Phân Tích Đạo Ii – Paṭisambhidāmaggo – Xii – Giảng Về Sự Thiết Lập Niệm
VIII. GIẢNG VỀ SỰ THIẾT LẬP NIỆM
[Duyên khởi ở Sāvatthī]
Này các tỳ khưu, đây là bốn sự thiết lập niệm. Bốn là gì? Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu trong giáo pháp này an trú có sự quán xét thân trên thân, có nhiệt tâm, có sự nhận biết rõ rệt, có niệm, có thể chế ngự tham và ưu phiền ở trên đời. …(như trên)… thọ trên các thọ …(như trên)… tâm trên tâm …(như trên)… pháp trên các pháp, có nhiệt tâm, có sự nhận biết rõ rệt, có niệm, có thể chế ngự tham và ưu phiền ở trên đời. Này các tỳ khưu, đây là bốn sự thiết lập niệm.
An trú có sự quán xét thân trên thân là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có vị quán xét thân (cấu thành bởi) nguyên tố đất là vô thường, không phải là thường; quán xét là khổ não, không phải là lạc; quán xét là vô ngã, không phải là ngã; nhàm chán, không vui thích; lìa tham ái, không tham ái; làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; trong khi quán xét là khổ não, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc; trong khi quán xét là vô ngã, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã; trong khi nhàm chán, (vị ấy) dứt bỏ sự vui thích; trong khi lìa tham ái, (vị ấy) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (vị ấy) dứt bỏ nguồn sanh khởi; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét thân theo bảy biểu hiện này. Thân là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét thân ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội các pháp đã được sanh lên tại nơi ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Ở đây, có vị quán xét thân (cấu thành bởi) nguyên tố nước … thân (cấu thành bởi) nguyên tố lửa … thân (cấu thành bởi) nguyên tố gió … thân (cấu thành bởi) tóc … thân (cấu thành bởi) lông … thân (cấu thành bởi) da ngoài … thân (cấu thành bởi) da trong … thân (cấu thành bởi) thịt … thân (cấu thành bởi) máu … thân (cấu thành bởi) gân … thân (cấu thành bởi) xương … thân (cấu thành bởi) tủy xương là vô thường, không phải thường; quán xét là khổ não, không phải lạc; quán xét là vô ngã, không phải ngã; nhàm chán, không vui thích; lìa tham ái, không tham ái; làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; trong khi quán xét là khổ não, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc; trong khi quán xét là vô ngã, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã; trong khi nhàm chán, (vị ấy) dứt bỏ sự vui thích; trong khi lìa tham ái, (vị ấy) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (vị ấy) dứt bỏ nguồn sanh khởi; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét thân theo bảy biểu hiện này. Thân là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét thân ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. An trú có sự quán xét thân trên thân là (có ý nghĩa) như thế.
An trú có sự quán xét thọ trên các thọ là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có vị quán xét thọ lạc là vô thường, không phải thường; …(như trên)…; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; …(như trên)…; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét thọ theo bảy biểu hiện này. Thọ là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét thọ ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: …(như trên)… là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. …(như trên)… Ở đây, có vị quán xét thọ khổ … thọ không khổ không lạc … thọ lạc có hệ lụy vật chất … thọ lạc không hệ lụy vật chất … thọ khổ có hệ lụy vật chất … thọ khổ không hệ lụy vật chất … thọ không khổ không lạc có hệ lụy vật chất … thọ không khổ không lạc không hệ lụy vật chất … thọ sanh lên do nhãn xúc … thọ sanh lên do nhĩ xúc … thọ sanh lên do tỷ xúc … thọ sanh lên do thiệt xúc … thọ sanh lên do thân xúc … thọ sanh lên do ý xúc là vô thường, không phải thường; …(như trên)…; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; …(như trên)…; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét thọ theo bảy biểu hiện này. Thọ là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét thọ ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: …(như trên)… An trú có sự quán xét thọ trên các thọ là (có ý nghĩa) như thế.
An trú có sự quán xét tâm trên tâm là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có vị quán xét tâm có tham ái là vô thường, không phải thường; …(như trên)…; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; …(như trên)…; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét tâm theo bảy biểu hiện này. Tâm là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét tâm ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét tâm trên tâm.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: …(như trên)… là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. …(như trên)…
Ở đây, có vị quán xét tâm lìa khỏi tham ái … tâm có sân … tâm lìa khỏi sân … tâm có si … tâm lìa khỏi si … tâm co rút … tâm tản mạn … tâm đại hành … tâm không đại hành … tâm vượt trội … tâm không vượt trội … tâm định tĩnh … tâm không định tĩnh … tâm được giải thoát … tâm chưa được giải thoát … nhãn thức … nhĩ thức … tỷ thức … thiệt thức … thân thức … ý thức là vô thường, không phải là thường; …; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; …(như trên)…; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét tâm theo bảy biểu hiện này. Tâm là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét tâm ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét tâm trên tâm.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: …(như trên)… là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. …(như trên)… An trú có sự quán xét tâm trên tâm là (có ý nghĩa) như thế.
An trú có sự quán xét pháp trên các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có vị quán xét các pháp còn lại, ngoại trừ thân ngoại trừ thọ ngoại trừ tâm, là vô thường, không phải là thường; quán xét là khổ não, không phải là lạc; quán xét là vô ngã, không phải là ngã; nhàm chán, không vui thích; lìa tham ái, không tham ái; làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; trong khi quán xét là khổ não, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc; trong khi quán xét là vô ngã, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã; trong khi nhàm chán, (vị ấy) dứt bỏ sự vui thích; trong khi lìa tham ái, (vị ấy) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (vị ấy) dứt bỏ nguồn sanh khởi; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét các pháp ấy theo bảy biểu hiện này. Các pháp là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét các pháp ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét pháp trên các pháp.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. An trú có sự quán xét pháp trên các pháp là (có ý nghĩa) như thế.
Phần Giảng về sự Thiết Lập Niệm được đầy đủ.
–ooOoo–