Phân Tích Đạo I – Paṭisambhidāmaggo Vi – Giảng Về Quyền: Bài Kinh Thứ Nhất

IV. GIẢNG VỀ QUYỀN

1. Bài Kinh thứ nhất

Tôi đã được nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại tu viện của ông Anāthapiṇḍika, trong khu rừng (của thái tử) Jeta, ở thành  Sāvatthi. Chính ở tại nơi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu.” “Thưa ngài,” các vị tỳ khưu ấy đã đáp lại đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nói điều này:

– Này các tỳ khưu, đây là năm quyền. Những gì là năm? Tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền. Này các tỳ khưu, đây là năm quyền.

Năm quyền này được thanh tịnh theo bao nhiêu cách? Năm quyền này được thanh tịnh theo 15 cách: Đối với vị đang xa lánh các kẻ không có đức tin, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người có đức tin, đang quán xét lại các bài kinh khơi dậy đức tin; tín quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.

Đối với vị đang xa lánh các kẻ biếng nhác, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người có sự ra sức tinh tấn, đang quán xét lại các sự nỗ lực đúng đắn; tấn quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.

Đối với vị đang xa lánh các kẻ có niệm bị quên lãng, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người có niệm được thiết lập, đang quán xét lại các sự thiết lập niệm; niệm quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.

Đối với vị đang xa lánh các kẻ không định tĩnh, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người định tĩnh, đang quán xét lại các định và giải thoát; định quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.

Đối với vị đang xa lánh các kẻ có tuệ kém, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người có tuệ, đang quán xét lại hành vi của trí thâm sâu; tuệ quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.

Như thế, đối với vị đang xa lánh năm hạng người này, đối với vị đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi năm hạng người (kia), đối với vị đang quán xét lại các bài kinh khơi dậy đức tin, các quyền này được thanh tịnh theo 15 cách này.

Năm quyền được phát triển bằng bao nhiêu cách? Bằng bao nhiêu cách có được sự phát triển của năm quyền?[1] Năm quyền được phát triển bằng mười cách, bằng mười cách có được sự phát triển của năm quyền.

Trong khi dứt bỏ sự không có đức tin là phát triển tín quyền, trong khi phát triển tín quyền là dứt bỏ sự không có đức tin; trong khi dứt bỏ sự biếng nhác là phát triển tấn quyền, trong khi phát triển tấn quyền là dứt bỏ sự biếng nhác; trong khi dứt bỏ sự buông lung là phát triển niệm quyền, trong khi phát triển niệm quyền là dứt bỏ sự buông lung; trong khi dứt bỏ sự phóng dật là phát triển định quyền, trong khi phát triển định quyền là dứt bỏ sự phóng dật; trong khi dứt bỏ vô minh là phát triển tuệ quyền, trong khi phát triển tuệ quyền là dứt bỏ vô minh.

Năm quyền được phát triển bằng mười cách này, bằng mười cách này có được sự phát triển của năm quyền.

Năm quyền (là) được phát triển,[2] (là) được phát triển tốt đẹp bằng bao nhiêu cách? Năm quyền (là) được phát triển, (là) được phát triển tốt đẹp bằng mười cách.

Do trạng thái dứt bỏ, do trạng thái dứt bỏ tốt đẹp của sự không có đức tin, tín quyền được phát triển được phát triển tốt đẹp; do trạng thái đã được phát triển, do trạng thái đã được phát triển tốt đẹp của tín quyền, có sự từ bỏ, có sự từ bỏ tốt đẹp của sự không có đức tin. Do trạng thái dứt bỏ … của sự biếng nhác, tấn quyền được phát triển …; do trạng thái đã được phát triển … của tấn quyền, có sự từ bỏ … của sự biếng nhác. Do trạng thái dứt bỏ … của sự buông lung, niệm quyền được phát triển …; do trạng thái đã được phát triển … của niệm quyền, có sự từ bỏ … của sự buông lung. Do trạng thái dứt bỏ … của phóng dật, định quyền được phát triển …; do trạng thái đã được phát triển… của định quyền, có sự từ bỏ … của phóng dật. Do trạng thái dứt bỏ, do trạng thái dứt bỏ tốt đẹp của vô minh, tuệ quyền được phát triển được phát triển tốt đẹp; do trạng thái đã được phát triển, do trạng thái đã được phát triển tốt đẹp của tuệ quyền, có sự từ bỏ, có sự từ bỏ tốt đẹp của vô minh.

Năm quyền (là) được phát triển, (là) được phát triển tốt đẹp bằng mười cách này.

Năm quyền được phát triển bằng bao nhiêu cách? Năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp bằng bao nhiêu cách? Năm quyền được phát triển bằng bốn cách; năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp bằng bốn cách.

Ở sát-na Đạo Nhập Lưu, năm quyền được phát triển; ở sát-na Quả Nhập Lưu, năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp. Ở sát-na Đạo Nhất Lai, … ở sát-na Quả Nhất Lai, … Ở sát-na Đạo Bất Lai, … ở sát-na Quả Bất Lai, … Ở sát-na Đạo A-la-hán, năm quyền được phát triển; ở sát-na Quả A-la-hán, năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp.

Như thế, có bốn sự thanh tịnh của Đạo, có bốn sự thanh tịnh của Quả, có bốn sự thanh tịnh của đoạn trừ, có bốn sự thanh tịnh của tịnh lặng. Bằng bốn cách này, năm quyền được phát triển; bằng bốn cách này, năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp.

Có sự phát triển quyền ở bao nhiêu hạng người? Bao nhiêu hạng người có quyền được phát triển? Có sự phát triển quyền ở tám hạng người, ba hạng người có quyền được phát triển.

Có sự phát triển quyền ở tám hạng người nào? Ở bảy hạng Hữu Học và phàm nhân hoàn thiện; có sự phát triển quyền ở tám hạng người này. Ba hạng người nào có quyền được phát triển? Vị Phật Thinh Văn, đệ tử của đức Như Lai, là bậc Lậu Tận có quyền được phát triển; đức Phật Độc Giác với ý nghĩa tự mình chứng ngộ có quyền được phát triển; đức Như Lai với ý nghĩa vô lượng, là bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác có quyền được phát triển; ba hạng người này có quyền được phát triển.

Như thế, có sự phát triển quyền ở tám hạng người này; ba hạng người này có quyền được phát triển.

Phần giải thích về bài Kinh thứ nhất.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo I“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.