm dụng, hành hạ về thể chất và tình cảm bởi chính cha mẹ chúng.
Có được một mối tương quan tốt đẹp với cha mẹ có thể là một vấn đề khó, nhưng không phải là không thể được. Trong thời gian mới bắt đầu tu ở Ấn Độ, tôi có một người bạn. Mẹ anh ta vô cùng tức giận vì anh đã theo học thiền. Anh thường nhận được những lá thư từ mẹ anh viết rằng, bà thà thấy anh xuống địa ngục còn hơn là để anh đi học thiền ở Ấn Độ. Bạn có thể tưởng tượng được ảnh hưởng của việc nhận những lá thư như thế từ mẹ mình, nhất là khi tâm ta trở nên rất mẫn cảm do sự tu tập thâm sâu và tích cực.
Một hôm chúng tôi thưa lại chuyện này với bà Dipa Ma, vị thầy của tôi ở Calcutta. Khi người bạn tôi kể cho bà nghe về những lá thư của mẹ mình, Dipa Ma đưa tay xuống chiếc nệm lấy ra mười đồng rúp-pi, đưa cho anh ta và nói: “Cậu hãy mua cho bà ta một món quà.” Dipa Ma sống một cuộc đời rất thanh đạm ở Calcutta, nên mười đồng rúp-pi đối với bà là một món quà rất lớn.
Bạn của tôi nghe theo lời khuyên của bà Dipa Ma. Và vì anh đã đáp lại mẹ anh không phải bằng sự tức giận mà bằng sự rộng lượng, vì anh không hề thối lui trước những lá thư gây thương tổn của mẹ mình, nên món quà ấy dần dần đã chuyển hóa mối quan hệ giữa hai người. Những lá thư trả lời của mẹ anh sau đó bắt đầu trở nên êm dịu hơn, và dần dần quan hệ của hai mẹ con cũng bắt đầu hàn gắn. Câu chuyện chấm dứt một cách khá khác thường. Bạn tôi cuối cùng trở về sống với cha mẹ, săn sóc họ thật chu đáo cho đến ngày họ qua đời.
Câu chuyện này hấp dẫn và khích lệ tôi rất nhiều, vì nó cho thấy rằng, ngay cả trong một mối tương quan có nhiều khó khăn, nếu ta biết giữ một con tim rộng mở và duy trì sự liên lạc, hoàn cảnh nào cũng có thể giải quyết được.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng, ta có một mối liên hệ nghiệp quả rất đặc biệt đối với cha mẹ. Chúng ta được sinh vào một gia đình nào không phải là chuyện ngẫu nhiên, tình cờ. Cho dù mối liên hệ tình cảm của ta đối với cha mẹ có ra sao đi chăng nữa, bằng cách này hoặc cách khác, chúng cũng sẽ giúp ta tiếp xúc được với Phật pháp. Thế nên, mọi việc rồi cũng sẽ trở nên tốt đẹp, mặc dù có thể sự tu tập của ta ban đầu chỉ là một phản ứng đối với nỗi khổ đau của mình. Có một cái gì đó rất mầu nhiệm về đường lối khai mở của sự sống, nó luôn luôn giúp cho ta được nghe và tu tập Phật pháp – đó là một cơ hội vô cùng hiếm hoi trên đời này.
Cha mẹ là một thử thách tuyệt diệu nhất. Khi ta tu tập một mình, mọi sự dường như có vẻ tốt đẹp. Rồi khi ta trở về với gia đình, tiếp xúc với những người thân, đây mới là một bài thi tối hậu. “Ái chà! Lại thi rớt nữa rồi!”
Đối với những trường hợp cha mẹ khó khăn hoặc mối tương quan của ta có nhiều trở ngại, chúng ta có những phương cách nào để giải tỏa không? Một trong những điều cần nhớ là đừng bao giờ mong cầu cha mẹ mình sẽ khác hơn là chính họ. Khi ta đối xử với người khác bằng cách muốn họ khác hơn là chính họ, việc ấy chỉ tạo nên một sự căng thẳng và chống đối mà thôi.
Giả sử như cha mẹ của bạn là những người rất khắt khe và hay kiểm soát. Có bao giờ bạn quan sát một tâm thức khắt khe và kiểm soát trong chính bạn không? Trong ta có nhiều phẩm tính khác nhau, và ta biểu lộ chúng bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta có thể nào ban rải lòng từ bi và sự chấp nhận của mình đến với cha mẹ mình, như là khi ta đối diện với những phẩm tính khác nhau trong tâm ta không? Với cùng một thái độ không phản ứng, không phê phán và không đánh giá ấy? Điều này không có nghĩa là ta phải ưa thích sự khắt khe, nhưng nhờ đó ta có thể học cách chấp nhận và có được lòng từ bi chân thật.
Khi bạn đối xử với những bậc cha mẹ khó khăn, bạn cũng nên nhớ đến nguyên nhân gần của tâm từ: nhìn thấy được điều tốt trong người khác. Người ta dù xấu đến đâu, bất cứ ai cũng có ít nhất là một phẩm tính đáng quý nào đó. Hãy tập trung vào phẩm tính ấy. Nếu bạn thực sự chú tâm vào những phẩm tính tốt của người khác, thì chắc chắn thế nào rồi tâm từ cũng sẽ phát sinh.
Và, một lần nữa, dù mối tương quan tâm lý giữa ta với cha mẹ mình có phiền nhiễu đến đâu, hoặc họ có đối xử tệ với ta như thế nào đi chăng nữa, cha me cũng đã là người từng săn sóc bảo vệ ta lúc còn tấm bé. Đó là một món quà vô giá. Cha mẹ ta cũng có thể đã có những giây phút đảo lộn và cùng quẫn, nhưng dù sao đi nữa, chúng ta sở dĩ còn hít thở trong giây phút hiện tại mầu nhiệm này là nhờ ơn họ. Cũng vì lý do đó mà Đức Phật đã nhấn mạnh vào món nợ mà chúng ta thiếu cha mẹ mình, về món quà vô giá mà các bậc ấy đã ban cho ta, là sự sống cho đến ngày hôm nay.
Chúng ta không chối bỏ rằng thường thì những khổ đau ấy có gốc rễ rất sâu, và không có gì bảo đảm là chúng sẽ một sớm một chiều thay đổi. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn có thể tìm được một sự chấp nhận, khai triển được một lòng từ bi chân thật. Khám phá được không gian ấy là một phần rất quan trọng trong sự tu tập Phật pháp của ta. Chúng ta khổ đau, là khi ta bị cắt đứt, tách rời ra khỏi gốc rễ của cha mẹ mình hoặc với bất cứ một người thân nào đó. Hãy luôn giữ cho những cửa ngõ truyền thông được rộng mở, hãy chấp nhận cha mẹ mình với những phẩm tính đang thật có của họ, những cố gắng ấy rồi sẽ được đền bù xứng đáng.
Tôi cần phải nêu thêm với bạn một việc này. Nếu bạn là nạn nhân của sự lạm dụng, nếu bạn đã bị xúc phạm đến thân thể hoặc cảm xúc vì sự thiếu sáng suốt của cha mẹ mình, bạn có thể cần phải trải qua một giai đoạn cần thiết trước khi có thể cởi mở với họ bằng lòng tha thứ và tâm từ bi. Sự tha thứ và việc chữa lành một vết thương, trong ta và trong kẻ khác, không thể đạt đến bằng bất cứ một ngõ tắt nào. Trước hết ta phải ý thức và hiểu được thật trọn vẹn nỗi khổ đau của nó.
Thế nên, những nạn nhân ấy đôi khi cần thiết phải có một thời gian trị liệu. Họ phải biết thực sự tiếp xúc với nỗi sợ hãi, thù ghét và sầu khổ gây nên do sự tổn thương trong quá khứ. Và có thể, vì để chữa cho vết thương được lành hẳn, họ sẽ phải trải qua một thời gian không tiếp xúc với những người đã gây đau đớn cho họ. Sau khi đã hoàn tất giai đoạn này, họ sẽ có thể chọn mở rộng vòng tay ra bằng sự tha thứ, thương yêu và chấp nhận.
Cùng với việc săn sóc cha mẹ, chúng ta có thể chu toàn trách nhiệm của mình bằng cách hướng dẫn họ theo con đường Phật pháp, bằng cách này hoặc cách khác. Chúng ta có thể khởi sự đơn giản là sống sao để ảnh hưởng được cha mẹ mình. Không bằng ngôn từ nhưng chúng ta vẫn có thể truyền thông được với họ một cách mạnh mẽ. Sự truyền thông ấy phải xuất phát từ một nền tảng là ta chấp nhận cha mẹ mình như một con người bình thường. Nếu bạn thuyết giảng cho cha mẹ bạn nghe về vô thường, vô ngã, về lý nhân duyên tương khởi, rằng họ phải biết ngồi thiền mỗi ngày, thì tôi chắc chắn rằng bạn sẽ thất bại. Nhưng nếu bạn đối xử với họ bằng cách biểu lộ một tình thương yêu, săn sóc và chấp nhận, thì từ đó một sự truyền thông hữu hiệu sẽ phát sinh. Và sau đó, vấn đề chỉ còn là tìm những cơ hội nào thuận tiện mà thôi!
Khi tôi mới bắt đầu tu tập Phật pháp và đi lại thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, tôi rất nhiệt tình với việc ngồi thiền. Khi ở Hoa Kỳ, tôi muốn sống ở nhà với mẹ tôi. Sau mỗi buổi ăn chiều, tôi thường giao hẹn với mẹ: “Sao, bây giờ mẹ đi ngồi thiền trong khi con rửa chén, mẹ có chịu không?” Mẹ tôi vui vẻ nhận đề nghị ấy và đồng ý thử ngồi thiền. Đó là một khởi điểm!