About Sayagyi U Ba Khin (1899 – 1971)
MAIN CONTENT
Thiền Sư U Ba Khin |
Thiền sư U Ba Khin là một cư sĩ cũng vừa là một trong những nhân vật đặc biệt nhất của thời đại chúng ta. Ông áp dụng việc thực hành thiền vào độ tuổi bốn mươi trong khi vẫn còn làm việc cho cơ quan Nhà nước. Ông học chuyên cần dưới sự hướng dẫn của một vị thầy cư sĩ người Miến Ðiện nổi tiếng tên là Guru Saya Thet Gyi. Ông đã áp chế việc thực hành một số loại đề mục thiền định và đã phát huy một kĩ thuật mạnh mẽ nhứt cho việc thực hành thiền quán. Kĩ thuật này liên quan đến việc sát trừ tâm thức xuyên qua thân, chú tâm vào sự thay đổi, luôn khi sử dụng những cảm thọ mà những cảm thọ đó có thể cảm nhận được.
Thiền sư U Ba Khin được người ta biết như là một người có uy tín lớn tột độ và lối sống của ông là sự biểu thị cho sức mạnh nội tâm này. Sau khi người Anh rời khỏi Miến Ðiện, ông trở thành kế toán trưởng, một nhân viên cấp chính phủ, và đồng thời ông thiết lập và giảng dạy ở trung tâm thiền quốc tế tại Rangoon. Nhiều năm sau khi ông về hưu từ cơ quan nhà nước, thiền sư U Ba Khin không những đã phát huy trung tâm thiền của mình và dạy thiền quán khắp mọi nơi, ông còn đóng vai trò chính cho bốn ngành của chính phủ Miến Ðiện.
Mối quan hệ trong đời sống thế tục của thiền sư U Ba Khin vừa là một người gia trưởng vừa là một người phục vụ nổi bật mà chúng ta được thấy rõ ràng trong phương pháp giảng dạy của ông. Ông nhấn mạnh sự tu tập thực tiễn hơn là sự hiểu biết lý thuyết giáo pháp bằng phương pháp tu tập sâu sắc và trực tiếp. Những lời dạy của ngài U Ba Khin được đặt trên cơ bản về những kinh nghiệm của mình, vì vậy thuật ngữ của ông ta sử dụng để mô tả về những gì mình hiểu biết dường như có thể không chính xác ở trong tư tưởng kĩ thuật Phật giáo và ở trong sự chính xác khoa học hiện đại. Do bởi ông thực sự không quan tâm về lý thuyết cơ bản của giáo pháp mà chỉ cố gắng mang lại một sự giải thích đầy đủ kinh nghiệm của bản thân để phục vụ như là cơ bản cho việc hướng dẫn thiền. Theo ông Phật giáo là một điều gì đó để thực hành hơn là nói về nó.
Những sự hạn chế về nhập cảnh trong thập kỷ qua đã hạn chế các du khách phương Tây đến với trung tâm thiền quốc tế, mặc dù trước đây đã có nhiều người theo học ở đó. Trung tâm thiền gồm có những phòng lớn và phòng nhỏ dành cho thiền sinh vảng lai cư ngụ và một chánh điện ở đó người ta hướng dẫn và dạy thiền. Mặc dù U Ba Khin đã chết mấy năm trước, ông ấy có một số đệ tử ở Trung tâm của bà Saiyama, một nữ cư sĩ đã hướng dẫn thiền, và những người phương Tây đến Rangoon đều được hoan hỉ tiếp nhận và dạy dỗ cẩn thận theo thời gian cho phép. Sự hướng dẫn thì sâu sắc và mặc dù U Ba Khin dạy nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng bây giờ người ta thường dùng chánh niệm về hơi thở liên kết với thiền quán của ông.
Sau khi phát huy một số hình thức về định, phương pháp tu tập đặc biệt gồm có việc trải qua sự chú tâm có hệ thống về thân và sự nhận thức về sự cảm thọ của thân. Quan sát sự cảm thọ này, hành giả phát huy một sự nhận thức xa hơn về đặc tính vô thường (anicca). Trong những lời dạy của ngài U Ba Khin, “vô thường thì hoạt động”, tiến trình thanh lọc phiền não xảy ra liên tục trong thân tâm mà chúng ta gọi là con người. Tác nhân hoặc hình thức của sự thanh lọc này được ngài U Ba Khin đề cập như là yếu tố của Níp-bàn. Bản chất yếu tố Níp-bàn này thì khó mô tả, bởi vì nó không phải là khía cạnh lý thuyết hoặc thậm chí là một khái niệm. Thực tế nó là sự cảm nhận. Khi người thể nhập sâu sắc hơn vào bản chất của thực tại bằng cách quan sát vô thường thâm sâu hơn cho đến trạng thái thật sự của vô thường, ở đó phát sinh một hình thức khác, một “yếu tố” khác (theo nghĩa văn chương, dhatu) đó là mức cơ bản nhất của con người đi đến sự liên hệ với phiền não và đoạn trừ nó. Ðây là một tiến trình khái niệm phức tạp mà ngài U Ba Khin biết rõ rằng khó có thể giải thích nhưng có thể cảm nhận. Những sự diễn tả của ông ta về nó tương tự như là phép ẩn dụ:
“Với sự nhận thức về lý vô thường, khổ và vô ngã, thiền sinh phát huy bản thân về những điều mà chúng ta có thể gọi là tia lửa của yếu tố Níp-bàn, một sức mạnh tiêu hủy tất cả những cấu uế và dơ bẩn, những sự tạo ra các hành động xấu, là nguồn gốc sâu xa của thân tâm. Cùng một cách, nó giống như là nhiên liệu bị đốt cháy bởi sự kích lửa, những sức mạnh tiêu cực “cấu uế và dơ bẩn” bị đoạn trừ bởi yếu tố Níp-bàn, mà thiền sinh đã phát ra với sự nhận thức đúng đắn về vô thường trong tiến trình hành thiền. Cần có những sự thận trọng ở đây. Khi hành giả phát huy yếu tố Níp-bàn, sự tác động của yếu tố Níp-bàn này với những cấu uế và dơ bẩn trong sự tu tập của hành giả sẽ tạo nên một sự chấn động mà hành giả phải chịu đựng. Sự chấn động này có khuynh hướng gia tăng mức độ cảm xúc của sự phát sáng, ma sát, và sự rung động của những đơn vị nguyên tử.”
Ðiều này sẽ phát huy sâu sắc, quá nhiều đến nỗi hành giả cảm thấy thân của mình như là nguồn điện và vô số đau đớn.
“Ðiều cơ bản của thiền Phật giáo là sự nhận thức về sự hình thành của một con người và sự hoại diệt của năm uẩn. Chỉ khi nào người ta phát huy được nhân tố Níp-bàn, tiếp theo đó là sự cảm nhận đúng về vô thường, sự tác động của yếu tố Níp-bàn đó đến với những cấu uế tạo nên một cảm giác đốt cháy mà trong bất cứ trường hợp nào hành giả cũng đừng nên chấp thủ”.
Như vậy yếu tố Níp-bàn có thể hiểu như là một sức mạnh được phát ra bởi sự nhận thức về vô thường sự cảm nhận thật sự của thiền về vô thường. Ðây là một tiến trình thanh lọc và tiến trình thanh lọc này đưa hành giả đến cảm nhận an lạc của Níp-bàn trong bản thân. Ðây là điều cơ bản trong phương pháp của ngài U Ba Khin.
Có một ít hình ảnh đẹp về thiền sư U Ba Khin đối với hành giả phương Tây. Ở Ấn Ðộ, ngài Goenka, một thiền sư đầy năng lực đã theo phương pháp của vị thầy mình là U Ba Khin, đã có 5 năm hướng dẫn những khóa thiền mười ngày và đã hướng dẫn thiền minh sát cho hàng ngàn người phương Tây. Vừa mới đây ở Hoa Kỳ, Robert Hover và Ruth Dennison đã đi du lịch và dạy những khóa thiền được thành lập bởi những thiền sinh có quan tâm đến thiền. Với những phương pháp tu tập tích cực, sự tu tập này có thể dẫn hành giả chuyên cần đến với tuệ giác sâu sắc trong giáo pháp với những khoảng thời gian ngắn. Lẽ dĩ nhiên, sau đó hành giả phải tiếp tục phát huy tiến trình hòa nhập chân lý tuệ giác của hành giả trong đời sống hàng ngày.
Những yếu tố cần thiết của Giáo pháp Ðức Phật trong việc hành thiền
Thiền sư U Ba Khin
Dù một người có thể chiến thắng hàng vạn lần hàng vạn người ở chiến trường, nhưng người thắng được bản thân, là chiến sĩ dũng cảm nhất (Pháp cú kinh).
Phật giáo không phải là tôn giáo theo nghĩa hiểu của tự điển bởi vì nó không đặt trọng tâm vào thượng đế như trong của các tôn giáo khác. Nói một cách nghiêm túc, Phật giáo là một hệ thống triết học được kết hợp với giới luật, thân và tâm. Theo quan điểm chung, mục đích của nó là “đoạn trừ đau khổ và cái chết”.
Ðức Phật đã dạy về tứ đế trong bài pháp đầu tiên của ngài mà được chuyển pháp luân tạo thành cơ bản cho hệ thống triết học này hình thành. Thực tế ba đế đầu tiên trong tứ đế giải thích triết học của đức Phật (bát chánh đạo là một giới luật cũng như là một triết học) được sử dụng như là một phương tiện để đi đến sự giải thoát. Bài pháp đầu tiên này được đức Phật thuyết giảng cho năm đạo sĩ, đứng đầu là Kondaĩĩa -người bạn đồng tu của đức Phật trong lúc đi tìm chân lý. Kondaĩĩa là người đệ tử giác ngộ đầu tiên của đức Phật-.
Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu về tứ đế. Chúng là:
- Khổ đế.
- Tập đế.
- Diệt đế.
- Ðạo đế.
Ðể đi đến sự hiểu biết những ý niệm cơ bản trong triết lý Phật giáo, người ta cần nhận thức được chân lý khổ đau. Ðể trở lại vấn đề này, đức Phật chia chẻ vấn đề thành hai góc độ khác nhau.
Ðầu tiên với một tiến trình có lý lẽ. Ngài đã tạo cho những đệ tử thấy cuộc sống là một sự chiến đấu, sống là khổ, sanh, già, bệnh, chết là đau khổ. Tuy thế, ảnh hưởng của dục lạc quá mạnh đối với con người đến nỗi chúng ta thường quên đi bản thân mình, do đó chúng ta quên đi những gì phải trả giá. Hãy suy nghĩ một chút về sự hiện hữu của cuộc sống trước khi tái sinh; từ lúc sinh ra đứa nhỏ đã chiến đấu như thế nào cho sự sống còn; những gì cậu ta chuẩn bị để đối mặt với cuộc sống; và như thế đó, khi thành nhân, người ấy phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cuộc đời thật sự là đau khổ. Con người càng chấp thủ bản thân thì càng đau khổ nhiều. Trong thực tế những gì đau khổ mà con người bị khống chế do bởi những khoái lạc trong giây lát nhưng đôi lúc chỉ là ánh sáng trong đêm đen. Nhưng vì ảo tưởng này đã làm cho anh ta xa lìa chân lý, chắc chắn người ấy phải tìm ra con đường giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Thứ hai, đức Phật đã dạy cho các đệ tử của mình biết rằng thân thể của con người thì được kết hợp bởi những phần tử nhỏ nhứt, nó đồng sanh đồng diệt. Mỗi phần tử nhỏ này là một khối được hình thành bởi những yếu tố thiên nhiên sau đây:
- Ðất.
- Nước.
- Lửa.
- Gió.
- Màu sắc.
- Hương.
- Vị.
- Dưỡng tố.
Mỗi thứ đó đều tồn tại trong vũ trụ này được kết hợp bởi những phần tử dù có sự sống hay không, mỗi phần tử đó đồng sanh đồng diệt. Mỗi phần tử là một khối được hình thành bởi tám yếu tố cơ bản. Bốn yếu tố đầu thì có đặc tính vật chất, chúng nổi bật hơn trong một phân tử. Bốn yếu tố khác là những phần bổ sung chúng tùy thuộc và được phát sinh bởi những phần trước. Một kapkala (phân tử) là một phần phân tử nhỏ nhứt trong bình diện vật lý, điều này còn vượt qua tầm hiểu biết của khoa học ngày nay. Chỉ khi tám yếu tố tự nhiên được kết hợp với nhau thì toàn bộ kaplapa được hình thành. Nói một cách khác, sự đồng hiện hữu của một sát-na cho tám yếu tố này tạo nên một khối chỉ trong một khoảnh khắc. Kích cỡ của một kaplapa thì nhỏ hơn mười ngàn lần đối với một phân tử hạt bụi. Tuổi thọ của kaplapa thì trong một sát-na, có tỷ tỷ sát-na như thế trong một chớp mắt. Nhưng kaplapa này đều ở trong một trạng thái thay đổi liên tục. Ðối với một thiền sinh tu tập thiền quán, người này có thể cảm thấy chúng như là một nguồn năng lực. Thân thể con người không phải là một khối gắn chặt nhau nhưng dường như nó là sự liên tục của một sắc uẩn đồng hiện hữu với sức mạnh của cuộc sống.
Ðể làm cho sự giải thích của tôi rõ ràng đối với thế hệ ngày nay, tôi đã phải gây sự chú ý của họ về bài viết “nội dung của nguyên tử” trong cuốn sách “Bên trong của Nguyên tử” (Inside the Atom) của Isaac Asimov. Ông ấy đã viết về những phản ứng hóa học xảy ra liên tục trong tất cả các phần của thân thể của một sinh vật. Ðiều này đủ để trở lại với quan điểm là tất cả vạn vật đều khác nhau và được kết hợp bởi những phân tử bé xíu được gọi là nguyên tử. Khoa học đã chứng minh các nguyên tử này đều ở trong tình trạng sinh diệt hoặc thay đổi. Vì vậy cho nên chúng ta phải chấp nhận quan điểm của Phật giáo là tất cả vật tổng hợp đều có thể bị thay đổi, già hoặc vô thường.
Nhưng trong sự sâu sắc của lý vô thường, đức Phật bắt đầu bằng một tính cách nói về vật chất, và vật chất được biết theo đức Phật thì thậm chí nó nhỏ hơn nguyên tử mà khoa học ngày nay đã khám phá.
Ðối với một người không quan tâm, thì miếng sắt là vật bất động. Nhưng nhà khoa học biết rằng nó được kết hợp bởi những electron, tất cả đều trong một trạng thái liên tục biến đổi. Như vậy, với một miếng sắt thì điều gì xảy ra đối với trường hợp một cơ quan sống, gọi là con người? Những sự thay đổi diễn ra trong cơ thể con người chắc hẳn dữ dội hơn. Có phải con người cảm thấy những rung động trong thân? Có phải nhà khoa học biết rằng tất cả đều là trong trạng thái thay đổi mãi mãi và cảm thấy thân thể của mình không gì ngoài hơn năng lượng và sự rung động phải không? Sự tác động sẽ như thế nào đối với thái độ tâm linh của con người mà xem xét bản thân mình thấy rằng cơ thể của họ chỉ là năng lực và sự rung động? Ðể hết khát người ta có thể dễ dàng uống một ly nước của một cái giếng trong làng. Giả dụ mắt của một người có năng lực như những kính hiển vi – người ấy chắc hẳn do dự để uống cùng một thứ nước như vậy, vì ở trong nước đó, người ta sẽ thấy vô số vi sinh vật. Cũng giống như thế, khi con người có một sự nhận thức về sự thay đổi trong bản thân (vô thường) anh ta cần phải hiểu biết khổ đế do bởi những cảm giác sắc bén của sự phát sáng, sự rung động và sự ma sát của những nguyên tử ở trong đó. Cuộc đời thật sự là đau khổ, có và không có, đối với tất cả vẻ bề ngoài và trong sự thật tuyệt đối.
Khi tôi nói: “đời là khổ” theo lời đức Phật dạy hãy bằng lòng và đừng trốn chạy với ý tưởng đó, nếu như vậy, cuộc đời khổ đau, không đáng sống và ý niệm của Phật giáo về sự đau khổ thì khủng khiếp mà nó không tạo một cơ hội cho một cuộc sống hạnh phúc có ý nghĩa. Hạnh phúc là gì? Là những thành tựu mà khoa học đạt được, là hạnh phúc cho con người trên thế giới phải không? Họ có thể tìm thấy những khoái lạc từng lúc, nhưng chính trong thân tâm của họ lại không hạnh phúc về những gì đã xảy ra, đang xảy ra và có thể xảy ra tiếp theo. Tại sao? Bởi vì trong khi một người đã có sự hiểu biết sâu sắc về vật chất, người ấy vẫn còn thiếu sự hiểu biết sâu sắc về tâm của mình.
Dục lạc thì không có gì so sánh với hỉ lạc của nội tâm an tịnh được, mà có thể đạt được qua tiến trình tu tập thiền của Phật giáo. Dục lạc ở trước và theo sau bởi những phiền phức và đau khổ; nó giống như sự ngứa ngái của một cơn ban – nhưng trái lại hỉ lạc của thiền thì thoát khỏi những phiền phức và đau khổ như thế. Ðối với quý vị, điều đó rất khó (nhìn từ lãnh vực dục lạc) để nhận biết hỉ lạc đó giống cái gì. Tuy nhiên, tôi biết quý vị cũng có thể thưởng thức và nếm hương vị của nó để lấy giá trị so sánh. Cho nên không có lý do nào cho rằng đạo Phật dạy điều gì mà sẽ làm cho quý vị cảm thấy đau đớn với cơn ác mộng của đau khổ. Hãy tin tôi là nó sẽ giúp quý vị thoát khỏi những điều kiện tầm thường của đời sống, giống như hoa sen trong hồ nước, không bị ảnh hưởng hoàn cảnh ao tù của nó. Ðiều đó sẽ cho quý vị thấy rằng “nội tâm an lạc” sẽ đáp ứng cho quý vị là không những vượt qua những phiền phức hàng ngày của cuộc đời mà còn từng bước và chắc chắn vượt qua giới hạn của cuộc sống, đau khổ và cái chết.
Vậy thì Tập đế là gì? Ðức Phật dạy nguồn gốc của nó là ái dục. Một khi ai gieo hạt giống ham muốn thì nó lớn thành tham và nhân lên thành ái dục. Người nào mà gieo hạt giống này thì trở thành nô lệ cho lòng tham ái và thân tâm người ấy bị chìm đắm và cố chấp vào chúng cho đến chết. Chắc chắn kết quả cuối phải là sự tích lũy của đổng lực tâm bất thiện, do thân khẩu ý của chính mình tạo tác mà tam nghiệp đó thì do tham, sân, si thúc đẩy.
Như vậy, hành là nó diễn lại tiến trình của thời gian trên mỗi cá nhân. Cái này có trách nhiệm đối với việc duy trì dòng suối thân tâm, tập đế bên trong.
Chỉ có bậc thánh A-la-hán mới tuệ tri đầy đủ khổ đế.khi nào khổ đế được liễu tri, thì nguyên nhân của khổ tự động hoại diệt, và như vậy, cuối cùng vị ấy chấm dứt đau khổ. Ðiều quan trọng nhứt trong việc tìm hiểu Phật pháp là sự nhận thức về khổ đế qua tiến trình hành thiền theo con đường đức Phật đã đi.
Do đó con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ là gì? Con đường đó không khác hơn là bát chánh đạo do đức Phật thuyết giảng trong bài pháp đầu tiên. Bát chánh đạo này được phân chia làm ba phần chính là: giới, định, tuệ.
Giới
Ba thành phần của giới là:
- Chánh ngữ.
- Chánh nghiệp.
- Chánh mạng.
Chánh ngữ nghĩa là lời nói phải chân thật, hữu ích và không ô nhiễm hay độc ác.
Chánh nghiệp là nền tảng đạo đức của con người, tức là không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, và uống rượu.
Chánh mạng là nghề nghiệp chân chánh, khác hơn những ai làm đau khổ chúng sinh – như là buôn người, chế tạo vũ khí hay buôn bán chất say.
Nói chung những điều này được cho là giới luật lúc ban đầu do đức Phật thuyết ngay trong bài pháp đầu tiên của ngài. Tuy nhiên về sau ngài mở rộng và giới thiệu những giới luật riêng rẽ cho chư tỳ khưu và những người tại gia cư sĩ.
Tôi không cần lo cho quý vị đối với những gì mà đức Phật đã từng dạy chư tỳ khưu. Tôi sẽ chỉ cho quý vị biết những gì mà giới luật dành cho người tại gia cư sĩ. Ðó là ngũ giới:
- Không sát sinh (sự sống rất cao quý cho tất cả chúng sinh, cho nên lòng từ bi của đức Phật thì bao trùm mọi loài).
- Không trộm cắp.
- Không tà dâm (tham dục thì tiềm tàng trong con người. Ðiều này hầu hết không ai cưỡng lại. Cho nên đức Phật cấm việc tham đắm tình dục không hợp pháp).
- Không nói dối (giới này bao gồm đầy đủ lời nói chân thật).
- Không uống rượu (say sưa làm cho con người mất đi tâm định tỉnh và trí nhớ mà những tâm đó là nhân tố giúp con người hiểu được chân lý).
Cho nên năm giới giúp con người điều khiển hành động, lời nói và làm nền tảng cho tâm định và tâm xả.
Bất cứ ai mong muốn trải qua một khóa tu tập thiền trong Phật giáo thì phải tiếp tục con đường bát chánh đạo. Ðối với bước đầu tiên, hành giả phải duy trì một mức độ giới hạnh tối thiểu bằng cách phát nguyện gìn giữ năm giới. Tôi tin rằng lời phát nguyện này không có tai hại đối với bất kỳ niềm tin tôn giáo nào.
Ðịnh
Bây giờ đến khía cạnh tinh thần của Phật giáo, đó là chánh định. Trong giai đoạn thứ hai của bát chánh đạo gồm có:
- Chánh tinh tấn.
- Chánh niệm.
- Chánh định.
Dĩ nhiên, chánh tinh tấn là yếu tố cần thiết cho chánh niệm. Trừ phi hành giả thực hiện tinh tấn chuyên cần thì tâm phóng túng, dao động của hành giả có thể giảm bớt, hành giả không thể nghĩ là để bảo vệ chánh niệm đó mà nó lần lượt sẽ giúp hành giả mang lại tâm bằng chánh định cho trạng thái nhứt tâm và trạng thái xả ly. Tâm ở đây là tâm thoát khỏi những triền cái, trong sạch và tĩnh lặng, sáng chói bên trong và bên ngoài. Trạng thái tâm như thế trở nên mạnh mẽ và sáng chói. Cảm nhận một ánh sáng là một sự phản chiếu của tâm, với ánh sáng thay đổi ở mức độ từ ánh sáng của một ngôi sao cho đến ánh sáng của mặt trời. Cho rõ ràng hơn, ánh sáng này được phản chiếu trong sự tối tăm hoàn toàn là một sự biểu hiện của tâm trorng sạch, thanh tịnh, và tĩnh lặng.
Ấn Ðộ giáo thực thi công việc này là đi từ ánh sáng vào trong sự rỗng không và trở lại với sự thật của Bà-la-môn giáo. Trong thánh kinh Tân ước, theo Matthew, ông nói về “một con người đầy ắp ánh sáng”. Chúng tôi cũng nghe nói về những giáo sĩ Thiên chúa La Mã thường xuyên hành thiền để có được ánh sáng diệu kỳ này. Hồi giáo cũng nói đến sự biểu hiện của ánh sáng lạ kỳ đó.
Ánh sáng tìm thấy trong cái tâm này ám chỉ cho cái tâm thanh tịnh bên trong, và tâm thanh tịnh tạo thành bản chất của đời sống tôn giáo mà không biết trong Ấn Ðộ giáo, Thiên chúa giáo hoặc Hồi giáo có hay không. Nhưng thực sự tâm thanh tịnh là mẫu số chung lớn nhứt cho các tôn giáo. Chính tình thương là phương tiện dành cho toàn thể nhân loại chắc hẳn phải hết sức cao cả, và nó không thể được như vậy trừ phi tâm hoàn toàn thanh tịnh. Một tâm quân bình thì cần thiết làm quân bình những tâm phóng dật của người khác. “Bởi vì một người bắn cung thì giương thẳng mũi tên của họ, và một người khôn ngoan thì giữ ý tưởng của họ vững chắc, điều này thật khó khăn giữ nó”. Như vậy đức Phật dạy. Sự tu tập tâm thì cần thiết tương đương với việc tu thân. Như thế tại sao không luyện tập tâm và làm cho nó trong sạch, mạnh mẽ để quý vị có thể thích thú trong sự an lạc của định, sự an lạc nằm trong thiền.
Khi nội tâm an lạc thì bắt đầu thể nhập vào tâm, quý vị chắc chắn đạt được tiến bộ trong sự hiểu biết về chân lý. Nó là sự cảm nhận của chúng ta do bởi sự hướng dẫn đúng đắn tâm thanh tịnh và an lạc này với ánh sáng có thể được cũng cố bởi người đó và bất chấp tôn giáo hay tín ngưỡng của họ, họ có mục đích chân thành và sẵn sàng tuân theo sự hướng dẫn trong giai đoạn thử thách.
Ở khía cạnh này vị thầy tinh thần chỉ là người hướng dẫn [1]. Tuy thế, sự thành công trong sự phát huy năng lực tập trung đi đến sự hoàn hảo toàn bộ phụ thuộc chánh tinh tấn và chánh định của hành giả. Sự thành đạt của sự tập trung an chỉ định là phần thưởng mà nó chỉ phát triển đối với hành giả đã có sự tu tập cao.
Bằng cách tu tập liên tục, khi ấy hành giả có sự hiểu biết hoàn toàn sâu sắc về tâm của mình, hành giả có thể đi vào những trạng thái an chỉ định và dần dần phát huy bản thân để đạt được những thành quả mà thạâm chí sẽ tạo cho hành giả những sức mạnh phi thường. Tuy thế, sự tu tập mang lại sức mạnh phi thường trong lãnh vực này, đức Phật không khuyến khích, đề mục của những người tu tập thiền định thì phải có sự trong sạch và sức mạnh của tâm đặt nền tảng cho sự nhận thức về chân lý.
Trong Phật giáo có bốn mươi phương pháp thiền định, phương pháp nổi bật nhất là Nhập tức xuất niệm (anàpana); đó là thiền định về hơi thở vào ra, tất cả chư Phật đều theo phương pháp này. Ở Trung tâm thiền Quốc tế, thiền sinh được giúp đỡ để phát huy sức mạnh tập trung vào một điểm duy nhất, bằng cách khuyến khích người ấy tập trung sự chú ý của mình vào một điểm ở môi trên, dưới ngay chót mũi, cảm nhận hơi thở vào ra với sự nhận thức thầm lặng về hơi thở vào ra. Theo Phật giáo biểu tượng của cuộc sống thì do nghiệp tạo tác, nhưng theo Thiên chúa thì do Thượng đế, nhưng biểu tượng của cuộc sống thì giống nhau. Nó là sự nhịp nhàng thôi thúc hoặc sự động tiềm tàng trong con người. Thực tế, thở là phản ánh của biểu tượng cuộc sống này (tâm chánh niệm theo hơi thở được các hành giả tu tập ở trung tâm). Lợi ích lớn lao của thiền Anàpana là loại trừ tất cả ý tưởng khác, bằng sự tập trung với sự nỗ lực quyết tâm, hành giả có thể thu hẹp phạm vi những luồng tư tưởng đầu tiên vào vùng ở chung quanh mũi, sau đó là một điểm ở môi trên mà chỉ chạm nhẹ hơi nóng của hơi thở, trong lúc sự thở càng ngày càng ngắn lại. Cho nên không có lý do nào một hành giả tu tập tốt chỉ trong một vài ngày có thể tập trung vào một điểm. Luôn luôn có những giai đoạn cho sự tiến bộ của phương pháp thiền này khi nó đi đúng hướng, bằng sự xuất hiện của những biểu tượng (tướng) mà người ta thấy được từ hình dáng của vài vật “màu trắng” ngược lại với bất cứ điều gì có “màu đen”. Lúc ban đầu người ta thấy chúng ở những hình dáng các đám mây hoặc bông gòn, và đôi lúc những hình dạng màu trắng như là khói, những mạng nhện, những bông hoa, những đĩa, nhưng khi tập trung sâu sắc hơn, chúng xuất hiện như những tia sáng hoặc những điểm sáng, như một ngôi sao bé xíu, hoặc mặt trăng, mặt trời. Nếu những giai đoạn này xuất hiện trong thiền (lẽ dĩ nhiên mắt nhắm lại), sự việc đương nhiên xem như là đúng đó là hành giả đã tập trung được. Sau đó, điều cơ bản là để cho hành giả cố gắng tu tập sau một lúc nghỉ ngơi để tập trung trở lại với “giai đoạn ánh sáng” càng nhanh càng tốt.
“Như một người thực hiện một chuyến hành trình trên một con ngựa hoang mà không có khả năng kiểm soát dây cương để đi xa hơn, cũng như thế, một hành giả có sự tập trung yếu không đạt được tiến bộ trong việc tu tập của mình. Như vậy tôi nhắc nhở hành giả đừng làm con mồi cho tâm của mình, mà hãy luyện nó với tinh thần cải cách và sử dụng nó”. Khi hành giả có thể thực hiện điều này, hành giả sẵn sàng chuyển qua thiền quán để đạt được tuệ giác trong chân lý tối cao và hưởng được an lạc tuyệt vời Níp-bàn. Nếu hành giả có thể tập trung sự chú ý của mình vào một điểm ở dưới chóp mũi với một điểm sáng thật nhỏ duy trì ở đó trong một lúc, điều đó thì tốt hơn cả, bởi vì lúc đó hành giả đạt đến mức độ của tâm được biết như là nhập định.
Ðức Phật dạy: “Tâm phải trong sạch. Tuy nhiên, nó thường bị ô nhiễm bởi sự thu hút những điều xấu xa”. Tương tự như thế, nước mặn có thể lọc thành nước tinh khiết, một thiền sinh cũng vậy, hành thiền về hơi thở sẽ làm cho tâm của mình gạn lọc những sự dơ bẩn và mang lại một trạng thái hoàn hảo của sự trong sạch. Ðây là năng lực của sự tu tập thiền định, dựa trên cơ bản của giới.
Tuệ
Bây giờ tôi sẽ nói đến khía cạnh triết lý của Phật giáo ở giai đoạn thứ ba về bát chánh đạo: trí tuệ hay còn gọi là tuệ giác.
Trí tuệ có hai đặc tính:
- Chánh tư duy.
- Chánh kiến.
Chánh kiến là mục đích và là điều cơ bản của tư tưởng Phật giáo. Còn chánh tư duy là hiểu biết thân tâm có suy luận, cả hai vừa hữu hình và vừa vô hình, đến để mà cảm nhận chân lý. Tâm thì được gọi như vậy vì khuynh hướng của nó là bắt cảnh. Sắc được gọi như vậy là vì sự vô thường của nó thay đổi luôn khi. Thuật ngữ trong tiếng Anh thì quen thuộc, nhưng ý nghĩa thì không chính xác.
Tâm, nói một cách chính xác, là thuật ngữ đã được ứng dụng như sau:
- Thức (vinnàna)
- Thọ (vedanà)
- Tưởng (sanna)
- Hành (sankhàra)
Những thứ này, cùng đi với sắc uẩn trong trạng thái vật chất, tạo nên những gì mà chúng ta gọi là năm uẩn. Trong năm uẩn này đức Phật tóm tắt lại chỉ còn có danh pháp và sắc pháp, mà trong thực tế nó luôn luôn đồng hiện hữu cho nên người đời liên tưởng nó như là cá thể hay bản ngã.
Trong chánh tư duy, hành giả nhờ đó mà phát huy được một năng lực định tâm mạnh mẽ, tự mình tập trung. Nhờ hành thiền quán nên khiến cho việc nghiên cứu thân tâm và những đặc tính của tâm rất kĩ lưỡng. Hành giả cảm nhận và đôi khi cũng nhận biết, những thành phần trong trạng thái thật của chúng. Hành giả bắt đầu nhận thức rằng, cả thân lẫn tâm thay đổi liên tục, chúng vô thường và phù du. Khi năng lực định của hành giả gia tăng, sức mạnh tự nhiên ở hành giả càng ngày càng trở nên sung mãn. Hành giả không thể phủ định rằng, năm uẩn là đau khổ. Hành giả ao ước tìm một trạng thái nào vượt thoát khổ đau. Nhờ thực hành liên tục, cuối cùng hành giả có thể tháo gỡ những sợi dây trói buộc của phiền não, và hoán chuyển từ cảnh phàm trần bước sang giai đoạn siêu phàm, thể nhập dòng suối giác ngộ (Níp-bàn). Ở mức độ này, hành giả giải thoát được thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Với sự thực hành thêm nữa, hành giả đạt được giai đoạn giải thoát thứ hai, nó là mức độ của trí tuệ mà tham dục và sân sẽ trở nên giảm thiểu. Nhờ tu tập chuyên cần nên sau đó, hành giả đoạn trừ hoàn toàn tham dục và sân hận. Cuối cùng hành giả liễu tri được mục tiêu cuối cùng là giải thoát hoàn toàn của quả vị A-la-hán. Những ai đã cảm nhận được Níp-bàn có thể lập lại sự cảm nhận này được nhiều lần như người ấy chọn lựa bằng cách đi đến giai đoạn đạo quả tạo cho người ấy sự an lạc trong Níp-bàn.
Sự an lạc trong Níp-bàn này được chứng thực với Níp-bàn không có sự tương tự bởi vì nó thì vượt khỏi thế gian. Ðược so sánh với điều này, trạng thái an chỉ định mà được tôi đề cập trước đây, có liên quan với định thì không đáng kể. Trong khi sự an lạc Níp-bàn đưa hành giả vượt qua tất cả kiếp sống, còn an lạc của thiền định sẽ vẫn giữ hành giả trong thế gian này.
Sự phát triển của trí tuệ và tuệ giác cuối cùng về những điều được gọi là chân lý của sự hiện hữu và Níp-bàn, được dựa trực tiếp trên sự tu tập thiền. Ơủ trung tâm của chúng tôi, khi thiền sinh đạt đến một mức độ định nào đó (thường là định samadhi), sau khi tiếp tục thiền hơi thở trong vài ngày, khóa tu tập này được chuyển sang thiền quán. Sự kiện này đòi hỏi việc sử dụng năng lực định đã được phát huy rồi và liên hệ đến một sự trắc nghiệm của những khuynh hướng còn lại của tất cả những điều đó còn tồn tại trong bản ngã của một người. Thiền sinh được dạy để có chánh niệm sâu sắc đối với những tiến trình đang xảy ra trong thân của họ, từ đó thiền sinh cảm nhận những phản ứng xảy ra trong tất cả các chúng sinh khác cũng như thế. Khi hành giả làm chủ được những cảm giác như thở, chúng là những sự hình thành tự nhiên, hành giả đi đến sự nhận thức, thân và tâm cùng toàn bộ cơ thể của người ấy cuối cùng là một khối thay đổi. Ðây là khái niệm cơ bản về vô thường trong tư tưởng Phật giáo – bản chất thay đổi đang diễn ra ở mọi vật, dù có sự sống hay không, những sự kiện đó tồn tại trong vũ trụ này. Hành giả cũng cảm nhận đó là kết quả tất yếu, khái niệm về đau khổ hoặc bệnh tật đã được chứng thực với cuộc sống. Ðiều này thì đúng bởi vì thực tế là, toàn bộ một chúng sinh được tạo nên bởi những nguyên tử (kalapa) tất cả đều ở trong một trạng thái bốc cháy liên tục. Ý niệm cuối cùng trở nên rõ ràng đó là vô ngã. Quý vị gọi thực thể là những gì dường như đối với quý vị là một thực thể. Trong thực tế không có thực thể không biến đổi như vậy. Khi tiến trình hành thiền tiến bộ, hành giả đi đến sự nhận thức rằng, không có tính vững chắc trong cái mà người ta gọi là bản ngã và không có sự kiện như là cái chủ thể của một chúng sinh.
Cuối cùng hành giả phá bỏ chủ nghĩa về ngã trong anh ta – trong khía cạnh thân và tâm. Sau đó hành giả thiền với cái nhìn mới, sống với sự kiện là bất cứ điều gì xảy ra trong vũ trụ này là điều cơ bản đối với luật nhân quả. Hành giả biết rằng nội tâm của mình là bản chất ảo tưởng của ngã.
Bây giờ chúng ta đi sâu vào chi tiết trong việc tu tập. Trong việc phát triển thiền quán ở trung tâm chúng tôi, chúng tôi đặc biệt thực hành về bản chất vô thường. Nếu quý vị thật sự hiểu được vô thường quý vị biết được khổ đế và cũng như chân lý vô ngã, bởi vì cả ba điều trên cùng xuất hiện với nhau.
Vô thường là yếu tố cơ bản mà hành giả phải hiểu và tu tập. Chỉ đọc những quyển sách về tư tưởng Phật giáo hoặc những cuốn sách về giáo pháp, không đủ để người ta hiểu về chân lý vô thường, bởi vì thiếu đi khía cạnh cảm nhận. Chỉ qua sự cảm nhận và hiểu biết về bản chất vô thường là một tiến trình thay đổi liên tục ngay ở trong thân của quý vị, quý vị mới có thể hiểu được một cách chính xác.
Ðể hiểu được vô thường, hành giả phải luôn luôn tuân giữ bát chánh đạo một cách nghiêm ngặt và siêng năng. Nghiệp là hành động, lời nói hoặc tư tưởng tạo nên một nghiệp lực mà mỗi người phải gặt hái hậu quả tùy theo hành động tốt hoặc xấu. Ðiều mà chúng ta không thể nhìn thấy được, gọi là nghiệp lực (sankhara) là sản phẩm của tâm mà mỗi hành động đều có liên quan đến. Nó không có yếu tố mở rộng. Toàn thể vũ trụ được chứa chấp đầy những nghiệp lực của tất cả chúng sinh. Lý thuyết quy nạp của cuộc sống có nguyên nhân, chúng ta tin vào những nghiệp lực này, mỗi cá nhân bị liên tục thu hút vào nghiệp lực do chính cá nhân tạo nên, cùng một lúc tạo nên những nghiệp lực mới bằng hành động, lời nói và tư tưởng. Sự tác ý là một chu kỳ sống liên tục với sự thôi thúc nhịp nhàng và rung động như là biểu tượng của nó. Chúng ta hãy lấy những hành động tốt là tích cực và những hành động xấu là tiêu cực. Sau đó chúng ta nhận lấy những gì chúng ta gọi là phản ứng tiêu cực hoặc tích cực mà nó luôn luôn diễn ra ở khắp mọi nơi trong vũ trụ. Nó xảy ra ở những đối tượng có sự sống hoặc không, trong thân của tôi, của quý vị, của tất cả chúng sinh. Có một sự tích lũy của nghiệp liên tục mà nó trở thành nguồn năng lượng đối với cuộc sống phải duy trì, nó phải đi theo với đau khổ và cái chết thì con người không thể tránh được. Hôm nay người đó có thể là một người thánh thiện nhưng ngày mai có thể là một người đểu cáng. Hôm nay người ấy có thể là giàu nhưng không bao lâu có thể trở nên nghèo hèn. Cuộc đời thăng trầm thì rất rõ ràng. Không có người nào, gia đình, cộng đồng, quốc gia nào mà vững vàng cả. Tất cả đều lệ thuộc vào luật nhân quả. Khi luật nhân quả này hiện ra trong tâm thì luôn luôn thay đổi, tất nhiên những kết quả của lý nghiệp báo thì cũng phải thay đổi. Nhờ phát huy sự hiểu biết về vô thường, khổ và vô ngã nên người ta có thể đoạn trừ được chính cái nghiệp mà đã tích lũy trong bản thân. Hàng ngày chúng ta tạo nghiệp mới bằng những hành động của chúng ta, và chỉ nhờ tu tập tuệ giác trong sự vô thường chúng ta mới có thể cắt đứt được tiến trình này. Ðiều này là một vấn đề cho cả cuộc sống hay hơn thế nữa để đoạn trừ tất cả nghiệp báo của chính mình. Chính hành giả đã đoạn trừ được tất cả nghiệp rồi và đi đến chấm dứt đau khổ, bởi vì lúc đó không còn ai nữa để tão ra năng lượng tất yếu của đời sống để duy trì bản thân ở bất cứ hình thức nào. Ðây là sự chấm dứt khổ đau do đức Phật và chư vị A-la-hán đã đạt được trong kiếp sống của họ, khi các ngài đã nhập Níp-bàn. Ðối với chúng ta ngày hôm nay ai thực hành thiền quán thì nó sẽ đáp ứng nhu cầu đó nếu chúng ta hiểu được vô thường tốt và đạt được giai đoạn giác ngộ thứ nhứt và bắt đầu giới hạn kiếp sống nhưng chúng ta còn phải tiếp tục trải qua không quá bảy kiếp nữa.
Sự vô thường này mở rộng cho việc hiểu biết về khổ đau và vô ngã và sau đó đoạn trừ đau khổ một cách hoàn toàn, có thể hiểu được điều này chỉ do đức Phật thôi, hay là sau khi ngài viên tịch, xuyên qua lời dạy của ngài có liên quan với bát chánh đạo và thất giác chi.
Về việc tiến bộ trong thiền quán, một hành giả phải tuệ tri được vô thường liên tục như thế. Lời dạy của đức Phật cho các thầy tỳ khưu là chư vị phải nhận thức được vô thường (khổ hay vô ngã) trong mọi oai nghi, dù đi đứng nằm ngồi. Liên tục nhận thức về vô thường, khổ đau và vô ngã như vậy là bí quyết thành công. Di huấn tối hậu của đức Phật là: “Tất cả pháp hữu vi thì vô thường và hoại diệt. Hãy chuyên cần tu tập”.
Trong thực tế, đây là tinh hoa của lời dạy của ngài trong suốt bốn mươi lăm năm. Nếu quý vị cảm nhận vô thường trong pháp hữu vi thì chắc chắn sẽ đạt được giải thoát.
Khi quý vị phát huy sự hiểu biết về vô thường, tuệ giác của quý vị thể nhập vào “cái điều được gọi là bản chất thật” sẽ trở nên càng vĩ đại hơn. Nhiều đến nỗi quý vị sẽ không còn hoài nghi bất cứ điều gì về tam tướng của vô thường, khổ và vô ngã nữa. Quý vị đã có một vị trí để tiến tới một mục đích theo mong muốn.
Bây giờ quý vị biết rằng hiểu được vô thường là yếu tố căn bản đầu tiên, quý vị phải cố gắng tập trung bằng sự trong sáng vào điều gì vô thường một cách liên tục như thế. Càng tập trung nhiều, thì quý vị sẽ thấy rằng ý nghĩa thật sự của vô thường là hoại diệt. Ðây là bản chất vốn có sẵn của mọi vật tồn tại trong vũ trụ.
Ðể biết rằng ngay cái thân của chúng ta thì bao gồm tất cả những nguyên tử rất nhỏ trong một trạng thái thay đổi là để nhận biết điều thật về tính chất vô thường hay hoại diệảt. Tính chất vô thường hay hoại diệt gây ra bởi sự tan vỡ liên tục và sự thay đổi của những nguyên tử đưa đến đau khổ. Chỉ khi nào quý vị cảm nhận sự thay đổi hay đau khổ này là quý vị đi đến sự nhận thức về tứ diệu đế mà trong giáo pháp của đức Phật đã nhấn mạnh nhiều lần. Tại sao? Bởi vì khi quý vị nhận thức được bản chất đau khổ, quý vị sẽ sanh tâm nhàm chán kiếp sống này, lo âu và tìm phương cách để thoát vòng sanh tử luân hồi, đoạn tận khổ đau thể nhập vào dong thánh, khi quý vị đắc được Tu-đà-huờn đạo, nhờ tu tập đầy đủ nên quý vị đi đến trạng thái an lạc Níp-bàn.
Cho đến nay, nói đến việc phát huy thiền quán tôi nhấn mạnh đến sự nhận biết vô thường trong tứ đại. Thiền quán bao gồm sự quán niệm trên tính chất thay đổi của tâm hay chú tâm đến tiến trình thay đổi của thân. Ðôi khi chỉ chú tâm đến thân vô thường. Có lẽ đôi khi cũng chú tâm vào tâm vô thường. Khi hành giả quán niệm thân vô thường, hành giả cũng cảm nhận rằng tâm phát sinh cùng lúc với sự cảm nhận thân vô thường thì cũng là trong một trạng thái vô thường hay đổi thay. Trong trường hợp này hành giả có thể hiểu cả hai thân tâm đều vô thường.
Tôi đã nói tất cả mối quan hệ cho sự nhận thức về vô thường xuyên qua thân thọ, tiến trình vô thường của thân cũng như của tâm thì tùy thuộc vào những tiến trình thay đổi này. Quý vị cũng phải biết rằng vô thường có thể được hiểu thông qua những cảm thọ khác cũng được.
Nhận thức về vô thường có thể được tu tập qua cảm thọ: [2]
– Nhờ nhãn căn tiếp xúc với sắc trần.
– Nhờ nhĩ căn tiếp xúc với thinh trần.
– Nhờ tỷ căn tiếp xúc với hương trần.
– Nhờ thiệt căn tiếp xúc với vị trần.
– Nhờ ý căn tiếp xúc với pháp trần.
Trong thực tế, hành giả có thể phát huy sự hiểu biết về vô thường xuyên qua bất cứ sáu căn nào. Tuy nhiên trong thực hành, chúng ta thấy rằng, tất cả các loại cảm thọ, cảm thọ bởi sự tiếp xúc với những thành phần của thân trong tiến trình thay đổi nó che khuất đi thành phần nổi bật nhất đối với thiền quán. Không chỉ là điều đó, cảm thọ do bởi sự tiếp xúc với những thành phần của thân thì rõ hơn những cảm thọ khác và do đó người mới bắt đầu hành thiền quán có thể đạt đến sự hiểu vô thường một cách rất dễ dàng xuyên qua cảm thọ của thân. Ðây là lý do chính vì sao chúng ta đã chọn cảm thọ thân như là một phương tiện cho việc hiểu biết mau chóng về vô thường. Ðiều đó giúp cho mọi người dễ dàng thực hành những phương pháp khác, nhưng đó là sự gợi ý của tôi. Hành giả phải tự mình khéo léo tạo nên sự nhận thức về vô thường qua cảm thọ của thân trước khi hành giả chuyên cần thực hiện những cảm thọ khác. (Tuy nhiên sự việc này đã được hoàn thành rồi). Thiền quán liên quan với chánh niệm của tiến trình đổi thay và như đã đề cập ở trên, chúng ta đã thấy rằng xúc và cảm thọ trong thân thể và trong sáu căn là vị trí tốt nhứt cho việc phát huy tâm chánh niệm này.
Ở Trung tâm của chúng tôi, khi hành thiền người ta chuyển đổi từ hơi thở cho đến việc cảm nhận vô thường, thiền sư dạy hành giả bằng một công thức đặc biệt cho sự bắt đầu thực hành đầy đủ chú tâm xuyên qua thân, từng phần, cảm nhận vô thường của tất cả các cảm thọ. Khi nhận thức vô thường liên tục, hành giả sẽ thấy sức mạnh của chánh định và chánh niệm có thể khai thông dòng năng lực trong thân thể. Sau đó sự liên tục này trở nên càng nhanh và càng rõ hơn. Vì thân trở nên rõ đối với dòng năng lực và vô thường (khổ và vô ngã) của tất cả cảm thọ cũng trở nên rõ ràng hơn, sự tập trung của hành giả di chuyển đến trung tâm. Bây giờ chánh niệm và sự tập trung trên cảm giác thay đổi và cảm giác thì quá mạnh trên các căn, thậm chí tâm chuyển động được hành giả cảm nhận như là vô thường biến dịch. Cảm tưởng toàn thân dường như làm giảm bớt những mức độ biến dịch khác nhau trong trạng thái vô thường liên tục. Hành giả gia tăng và thể nhập bằng thiền quán để nhận biết được bản chất thật của cuộc sống. Sự thể nhập mạnh mẽ này đưa hành giả đi đến đoạn trừ các lậu hoặc, an tịnh Níp-bàn.
Tu tập về việc cảm nhận vô thường sẽ dẫn đến sự phát sanh những mức độ tuệ giác khác nhau. Việc tu tập phải kiểm chứng và điều chỉnh lại do một vị thầy giỏi để hướng dẫn tốt hơn cho hành giả, xuyên qua kinh nghiệm mới và những tuệ giác của mỗi mức độ. Hành giả nên tránh xa việc mong đợi bất cứ sự thành đạt nào của tuệ giác, bởi vì điều này sẽ làm xao lãng việc cảm nhận liên tục về vô thường, thay vì tập trung có thể sẽ đạt được chân lý cao hơn.
Hành giả đã tu tập cho đến khi nào thể nhập hoàn toàn trong giáo pháp thì thật sự mới hiểu được sáu đặc tính của chánh pháp:
- Pháp không phải là kết quả của việc suy đoán, mà là kết quả của sự thành đạt, pháp thì uyên thâm khôn lường.
- Pháp mang lại những kết quả hữu ích ở đây và bây giờ dành cho những ai thực hành nó theo những phương pháp mà đức Phật đã dạy.
- Pháp có khả năng đoạn trừ nguyên nhân đau khổ cũng như hiểu biết nhiều về khổ đế.
- Những ai lo âu thì thực hành pháp sẽ có hiệu quả. Có thể tự mình biết được điều gì là có lợi ích.
- Pháp là thành phần thuộc về bản ngã của một người, và như vậy hành giả phải sẵn sàng đương đầu để học hỏi.
- Những kết quả của chánh pháp có thể được hiểu biết đầy đủ là do những hành giả nào đạt được đạo quả ít nhứt là Tu-đà-huờn. An lạc Níp-bàn dành sẵn cho những bậc thánh cao quý đó. Nếu tu tập đúng, chư vị sẽ hưởng được quả vị thanh tịnh mà các bậc Thánh đạt đến khi chứng đắc Níp bàn. Ðây là sự thanh thản hoàn hảo của thân tâm; an lạc Níp-bàn là hạnh phúc cao tột.
Áp dụng thiền quán trong đời sống hàng ngày từ quan điểm của một người chủ và giải thích sự lợi ích từ thiền quán cho hành giả để có thể chuyển hóa đời sống ngay trong hiện tại.
Ðề mục đầu tiên của thiền quán là làm khơi dậy sự vô thường [3] trong chính hành giả và cuối cùng đạt đến trạng thái an tịnh thăng bằng, nội tâm và ngoại cảnh. Khi nào hành giả làm chủ được cảm giác về vô thường thì đó là sự thành đạt.
Hiện nay thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng đe dọa nhân loại. Ðúng lúc cho mọi người tu tập thiền quán để tìm sự vắng lặng ở giữa những vấn đề đang xảy ra hàng ngày. Vô thường thì hiện ở khắp mọi nơi. Hãy nhìn vào bản thân, ta sẽ cảm nhận được vô thường. Khi ta cảm nhận được vô thường, và hiểu sâu sắc được vô thường, lập tức những khái niệm về thế giới bên ngoài được đoạn trừ. Vô thường đối với người tại gia là viên ngọc quý giá mà người ấy sẽ gìn giữ để tạo nên một nơi nương náu của năng lực quân bình và an lạc cho bản thân. Nó đánh vào bản chất yếu đuối của thân tâm của ta và dần dần loại bỏ những gì xấu xa ở trong thân hành giả, đó là những nguồn gốc của những trạng thái thân tâm yếu đuối như thế.
Trong thời đức Phật còn tại tiền, một số cư sĩ đã thực hành thiền quán rất tuyệt vời. Vô thường không chỉ dành cho những người đã từ bỏ cuộc sống thế gian. Mặc dù có những khó khăn cho những người tại gia tu tập hiện nay, nhưng một vị thầy hoặc một người hướng dẫn tốt có thể giúp thiền sinh hiểu được vô thường trong một thời gian ngắn. Một khi hành giả đã đượckhơi dậy về vô thường, điều cần thiết là cố gắng duy trì được điều này. Hành giả phải chú tâm vào nó ngay lúc này hoặc có cơ hội để tiến xa hơn, để đạt được mức độ hiểu biết về bản chất thay đổi nhanh chóng của những hiện tượng thân tâm. Nếu hành giả đạt được mức độ này, chỉ sẽ gặp đôi chút rắc rối hoặc không có vấn đề gì bởi vì sau đó hành giả có thể cảm nhận vô thường mà không gặp nhiều khó khăn mà hầu như là tự động. Trong trường hợp này, vô thường sẽ trở nên một nền tảng của người ấy và ngay sau đó hành giả có thể trở lại sự hiểu biết vô thường khi những nhu cầu đời sống không còn bức bách.
Tuy vậy có thể gặp một vài khó khăn đối với những người chưa đạt được tuệ giác, thấy được sự thay đổi nhanh chóng của hiện tượng thân tâm. Nó giống như sự lôi kéo của một cuộc chiến đối với hành giả, giữa vô thường và những hoạt động thân tâm ở bên ngoài thân. Như vậy, đối với hành giả cần phải khôn ngoan hơn để theo phương châm “việc gì ra việc đó”. Không cần phải luôn luôn khơi dậy sự vô thường. Hành giả cần tạo nên những khoảng thời gian đủ để tu tập trong ngày hoặc đêm cho mục đích này. Trong thời gian này, hành phải nỗ lực giữ chánh niệm về nội thân với sự hiểu biết duy nhất về vô thường. Hành giả phải nhận thức vô thường theo từng sát-na, liên tục như thế, để không cho bất cứ những ý tưởng lơ đãng nào chen vào làm cản trở tiến trình. Nếu không thể hiện được điều này, hành giả đi trở lại sự tu tập chánh niệm, bởi vì sự tập trung là chìa khóa để có thể khơi dậy sự vô thường. Hãy nhớ rằng để có sự tập trung tốt, giới đức phải được hoàn hảo, bởi vì sự tập trung tốt được xây dựng trên giới đức. Sau đó có sự chánh niệm về vô thường thì sự tập trung phải tốt. Nếu sự tập trung hoàn hảo, thì sự nhận thức vô thường cũng hoàn hảo.
Không có kĩ thuật đặc biệt nào cho sự trau dồi chánh niệm về vô thường hơn là trau dồi sự chú tâm trực tiếp vào đề mục thiền. Ðiều này có nghĩa là tập trung trở lại vào sự cảm thọ thân, để cảm thấy sự vô thường trong thân, đầu tiên hành giả phải chú tâm vào những vùng nơi hành giả có thể tập trung dễ dàng. Ðiều này có nghĩa là thay đổi khu vực tập trung từ nơi này đến nơi khác, từ đầu đến chân và từ chân đến đầu, thỉnh thoảng thăm dò vào nội thân. Hành giả phải hiểu rõ ràng rằng, đừng tập trung vào những phần cơ thể nhưng tốt hơn là chú tâm vào cảm nhận trực tiếp về sự hình thành của vật chất (kalapas – các nguyên tử) là sự cảm thọ và bản chất thay đổi liên tục của chúng.
Nếu hành giả thực hành theo sự hướng dẫn này, chắc chắn sẽ tiến bộ. Tỉ lệ của sự tiến bộ này tùy thuộc vào khả năng và sự nhiệt tình của từng cá nhân đối với việc hành thiền. Nếu hành giả đạt được những mức độ cao của định và tuệ, với năng lực này hành giả hiểu được tam tướng vô thường, khổ não, vô ngã sẽ được tăng lên, hành giả sẽ đi gần đến mục đích của sự giác ngộ, điều mà mọi người phải giữ trong tâm.
Ðây là thời đại khoa học. Con người ngày nay không có niềm tin vào điều không tưởng ở tương lai. Họ không chấp nhận bất cứ điều gì trừ phi những điều đó xảy ra ngay trước mắt.
Ngày nay, hầu như có sự bất mãn khắp mọi nơi. Sự bất mãn tạo nên những cảm giác xấu xa. Cảm giác xấu tạo tâm sân, tâm sân tạo nên thù hận. Thù hận tạo nên kẻ thù. Kẻ thù tạo nên chiến tranh. Chiến tranh tạo nên những kẻ thù và vân vân. Ðó là cái vòng lẩn quẩn. Tại sao? Bởi vì thiếu sự kiểm soát đúng đắn về tâm. Cuối cùng con người là nhân cách hóa của tâm. Vật chất là gì? Vật chất không là gì cả nhưng sức mạnh của tinh thần bị vật chất hóa, kết quả về sự phản ứng của những sức mạnh tinh thần tiêu cực và tích cực. Ðức Phật dạy: “Tâm tạo nên thế giới”. Do đó, tâm làm chủ mọi vật. Như vậy chúng ta hãy nghiên cứu tâm và những đặc tính của nó và giải quyết vấn đề mà thế giới đang đối mặt.
Khi đức Phật còn tại thế, ngài nói với dân chúng vùng Kalamas:
— Này chư vị, hãy lắng nghe. Ðừng tin vào những lời nói, truyền thống hoặc tin đồn. Ðừng tin vào sự hiểu biết trong các buổi tranh luận, cũng không vì những lý luận logic, cũng không vì sự chê trách và chấp thuận một số lý thuyết, cũng không do bởi nó phù hợp với quan niệm của một người, mà cũng không do bởi sự kính trọng với một vị thầy tốt.
Nhưng này chư vị, khi chư vị biết có những điều này là xấu xa, những điều này đáng chê trách, những điều này bị người trí chê trách, những điều này nếu đem ra thực hành sẽ dẫn đến đau khổ thì các vị nên từ bỏ chúng.
Nhưng, nếu sau khi suy xét, tự mình biết những điều này là tốt, những điều này là thích hợp, chúng được người trí ca ngợi, nếu đem ra thực hành, sẽ mang lại hạnh phúc và ích lợi, các vị hãy chấp nhận, và nhẫn nại thực hành.
Người ta nghĩ rằng đã đến lúc làm sống lại việc tu tập thiền quán. Chúng ta không còn nghi ngờ bất cứ điều gì về kết quả xác thực đã xảy ra với những người có sự khôn ngoan, thành tâm tu tập dưới sự hướng dẫn của một vị thầy tốt. Những kết quả sẽ được nhận thấy là sự tốt đẹp, vững chắc, sống động riêng tư, ngay tại lúc này. Những kết quả này sẽ giữ cho chúng ta ở trong một trạng thái tốt đẹp và hạnh phúc cho toàn bộ cuộc sống còn lại của chúng ta.
Cầu xin cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc và an lạc khắp thế gian.
Chú thích:
[1] U Ba Khin xem vai trò vị thầy là quan trọng nhứt đối với sự phát triển của thiền sinh. Ngài viết rằng: “Người ta không thể vươn lên một mức độ tinh thần trong sạch mà không có sự giúp đỡ của vị thầy”. Ngài chỉ cho mình là người hướng dẫn. Nhưng là một người đã từng vượt qua giai đoạn trước đây, ngài có khả năng vượt qua những trở ngại và hỗ trợ thiền sinh đạt sự tiến bộ về tuệ giác. Ðây là những gì ngài muốn nói bằng hình thức ngài thường sử dụng với từ ngữ phẩm chất để mô tả về một vị thầy.
[2] Cảm giác được dùng ở đây để diễn tả cảm thọ của thân.
[3] Ðôi lúc U Ba Khin dùng thuật ngữ “để khơi động sự vô thường”. Dường như nó bao hàm ngay lúc hành giả nhận thức được cảm thọ thật sự về vô thường, sự hoại diệt nhanh chóng này xảy ra liên tục trong thân-tâm được mô tả như là “nước rơi trên mặt hồ”. Vào lúc đó tâm phát ra lực trong sạch mạnh mẽ này mà ông ta gọi là yếu tố Níp-bàn.
Bài viết trích từ cuốn Những Vị Thiền Sư Đương Thời – Jack Kornfield (Tỳ Khưu Thiện Minh dịch Việt). Quý vị có thể tải cuốn sách bản PDF tại đây. Xem Tiểu sử các Bậc Trưởng Lão và các Thiền Sư khác tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH NHỮNG VỊ THIỀN SƯ ĐƯƠNG THỜI