Tiểu Sử Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Xiii Bhaddanta Indācariya
MAIN CONTENT
NGÀI ĐẠI TRƯỞNG LÃO TAM TẠNG BHADDANTA INDĀCARIYA XIII – TIPIṬAKADHARA, TIPIṬAKAKOVIDA
(Bậc thông Thuộc Tam Tạng, Bậc Thấu Suốt Tam Tạng)
Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya Sayadaw là một trong 13 vị Tam Tạng xuất hiện trong thế giới đương đại tại Myanmar, và là 1 trong 9 vị Tam Tạng hiện đang còn sống, dạy dỗ, hoằng pháp và lãnh đạo tinh thần Phật giáo Theravāda tại Myanmar nói riêng và thế giới nói chung.
Theo tuần tự xuất hiện của 13 vị Tam Tạng, Ngài là bậc xuất hiện thứ 13, nên các Phật tử Việt Nam thường gọi Ngài với danh xưng tắt là Ngài Tam Tạng XIII, hoặc Phật tử Myanmar gọi theo tên quê hương nơi Ngài sinh là Tipiṭaka Momeik Sayadaw.
THỜI THƠ ẤU & XUẤT GIA LÀM SA DI
Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya Sayadaw sinh vào ngày chủ nhật, 27/12/1964, tại thôn Myu-tu, huyện Bu-ta-lin thuộc tỉnh Sagaing, trong gia đình nhiều đời theo truyền thống Phật giáo. Thân phụ mẫu của Ngài là ông Bo Han và bà Myo Kyi. Ngài là con thứ tư trong gia đình có 7 anh chị em.
Năm 13 tuổi (1978), Ngài thọ giới sa-di, do Ngài trụ trì chùa thôn Sa-khvat-ta làm thầy tế độ và cha mẹ của Ngài làm thí chủ hộ độ xuất gia. Ngài được đặt pháp danh là Indācariya.
Sau khi xuất gia sa-di và học đến lớp 7 trung học cơ sở, lúc 17 tuổi (1982) Ngài đến Phật học viện Saddhammapajjotāyon ở huyện Myon-ywa, để học Phật Pháp dưới sự hướng dẫn của Ngài viện trưởng Nāgavaṃsa và Ngài viện phó Ñāṇissara. Phật học viện Saddhammapajjotāyon ở Mon-ywa tại tỉnh Sagaing thuộc miền trung Myanmar là một trong những nơi nổi tiếng giảng dạy về Pháp học Phật bao gồm ba phần, đó là Pháp học (Pariyatti-dhamma), Pháp hành (Paṭipatti-dhamma) và Pháp thành (Paṭivedha-dhamma). Pháp học là sự học tập Tam Tạng – Luật Tạng (Vinaya-piṭaka), Kinh Tạng (Suttanta-piṭaka), Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma-piṭaka) – và các bộ sách liên quan với Tam Tạng. Pháp hành là sự thực hành Giới, Định và Tuệ. Pháp thành là sự chứng đắc 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả và Niết-bàn. Pháp học chính là nền tảng căn bản của Pháp hành và Pháp thành.
Một năm sau khi đến Phật học viện Saddhammapajjotāyon, Ngài đã thi đỗ liên tiếp 3 lớp Phật học phổ thông – Tiểu đẳng (pathama-nge) (1983), Trung đẳng (pathama-lat) (1984) và Cao đẳng (pathama-kyi) (1985). Sau 3 lớp Phật học này là lớp Phật học Dhammācariya (Giảng viên Pháp học). Học xong 4 lớp này, một học tăng hoặc một học ni có khả năng đọc và hiểu Tam Tạng, Chú Giải (Giải thích Tam Tạng) và Phụ Chú Giải (Giải thích Chú Giải) bằng tiếng Pāḷi. Đây là những chương trình Phật học phổ thông do Bộ tôn giáo và chính phủ Myanmar bảo trợ tổ chức thi.
Lên 20 tuổi (11/4/1985), tại Phật học viện Loka-hman-kin thuộc tỉnh Mandalay, Ngài Tam Tạng Indācariya đã thọ giới tỳ-khưu do Bậc đại thiện trí cao thượng Aggamahāpaṇḍita – Ngài Nāgavaṃsa làm thầy tế độ, và gia đình ông Kyaw Than và bà Hte Tin làm thí chủ hộ độ tứ sự – y phục, dược phẩm, vật thực và cốc liêu. Năm 1986, từ Phật học viện Saddhammapajjotāyon, Ngài đã chuyển đến Phật học viện Loka-hman-kin, nơi Ngài thọ giới tỳ-khưu, để tiếp tục tu học, và đã hoàn tất chương trình Dhammācariya (Giảng viên Pháp học) vào năm 1995.
HÀNH TRÌNH HỌC VÀ THI TAM TẠNG
Sau khi thọ giới sa-di và tỳ-khưu, Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya Sayadaw đã theo học các chương trình Phật học từ cơ bản đến chuyên sâu, dưới sự hướng dẫn của nhiều bậc thầy uyên thâm về Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp, văn phạm và văn học Pāḷi. Trong số những bậc thầy ấy có vị Thầy tế độ là Ngài Nāgavaṃsa, Ngài Đại Trưởng Lão Đệ Nhất Tam Tạng Vicittasārābhivaṃsa (Ngài Mingun Sayadaw – Bậc đại quốc sư cao thượng), Ngài Đại Trưởng Lão Bhaddanta Kumārābhivaṃsa – Tăng Thống đương nhiệm của Giáo hội Phật giáo Myanmar (Bamaw Sayadaw).
Sau đây là hành trình Pháp học Tam Tạng của Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya Sayadaw:
– Năm 1988, lúc 23 tuổi. Ngài thông thuộc 2 quyển đầu của Tạng Luật (Ubhatovibhaṅga-dhara).
– Năm 1990, lúc 25 tuổi. Ngài thông thuộc Tạng Luật (Vinaya-dhara).
– Năm 1995, lúc 30 tuổi. Ngài thấu suốt 2 quyển đầu của Tạng Luật (Ubhatovibhaṅga-kovida).
– Năm 1997, lúc 32 tuổi. Ngài thấu suốt Tạng Luật (Vinaya-kovida).
– Năm 1998, lúc 33 tuổi. Ngài thông thuộc Trường Bộ Kinh (Dīghabhāṇaka).
– Năm 1999, lúc 34 tuổi. Ngài thấu suốt Trường Bộ Kinh (Dīghanikāya-kovida), trở thành Bậc thông thuộc thấu suốt Nhị Tạng – Tạng Luật (Vinaya-piṭaka) và Tạng Kinh (Suttanta-piṭaka)
– Năm 2000, lúc 35 tuổi. Ngài thông thuộc phần đầu của Tạng Vi Diệu Pháp (Mūla-ābhidhammika)
– Năm 2001, lúc 36 tuổi. Ngài thấu suốt phần đầu của Tạng Vi Diệu Pháp (Mūla-abhidhamma-kovida)
– Năm 2004, lúc 39 tuổi. Ngài thông thuộc Tạng Vi Diệu Pháp (Ābhidhammika), trở thành Bậc thông thuộc Tam Tạng (Tipiṭaka-dhara)
– Năm 2013, lúc 48 tuổi. Ngài đã thấu suốt Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma-kovida), trở thành Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng Tipiṭakadhara – Tipiṭakakovida.
Như vậy, Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya Sayadaw bắt đầu học thi Tam Tạng vào năm 1988, lúc 23 tuổi; trở thành Bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng vào năm 2013, lúc 48 tuổi, tại kỳ thi Tam Tạng lần thứ 64; thời gian hoàn tất chương trình Tam Tạng là 25 năm.
Chính phủ và Bộ Tôn Giáo Myanmar đã dâng tặng Ngài danh hiệu cao quý “Bậc Thủ Trì Tam Tạng”, cờ, lọng và khuôn dấu với biểu tượng 3 cây lọng trắng cán vàng tượng trưng cho Tam Tạng Kinh Điển của Đức Thế Tôn. Ngoài ra, Chính phủ cũng dâng đến Ngài cùng 2 người theo hộ độ Ngài các loại vé thượng hạng của tàu hoả, tàu thuỷ, xe, máy bay và tứ vật dụng hàng tháng. Bên cạnh đó, chính phủ Myanmar còn hộ độ cúng dường các thứ vật dụng đến Ngài cùng chư tỳ khưu theo học Tam Tạng nơi ngôi chùa nào mà Ngài thường trú.
Ngoài các chương trình Phật học – Tiểu đẳng, Trung đẳng, Cao đẳng, Giảng viên Pháp học, và Tam Tạng – do chính phủ bảo trợ, Ngài Tam Tạng Indācariya còn tham gia và thi đỗ nhiều chương trình Phật học khác do các Hội Phật học phi chính phủ bảo trợ, đặc biệt là chương trình Phật học Nikāya do các Hội Phật học Hoằng Dương Chánh Tạng Nikāya ở nhiều nơi trong nước tổ chức.
HOẰNG PHÁP LỢI THA
Với sự kiên trì và nhẫn nại bền bỉ, Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya Sayadaw đã vượt qua nhiều khó khăn trong tu học để rồi Ngài đã thành tựu tột đỉnh Pháp học, trở thành Bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng, Bậc gìn giữ kho tàng Pháp bảo của Đức Phật.
Hiện nay, Ngài là thành viên hội đồng lãnh đạo Phật học viện Tipiṭaka Nikāya tại Yangon và Sagaing, Ngài đảm nhiệm nhiều trọng trách trong học viện như dạy chương trình thi Tam Tạng và chăm lo đời sống chư Tăng. Ngài cũng thường xuyên đi thuyết Pháp khắp nơi ở Myanmar. Đặc biệt, Ngài đã sáng lập Phật học viện Tipiṭaka-dhanu-phyu tại Sagaing và Phật học viện Tipiṭaka-sein-shwe-phu tại huyện Mingalar-don, Yangon, để đào tạo Tăng tài. Bên cạnh đó, Ngài cũng là người cố vấn tinh thần của hội Phật học Hoằng Dương Chánh Tạng Nikāya.
Ngoài ra, Ngài còn xây dựng bệnh viện, trường học, cùng các hoạt động từ thiện khác để giúp đỡ dân chúng trong khả năng có thể và đền ơn quê hương xứ sở. Ngài thường xuyên trao tặng dụng cụ học tập cho các trường học, đã trợ giúp xe tang cho các tổ chức từ thiện tang lễ và làm nhiều việc khác để cải thiện đời sống của dân chúng tại quê hương của Ngài. Triết lý làm động lực tự thân đối với Ngài là: “hãy trau dồi năng lực chuyên môn, những điều xứng đáng với mình sẽ đến”.
Những điều mà chúng ta biết về Ngài Đại Trưởng lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya Sayadaw thì rất ít so với những điều mà chúng ta chưa được biết về Ngài.
Tóm lược tiểu sử Ngài Đại Trưởng lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya Sayadaw chỉ là một phần rất nhỏ trong muôn ngàn sự nghiệp lớn lao của Ngài mà thôi. Tuy chỉ một phần nhỏ như vậy cũng làm cho chúng ta vô cùng kính phục, vô cùng tôn kính cuộc đời và sự nghiệp của Ngài đã đóng góp vào sự bảo tồn, duy trì giáo pháp của Đức Phật.
Thật diễm phúc cho những ai được diện kiến, đảnh lễ, cúng dường, hộ độ, nghe pháp, hành thiền và thân cận với một Bậc Đa văn xuất chúng như vậy.
Chúng con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Indācariya – Tipiṭakadhara Tipiṭakakovida Sayadaw cùng 4 Ngài Đại Trưởng Lão thông thuộc Tam Tạng Tipiṭakadhara đang thăm Hà Nội vào dịp lễ Rằm tháng Giêng Māghapūja Phật lịch 2559 này.
Nguồn: Sư Thiện Đức Kusalaguṇa