Sự Tích Phật Lực Thứ Nhì – Ðức Phật Cảm Thắng Dạ Xoa Ālavaka

SỰ TÍCH PHẬT LỰC THỨ NHÌ
– ÐỨC PHẬT CẢM THẮNG DẠ XOA ĀLAVAKA –

Ðức Phật cảm thắng dạ xoa Ālavaka rất hung ác, hơn cả Ác Ma Thiên, nhờ pháp nhẫn nại.

Dạ xoa Ālavaka thuộc bộ hạ của vua trời Kuvera (một trong Tứ đại thiên vương cai trị chúng dạ xoa ở về phương Bắc). Dạ xoa Ālavaka rất hung ác, tàn bạo, ăn thịt người, lại có nhiều phép mầu cực kỳ nguy hiểm hơn cả Ác Ma Thiên.

Ðức Phật cảm thắng dạ xoa Ālavaka trong trường hợp đặc biệt, dạ xoa Ālavaka chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Tóm lược bài Kinh Ālavakasutta (Khuddakanikàya, Bộ Suttanipàta, kinh Ālavakasutta) và Chú giải những sự kiện xảy ra trước khi Ðức Phật thuyết bài kinh này:

— Một hôm, Ðức vua Ālavaka [*] trị vì tại xứ Ālavi dẫn quân vào rừng, để tiểu trừ bọn cướp cùng những kẻ thù nguy hiểm đang ẩn náu ở đây. Trên đường trở về kinh, Ðức vua cho đoàn quân nghỉ chân rồi truyền lệnh:

– Tất cả chúng ta đều phải đi săn nai! Nhưng Trẫm ra lệnh hễ nai chạy về phía người nào thì người ấy phải có trách nhiệm bắt cho kỳ được, cả Trẫm cũng vậy.

[*] Có ba nhân vật trùng tên:

Ālavaka yakkha: Dạ xoa Àlavaka
Ālavaka rājā: Ðức vua Àlavaka trị vì xứ Ālavi.
Ālavaka kumāra: Thái tử Ālavaka con của Ðức vua Ālavaka.

Cả đoàn quân rất thích thú mang cung tên, đao kiếm… kéo nhau vào rừng, chia ra mỗi người mỗi ngã. Ðức vua cũng một mình mang kiếm đi một đường, chợt một con nai to lớn chạy ngang, Ðức vua cố gắng hết sức rượt đuổi theo đến ba do tuần, nai kiệt sức bị bắt, còn Ðức vua cũng mệt lả ghé lại gốc cây Ða rậm rạp có bóng mát ngồi nghỉ.

Tại cây Ða ấy, có lâu đài nguy nga lộng lẫy, là nơi thường trú ngụ của dạ xoa Ālavaka có nhiều oai lực; được Ðức vua Kuvera cho phép: Buổi trưa, nửa ngày đúng giờ ngọ, hễ có ai đi vào trong bóng mát dưới gốc cây Ða này, thì dạ xoa được phép bắt để ăn thịt, còn ở ngoài ranh giới ấy thì dạ xoa không có quyền bắt ai ăn thịt. Vì vậy, khi thấy Ðức vua ngồi nghỉ trưa dưới bóng mát cây Ða trong phạm vi cho phép, dạ xoa Ālavaka từ lâu đài (lâu đài của dạ xoa phát sanh là do phước báu của chư thiên. Do đó, các hàng chư thiên có thiên nhãn mới nhìn thấy được. Ðối với loài người, chỉ có hạng người đắc thiên nhãn thông mới có thể nhìn thấy, còn mắt thường không thể nhìn thấy) hiện xuống định bắt Ðức vua để ăn thịt.

Ðức vua hoảng hốt khi thấy một hạng phi nhân hình thù khác lạ từ đâu xuất hiện, đòi bắt mình để ăn thịt.

– Ngươi là ai? Từ đâu đến mà dám bắt ta để ăn thịt. – Ðức vua hỏi.

– Ta là dạ xoa Ālavaka, nơi đây là lâu đài của ta, ngươi đã vào trong phạm vi và thời gian cho phép, vậy bắt ngươi để ăn thịt là hợp lệ.

Ðức vua bừng tỉnh lại mới biết đây là dạ xoa ăn thịt người, bèn cam kết với dạ xoa rằng:

– Ta là vua trị vì xứ Ālavi này, ngươi hãy tha mạng sống cho ta, thì mỗi ngày ta sẽ nộp cho ngươi một mạng người để ăn thịt.

Dạ xoa nói:

– Nếu ta tha cho nhà ngươi, nhà ngươi không giữ lời cam kết thì ta có gì ăn để sống, bởi ta chỉ được phép ăn thịt người nào, đi vào bóng mát cây Ða lúc buổi trưa mà thôi. Vì vậy, ta không thể tha mạng cho nhà ngươi được.

Ðức vua khẩn khoản cam kết chắc chắn một lần nữa:

– Nếu ngày nào ta không nộp người cho ngươi để ăn thịt, thì ngày ấy ngươi hãy bắt ta mà ăn thịt.

Dạ xoa Ālavaka chấp thuận buông tha, Ðức vua mới hoàn hồn trở lại và quay về chỗ quan quân đang chờ.

Các quan quân đón rước khi nhìn thấy Ðức vua bèn tâu rằng:

– Tâu bệ hạ, chúng thần thấy bệ hạ có vẻ không vui, chẳng hay có việc gì xảy ra khiến cho bệ hạ phải lo âu?

Ðức vua thuật lại sự việc xảy ra với dạ xoa Ālavaka rồi cùng các quan quân trở lại kinh thành.

Ðức vua truyền lệnh gọi viên quan cai ngục ở trong thành đến và cho biết rằng:

– Này khanh, trẫm đã cam kết với dạ xoa Ālavaka rằng, mỗi ngày đem nộp cho y một mạng người để y ăn thịt. Vậy khanh hãy bắt tử tù đem nộp cho y.

– Tâu bệ hạ, hạ thần xin vâng lệnh, hạ thần muốn biết thời gian hạn định bao lâu.

– Không, lời cam kết của trẫm không có hạn định thời gian. – Ðức vua trả lời.

– Tâu bệ hạ, không hạn định thời gian, dân chúng sẽ bị khổ sở. Nhưng bệ hạ hãy an tâm, để hạ thần lo liệu việc này.

NỘP NGƯỜI CHO DẠ XOA

Kể từ sáng hôm sau, mỗi ngày viên quan cai ngục bắt một tử tù trói chặt rồi truyền quân lính đem đến nộp cho dạ xoa ăn thịt. Qua một thời gian, nhóm người tử tù đã hết, đến lượt nhóm tù chung thân khổ sai, cho đến nhóm tù giam, cuối cùng trong ngục không còn một tù nhân nào cả. Vì dân chúng trong nước nghe tin Ðức vua truyền lệnh đem nộp tù nhân cho dạ xoa Ālavaka ăn thịt, cho nên không ai dám phạm pháp. Bấy giờ, tù nhân cũ không còn, tù nhân mới không có, viên quan cai ngục tâu việc này lên Ðức vua.

Ðức vua truyền triệu tập bá quan văn võ hỏi xem ai có mưu kế nào hay để giải quyết.

Một vị quan hiến kế:

– Tâu bệ hạ, nên cho lính rải vàng bạc ngoài đường phố rồi canh chừng, hễ ai tham lam nhặt lấy của ấy, luật triều đình sẽ bắt tội.

Ðức vua chấp thuận. Cho đến lúc vàng bạc rải khắp mọi nơi mà chẳng có ai dám đụng đến.

Một vị quan cho ý kiến:

– Tâu bệ hạ, trong quốc độ ta có nhiều người già yếu, bệnh hoạn ốm đau, chẳng bao lâu họ cũng phải chết. Vậy, bệ hạ truyền bắt lần lượt họ mà nộp cho dạ xoa ăn thịt, có nên chăng?

Các vị quan khác phản đối, vì cho rằng con cháu rất thương yêu kính mến ông bà, cha mẹ. Nếu chúng ta bắt người già nộp cho dạ xoa ăn thịt, thì con cháu chắc chắn sẽ nổi loạn. Chính Ðức vua cũng không chấp thuận ý kiến này.

Một vị quan khác tâu:

– Tâu bệ hạ, nên bắt những đứa trẻ còn nằm trong nôi, chúng còn nhỏ chưa biết gì.

Ý kiến này được Ðức vua chấp thuận.

Thế là kể từ ngày ấy, Ðức vua truyền lệnh bắt trẻ con đem nộp cho dạ xoa Ālavaka ăn thịt. Dân chúng biết tin này, những bà mẹ bồng con của mình đi lánh nạn sang nước láng giềng và những bà mẹ mang thai cũng trốn ra khỏi nước để sanh con khôn lớn mới dám trở về.

Tình trạng bắt trẻ con đem nộp cho dạ xoa Àlavaka ăn thịt kéo dài suốt 12 năm, gây bao nhiêu cảnh đau thương tang tóc cho những bậc cha, mẹ. Một ngày kia, quân lính đã tìm khắp trong nước mà không còn thấy một đứa trẻ nào nữa, các quan tâu lên Ðức vua:

– Tâu bệ hạ, trong nước cũng như trong kinh thành không còn một đứa trẻ nào ngoài Thái tử Ālavaka, con của bệ hạ.

Ðức vua bảo rằng: “Thái tử là một đứa con yêu quý của trẫm, nhưng trẫm lại là người yêu quý nhất trên đời. Ngoài trẫm ra, chẳng còn ai đáng yêu quý hơn. Vậy các khanh hãy bắt Thái tử con của trẫm để đem nộp cho dạ xoa Ālavaka ăn thịt ngày mai”.

Các cô thị nữ vừa mới tắm rửa cho Thái tử Ālavaka sạch sẽ, thoa bột thơm, xức hương hoa, thay y phục trang điểm đẹp đẽ xong, bồng Thái tử đến trao cho Hoàng hậu. Hoàng hậu cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bồng hoàng nhi đặt lên bắp vế, nâng niu hôn đứa con yêu quý. Ðúng lúc đó, nhóm quân lính theo lệnh của Ðức vua bắt Thái tử để đem nộp cho dạ xoa ăn thịt ngày mai. Biết vậy, Hoàng hậu ngất xỉu, các cô thị nữ thương tiếc Thái tử nên khóc than kêu gào. Nhưng lệnh vua là lệnh trời, nào ai dám không tuân!

Ôi, ngày mai Thái tử Ālavakakumara sẽ trở thành vật thực của dạ xoa Ālavaka!

ÐỨC PHẬT CẢM THẮNG DẠ XOA ĀLAVAKA

Ngày hôm ấy vào canh ba, lúc chưa hừng đông, Ðức Thế Tôn nhập đại bi định ở Gandhakuti chùa Jetavana. Xả định, Ngài quán xét bằng Phật nhãn xem chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ. Ngài nhìn thấy Thái tử Ālavakakumàra có duyên lành, kiếp hiện tại này chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai (Anāgāmi) và dạ xoa Ālavakayakkha khi nghe giải đáp những câu hỏi xong cũng sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna), cùng với 84.000 chúng sinh chư thiên, Phạm thiên chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả tuỳ theo pháp hạnh ba la mật của mình.

Sáng hôm ấy, Ðức Phật đi khất thực như mọi ngày. Sau khi độ ngọ xong, Ngài chỉ một mình từ xứ Sāvatthi ngự đến xứ Ālavi cách xa ba do tuần, đến lâu đài của dạ xoa Ālavaka rất nguy nga tráng lệ ở tại cây Ða vào lúc chiều tối.

Lâu đài của chư thiên ở sáu cõi trời Dục giới được thành tựu do quả báu của phước thiện, lâu đài của dạ xoa Ālavaka thuộc cõi trời Tứ đại thiên vương cũng như vậy; thường chư thiên có sắc thân rất vi tế, mắt người không thể nhìn thấy được; chỉ khi nào chư thiên, dạ xoa biến hoá ra sắc thân thô, thì mắt thường của con người mới có thể nhìn thấy được.

Ðức Phật ngự đến trước lâu đài của dạ xoa ĀÀlavaka lúc hoàng hôn, dạ xoa Ālavaka chủ nhân của lâu đài đi vắng, y đã đi dự đại hội dạ xoa ở núi Himavanta, dạ xoa gác cửa tên là Gadrabha nhìn thấy Ðức Phật, cung kính đảnh lễ Ngài rồi bạch rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, trời đã chiều tối rồi, Ðức Thế Tôn có việc gì mà đến đây vào lúc phi thời như vậy. Bạch Ngài?

– Này Gadrabha, dĩ nhiên là Như Lai có việc, nếu con cảm thấy không có gì làm phiền phức, thì con có thể để cho Như Lai nghỉ nhờ một đêm ở lâu đài của dạ xoa Ālavaka này có được chăng?

Dạ xoa Gadrabha thành kính bạch rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, đối với con là người có đức tin trong sạch nơi Ngài, do đó, không có gì gọi là phiền phức cả. Nhưng Ālavaka, chủ của con không có đức tin nơi Tam bảo, y có tánh hung ác tàn bạo, cứng đầu, khó dạy, có tánh kiêu căng, ngã mạn, không biết cung kính những bậc đáng cung kính, thậm chí ngay chính cha mẹ của y, y cũng không kính trọng thì nói gì đến Sa môn và Bà la môn khác. Vì vậy, con kính xin Ðức Thế Tôn không nên nghỉ lại ở lâu đài này.

Lần thứ nhì, Ðức Phật dạy:

– Này Gadrabha, Như Lai đã biết rõ dạ xoa Ālavaka có tánh hung ác, tàn bạo… nhưng chắc chắn sẽ không hại đến Như Lai đâu. Nếu con cảm thấy không có gì làm phiền phức, thì con có thể để cho Như Lai nghỉ nhờ một đêm ở đây để cảm hoá dạ xoa Ālavaka có được không?

Dạ xoa Gadrabha còn có chút lo ngại, nên cung kính bạch Ðức Thế Tôn:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ālavaka rất hung ác, tàn nhẫn, thường nóng giận kinh khủng, đã có các Sa môn, Bà la môn đến nơi này làm cho y không hài lòng, y đều móc trái tim của họ, cầm đôi chân ném xuống đại dương. Vì vậy, con kính xin Ðức Thế Tôn không nên nghỉ lại ở lâu đài này.

Lần thứ ba, Ðức Thế Tôn dạy:

– Này Gadrabha, Như Lai cũng đã biết rõ dạ xoa Àlavaka là như vậy, nhưng Dạ xoa Ālavaka chắc chắn chẳng bao giờ làm hại được Như Lai đâu! Nếu con cảm thấy không có gì làm phiền phức, thì con có thể để cho Như Lai nghỉ nhờ một đêm ở lâu đài dạ xoa Ālavaka này có được không?

Dạ xoa Gadrabha an tâm, chắc chắn dạ xoa Ālavaka không thể nào làm hại Ðức Thế Tôn, còn về phần mình thì lo không toàn sanh mạng nên bạch Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, như vậy, để con đi trình báo ngay cho Ālavaka hay tin có Ðức Thế Tôn đến nghỉ ở lâu đài, nếu con không trình báo cho y biết, y sẽ giết chết con ngay.

Ðức Phật dạy:

– Này Gadrabha, vậy con hãy nên đi trình báo cho Ālavaka biết ngay !

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính thỉnh Ðức Thế Tôn ngự vào lâu đài.

Dạ xoa Gadrabha đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong, xin phép lên đường bay thẳng đến núi Himavanta, để trình báo với dạ xoa Ālavaka về việc Ðức Thế Tôn đang ngự ở lâu đài của y.

Ðức Thế Tôn đi vào lâu đài, ngự trên bảo toà cao quý bằng thiên báu của dạ xoa Ālavaka, Ngài phát ra hào quang sáng ngời hơn hẳn các hào quang của chư thiên, Phạm thiên có oai lực bậc nhất cũng không sánh được. Các nữ dạ xoa tỳ thiếp của dạ xoa Àlavaka nhìn thấy Ðức Phật, bảo nhau đến đảnh lễ Ngài xong, họ ngồi một bên lắng nghe Ðức Phật thuyết pháp.

Ðức Thế Tôn khuyên dạy các hàng nữ dạ xoa:

– Này các con, các con đang hưởng sự an lạc như thế này là do nhờ kiếp trước đã từng làm phước bố thí, giữ giới, biết cung kính lễ bái cúng dường những bậc đáng tôn kính. Nay kiếp hiện tại này cũng nên tạo mọi phước thiện, các con chớ nên có tâm ganh tỵ, bỏn sẻn với mình và người khác, các con phải nên có sự hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi….

Các nữ dạ xoa lắng nghe lời dạy của Ðức Phật xong vô cùng hoan hỷ. Lúc ấy có hai dạ xoa Sātāgira và Hemavata, là những dạ xoa có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, chúng rủ nhau cùng đến hầu Ðức Thế Tôn tại chùa Jetavana, rồi mới đi dự đại hội tại núi Himavanta. Lúc đang vân hành trên không, khi gần đến lâu đài của dạ xoa Àlavaka, cả hai đều bị rơi xuống đất. Ngạc nhiên, chúng tìm hiểu nguyên nhân, liền biết ngay có Ðức Thế Tôn đang ngự tại lâu đài của dạ xoa Ālavaka. Bởi vì, nơi nào có Ðức Phật đang ngự, nơi ấy không có một chư thiên, Phạm thiên, Sa môn, Bà la môn… nào có thể bay ngang qua được.

Hai dạ xoa hoan hỷ đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, lắng nghe lời khuyên dạy xong, chúng xin phép Ngài đi dự đại hội dạ xoa tại núi Himavanta.

Ðến Himavanta, giữa hàng ngàn dạ xoa từ mọi nơi tụ hội, cả hai thấy dạ xoa Ālavaka đang giận dữ la mắng dạ xoa Gadrabha là đã tự ý cho khách lạ đến lâu đài của y, dạ xoa Gadrabha sợ run không nói một lời nào.

Hai Dạ xoa Sātāgina và Hemavata đến gặp dạ xoa Ālavaka nói rằng:

– Này Ālavaka, thật là đại phước cho ngươi có Ðức Thế Tôn đang ngự tại lâu đài của ngươi, ngươi nên mau về hầu Ngài.

Dạ xoa Ālavaka đã tức giận lại càng thêm giận hơn, quát lớn lên.

– Ðức Thế Tôn ấy là ai? lại cả gan dám đến lâu đài, ngự trên bảo tọa của ta chứ.

– Này Ālavaka, Ðức Thế Tôn là vị Tôn Sư của chúng ta, ngươi không biết thật hay sao?

Dạ xoa Ālavaka biết rõ về Ðức Thế Tôn nhưng vì quá giận dữ nên trả lời:

– Ta không biết, ta không thấy.

– Này Ālavaka, dầu ngươi giả bộ không biết, không thấy, Ðức Thế Tôn vẫn là bậc Tối thượng trong tam giới, là bậc Thầy của chư thiên, Phạm thiên và nhân loại. Còn ngươi chỉ là dạ xoa kiêu căng, ngã mạn, cứng đầu khó dạy, thần lực của ngươi so với Ðức Thế Tôn cũng như con bê mới sanh, so với bò chúa; cũng như voi con mới sanh, đọ sức với voi chúa; cũng như con chó rừng dơ dáy, dám tranh tài với sư tử chúa; cũng như con quạ gãy cánh, muốn đối đầu với điểu vương Garuda….

Nghe lời mạt sát của hai dạ xoa kia, dạ xoa Ālavaka vô cùng tức giận đến điên cuồng, liền đứng phắt dậy, chân trái đạp tảng đá manosila, chân phải đạp đỉnh núi cao 60 do tuần, ngẩng mặt lên hét lớn:

– Ta là Ālavaka! Các ngươi hãy coi, vị Tôn Sư của các ngươi có nhiều oai lực hay ta có nhiều oai lực hơn?

Tiếng hét vang rền khắp Nam thiện bộ châu.

DẠ XOA ÀLAVAKA DÙNG PHÉP MẦU

Dạ xoa Ālavaka lập tức bay về lâu đài của mình, nhìn thấy Ðức Thế Tôn đang ngự trên bảo toạ quý báu của y, tức giận quá đỗi, y hoá một trận cuồng phong dữ dội từ bốn phương thổi tới, trận cuồng phong này còn mạnh hơn gấp bội lần trận cuồng phong của Ác Ma Thiên, có thể phá hủy dãy núi dài và cao hàng do tuần.

Ðức Phật nguyện rằng: “Trận cuồng phong này không làm thiệt hại đến sanh mạng và vật nào cả”.

Quả thật, trận cuồng phong dữ dội kia bị vô hiệu hoá ngay tức khắc, không còn một làn gió nhẹ nào có thể làm lay động chéo y của Ðức Phật.

Dạ xoa Ālavaka xiết bao kinh ngạc, sao mà Sa môn Gotama vẫn bình an vô sự như không có chuyện gì xảy đến. Y giận dữ hơn liền hoá trận mưa lớn trở thành bão lũ làm cho núi lở, đất trôi; nhưng đối với Ðức Phật cũng đều vô hiệu ngay tức khắc, trận mưa lớn kia không còn một hạt sương đủ làm thấm chéo y của Ngài.

Dạ xoa Ālavaka liền hoá ra trận mưa đá, từng tảng đá nóng như than hồng cháy đỏ từ hư không rơi xuống; nhưng những tảng đá kia đến gần Ðức Phật đã biến thành những đoá hoa trời xinh đẹp vô cùng.

Dạ xoa Ālavaka liền hoá ra trận mưa các loại vũ khí sắc bén từ hư không rơi xuống; nhưng các loại vũ khí kia đến gần Ðức Phật biến thành các loại hoa trời muôn màu, muôn sắc.

Dạ xoa Ālavaka liền hoá ra trận mưa lửa, những cục than cháy đỏ từ hư không ào ào rơi xuống; nhưng những cục than cháy đỏ kia đến gần Ðức Phật liền biến thành những đoá hoa trời sắc màu xinh đẹp rơi xuống.

Dạ xoa Ālavaka liền hoá ra trận mưa tro cực nóng rơi xuống; nhưng mưa tro nóng kia rơi đến gần Ðức Phật đã biến thành bột trầm thơm ngát.

Dạ xoa Ālavaka liền hoá ra trận mưa cát mịn cực nóng rơi xuống; nhưng mưa cát mịn kia đến gần Ðức Phật đã trở thành bột thơm toả khắp chung quanh Ngài.

Dạ xoa Ālavaka liền hoá ra trận mưa bùn nóng cực độ, nhưng mưa bùn nóng kia đến gần Ðức Phật đã trở thành vật thoa mát dịu rơi xuống.

Dạ xoa Ālavaka đã hoá ra tám loại vũ khí cực kỳ nguy hại đến sanh mạng, nhưng tất cả đều vô hiệu hoá, không sát hại được Ðức Phật mà cũng không xua đuổi được Ðức Phật ra khỏi lâu đài của y.

Cuối cùng, dạ xoa Ālavaka làm cho không gian tối đen như mực với hy vọng Ðức Thế Tôn sẽ kinh sợ mà rời đi ra khỏi lâu đài; nhưng màn tối tăm mù mịt kia chợt tan biến ngay, khi chạm phải ánh sáng hào quang của Ðức Phật.

Thế là các loại phép mầu của dạ xoa Ālavaka hoàn toàn bất lực, không thể nào làm cho Ðức Thế Tôn rời khỏi lâu đài. Vậy mà dạ xoa Ālavaka vẫn cứng đầu ngoan cố, chưa chịu khuất phục, y còn điên cuồng huy động quân lính thuộc hạ, mỗi tên một loại vũ khí, y hét lớn.

– Các ngươi hãy bắt Sa môn Gotama! Hãy giết Sa môn Gotama!

Mặc dù dạ xoa Ālavaka hét lớn đến đâu đi nữa, toàn bộ quân lính của y cũng không thể nào tiến lại gần Ðức Phật được, nhưng lùi ra ngoài thì chúng lại sợ oai lực của y. Tình trạng này kéo dài đến quá nửa đêm, mà vẫn không làm sao lay chuyển được Ðức Phật, Ngài vẫn an nhiên tự tại ngự trên bảo toà cao quý ấy.

VŨ KHÍ DUSSĀVUDHA

Cuối cùng, không còn cách nào khác, dạ xoa Ālavaka bèn lấy ra một vũ khí cực kỳ lợi hại, có tên là “Dussāvudha”. Vũ khí này, nếu ném lên hư không thì suốt 17 năm liền chẳng hề có một giọt mưa nào rơi xuống. Nếu ném xuống mặt đất, các loại cỏ cây sẽ chết khô và suốt 12 năm liền chẳng có giống thảo mộc nào mọc lên nổi. Nếu ném xuống đại dương, biển sẽ khô không còn một giọt nước. Nếu ném vào núi Sineru núi sẽ bể ra từng mảnh vụn.

Khi ấy, toàn thể chư thiên, chư Phạm thiên mười ngàn thế giới hội lại đều nghĩ rằng: “Hôm nay, Ðức Thế Tôn sẽ cảm thắng dạ xoa Ālavaka. Chúng ta sẽ được chứng kiến sự thất bại thảm hại của y, rồi chúng ta sẽ được nghe Ðức Thế Tôn thuyết pháp”.

Lúc ấy, dạ xoa Ālavaka bừng bừng tức giận, ném vũ khí Dussāvudha về phía Ðức Thế Tôn, phát ra tiếng nổ gầm vang rền, làm rung chuyển cả không gian, nhưng khi đến gần Ðức Phật, vũ khí Dussāvudha biến thành mảnh vải lau chân vuông vắn rơi xuống phía dưới bàn chân của Ngài.

Thấy sự việc lạ thường chưa từng có, dạ xoa Ālavaka đứng ngây như pho tượng, ngơ ngác như kẻ mất hồn, bao nhiêu tánh tự cao ngã mạn hống hách bấy lâu nay của y chợt tiêu tan trong khoảnh khắc.

Dạ xoa Ālavaka cảm thấy mình không còn một chút oai lực nào nữa, ví như bò chúa bị gãy đôi sừng, rắn độc bị nhổ hết răng. Y thấy mình hoàn toàn bất lực, hoàn toàn thất bại. Lúc ấy, dạ xoa Ālavaka suy nghĩ rằng: “Vũ khí Dussāvudha cực kỳ lợi hại kia tại sao có thể biến thành mảnh vải lau chân được? Ôi! có lẽ Sa môn Gotama này có từ bi và đức nhẫn nại là vũ khí bảo vệ, chống đỡ mọi thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm khác. Vậy thì ta nên chọc tức cho Sa môn Gotama phát sân, không còn tâm từ và nhẫn nại nữa”.

Nghĩ thế xong, dạ xoa Ālavaka đổi chiến thuật mới, cất giọng nhã nhặn mà thưa rằng:

– Thưa Sa môn Gotama, tôi chưa thỉnh Sa môn đến lâu đài của tôi. Tôi cũng chưa mời Sa môn ngự trên bảo toạ của tôi. Thế mà, Sa môn đã ngự trên bảo toạ này một cách an nhiên tự tại, lại còn có các tỳ thiếp của tôi ngồi xung quanh, mà Sa môn là bậc phạm hạnh cao thượng, như vậy có nên hay không? Thưa Sa môn. Tôi là chủ nhân, xin mời Sa môn rời khỏi lâu đài.

Ðức Phật nhẹ nhàng đứng dậy đi ra khỏi lâu đài theo lời của dạ xoa Ālavaka, vì Ngài biết rằng dạ xoa này rất hung dữ, cứng đầu khó dạy, không thể dùng thần thông hoặc trí tuệ mà tế độ, khi y đang còn sân hận. Vậy chỉ có thể dùng đến phương tiện pháp rải tâm từ và pháp nhẫn nại để xoa dịu bớt tâm sân hận của y, sau đó mới có thể tế độ y được.

Thật vậy, dạ xoa Ālavaka tâm bớt sân hận và thoáng nghĩ: “Sa môn Gotama dễ bảo thật vậy hay sao? Sao mà ta đã mất biết bao công sức, bao nhiêu phép mầu kể cả vũ khí Dussāvudha nữa, ta đã khổ công vất vả hơn nửa đêm nay đều không hiệu quả, không bằng dùng lời lẽ ôn hoà. Có phải chỉ dùng lời lẽ ôn hoà mà chiến thắng dễ dàng như vậy sao? Hay vị Sa môn Gotama này tức giận ta mà bỏ đi chăng? Vậy thì ta hãy chọc giận Sa môn này, phải thử lại một lần nữa”.

Dạ xoa Ālavaka bèn gọi lại:

– Này Sa môn Gotama, xin mời đi vào!

Ðức Thế Tôn dùng phạm âm đáp lại giọng ngọt ngào “Sādhu! Lành thay!” rồi ngự vào chỗ bảo toạ.

Dạ xoa muốn chọc tức, nên khi Ðức Phật vừa ngồi trên bảo toạ liền mời Ngài.

– Này Sa môn Gotama, xin mời đi ra!

Ðức Thế Tôn nhẹ nhàng bước ra khỏi cửa, y liền mời Ðức Thế Tôn đi vào.

Ðức Thế Tôn đi ra rồi đi vào cả ba lần theo ý muốn của y. Lúc này, tâm trạng của dạ xoa Ālavaka không còn hung ác, cang cường như ban đầu nữa, nhưng y vẫn còn tánh tự phụ, tự đề cao “ta là kẻ vô địch”, nên y nghĩ: “Ta sẽ ra lệnh cho Sa môn Gotama này đi ra đi vào cho đến mệt, lúc ấy ta sẽ nắm đôi chân của Sa môn Gotama ném xuống dòng sông Gangā”, rồi y liền ra lệnh cho Ðức Phật.

– Này Sa môn Gotama, xin mời đi ra!

Ðức Thế Tôn biết được ác tâm của dạ xoa Ālavaka và cũng thấy đã đến lúc, hợp thời có thể cảm hoá y, nên Ngài vẫn an nhiên tự tại ngự trên bảo tọa của y và truyền dạy rằng:

– Này Ālavaka, Như Lai đã đi ra, đi vào đến ba lần theo ý muốn của ngươi rồi. Bây giờ, Như Lai không đi ra nữa, ngươi muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi?

Sở dĩ Ðức Phật nói như vậy, là vì Ngài biết rõ dạ xoa Ālavaka sẽ hỏi 8 câu hỏi mà y đã ghi lại trên tấm biển bằng vàng cất kỹ trong lâu đài. Tám câu hỏi này, Dạ xoa Ālavaka đã từng đem ra hỏi các vị đạo sĩ có thần thông bay đến lâu đài của y, nhưng không một vị nào có thể giải đáp được.

Nguồn gốc của 8 câu hỏi này, vào thời kỳ Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, cha mẹ của dạ xoa Ālavaka có duyên lành đến hầu Ngài và được nghe 8 câu hỏi cùng 8 câu trả lời. Ālavaka được cha mẹ dạy lại, về sau, cha mẹ của Ālavaka qua đời, trải qua thời gian quá lâu, Ālavaka chỉ còn nhớ 8 câu hỏi, mà quên mất 8 câu trả lời. Bởi vì 8 câu trả lời thuộc về trí tuệ của Ðức Phật, cho nên không một ai có thể trả lời cho đúng được.

Dạ xoa Ālavaka nghe Phật dạy: “… ngươi muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi”. Y nghĩ đây là một cơ hội tốt cho mình, y bèn đặt điều kiện với Ðức Phật:

– Này Sa môn Gotama, tôi sẽ hỏi những câu hỏi. Nếu Sa môn không trả lời cho đúng được, thì tôi sẽ móc trái tim của Sa môn ném nơi khác, hoặc nắm đôi chân của Sa môn ném xuống dòng sông Gangā.

Ðức Phật từ bi dạy rằng:

– Này Ālavaka, ngươi nên biết rằng Như Lai chưa từng thấy Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Ma vương hoặc Phạm thiên nào, hay bất cứ một ai có thể móc trái tim của Như Lai ném đi nơi khác, hoặc nắm đôi chân của Như Lai ném xuống dòng sông Gangā; còn ngươi muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi, Như Lai sẽ trả lời rành rẽ cho ngươi nghe.

TÁM CÂU HỎI

Dạ xoa Ālavaka vào lấy tấm biển vàng có ghi 8 câu hỏi ra liền hỏi Ðức Phật rằng:

– Này Sa môn Gotama,

1- Pháp nào là của cải hài lòng, cao quý nhất của chúng sinh trong đời?
2- Pháp nào khi chúng sinh đã thực hành rồi, sẽ cho quả an lạc?
3- Vị nào là vị cao thượng hơn các vị khác?
4- Chư bậc Thiện trí nói: chúng sinh sống như thế nào mới được gọi là sống cao thượng nhất?

Bằng giọng phạm âm ngọt ngào, với tâm từ vô lượng, tuần tự Ðức Phật trả lời:

– Này Ālavaka,

1- Ðức tin là của cải hài lòng, cao quý nhất của chúng sinh trong đời.
2- Thiện pháp khi chúng sinh đã thực hành rồi, sẽ cho quả an lạc.
3- Pháp chân thật là vị cao thượng hơn các vị khác.
4- Chư bậc Thiện trí nói rằng: “chúng sinh sống bằng Trí tuệ mới được gọi là đời sống cao thượng nhất”.

Ðức Phật đã trả lời 4 câu hỏi giống như Ðức Phật Kassapa ở quá khứ đã trả lời, mà cha mẹ của dạ xoa Àlavaka đã từng dạy y như vậy. Dạ xoa Ālavaka lắng nghe Ðức Phật giải đáp đúng như những câu hỏi, mà thời gian trải qua quá lâu đã chìm sâu vào trong tâm thức, y không thể nào nhớ lại được. Nay y được nghe Ðức Phật trả lời đúng theo câu hỏi, nhắc cho y hồi tưởng lại được, nên y vô cùng hoan hỷ, phát sanh hỷ lạc lạ thường, phát sanh đức tin trong sạch, lòng tôn kính nơi Ðức Phật, đồng thời diệt tâm sân hận ngay, bèn đổi cách xưng hô.

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ngài mở lòng từ bi đối với con, giải đáp cho con 4 câu hỏi nữa.

5- Bằng pháp nào, chúng sinh có thể vượt qua bốn vùng nước xoáy?
6- Bằng pháp nào, chúng sinh có thể vượt qua biển khổ tử sanh luân hồi?
7- Bằng pháp nào, chúng sinh có thể giải thoát khổ tử sanh luân hồi?
8- Bằng pháp nào, chúng sinh mới trở nên hoàn toàn trong sạch?

Ðức Phật giải đáp:

– Này Ālavaka, con hãy lắng nghe:

5- Nhờ Ðức tin chúng sinh vượt qua bốn vùng nước xoáy.
6- Nhờ Tâm không dễ duôi, có Chánh niệm chúng sinh vượt qua biển khổ tử sanh luân hồi.
7- Nhờ Tâm tinh tấn chúng sinh giải thoát khổ tử sanh luân hồi.
8- Nhờ Trí tuệ chúng sinh mới trở nên hoàn toàn trong sạch.

Ðức Phật trả lời 4 câu hỏi giống như Ðức Phật Kassapa ở quá khứ.

Lắng nghe xong 4 câu giải đáp của Ðức Phật, dạ xoa Ālavaka hiểu được ý nghĩa sâu xa, vi diệu trong tám câu hỏi gia bảo của cha mẹ truyền lại.

Dạ xoa Ālavaka đã lắng nghe hiểu rõ, mới thực hành theo liền chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna) đã diệt đoạn tuyệt được tâm tà kiến và hoài nghi không còn dư sót, còn tâm sân chưa diệt được, song tâm sân không đến nỗi làm điều tội lỗi, phạm giới sát sanh…. Bởi bậc Thánh Nhập Lưu có giới đức hoàn toàn trong sạch, luôn luôn có tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, có đức tin hoàn toàn trong sạch và vững chắc nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp.

Dạ xoa Ālavaka hết lòng tôn kính Ðức Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài, vô cùng cảm kích trước tâm đại bi của Ðức Phật mà bạch rằng:

– “Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính xin Ðức Thế Tôn tha thứ những lỗi lầm lớn lao của con. Ngài đến đây với tâm đại bi tế độ con, nhờ tâm từ và đức nhẫn nại của Ngài đã cảm hoá con cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh. Con hết lòng thành kính xin quy y nơi Ðức Thế Tôn, Ðức Pháp và Ðức Tăng. Kính xin Ðức Thế Tôn nhận biết cho con là cận sự nam đã quy y Tam bảo kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ngài từ bi giải đáp những câu hỏi khác nữa để cho con học hành, hầu mong đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho con.

Ðức Thế Tôn dạy:

– Sādhu! Lành thay! Con hãy hỏi những điều con thắc mắc.

Kính bạch Ðức Thế Tôn:

1- Người có được trí tuệ bằng pháp nào?
2- Người tìm có được của cải bằng cách nào?
3- Người có được danh thơm tiếng tốt nhờ pháp nào?
4- Người muốn được kết bạn thân thiết với người khác bằng pháp nào?
5- Người từ bỏ kiếp này, đi tái sanh kiếp sau được an lạc, phải thực hành pháp nào ?

Ðức Phật giải đáp:

– Này Ālavaka, con hãy lắng nghe:

1- Người có đức tin trong sạch nơi chánh pháp của bậc Thánh Arahán, nhờ biết lắng nghe một cách cung kính, sẽ có được trí tuệ.
2- Người có nghề nghiệp chân chánh, tinh tấn, cố gắng, chuyên cần làm việc sẽ có được của cải.
3- Người có danh thơm tiếng tốt nhờ đức tính chân thật.
4- Người muốn kết bạn thân thiết với người khác nhờ pháp bố thí.
5- Người nào thường thực hành những pháp như: chân thật, trí tuệ, tinh tấn, bố thí, người ấy sau khi từ bỏ kiếp này, đi tái sanh ở kiếp vị lai được an lạc.

Này Ālavaka:

– Không có pháp nào để phát sanh trí tuệ bằng sự lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí.
– Không có pháp nào phát sanh của cải ngoài sự tinh tấn, cố gắng chuyên cần trong công việc làm ăn chân chánh.
– Không có pháp nào tạo nên danh thơm tiếng tốt bằng pháp chân thật.
– Không có pháp nào để kết bạn thân thiết với người khác bằng pháp bố thí những vật đáng hài lòng.
– Không có pháp nào để đem lại sự an lạc ở kiếp vị lai bằng những pháp như: pháp chân thật, trí tuệ, tinh tấn, bố thí.

Dạ xoa Ālavaka bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, hôm nay con đã hiểu biết rõ sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc trong kiếp hiện tại lẫn kiếp vị lai. Ngài có tâm đại bi ngự đến xứ Ālavi ở trong lâu đài của con, chính vì sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài của con.

Người nào có duyên lành, có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, lắng nghe chánh pháp của Ngài, người ấy sẽ được thiện pháp trong tam giới và thiện pháp Siêu tam giới.

NỘP THÁI TỬ ĀLAVAKAKUMĀRA

Sáng hôm ấy, chư thiên ở khu rừng vô cùng hoan hỷ nói lên lời Sàdhu! Lành thay! thì một toán quan quân triều đình khiêng chiếc kiệu vàng mang Thái tử Ālavakakumāra đến nộp cho dạ xoa Ālavaka ăn thịt theo lệ thường ngày. Khi họ vừa đến gốc cây Đa to, họ nghe tiếng Sādhu! Lành thay! vang dội cả không gian.

Khi quan quân đến gần, nhìn thấy Ðức Thế Tôn đang ngồi trên bảo tọa, còn dạ xoa Ālavaka đang đứng một bên hầu Ngài, từ kim thân của Phật toả ra hào quang sáng ngời, họ đến hầu đảnh lễ Ðức Phật xong, rồi thưa với dạ xoa Ālavaka:

– Này dạ xoa Ālavaka, Ðức vua của chúng tôi truyền đem Thái tử Ālavakakumāra nộp cho ngươi.

Dạ xoa Ālavaka trước kia là dạ xoa hung ác, lấy thịt người làm vật thực. Nhưng bây giờ, đã được Ðức Phật cảm hóa rồi, dạ xoa Ālavaka đã trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, có giới đức hoàn toàn trong sạch, luôn luôn có tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi; nên khi nghe các quan thưa như vậy, tâm vô cùng hổ thẹn, Ālavaka cung kính khom mình đưa hai tay đón nhận Thái tử, rồi quỳ xuống dưới chân Ðức Phật mà bạch rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, Thái tử Ālavakakumāra này, các quan đem đến hiến dâng cho con; con kính dâng Ngài Thái tử này. Kính xin Ngài với tâm đại bi tế độ Thái tử.

Lúc ấy, dạ xoa Ālavaka cảm kích đọc bài kệ:

“Con hoan hỷ với thiện tâm trong sạch,
Dâng Ngài Thái tử Ā-LA-VA-KA,
Là đứa bé có phước thiện lớn lao,
Thân hình đầy đủ, tướng mạo tốt đẹp,
Xin Ngài từ bi tế độ Thái tử,
Vì lợi ích, an lạc cho muôn loài”.

Ðức Phật thọ nhận Thái tử từ tay của dạ xoa Ālavaka, rồi Ngài cho cả hai đều quy y Tam bảo. Ngài phúc chúc:

Xin cho Thái tử Ālavakakumāra được an lạc sống lâu!
Ālavaka, con cũng được an lạc, sống lâu!
Chúc các con được sự lợi ích, sự tiến hoá cho mình và cho tất cả chúng sinh.

Ðức Phật trao Thái tử Ālavakakumāra cho các quan và dạy rằng:

– Này các con, các con hãy về tâu với Ðức vua Ālavaka hãy nuôi nấng tử tế Thái tử Hatthaka Ālavakakumāra trưởng thành cho Như Lai.

Từ ấy, Thái tử Ālavakakumāra có tên là Hatthaka Ālavakakumāra. Bởi vì Thái tử được vị quan đỡ hai tay trao cho dạ xoa Ālavaka, Ālavaka lại đỡ hai tay kính dâng lên Ðức Phật, rồi Ðức Phật đỡ hai tay trao lại cho các quan (từ hai tay này sang hai tay khác, nên gọi là hatthaka).

Các quan quân của triều đình vô cùng cảm kích trước tâm đại bi tế độ của Ðức Phật, hết lòng thành kính đảnh lễ dưới chân Ngài, tán dương ca tụng oai lực của Ngài. Họ vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ Ðức Thế Tôn, từ giã dạ xoa Ālavaka, rồi xin phép khiêng kiệu Thái tử Hatthaka Ālavakakumāra trở lại hoàng cung.

Trên đường trở về, dân chúng nhìn thấy khiêng kiệu Thái tử, trong lòng lo sợ bèn hỏi các quan:

– Có phải dạ xoa Ālavaka chê Thái tử nhỏ quá không chịu ăn thịt, chỉ muốn ăn thịt người lớn chăng?

Các quan nói trấn an dân chúng, rồi tường thuật lại rành rẽ những điều mắt thấy tai nghe cho mọi người an tâm. Từ thôn làng này, tin lan truyền nhanh qua thôn làng khác, ai ai cũng vui mừng đã thoát khỏi nạn tang tóc khổ đau. Toàn thể dân chúng hướng về phía lâu đài của dạ xoa Ālavaka, nơi có Ðức Thế Tôn đang ngự cung kính lễ bái Ngài và nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Ðã đến giờ đi khất thực, Ðức Thế Tôn ngự đi trước, còn dạ xoa Ālavaka ôm bát tiễn chân Ngài ra đến giữa đường, Ðức Thế Tôn dừng lại, biết ý, dạ xoa Ālavaka dâng bát lên cho Ngài, đảnh lễ Ngài rồi trở về lâu đài của mình.

Ðức Thế Tôn chậm rãi đi vào thành Ālavi khất thực, Ngài đến một gốc cây thanh vắng gần cửa thành Ālavi để thọ thực và nghỉ trưa.

Chuyện Ðức Thế Tôn cảm hoá dạ xoa Ālavaka hung dữ đã lan truyền từ các xóm làng, cho đến kinh thành. Các quan kiệu Thái tử trở về hoàng cung tâu trình Ðức vua được rõ mọi việc. Ðức vua, Hoàng hậu, các quan cùng toàn thể hoàng gia vô cùng vui mừng khi được nhìn thấy lại mặt Thái tử. Lúc ấy, xa giá Ðức vua Ālavaka, Hoàng hậu cùng đoàn tuỳ tùng ra khỏi hoàng cung, số đông dân chúng theo sau, đến hầu Ðức Thế Tôn. Khi đến gần, Ðức vua xuống kiệu từ xa, đi chân đến, thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, tất cả cũng đều đảnh lễ theo, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Ðức vua bạch Ðức Thế Tôn:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài đã cảm hoá dạ xoa Ālavaka như thế nào? Bạch Ngài.

Nhân dịp ấy, Ðức Phật thuyết giảng bài kinh Ālavakasutta, thuật lại rõ từng chi tiết cho hội chúng nghe về việc Ngài đã dùng pháp nhẫn nại để cảm hoá dạ xoa Ālavaka.

Thời pháp chấm dứt, tất cả hội chúng thảy đều hoan hỷ, có số chư thiên, chư Phạm thiên, nhân loại gồm có 84.000 chúng sinh chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả tuỳ theo trình độ ba la mật của họ.

Sau đó, Ðức vua Ālavaka và dân chúng kinh thành Ālavi, hàng ngày đem lễ vật đến dâng cho dạ xoa Ālavaka đầy đủ.

Thái tử Hatthaka Ālavaka đến tuổi trưởng thành thường đến hầu Ðức Phật, nghe pháp, cúng dường bốn món vật dụng đến chư Tăng. Nhờ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, sự tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chẳng bao lâu sau, Thái tử Hatthaka Ālavaka đã chứng đắc đến bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh thứ ba trong Phật giáo.

Thái tử Hatthaka Ālavaka cùng nhóm cận sự nam tùy tùng thường tế độ những người khác bằng bốn pháp tế độ:

1- Bố thí của cải đến người khác.
2- Nói lời chân thật, ngọt ngào dễ nghe.
3- Hành động lợi ích cho mọi chúng sinh.
4- Hoà đồng với mọi người.

Ðức Thế Tôn tán dương và ca ngợi Thái tử Hatthaka Ālavaka như sau:

“Này chư Tỳ khưu, Hatthaka Ālavaka là người có bốn pháp tế độ tối thắng nhất trong hàng cận sự nam của Như Lai”.

-ooOoo-

Giải thích từ ngữ:

– Pháp nước xoáy: là bốn pháp làm cho chúng sinh chìm đắm trong biển khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, không thể ngoi đầu nổi lên được.

Bốn pháp nước xoáy (ogha):

1- Ngũ dục như nước xoáy làm chúng sinh chìm đắm trong sắc, thanh, hương, vị và xúc.
2- Tà kiến như nước xoáy làm chúng sinh chìm đắm trong tà kiến sai lầm.
3- Kiếp sanh như nước xoáy làm chúng sinh chìm đắm trong kiếp sanh cõi Dục giới, cõi sắc giới và cõi vô sắc giới.
4- Vô Minh như nước xoáy làm chúng sinh chìm đắm trong si mê, không chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế.

Saddhā: Ðức tin, tin nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp; tin thiện nghiệp cho quả vui, ác nghiệp cho quả khổ. Ðức tin là pháp dẫn đầu trong mọi thiện pháp, người có đức tin, có sự tinh tấn tiến hành thiền tuệ, có thể chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, mới có thể vượt qua bốn pháp nước xoáy.

Ðức Phật dạy: nhờ đức tin người ta vượt qua bốn pháp nước xoáy.

Chỉ có bậc Thánh Nhập Lưu mới có đức tin trong sạch hoàn toàn.

Appamāda: Không dễ duôi, nghĩa là luôn luôn có chánh niệm là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, là con đường duy nhất vượt qua biển khổ tử sanh luân hồi.

Annava: Biển khổ luân hồi, mọi cảnh khổ của mỗi chúng sinh, quanh quẩn trong vòng tử sanh luân hồi quá mênh mong bao la, sâu thẳm như biển đại dương.

Do đó, Ðức Phật dạy: “Nhờ tâm không dễ duôi, có chánh niệm, chúng sinh vượt qua biển khổ tử sanh luân hồi”.

Vīriya: Tâm tinh tấn, sự kiên trì cố gắng không ngừng để thiện tâm tăng trưởng.

– Tinh tấn không để cho ác pháp phát sanh.
– Tinh tấn diệt ác pháp đã sanh.
– Tinh tấn làm cho thiện pháp chưa sanh được phát sanh.
– Tinh tấn làm cho thiện pháp đã phát sanh càng thêm tăng trưởng đến sự chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt vô minh, tham ái và mọi ác pháp không còn dư sót.

Dukkha: Khổ: khổ sanh, khổ lão, khổ bệnh và khổ tử, khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó Ðức Phật dạy: “nhờ tinh tấn, chúng sinh thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi”.

Pannā: Trí tuệ: ở đây đó là Arahán Thánh Ðạo Tuệ, có khả năng diệt đoạn tuyệt tất cả mọi vô minh, tham ái, phiền não, ác pháp không còn dư sót.

Parisujjhati: hoàn toàn trong sạch: tâm hoàn toàn trong sạch nghĩa là tâm không còn vô minh, tham ái, phiền não và mọi ác pháp, đó là tâm của bậc Thánh Arahán.

Do đó Ðức Phật dạy: “Nhờ trí tuệ chúng sinh trở nên hoàn toàn trong sạch”.

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.