Kinh Nghiệm Thiền Quán – Nghiệp Quả: Nghiệp Báo Và Vô Ngã
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Nghiệp quả: Nghiệp báo và vô ngã
Một trong những tuệ giác lớn kết chặt với nhau trong Phật pháp là sự nối liền luật nhân quả với lý vô ngã. Trên bề mặt thì dường như chúng có nhiều mâu thuẫn. Nếu không có một cái ngã thì ai là người đang có mặt trong cuộc sống này, ai tái sinh đời này sang đời khác, ai là người gánh chịu những nghiệp quả? Mặc dù luật nhân quả và chân lý về cái không dường như mâu thuẫn nhau, nhưng khi nhìn sâu hơn bạn sẽ thấy được rằng, hai khía cạnh này của Phật pháp thật ra chỉ là những phần khác nhau của một cái duy nhất.
Nghiệp quả là một định luật luân lý về nhân quả. Nó có nghĩa là những hành động phát sinh do những tâm hành khác nhau trong ta sẽ đem lại những hậu quả khác biệt. Cũng giống như khi ta gieo trồng những hạt giống trên mặt đất vậy. Nếu bạn gieo hạt táo, bạn chắc chắn sẽ được cây táo chứ không được cây xoài. Và chừng nào gieo xuống hạt xoài, bạn sẽ được cây xoài. Chắc chắn là như vậy.
Mặc dù mỗi hạt giống sẽ mang lại một kết quả đặc biệt, nhưng hạt giống tự nó không phải là kết quả ấy. Hạt giống tự nó không thể nào sinh ra quả được. Thật ra, nó phải có một tiến trình chuyển hóa và xảy ra theo đúng định luật. Hạt giống đâm ra mầm non, mầm non sẽ mọc thành cây, cây nở hoa sinh trái, và rồi từ trái sinh thêm nhiều hạt giống mới khác. Cái hạt giống đầu tiên ấy đâu phải được thể nhập vào thân cây bằng một phép thần thông nào đó, rồi lại biến ra thành trăm ngàn hạt nhỏ nằm trong những trái cây. Hạt giống ấy phải trải qua một quá trình chuyển hóa tùy thuộc vào những điều kiện đặc biệt như là mưa, nắng, thời tiết và phân bón…
Trong quá trình này, không một yếu tố nào có thể giữ được sự thuần nhất của nó mãi. Một vật này sẽ chuyển thành một vật khác, rồi lại một vật khác nữa, liên tục. Tiến trình khai triển ấy, từ hạt giống đến quả trái, rồi lại trở về hạt giống, là một sự trở thành không ngừng nghỉ, một sự đổi thay bất tận. Sự thật thì những biến đổi này xảy ra quá nhanh, và quá liên tục, nên khi ta cô lập bất cứ một giây phút nào lại và gọi đó là một vật có thật, là ta đã vô tình đông cứng và trói buộc một thực tại có tính cách linh động và chuyển hóa.
Cũng vậy, tất cả mọi yếu tố của thân và tâm ta cũng đang sinh lên và diệt đi, thay đổi liên tục, chuyển hóa y hệt như thế. Vì vậy, vô ngã có nghĩa là không có một thực thể thường hằng bất biến nào di chuyển từ đời này sang đời khác, hoặc từ giây phút này sang đến giây phút kế.
Cái mà ta gọi là ngã thật ra chính là cái tiến trình thay đổi này. Trong tiến trình này, mỗi hành động có tác ý là một hạt giống, và loại hạt giống nào thì còn tùy thuộc vào phẩm tính của tâm thức kết hợp với tác ý ấy. Những hành động này sẽ mang lại kết quả, cũng giống như những hạt giống sinh ra quả trái. Không có một “người” nào, không có một cái ngã nào ở phía sau những sự kiện biến đổi này. Đức Phật diễn tả chúng ta như là “những hành động không có người hành động, những việc làm không có người làm.” Thế cho nên, ta có thể hiểu được sự khai mở của cuộc sống như là một tiến trình thay đổi có định luật, không thuộc về riêng ai: đó là một tiến trình trở thành liên tục.
Thế việc gì sẽ xảy đến với ta vào lúc chết? Theo Vi diệu pháp (Abhidharama), một bộ luận về phân thân tâm học của Phật giáo, thì tâm thức của cái chết sẽ là tâm thức sau cùng trong cuộc đời này. Phẩm chất của giây phút cuối cùng ấy sẽ làm điều kiện cho sự phát khởi của tâm thức tái sinh, tức tâm thức đầu tiên của một đời sống mới. Không có một vật gì, một cái ngã nào được mang từ sự sống này sang đến sự sống kế. Cũng như mỗi giây phút trong cuộc đời này, bao giờ cũng làm điều kiện cho giây phút kế tiếp, tâm thức ta trong lúc chết sẽ làm điều kiện cho giây phút của sự tái sinh kế tiếp.
Đôi khi người ta lại nghĩ rằng, vì tự tính của mọi tiến trình là vô ngã nên ta sẽ không phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Nhưng đó là một kết luật hết sức sai lầm. Chính vì luật nhân quả là một năng lực mãnh liệt chi phối sự sống, mà ta lúc nào cũng cần phải thật cẩn trọng trong những việc mình làm. Chúng sẽ mang lại cho ta hạnh phúc hoặc khổ đau. Vị thánh tăng Padmasambhava (Liên Hoa Sinh), người đã mang Phật giáo từ Ấn Độ vào Tây Tạng, nói rằng, mặc dù quan điểm của ông mênh mông như bầu trời, nhưng sự chú tâm của ông về luật nhân quả tinh vi như một hạt bột lúa đại mạch. Thế nên, mặc dù chúng ta ý thức được tính vô ngã trong tiến trình của sự sống, nhưng lúc nào ta cũng phải hết sức thận trọng trong từng hành động.