Tiểu Sử Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Xii Bhaddanta Abhijātābhivaṁsa

NGÀI ĐẠI TRƯỞNG LÃO TAM TẠNG BHADDANTA ABHIJĀTĀBHIVAṀSA (TIPIṬAKADHARA, TIPIṬAKAKOVIDA, DHAMMABHAṆḌĀGĀRIKA)

(Bậc thông Thuộc Tam Tạng, Bậc Thấu Suốt Tam Tạng, Bậc Giữ Gìn Kho Tàng Pháp Bảo)

NGAI TAM TANG 12 1

Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Abhijātābhivaṁsa Sayadaw là một trong 13 vị Tam Tạng xuất hiện trong thế giới đương đại tại Myanmar, và là 1 trong 9 vị Tam Tạng hiện đang còn sống, dạy dỗ, hoằng pháp và lãnh đạo tinh thần Phật giáo Theravāda tại Myanmar nói riêng và thế giới nói chung.

Theo tuần tự xuất hiện của 13 vị Tam Tạng, Ngài là bậc xuất hiện thứ XII, nên các Phật tử Việt Nam thường gọi Ngài với danh xưng tắt là Ngài Tam Tạng 12, hoặc Phật tử Myanmar gọi theo tên quê hương nơi Ngài sinh là Tipiṭaka Sagaing Sayadaw.

tipitaka sayadaws
Từ trái sang phải: U Indacariya, U Abhijātābhivaṁsa, U Indabāla, U Sundara, U Sīlakkhandhābhivaṁsa, U Vaṁsapālālaṅkāra, U Gandhāmālaṅkāra, U Vāyāmindābhivaṁsa

THỜI THƠ ẤU & XUẤT GIA LÀM SA DI

Ngài Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Abhijātābhivaṃsa Sayadaw sinh vào Chủ Nhật ngày 29 tháng 9 năm 1968 tại làng Sin Hnin, huyện Wet Let, tỉnh Sagaing (vùng Thượng Miến Điện), Song thân của Ngài là Ông Tin Ya và Bà Nyun Khin. Thế danh của Ngài là Maung Aung Maung. Ngài là con thứ 3 trong gia đình gồm 6 anh chị em. Anh và em trai của Ngài cũng đã xuất gia sống đời phạm hạnh trong Phật Giáo.

Sinh ra trong 1 gia đình Phật tử thuần thành với đức tin sâu dày nơi Tam Bảo, Ngài đã được thọ giáo Phật Pháp căn bản tại chùa Jambu Maṅgala Shwe Yat Thar thuộc làng Sin Hnin. Năm 11 tuổi, Ngài được song thân hộ độ cho xuất gia Sa di với Ngài Trưởng lão trụ trì chùa Jambu Maṅgala Shwe Yat Thar. Trong lễ xuất gia đó, Ngài được đặt Pháp danh là Abhijāta (Abhi: nghĩa là cao quý; Jāta: sinh ra).

Ngai Tam Tang 347

Sau đó Ngài được gửi tới trung tâm Phật học Mahāsubodhārāma để nương nhờ và mưu cầu Pháp học là bước đệm cho việc thi Tam Tạng sau này dưới sự hướng dẫn của các Bậc Đại Trưởng lão danh sư Phật giáo uyên thâm như:
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Nārada (Abhidhajamahāraṭṭhaguru)
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Nandāmālābhivaṃsa (Aggamahāpaṇḍita – đương kim Hiệu trưởng trường Đại Học Phật Giáo Quốc Tế tại Yangoon)
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Visuddhācārābhivaṃsa
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Adhivāsa (Gaṇavācaka)
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Jinarasa
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Piṇḍolābhivaṃsa
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Uttama (chú của Ngài)
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Mānitālaṅkāra (Dhammācariya, Pāḷipāragū, anh trai của Ngài)
– Ngài Đại Trưởng lão Bhaddanta Kumārābhivaṃsa (Ngài Tăng Thống Myanmar đương nhiệm)

Ngay từ khi còn trẻ, Ngài đã thể hiện được tố chất thông minh đặc biệt. Năm 18 tuổi, khi còn là 1 vị Sadi trẻ, Ngài đã đạt được 2 danh hiệu cao quý là Alaṅkāra Sāmaṇe-kyaw (Sadi tài trí) và danh hiệu Sāsanadhaja Dhammācariya (Pháp Sư)

– Năm 1987, lúc 20 tuổi, Ngài thọ đại giới tỳ khưu tại trung tâm Phật học Mahāsubodhārāma với vị thầy tế độ là Ngài Đại Trưởng lão Abhidhajamahāraṭṭhaguru Bhaddanta Nārada.

Ngai Tam Tang 340

HÀNH TRÌNH HỌC VÀ THI TAM TẠNG

Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Abhijātābhivaṁsa Sayadaw đã trải qua 15 năm để học thuộc hết Tam Tạng Kinh điển. Ngài đã đạt hai danh hiệu Tam Tạng cao quý khác nhau. Năm 38 tuổi (2006), Ngài thi đậu và đạt được danh hiệu cao quý Nikāyujjotaka Ādikammika Tipiṭakadhara (Bậc thông thạo Tam Tạng) đầu tiên của Hội Truyền bá Pháp Tạng Nikāya (Nikāyujjotaka Samiti), trở thành Bậc cao quý thông thạo Tam Tạng. Ngài đã 8 năm liên tục dự thi và người đầu tiên đạt bằng Tam Tạng thứ nhất này, Hội Thi này tổ chức từ năm 1975, trải qua 31 năm tổ chức thi, mới có được 1 vị thi đỗ Tam Tạng.

Xin được giải thích thêm về cuộc thi Tam Tạng này, Tại Myanmar có một chương trình Phật học tên là Nikāya do hội Nikāyujjotaka thành lập và tổ chức thi hàng năm. Cũng học và thi những bộ sách như chương trình thi Tam Tạng Tipiṭaka do chính phủ tổ chức mà chúng ta thường biết đến, nhưng chương trình Phật học này chỉ thi viết chứ không thi đọc tụng thuộc lòng, và chỉ thi về Tam Tạng chứ không có Chú giải, và Phụ chú giải. Đó là lý do sử dụng từ “Bậc thông thạo Tam Tạng” thay chữ “thông thuộc Tam Tạng”. Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Abhijātābhivaṁsa Sayadaw đã thi đỗ tất cả các môn của chương trình Phật học này, nên được Hội Phật học Nikāyujjotaka kính dâng danh hiệu Tipiṭakadhara. Trong khi đó các Ngài Tam Tạng khác do không tham gia thi hoặc không thi hết toàn bộ các môn của chương trình Phật học này nên không có danh hiệu Tipiṭakadhara của hội Nikāyujjotaka.

Cac Ngai Tam Tang 1

– Năm 2010, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 62, Ngài hoàn tất phần thi viết 2 bộ sau cùng của Tạng Abhidhamma và đạt danh hiệu Tipiṭakakovida – Bậc thấu suốt Tam Tạng. Ngài vừa thuộc lòng Tam Tạng, vừa thông hiểu thấu suốt tất cả những gì liên quan đến pháp học Tam Tạng, nên Ngài đạt được danh bằng Tipiṭakadhara – Tipiṭakakovida (Bậc Thông thuộc Tam Tạng – Bậc Thấu suốt Tam Tạng)

Chính phủ và Bộ Tôn Giáo Myanmar đã dâng tặng Ngài danh hiệu cao quý “Bậc Thủ Trì Tam Tạng”, cờ, lọng và khuôn dấu với biểu tượng 3 cây lọng trắng cán vàng tượng trưng cho Tam Tạng Kinh Điển của Đức Thế Tôn. Ngoài ra, Chính phủ cũng dâng đến Ngài cùng 2 người theo hộ độ Ngài các loại vé thượng hạng của tàu hoả, tàu thuỷ, xe, máy bay và tứ vật dụng hàng tháng. Bên cạnh đó, chính phủ Myanmar còn hộ độ cúng dường các thứ vật dụng đến Ngài cùng chư tỳ khưu theo học Tam tạng nơi ngôi chùa nào mà Ngài thường trú.

– Sau đó không lâu, Chính phủ đã dâng lên Ngài Danh hiệu Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika (Bậc Thông thuộc Tam Tạng, Bậc giữ gìn kho tàng pháp bảo của Đức Phật Gotama) Đây cũng là danh hiệu tột cùng trong Pháp học Phật giáo (Pariyattisāsana).

IMG 7082
HOẰNG PHÁP LỢI THA

Trong quá trình học thi các chương trình Phật học khác nhau, do chính phủ cũng như các hội Phật học tổ chức, Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Abhijātābhivaṁsa Sayadaw vẫn dành thời gian giúp Học viện Mahāsubodhārāma duy trì và phát triển tốt, đồng thời dạy Phật Pháp cho các Tỳ khưu và Sadi trong Học viện.

Sau khi hoàn tất chương trình Tam Tạng do chính phủ tổ chức, trở thành Bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng, Ngài đã thay Thầy mình là Ngài Nandāmālābhivaṃsa lãnh đạo mọi hoạt động hoằng Pháp của Học viện Mahāsubodhārāma và trở thành giảng viên chính của các chương trình Phật học nâng cao trong Học viện. Hiện tại, ngoài việc giảng dạy và trao truyền kiến thức Phật học uyên bác của mình cho các thế hệ Tỳ khưu và Sadi, Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Abhijātābhivaṁsa Sayadaw còn đi hoằng Pháp nhiều nơi trên thế giới để làm lan tỏa ánh sáng trí tuệ và hòa bình mà Đức Phật đã làm cách đây hơn 2600 năm.

Ngai Tam Tang tại HN

GHI NHẬN CÔNG HẠNH CỦA NGÀI

Thật ra, những điều mà chúng ta biết về Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Abhijātābhivaṁsa Sayadaw thì rất ít so với những điều mà chúng ta chưa được biết về Ngài. Tóm lược tiểu sử Ngài chỉ là một phần rất nhỏ trong muôn ngàn sự nghiệp lớn lao của Ngài mà thôi.

Dù chỉ một phần nhỏ như vậy cũng làm cho chúng ta vô cùng kính phục, vô cùng tôn kính cuộc đời và sự nghiệp của Ngài đã đóng góp vào sự bảo tồn, duy trì giáo pháp của Đức Phật. Do đó, Chính phủ Myanmar thành kính dâng lên Ngài danh hiệu cao thượng là: “Tipiṭakadhara Tipiṭakakovida Dhammabhaṇḍāgārika” (Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng, Bậc Giữ Gìn Kho Tàng Pháp Bảo), thật xứng đáng với công hạnh của Ngài.

Thật diễm phúc cho những ai được diện kiến, đảnh lễ, cúng dường, hộ độ, nghe pháp, hành thiền và thân cận với một Bậc Đa văn xuất chúng như vậy.

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Abhijātābhivaṁsa Sayadaw

Sādhu, Sādhu, Sādhu Lành thay!

Ngai Tam Tang tại HN 5

 

Nguồn Sư Thiện Đức & trang Chương trình cung nghinh các Ngài Tam Tạng Myanmar thăm Việt Nam

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.