Tiểu Bộ – Chuyện Thiên Cung Vimanavatthupali

TAM TẠNG PĀLI – VIỆT tập 30

CHUYỆN THIÊN CUNG

Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

MỤC LỤC

*****

LỜI GIỚI THIỆU

A. THIÊN CUNG NỮ GIỚI

1. PHẨM CHIẾC GHẾ 

1.   Thiên cung chiếc ghế thứ nhất

2.   Thiên cung chiếc ghế thứ nhì    

3.   Thiên cung chiếc ghế thứ ba     

4.   Thiên cung chiếc ghế thứ tư  

5.   Thiên cung voi     

6.   Thiên cung chiếc thuyền thứ nhất  

7.   Thiên cung chiếc thuyền thứ nhì

8.   Thiên cung chiếc thuyền thứ ba

9.   Thiên cung cây đèn    

10. Thiên cung của sự cúng dường hạt mè   

11. Thiên cung của người vợ chung thủy    

12. Thiên cung của người vợ chung thủy thứ nhì 

13. Thiên cung của người con dâu 

14. Thiên cung của người con dâu thứ nhì  

15. Thiên cung của Uttarā    

16. Thiên cung của Sirimā    

17. Thiên cung của Kesakārī

***

2. PHẨM CITTALATĀ 

1.   Thiên cung của người nữ tỳ

2.   Thiên cung của Lakhumā    

3.   Thiên cung của người nữ bố thí bọt nước cơm

4.   Thiên cung của người nữ dòng hạ tiện

5.   Thiên cung của Bhadditthī

6.   Thiên cung của Soṇadinnā

7.   Thiên cung của Uposathā    

8.   Thiên cung của Saddhā  

9.   Thiên cung của Sunandā

10. Thiên cung của người nữ bố thí vật thực

11. Thiên cung của người nữ bố thí vật thực thứ nhì     

***

3. PHẨM PĀRICCHATTAKA 

1.   Thiên cung cao sang 

2.   Thiên cung của người nữ bố thí mía

3.   Thiên cung chiếc ghế dài

4.   Thiên cung của Latā  

5.   Thiên cung của Guttila   

6.   Thiên cung tỏa sáng rực rỡ  

7.   Thiên cung của Sesavatī

8.   Thiên cung của Mallikā

9.   Thiên cung của Visālakkhī

10. Thiên cung Pāricchattaka     

***

4. PHẨM MAÑJEṬṬHAKA 

1.   Thiên cung màu đỏ tía    

2.   Thiên cung rực rỡ    

3.   Thiên cung long tượng

4.   Thiên cung của Alomā     

5.   Thiên cung của người nữ bố thí cháo chua     

6.   Thiên cung trú xá  

7.   Thiên cung của bốn phụ nữ

8.   Thiên cung vườn xoài     

9.   Thiên cung màu vàng

10. Thiên cung khúc mía

11. Thiên cung do sự đảnh lễ    

12. Thiên cung của Rajjumālā

***

B. THIÊN CUNG NAM GIỚI

5. PHẨM CỖ XE LỚN 

1.   Thiên cung của thiên tử ếch 

2.   Thiên cung của Revatī    

3.   Thiên cung của thanh niên Bà-la-môn Chatta

4.   Thiên cung của người bố thí xúp cua   

5.   Thiên cung của người giữ cửa

6.   Thiên cung do việc nên làm

7.   Thiên cung do việc nên làm thứ nhì     

8.   Thiên cung do cây kim

9.   Thiên cung do cây kim thứ nhì 

10. Thiên cung long tượng     

11. Thiên cung long tượng thứ nhì

12. Thiên cung long tượng thứ ba 

13. Thiên cung cỗ xe nhỏ

14. Thiên cung cỗ xe lớn

***

6. PHẨM PĀYĀSI

1.   Thiên cung của người tại gia

2.   Thiên cung của người tại gia thứ nhì   

3.   Thiên cung của người bố thí trái cây   

4.   Thiên cung của người bố thí chỗ ngụ thứ nhất

5.   Thiên cung của người bố thí chỗ ngụ thứ nhì

6.   Thiên cung của người bố thí vật thực  

7.   Thiên cung của người canh giữ lúa mạch

8.   Thiên cung của người có bông tai thứ nhất   

9.   Thiên cung của người có bông tai thứ nhì     

10. Thiên cung của Uttara   

 ***

7. PHẨM KHÉO ĐẶT XUỐNG 

1.   Thiên cung Cittalatā 

2.   Thiên cung Nandana 

3.   Thiên cung có cây trụ bằng ngọc ma-ni

4.   Thiên cung bằng vàng

5.   Thiên cung cây xoài

6.   Thiên cung của người chăn bò

7.   Thiên cung của Kanthaka  

8.   Thiên cung nhiều màu sắc

9.   Thiên cung của Maṭṭakuṇḍalī

10. Thiên cung của Serissaka  

11. Thiên cung khéo đặt xuống

CHUYỆN THIÊN CUNG ĐƯỢC CHẤM DỨT.

–ooOoo–

LỜI GIỚI THIỆU 

–ooOoo– 

Vimānavatthupāḷi là tập thứ sáu của Khuddakanikāya – Tiểu Bộ, Suttantanikāya – Tạng Kinh. Tập Kinh Vimānavatthupāḷi gồm các câu chuyện kể về các cung điện ở cõi Trời và chủ nhân của các Thiên cung ấy; đồng thời nêu rõ hành động phước thiện nào trong kiếp trước đó đã giúp cho các vị Thiên nhân ấy thành tựu phước báu đang được thọ hưởng. Các dịch giả trước đây đã đặt tựa đề tiếng Việt cho tập Kinh này là Thiên Cung Sự hoặc Chuyện Thiên Cung; chúng tôi mạn phép sử dụng tựa đề Chuyện Thiên Cung cho tập Kinh này.  

Chú giải của tập Kinh Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung có tên làVimānavatthu-aṭṭhakathā. Thêm vào đó, ở phần kết thúc của tập Chú Giải này còn thấy đề cập đến hai tên gọi khác nữa là ParamatthadīpanīVimānavatthu-aṭṭhavaṇṇanā. Chú Giải thuật lại câu chuyện và cung cấp nhiều chi tiết bổ sung cho phần kệ ngôn ở Chánh Tạng, xen kẻ vào đó là lời giải thích ý nghĩa của một số từ đã được chọn lọc. Được biết Chú Giải này đã được Ngài Dhammapāla thực hiện trong lúc ngụ tại tu viện Badaratitthavihāra. Chú Giải Sư Dhammapāla sống ở thế kỷ thứ 5 theo Tây Lịch và là người đã kế tục công việc của Chú Giải Sư Buddhaghosa. Chú Giải Sư Dhammapāla đã thực hiện các bộ Chú Giải cho các tập Kinh thuộc Tiểu Bộ là: Itivuttaka, Thera-gāthā, Therī-gāthā, Udāna, Vimāna-vatthu, Peta-vatthu, Cariyā-piṭaka, Nettippakaraṇa. Thêm vào đó, Ngài còn là tác giả của các tài liệu Sớ Giải (Ṭīkā) có tên là: Paramatthamañjūsā,Dīgha-nikāya-ṭīkā, Majjhima-nikāya-ṭīkā, Samyutta-nikāya-ṭīkā,Jatakaṭṭhakathā-ṭīkā, Buddhavaṃsaṭṭhakathā-ṭīkā, và Nettippakaraṇa-ṭīkā(Somapala Jayawardhana, Handbook of Pali Literature, trang 48).   

Tập Kinh Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung gồm có bảy phẩm (vagga) được sắp xếp thành hai phần theo giới tính: Itthivimānaṃ – Thiên Cung Nữ Giới gồm 4 phẩm đầu và Purisa-vimānaṃ – Thiên Cung Nam Giới gồm 3 phẩm còn lại.

Các phẩm được liệt kê chi tiết như sau:

1. Pīṭhavaggo – Phẩm Chiếc Ghế có 17 câu chuyện (vatthu),

2. Cittalatāvaggo – Phẩm Cittalatā có 11 câu chuyện,

3. Pāricchattakavaggo – Phẩm Pāricchattaka có 10 câu chuyện,

4. Mañjeṭṭhakavaggo – Phẩm Mañjeṭṭhaka có 12 câu chuyện,

5. Mahārathavaggo – Phẩm Cỗ Xe Lớn có 14 câu chuyện,

6. Pāyāsivaggo – Phẩm Pāyāsi có 10 câu chuyện,

7. Sunikkhittavaggo – Phẩm Khéo Đặt Xuống có 11 câu chuyện.

Tổng cộng có 85 câu chuyện liên quan đến 123 Thiên cung. Sở dĩ như thế bởi vì một số câu chuyện đề cập nhiều hơn một Thiên cung, cụ thể là:Guttilavimānaṃ – Thiên Cung của Guttila (3. 5) đề cập đến 36 Thiên cung và Caturitthivimānaṃ– Thiên Cung của Bốn Phụ Nữ (4. 7) đề cập đến 4 Thiên cung. Số lượng các kệ ngôn ở văn bản Pali-Sinhala được ghi nhận là 1291, trong khi đó Chú Giải xác định là 1500 kệ ngôn (VvA., 4).  

Qua văn bản Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung, khái niệm về từ vimāna đã được mô tả chi tiết. Vimāna không chỉ đơn độc một gian nhà hay một tòa lâu đài mà còn bao gồm nhiều công trình xây dựng về nhà cửa, vườn hoa, rừng cây, hồ nước, và còn có cả các loài thú nuôi như ngựa, voi cùng với các cầm thú thiên nhiên như thiên nga, ngỗng đỏ, v.v… Ngoài ra cũng có câu chuyện mô tả vimāna chỉ là một chiếc ghế hay một chiếc thuyền, hay một cỗ xe xinh đẹp có khả năng du hành trong không trung.  

Về nội dung, Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung có chủ đề là nghiệp thiện và quả thành tựu của các nghiệp thiện ấy. Các nghiệp thiện được đề cập ở đây chủ yếu không ngoài Thập Thiện Nghiệp gồm có bố thí, trì giới, v.v… Nội dung của các câu chuyện được trình bày một cách sinh động thông qua hình thức vấn đáp. Nhân vật đưa ra các câu hỏi này đã được xác định ở Chánh Tạng, đa phần là của ngài Moggallāna, một số khác do đích thân đức Thế Tôn hỏi, một số khác do trưởng lão Vaṅgīsa và Thiên Chủ Sakka. Các câu trả lời là do chính các vị Thiên nhân cai quản các Thiên cung đã nói lên. Đặc biệt, ở câu chuyện Thiên Cung của Người Nữ Bố Thí Bọt Nước Cơm, Chúa Trời Sakka đã không hỏi trực tiếp vị Thiên nhân mà đã hỏi trưởng lão Mahākassapa để tìm hiểu về cảnh giới tái sanh của người đàn bà nghèo khổ đã bố thí bọt nước cơm đến ngài (2. 3). Ở một số câu chuyện, còn có các kệ ngôn của các vị Trưởng Lão đã tham gia cuộc kết tập thêm vào để giải thích hoặc kết luận sự việc. Cũng cần nói thêm là ở những câu chuyện không ghi rõ tác giả của câu hỏi thì Chú Giải đã bổ sung điều này: Đức Phật (2. 5), trưởng lão Vaṅgīsa (1. 16, 4. 3), trưởng lão Nārada (3. 8), trưởng lão Anuruddha (4. 6), trưởng lão Mahākaccāna (5. 13). Ở phần kết thúc của mỗi câu chuyện, Chú Giải còn cho biết rằng sự việc đã được trình lên đức Phật, và Ngài đã dùng chính nội dung câu chuyện ấy làm đề tài để giáo huấn.  

Về hình thức, tập Kinh Vimānavatthupāḷi – Chuyện Thiên Cung được viết theo thể kệ thơ (gāthā), mỗi kệ ngôn gồm có bốn pāda được trình bày thành hai dòng. Đa số các kệ ngôn của tập Kinh này làm theo thể thông dụng gồm có tám âm cho mỗi pāda; tuy nhiên các thể khác phức tạp hơn cũng được tìm thấy. Trong đa số trường hợp, hai dòng kệ ngôn gồm bốn pāda là được hoàn chỉnh về ý nghĩa, nhưng cũng có một vài trường hợp ý nghĩa được nối từ kệ ngôn này sang kệ ngôn khác; trong trường hợp như vậy, có lúc chúng tôi dịch chung các câu kệ có liên quan với nhau nếu vị trí sắp xếp các đoạn văn không thuận tiện, còn đối với các trường hợp khác, chúng tôi sử dụng dấu ba chấm (…) ở cuối câu kệ trước và ở đầu câu kệ sau để báo hiệu sự tiếp nối.  

Văn bản Pāḷi Roman trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka. Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành tâm tán dương công đức của Ven. Mettāvihārī đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet. Điểm đóng góp của chúng tôi trong việc thực hiện văn bản Pāḷi Roman này là những điểm khác biệt về văn tự ở Tam Tạng của các nước Thái Lan, Miến Điện, và Anh Quốc được ghi ở phần cước chú đã được so sánh kiểm tra lại, đồng thời bổ sung thêm một số điểm khác biệt đã phát hiện được trong lúc so sánh các văn bản với nhau.  

Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, chúng tôi đã ghi nghĩa Việt của các kệ ngôn bằng văn xuôi nhằm diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của văn bản gốc. Có một số từ, do việc không tìm ra được nghĩa Việt, như trường hợp tên các loại thảo mộc nên đã được giữ nguyên từ Pāli. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này, đồng thời tạo sự thuận tiện cho công việc hiệu đính trong tương lai. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.  

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Thượng Tọa Bửu Hiền – Trụ Trì Chùa Pháp Bảo Mỹ Tho, Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ tại Đại Học Peradeniya – Sri Lanka, gia đình Tu Nữ Khemā và Tu Nữ Vīrā, Cô Phạm Thu Hương (Hồng Kông), gia đình Phật tử Hoàng Thị Lựu (Đà Nẵng). Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát.  

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không quên ghi nhận sự nhiệt tình của Sư Cô Mỹ Thúy, Phật tử Nguyễn Tung Thiên, và Phật tử Trương Hồng Hạnh đã sắp xếp thời gian để đọc lại bản thảo một cách kỹ lưỡng và đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt.

Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi – Việt được tồn tại và phát triển. Mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.  

Chúng tôi xin thành kính tri ân công đức của Ngài Hòa Thượng Ven. Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, tu viện trưởng tu viện Sri Jayawardhanaramaya Colombo 8 – Sri Lanka, đã cung cấp trú xứ và các vật dụng cần thiết giúp cho chúng tôi có thể tập trung toàn thời gian cho công việc thực hiện tập Kinh này.  

Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.

Kính bút,

Ngày 25 tháng 03 năm 2012

Tỳ Khưu Indacanda (Trương Đình Dũng)

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Chuyện Thiên Cung“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Chuyện Ngạ Quỷ ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.