Tiểu Bộ – Chuyện Ngạ Quỷ – 4. Đại Phẩm

TẠNG KINH – TIỂU BỘ

CHUYỆN NGẠ QUỶ 

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri! 

 

4. ĐẠI PHẨM

  1. Chuyện ngạ quỷ của Ambasakkhara  
  2. Chuyện ngạ quỷ Serissaka
  3. Chuyện ngạ quỷ Nandaka
  4. Chuyện ngạ quỷ Revatī   
  5. Chuyện ngạ quỷ Mía 
  6. Chuyện ngạ quỷ hai người thanh niên
  7. Chuyện ngạ quỷ con trai của đức vua 
  8. Chuyện ngạ quỷ ăn phân 
  9. Chuyện nữ ngạ quỷ ăn phân   
  10. Chuyện ngạ quỷ nhóm
  11. Chuyện ngạ quỷ ở Pāṭaliputta
  12. Chuyện ngạ quỷ ở hồ sen
  13. Chuyện ngạ quỷ ở cây xoài    
  14. Chuyện ngạ quỷ gom góp của cải 
  15. Chuyện ngạ quỷ các con trai nhà triệu phú
  16. Chuyện ngạ quỷ với sáu mươi ngàn quả búa tạ  

4. 1

  1. Xứ Vajjī có thành phố tên là Vesālī. (Đức vua) Ambasakkhara dòng dõi Licchavi đã ngụ tại nơi ấy. Sau khi nhìn thấy ngạ quỷ ở bên ngoài thành phố, đức vua Ambasakkhara, là người muốn biết lý do, ngay tại nơi ấy đã hỏi ngạ quỷ ấy rằng:[9]
  1. “Không có giường nằm ghế ngồi dành cho gã này, không có việc đi tới hay đi lui, việc được ăn, được uống, được nhai, vải vóc, của cải, người hầu gái, (các) điều ấy cũng không có cho gã này.
  1. Những người nào là bà con, thân hữu đã nhìn thấy, đã nghe, đã là những người có lòng thương tưởng đến gã ấy trước đây, những người ấy giờ đây cũng không thể nhìn thấy gã ấy, bởi vì tình trạng đã bị cách ly với họ.
  1. Người có tình trạng sa sút không có bạn bè; bạn bè từ bỏ sau khi biết được sự thiếu thốn (của người ấy). Và họ vây quanh sau khi nhìn thấy sự lợi ích; người có tình trạng khá giả có nhiều bạn bè.
  1. Với tình trạng bị tiêu hoại tất cả các của cải, bị khốn khổ, bị lấm lem, có thân thể hoàn toàn bị gãy đổ, tựa như giọt sương đang đeo bám (vào chiếc lá), sự chấm dứt mạng sống là trong nay mai.
  1. Này Dạ-xoa, vậy với tư cách gì mà ngươi nói với kẻ đã đi đến sự khốn khổ tột cùng như thế này, đã bị cắm lên ở cọc nhọn bằng gỗ nimba rằng: ‘Này cháu yêu, cháu hãy sống. Sống đương nhiên là tốt hơn’?”
  1. “Này đức vua, gã ấy đã có cùng huyết thống với tôi; tôi nhớ lại vào kiếp sống trước đây. Và sau khi nhìn thấy, tôi đã có lòng thương xót rằng: ‘Mong sao kẻ có tính chất xấu xa này chớ rơi vào địa ngục.’
  1. Này vị Licchavi, người nam ấy, kẻ gây nên hành động đã được thực hiện một cách xấu xa, bị chết từ nơi này, (sẽ) bị sanh vào địa ngục đầy dẫy chúng sanh, có hình thức ghê rợn, có sức nóng khủng khiếp, dữ dội, tạo ra sự sợ hãi.
  1. Chính cái cọc nhọn này còn tốt hơn địa ngục ấy nhiều lần về tính chất, ‘Mong sao kẻ này chớ rơi vào địa ngục có sự khổ đau cùng tột, dữ dội, gây nên nỗi sợ hãi, có sự tàn nhẫn cùng tột.’
  1. Và sau khi nghe lời nói này của tôi, kẻ ấy có thể bị đưa đến khổ đau mà lìa bỏ sanh mạng; vì thế tôi không nói (lời nói này) trước mặt (kẻ ấy), chớ để sự chấm dứt mạng sống (của kẻ này) là do tôi gây nên.”
  1. “Sự việc ấy của người đàn ông đã được biết, tuy nhiên chúng tôi muốn hỏi ngươi việc khác. Nếu ngươi tạo cho chúng tôi cơ hội, trẫm sẽ hỏi điều ấy, và không nên nổi sân với chúng tôi.”
  1. “Đương nhiên, vào lúc ấy tôi đã có lời thỏa thuận. Không có việc chỉ bày cho người không được vừa lòng. Xin bệ hạ hãy xem tôi là người có lời nói đáng tin dầu là nghịch ý. Bệ hạ hãy hỏi tôi điều bệ hạ muốn, (tôi sẽ trả lời) tùy theo khả năng.”
  1. “Bất cứ việc gì trẫm sẽ nhìn thấy tận mắt, trẫm có thể tin tưởng tất cả điều ấy. Nhưng nếu sau khi nhìn thấy điều ấy mà trẫm vẫn không thể tin tưởng, này Dạ-xoa, ngươi có thể thực hiện việc quở trách đối với trẫm.”
  1. “Mong rằng sự thỏa thuận ấy của bệ hạ đối với tôi là chân thật. Là người có mục đích tìm hiểu và không có tâm địa xấu xa, xin bệ hạ hãy lắng nghe và tiếp nhận sự việc với niềm tin. Sự việc nào mà bệ hạ đã được nghe và thậm chí còn chưa được nghe, tôi sẽ chỉ bày tất cả theo như sự nhận biết.”
  1. “Bằng con ngựa màu trắng đã được trang điểm, ngươi đi đến trước mặt kẻ bị cắm vào cọc nhọn. Phương tiện di chuyển này là tuyệt vời, duyên dáng; quả thành tựu này là của nghiệp nào?”
  1. “Tại Vesālī, ở giữa thành phố ấy, nơi con đường lầy lội đã có một hố trũng. Với tâm tận tình, tôi đã cầm lấy một cái xương đầu bò màu trắng đặt xuống hố trũng.
  1. Sau khi đã đặt các bàn chân ở nơi ấy, chúng tôi và những người khác đã vượt qua. Phương tiện di chuyển này là tuyệt vời, duyên dáng; quả thành tựu này là của chính nghiệp ấy.”
  1. “Màu da của ngươi chiếu sáng khắp các phương, và mùi hương của ngươi tỏa ra khắp các phương. Ngươi đã đạt được thần thông của Dạ-xoa, có đại oai lực, và ngươi bị lõa lồ; quả thành tựu này là của việc gì?”
  1. “Không có giận dữ, và luôn luôn có tâm tận tình, tôi chuyện trò với mọi người bằng những lời nói mềm mỏng; quả thành tựu này là của chính nghiệp ấy: màu da thuộc về cõi Trời của tôi thường xuyên chiếu sáng.
  1. Với tâm tận tình, tôi nhìn nhận, tán dương danh vọng và tiếng tốt của những người đã đứng vững trong Giáo Pháp; quả thành tựu này là của chính nghiệp ấy: mùi hương thuộc về cõi Trời của tôi thường xuyên tỏa ra.
  1. Là người có mục đích đùa giỡn và không có tâm địa xấu xa, tôi đã lấy y phục của những người bạn đang tắm ở bến tắm và giấu ở nơi khô ráo; vì điều ấy tôi bị lõa lồ và sự sinh hoạt bị khốn khó.”
  1. “Người nào thực hiện việc xấu xa trong khi vui đùa, người ta nói rằng quả thành tựu của nghiệp ấy là như thế này. Trái lại, người nào làm trong lúc không phải vui đùa, thì người ta nói gì về quả thành tựu của nghiệp ấy?”
  1. “Những người nào có sự suy nghĩ và tâm ý xấu xa, bị ô nhiễm do thân và do khẩu, do sự tan rã của thân xác, vào kiếp sống kế tiếp những người ấy chắc chắn (sẽ) đi đến địa ngục.
  1. Trái lại, những người khác mong mỏi cảnh giới an vui, ưa thích việc bố thí, có bản tính nhân hậu, do sự tan rã của thân xác, vào kiếp sống kế tiếp những người ấy chắc chắn (sẽ) đi đến chốn an vui.”
  1. “Làm thế nào trẫm có thể biết chắc chắn về điều ấy rằng quả thành tựu này là của việc tốt và việc xấu? Hoặc là, sau khi nhìn thấy trẫm có thể tin được không? Hoặc nữa, người nào có thể khiến cho trẫm tin được điều ấy?”
  1. “Sau khi nhìn thấy hoặc sau khi lắng nghe, bệ hạ hãy tin tưởng rằng quả thành tựu này là của việc tốt và việc xấu. Khi cả hai tốt và xấu không hiện hữu, có thể nào chúng sanh lại đi đến nhàn cảnh hay đọa vào khổ cảnh?
  1. Ở đây, nếu loài người không làm các nghiệp tốt và xấu ở thế giới nhân loại, chúng sanh đã không đi đến nhàn cảnh hay đọa vào khổ cảnh, và đã không trở nên thấp hèn hay cao sang ở thế giới nhân loại.
  1. Và bởi vì loài người làm các nghiệp tốt và xấu ở thế giới nhân loại, chính vì thế chúng sanh đi đến nhàn cảnh hay đọa vào khổ cảnh, và trở nên thấp hèn hay cao sang ở thế giới nhân loại.
  1. Hôm nay, người ta nói quả thành tựu của các nghiệp có hai loại: cảm thọ của lạc và của khổ. Các vị Thiên nhân ấy nhàn hạ, những kẻ ngu không nhìn thấy tính chất đi đôi (nghiệp và quả của nghiệp) bị nung nấu (khổ đau).
  1. Tôi không có các nghiệp (thiện) đã được tự mình làm, thậm chí sau khi bố thí y phục, giường nằm, rồi cơm ăn nước uống cũng không có người chỉ định (việc ấy là) dành cho tôi; vì điều ấy tôi bị lõa lồ và sự sinh hoạt bị khốn khó.”
  1. “Này Dạ-xoa, có thể có cách thức nào nhờ đó ngươi có thể đạt được y phục? Nếu có nguyên do thì ngươi hãy nói điều ấy cho trẫm, chúng tôi sẽ lắng nghe lời nói về nguyên do đã được tin cậy.”
  1. “Ở nơi đây, có vị tỳ khưu tên Kappinaka, có thiền chứng, có thiện giới, là vị A-la-hán, đã được giải thoát, có giác quan đã được canh phòng, có giới bổn Pātimokkha đã được thu thúc, có trạng thái mát mẻ, đã đạt được chánh kiến tối thượng.
  1. Vị ấy nhã nhặn, biết lắng nghe, dễ tính, có khuôn mặt nhân hậu, có sự truyền thừa tốt đẹp, và có lời nói khôn khẻo, là thửa ruộng phước, có sự an trú tâm bình lặng, xứng đáng được cúng dường bởi chư Thiên và nhân loại.
  1. An tịnh, không tầm cầu sai trái, không khổ nhọc, không luyến ái, đã được giải thoát, không còn mũi tên (tham ái), không chấp ngã, không khúc mắc, không còn mầm mống tái sanh, đã cạn kiệt tất cả chướng ngại, đã đạt đến ba Minh, có sự sáng suốt.
  1. Do ít được biết đến, thậm chí sau khi nhìn thấy cũng không dễ biết được, ở xứ Vajji người ta gọi vị ấy là ‘bậc hiền trí,’ các hàng Dạ-xoa biết vị ấy là không còn dục vọng, có bản chất tốt đẹp, đang du hành ở thế gian.
  1. Nếu quý ngài có thể dâng cúng đến vị ấy một hoặc hai xấp vải đôi rồi chỉ định là dành cho tôi, và nếu chúng có thể được thọ nhận thì quý ngài sẽ nhìn thấy tôi có y phục đã được mặc vào.”
  1. “Vị Sa-môn đang ngụ ở khu vực nào? Chúng tôi có thể đi đến và gặp vị ấy bây giờ. Hôm nay, người nào đây có thể xua đi sự nghi ngờ, sự phân vân, và các luận điểm trườn uốn của tà kiến cho trẫm?”
  1. “Vị ấy đã ngồi xuống ở Kapinaccanā,[10] được vây quanh bởi nhiều Thiên nhân; vị có tên gọi chân thật đang thuyết bài giảng về Giáo Pháp, là vị không xao lãng trong lời giáo huấn của bậc dòng Sakya.”
  1. “Giờ đây, trẫm sẽ đi và sẽ làm như thế. Trẫm sẽ choàng lên vị Sa-môn với xấp vải đôi, chúng sẽ được thọ nhận, và chúng tôi có thể nhìn thấy ngươi có y phục đã được mặc vào.”
  1. “Chớ đi đến gần vị xuất gia không đúng thời điểm. Này vị Licchavi, tốt lắm, điều ấy không phải là thói quen của bệ hạ. Và sau đó, vào lúc đúng thời, bệ hạ hãy đi đến và nhìn thấy, ngay tại nơi ấy, vị ngồi, cô độc.”
  1. Sau khi nói rằng: “Hãy là như vậy,” vị Licchavi, được tháp tùng bởi đám nô lệ, đã đi đến nơi ấy. Sau khi đi đến thành phố ấy, đức vua đã đi đến chỗ ở, nơi trú ngụ của mình.
  1. Và sau đó, vào buổi sáng, sau khi đã làm các phận sự của người tại gia, đức vua đã tắm và uống nước. Sau khi đạt được thời điểm, vị Licchavi đã chọn lựa tám xấp vải đôi từ trong rương rồi bảo đám nô lệ cầm lấy.
  1. Sau khi đi đến khu vực ấy, đức vua đã nhìn thấy vị Sa-môn có tâm an tịnh ấy, đang trở về từ nơi khất thực, đã về đến nơi, đã ngồi xuống ở gốc cây, có trạng thái mát mẻ.
  1. Sau khi đi đến gần, đức vua đã nói điều ấy với vị ấy, đã hỏi về trạng thái thiểu bệnh và sự an trú thoải mái rằng: “Thưa ngài đại đức, trẫm thuộc dòng dõi Licchavi ở Vesālī, người ta biết trẫm là Ambasakkhara dòng dõi Licchavi.
  1. Thưa ngài, xin ngài hãy thọ nhận tám xấp vải đôi xinh đẹp này của trẫm; trẫm xin dâng đến ngài. Chính vì mục đích ấy mà trẫm đã đi đến nơi đây, như thế trẫm có thể được hoan hỷ.”
  1. “Các vị Sa-môn và Bà-la-môn tránh né nơi trú ngụ của bệ hạ từ đàng xa. Và ở nơi trú ngụ của bệ hạ, các bình bát bị đập vỡ và các y hai lớp cũng bị xé rách.
  1. Rồi những kẻ khác làm cho các vị Sa-môn té ngã dập đầu bởi những bàn chân như lưỡi búa. Các vị xuất gia, các vị Sa-môn gánh lấy sự hãm hại như thế ấy đã do bệ hạ làm.
  1. Bệ hạ không bố thí thậm chí dầu đốt đèn cùng với cọng cỏ, cũng không chỉ đường cho người lạc lối, bệ hạ đích thân giật lấy cây gậy của người mù, người như thế ấy là keo kiệt, không thu thúc. Giờ vì lý do gì, sau khi nhìn thấy chính điều gì mà bệ hạ lại thực hiện việc san sẻ với chúng tôi?”
  1. “Thưa ngài, trẫm hiểu được điều ngài nói; trẫm đã hãm hại các vị Sa-môn và Bà-la-môn. Là người có mục đích đùa giỡn và không có tâm địa xấu xa, thưa ngài, điều này cũng chính là việc đã làm sai trái của trẫm.
  1. Sau khi gây nên việc xấu xa do đùa giỡn, gã Dạ-xoa cảm nhận khổ đau, có sự thọ hưởng không được đầy đủ. Là người trẻ tuổi, thanh niên, có số phần của tình trạng lõa lồ, còn có khổ đau nào hơn thế cho gã ấy?
  1. Thưa ngài, sau khi nhìn thấy điều ấy trẫm đã có sự chấn động. Do duyên ấy, trẫm dâng cúng vật thí này. Thưa ngài, xin ngài hãy thọ nhận tám xấp vải đôi; mong sao các vật cúng dường này đến với Dạ-xoa.”
  1. “Bởi vì sự bố thí đương nhiên được ca tụng theo nhiều cách, mong sao là pháp không lui sụt đối với bệ hạ trong khi bố thí. Ta thọ nhận tám xấp vải đôi của bệ hạ; mong sao các vật cúng dường này đến với Dạ-xoa.”
  1. Và sau đó, vị Licchavi đã rưới nước (ở bàn tay) rồi đã dâng cúng tám xấp vải đôi đến vị trưởng lão (nói rằng): “Cầu mong các vật này được thọ nhận!” (Và vị trưởng lão đã bảo rằng) “Quý vị hãy nhìn xem gã Dạ-xoa có y phục đã được mặc vào.”
  1. Đức vua đã nhìn thấy Dạ-xoa ấy, đã được thoa tinh chất của trầm hương, đã cỡi lên con ngựa thuần chủng, có màu da quý phái, đã được trang điểm, có y phục được mặc vào khéo léo, được (tùy tùng) vây quanh, đã đạt đến đại thần lực của Dạ-xoa.
  1. Sau khi nhìn thấy Dạ-xoa ấy, đức vua được hoan hỷ, phấn khởi, có tâm tư phấn chấn, có dáng vẻ rạng rỡ sau khi đã nhìn thấy nghiệp và quả thành tựu lớn lao được thấy rõ ràng, sau khi đã chứng thực bằng mắt.
  1. Sau khi đi đến gần, đức vua đã nói điều ấy với Dạ-xoa ấy rằng: “Trẫm sẽ dâng cúng vật thí đến các Sa-môn và Bà-la-môn. Và thậm chí đối với trẫm không có vật gì là không thể bố thí. Và này Dạ-xoa, ngươi có nhiều sự hỗ trợ đối với trẫm.”
  1. “Này vị Licchavi, bệ hạ đã dâng cúng các vật thí, có một phần là dành cho tôi, điều ấy không phải vô ích. Tôi đây sẽ thực hiện việc quen biết với bệ hạ, một hạng phi nhân cùng với một người nhân loại.”
  1. “Ngươi là số phận, là thân quyến, là sự nâng đỡ, và là người bạn của trẫm, rồi là vị Thiên nhân. Trẫm chắp tay lại khẩn cầu: ‘Này Dạ-xoa, trẫm muốn nhìn thấy ngươi thêm lần nữa.’”
  1. “Nếu bệ hạ không còn niềm tin, có dáng vẻ keo kiệt, có tâm bị lầm lạc, do chính điều ấy bệ hạ sẽ không đạt được việc nhìn thấy tôi nữa, và tôi sau khi nhìn thấy bệ hạ, cũng sẽ không trò chuyện.
  1. Nếu bệ hạ sẽ có sự tôn kính Giáo Pháp, ưa thích việc bố thí, có bản tính nhân hậu, là nguồn cung ứng (vật chất) đối với các Sa-môn và Bà-la-môn, như vậy bệ hạ sẽ đạt được việc nhìn thấy tôi.
  1. Và này bậc đáng kính, sau khi nhìn thấy bệ hạ, tôi sẽ trò chuyện. Và bệ hạ hãy nhanh chóng phóng thích người này khỏi cọc nhọn. Bắt đầu từ người này, chúng ta đã thực hiện việc quen biết, chúng ta hãy nghĩ là bởi lý do của người bị cắm vào cọc nhọn.
  1. Chúng ta đây đã thực hiện việc quen biết lẫn nhau. Và người bị cắm vào cọc nhọn này nên được phóng thích nhanh chóng. Trong khi thực hành các pháp một cách nghiêm chỉnh, người ấy có thể thoát khỏi địa ngục ấy.
  1. Nghiệp có thể được cảm thọ ở nơi khác. Bệ hạ hãy đi đến gặp vị Kappinaka, sau khi san sẻ (vật thực) với chính vị ấy vào lúc đúng thời, sau khi đã ngồi xuống gần bên, đối diện, bệ hạ hãy đích thân hỏi.
  1. Vị ấy sẽ chỉ bày cho bệ hạ về ý nghĩa ấy. Sau khi đi đến gần chính vị tỳ khưu ấy, (với tư cách) là người có mục đích tìm hiểu và không có tâm địa xấu xa, bệ hạ hãy hỏi. Vị ấy sẽ chỉ bày tất cả đúng theo sự nhận biết về Giáo Pháp điều mà bệ hạ đã được nghe và thậm chí còn chưa được nghe.”
  1. Tại nơi ấy, sau khi đã chuyện trò một cách kín đáo, sau khi đã thực hiện việc quen biết với hàng phi nhân, đức vua đã ra đi đến nơi có mặt các vi Licchavi, rồi đã nói với tập thể đang ngồi tụ tập rằng:
  1. “Này các khanh, hãy lắng nghe một lời nói của trẫm. Nếu trẫm có thể chọn điều ước muốn, trẫm sẽ chọn lấy điều lợi ích. Người đàn ông có hành động tàn bạo đã bị cắm ở cọc nhọn, đã bị áp dụng hành phạt, có vóc dáng của kẻ thuần phục.
  1. Cho đến bây giờ là hai mươi đêm kể từ lúc bị cắm (ở cọc nhọn) gã chẳng những không sống mà cũng chẳng bị chết. Giờ đây, trẫm sẽ phóng thích gã ấy; mong rằng tập thể chấp nhận theo suy nghĩ như vậy.”
  1. “Bệ hạ hãy nhanh chóng phóng thích gã này và gã khác. Ai có thể nói bệ hạ trong khi bệ hạ làm như thế ấy. Bệ hạ nhận thức như thế nào thì bệ hạ hãy thực hiện như thế ấy; tập thể thuận theo suy nghĩ như vậy.”
  1. Sau khi đi đến khu vực ấy, đức vua đã vô cùng nhanh chóng phóng thích người bị cắm ở cọc nhọn và đã nói với gã ấy rằng: “Này anh bạn, chớ sợ hãi,” rồi đã bàn giao cho các vị y sĩ.
  1. Và sau khi đã đi đến gặp vị Kappinaka, sau khi đã san sẻ (vật thực) đồng đều với vị ấy vào lúc đúng thời, sau khi đích thân ngồi xuống gần bên đối diện, vị Licchavi là người muốn biết lý do, ngay tại nơi ấy, đã hỏi vị ấy rằng:
  1. “Người đàn ông có hành động tàn bạo đã bị cắm ở cọc nhọn, đã bị áp dụng hành phạt, có vóc dáng của kẻ thuần phục. Cho đến bây giờ là hai mươi đêm kể từ lúc gã bị cắm (ở cọc nhọn) chẳng những không sống mà cũng chẳng bị chết.
  1. Được tha bổng, gã ấy giờ đây đã đi với trẫm bởi vì lời nói của Dạ-xoa này. Thưa ngài, phải chăng có lý do nào đó khiến cho gã ấy có thể khỏi đi đến địa ngục?
  1. Thưa ngài, nếu có nguyên do xin ngài hãy chỉ bày; chúng tôi sẽ lắng nghe lời nói về nguyên do đã được tin cậy. Phải chăng không có sự triệt tiêu các nghiệp ấy? Phải chăng có tình trạng chấm dứt ở đây mà không phải cảm thọ?”
  1. “Nếu người ấy thực hành các pháp một cách nghiêm chỉnh đêm ngày không xao lãng, người ấy có thể thoát khỏi địa ngục ấy. Nghiệp có thể được cảm thọ ở nơi khác.”
  1. “Vấn đề của gã đàn ông ấy đã được thấu hiểu. Thưa ngài, giờ đây xin ngài cũng hãy thương xót đến trẫm. Thưa vị có tuệ bao la, xin ngài hãy chỉ dạy, hãy giáo huấn trẫm để cho trẫm không phải đi địa ngục.”
  1. “Ngay ngày hôm nay, với tâm tịnh tín bệ hạ hãy đi đến nương nhờ đức Phật, Giáo Pháp, và Hội Chúng. Tương tự y như thế, bệ hạ hãy thọ trì năm điều học không bị bể vỡ hay sứt mẻ.
  1. Bệ hạ hãy lập tức kiêng chừa việc giết hại mạng sống, hãy xa lánh vật chưa được cho (việc trộm cắp) ở trên đời, chớ có việc uống chất say và nói lời dối trá, và hãy vui thích (chỉ) với người vợ của mình. Hãy thọ trì việc thiện đưa đến sự an lạc, được gắn liền với tám chi phần cao quý thánh thiện này.
  1. Với tâm ý tịnh tín, bệ hạ hãy dâng cúng y phục và vật thực, vật dụng, chỗ nằm ngồi, cơm ăn, nước uống, vật thực cứng, vải vóc và chỗ trú ngụ đến các vị có bản thể chính trực.
  1. Bệ hạ cũng hãy làm toại ý các vị tỳ khưu đầy đủ giới hạnh, đã xa lìa luyến ái, có sự học rộng, với cơm ăn và nước uống; phước báu luôn luôn tăng trưởng.
  1. Và trong khi thực hành các pháp một cách nghiêm chỉnh đêm ngày không xao lãng như thế, bệ hạ đây có thể thoát khỏi địa ngục ấy; nghiệp nếu có sẽ được cảm thọ ở nơi khác.”
  1. “Ngay ngày hôm nay, với tâm tịnh tín trẫm đi đến nương nhờ đức Phật, Giáo Pháp, và Hội Chúng. Tương tự y như thế, trẫm thọ trì năm điều học không bị bể vỡ hay sứt mẻ.
  1. Trẫm lập tức kiêng chừa việc giết hại mạng sống, xa lánh vật chưa được cho (việc trộm cắp) ở trên đời, không có việc uống chất say và không nói lời dối trá, trẫm vui thích (chỉ) riêng với người vợ của mình. Trẫm thọ trì việc thiện đưa đến sự an lạc, được gắn liền với tám chi phần cao quý thánh thiện này.”

608-609. Được vui thích ở lời dạy của chư Phật, trẫm còn dâng cúng y phục và vật thực, vật dụng, chỗ nằm ngồi, cơm ăn, nước uống, vật thực cứng, vải vóc và chỗ trú ngụ đến các vị tỳ khưu đầy đủ giới hạnh, đã xa lìa luyến ái, có sự học rộng.”

  1. (Đức vua) Licchavi Ambasakkhara là như thế ấy, một vị cận sự nam khác nữa của thành Vesālī, có đức tin, nhu thuận, người làm công việc hỗ trợ, và từ đó đã hộ độ hội chúng tỳ khưu một cách nghiêm chỉnh.
  1. Còn người bị cắm ở cọc nhọn, sau khi hết bệnh, có sự chọn lựa, có sự an vui, đã đi đến việc xuất gia. Và nhờ vào vị tỳ khưu Kappinaka tối thượng, cả hai cũng đã chứng đạt các quả vị của Sa-môn.
  1. Việc thân cận với những bậc chân nhân như thế ấy, các bậc tốt lành có sự nhận thức, thì có quả báo lớn lao: Người bị cắm ở cọc nhọn đã chạm đến quả vị cao tột (A-la-hán), còn Ambasakkhara quả vị thấp nhất (Nhập Lưu).”

Chuyện Ngạ Quỷ của Ambasakkhara là thứ nhất.

4. 2

  1. Chúng ta hãy lắng nghe về sự gặp gỡ của vị Dạ-xoa và các người thương buôn đã xảy ra vào lúc ấy. Câu chuyện đã khéo được trao đổi bởi người này với người kia như thế nào, xin tất cả hãy lắng nghe câu chuyện ấy.
  1. Vị vua ấy tên là Pāyāsi, có danh tiếng, đã đi đến cộng trú với chư Thiên địa cầu. Ngay trong lúc đang vui thích ở Thiên cung của mình, vị phi nhân ấy đã nói với loài người rằng:[11]
  1. “Ở khu rừng hiểm trở, nơi không có loài người, ở sa mạc, thiếu nước, thiếu thức ăn, nơi vô cùng khó đi, ở giữa đầm cát, nhiều người bị mất trí vì nỗi sợ hãi sự hiểm trở.
  1. Ở nơi đây, không có các trái cây, và các loại cây có rễ, không có củi lửa, lấy đâu ở đây có thức ăn, ngoại trừ nhiều bụi bặm, lắm cát, các sự thiêu đốt, các sự nóng bức, và các sự khắc nghiệt?
  1. Vùng sa mạc tựa như cái chảo đã được đốt nóng, không có lợi ích, tương đương với thế giới khác (địa ngục); chỗ trú ngụ này là của những kẻ hung dữ trước đây, là vùng đất bị nguyền rủa.
  1. Còn các người, vì nguyên nhân gì, trong khi đang mong mỏi điều gì, lại vội vã tập hợp rồi đi vào chính khu vực này, do lòng tham, do sự sợ hãi, hay là đã bị lầm lẫn?”
  1. “Các chủ đoàn xe ở xứ sở Magadha và Aṅga sau khi cho chất lên hàng hoá với số lượng dồi dào, những người ấy đi đến vùng đất Sindhu và Sovīra với mục đích về tài sản, với mong mỏi về lợi nhuận.
  1. Vào ban ngày, do không chịu đựng được cơn khát và mãi quan tâm đến sự thương xót đối với các con vật kéo xe, tất cả chúng tôi di chuyển với tốc độ này và đến được con đường vào ban đêm, không đúng thời điểm.
  1. Đã khởi hành chậm trễ, đã bị lạc đường, bị rối loạn như người mù, đã bị lạc lối trong khu rừng, ở chỗ vô cùng khó đi, ở giữa biển cát, chúng tôi đây không nhận ra phương hướng, có tâm bị hoang mang.
  1. Và thưa vị Dạ-xoa, sau khi nhìn thấy việc này, việc chưa được thấy trước đây, là Thiên cung hạng nhất và ngài, trong khi đang mong mỏi về mạng sống sau này, đến lúc nhìn thấy (ngài), chúng tôi trở nên mừng rỡ, có tâm ý vui vẻ, phấn khởi.”
  1. “Vì nguyên nhân của cải, quý vị đi đến những phương trời khác biệt, đến bờ bên kia của biển cả và đầm cát này, đến con đường có sự di chuyển với gậy chống và lối đi có cắm cọc, đến những con sông, thêm nữa là những con đường hiểm trở ở các ngọn núi.
  1. Này quý vị, sau khi tiến vào lãnh thổ của những người khác, trong khi ngắm nhìn những con người thuộc nhiều quốc độ, điều nào đã được quý vị nghe, hoặc nhìn thấy, hãy cho chúng tôi nghe điều kỳ diệu ấy từ quý vị.”
  1. “Thưa Thiên tử, điều kỳ diệu hơn thế này chúng tôi không được nghe hoặc được nhìn thấy, tất cả đều vượt trội (thế giới) loài người, sau khi nhìn thấy chúng tôi được thỏa mãn về vẻ đẹp tuyệt vời.
  1. Ở không trung có những hồ sen với vô số bông hoa, với nhiều sen trắng, và những cây cối này được trổ quả thường xuyên, có những hương thơm tỏa ra cực kỳ thơm ngát.
  1. Có những cây cột bằng ngọc bích vươn cao một trăm (ratana),[12] có bề mặt trải dài làm bằng đá và san hô, có các viên ngọc mắt mèo và các viên hồng ngọc, còn những trụ cột này làm bằng ngọc như ý.
  1. Có ngàn cây cột có năng lực không sánh bằng, phía trên chúng là Thiên cung tốt đẹp này, ở bên trong có châu báu, được kết hợp với hành lang bằng vàng, và được che phủ một cách khéo léo với những tấm lợp bằng vàng.
  1. (Thiên cung) này chói sáng với vàng từ sông Jambu đã được tinh luyện. (Khu vực ấy) khéo được đánh bóng, được hiện hữu với các tòa lâu đài, các cầu thang, các sân thượng, vững chãi, dễ thương, có dáng xinh xắn, khéo được phối hợp, vô cùng cuốn hút sự nhìn ngắm, làm hài lòng.
  1. Ở bên trong (Thiên cung) châu ngọc, có nhiều thức ăn thức uống, được vây quanh bởi đoàn tiên nữ, được vang vang tiếng trống con, trống lớn, và các nhạc cụ, ngài được tôn vinh với sự ngợi ca và lễ bái.
  1. Ở tòa lâu đài nơi Thiên cung cao quý, làm thích ý, với sự đánh thức bởi các nhóm phụ nữ, ngài đây, không thể nghĩ bàn, có đủ mọi đức tính, vui sướng giống như đức vua Vessavaṇa ở Nalinī.
  1. Ngài là Thiên nhân, hay ngài là Dạ-xoa, là Chúa của chư Thiên, hay là bản thể nhân loại? Những người thương buôn, các chủ đoàn xe hỏi ngài. Xin ngài hãy nói tên (của ngài) là gì, có phải ngài là Dạ-xoa?”
  1. “Tôi chính là Dạ-xoa tên Serissaka, sống ở sa mạc, là người canh giữ đầm cát. Tôi hộ trì khu vực này, là người thực thi mệnh lệnh của đức Vua Vessavaṇa.”
  1. “(Công việc này) được nhận lãnh bởi ngài một cách ngẫu nhiên, được nảy sanh do sự phát triển, tự mình tạo ra, hay được chư Thiên giao cho? Những người thương buôn, các chủ đoàn xe hỏi ngài: Bằng cách nào mà ngài đã đạt được công việc hài lòng này?”
  1. “(Công việc này) không được nhận lãnh bởi tôi một cách ngẫu nhiên, không được nảy sanh do sự phát triển, không tự mình tạo ra, cũng không được chư Thiên giao cho. Công việc hài lòng này tôi đã đạt được nhờ vào những nghiệp không xấu xa, nhờ vào những phước thiện của chính mình.”
  1. “(Trước đây) phận sự của ngài là gì? Còn có hạnh kiểm cao đẹp gì? Quả thành tựu này là của việc gì đã khéo được thực hành? Những người thương buôn, các chủ đoàn xe hỏi ngài: Bằng cách nào mà ngài đã đạt được Thiên cung này?”
  1. “Vào lúc tôi cai quản vương quốc Kosala, Pāyāsi đã là danh hiệu của tôi. Lúc ấy tôi đã là người có quan điểm hư vô, keo kiệt, có bản tính xấu xa, và là người tuyên bố về đoạn kiến.
  1. Và rồi đã có vị Sa-môn Kumārakassapa, đa văn, có sự thuyết giảng sinh động, cao thượng. Khi ấy, vị ấy đã thực hiện việc thuyết giảng Giáo Pháp cho tôi, đã xua đuổi những sự méo mó về quan điểm cho tôi.
  1. Tôi đây, sau khi lắng nghe sự thuyết giảng Giáo Pháp của vị ấy, đã tuyên bố bản thân là người cư sĩ. Tôi đã kiêng chừa việc giết hại mạng sống, tôi đã xa lánh vật chưa được cho (việc trộm cắp) ở trên đời, không có việc uống chất say, và tôi đã không nói lời dối trá, tôi đã được vui thích (chỉ) với người vợ của mình.
  1. Việc ấy là phận sự của tôi, việc ấy còn là hạnh kiểm cao đẹp. Quả thành tựu này là của việc đã khéo được thực hành ấy. Nhờ vào những nghiệp không xấu xa, nhờ vào những phước thiện ấy đấy, mà tôi đã đạt được Thiên cung này.”
  1. “Nghe rằng những người có trí tuệ đã nói sự thật; lời nói của các bậc hiền trí là không sai khác. Người có nghiệp phước thiện đi đến bất cứ nơi nào đều vui sướng ở tại nơi ấy, là người có dục lạc theo như ước muốn.
  1. Bất cứ nơi nào có sự sầu muộn và than vãn, có sự giết chóc và sự giam cầm, có sự chướng ngại, kẻ có ác pháp đi đến nơi ấy, không khi nào được thoát khỏi cảnh giới khổ đau.”
  1. “Tập thể (chư Thiên) tựa như có vẻ bị bối rối, tựa như đã bị làm vẩn đục vào giây phút này. Thưa Thiên tử, vậy thì do điều gì mà tập thể này và ngài đã có sự thất vọng?”
  1. “Thưa quý vị, từ khu rừng sirīsa kế cận những hương thơm này thuộc cõi Trời tỏa ra thơm ngát; sau khi đã tiêu diệt bóng tối vào ban ngày và ban đêm chúng tự tỏa đến Thiên cung này.
  1. Và khi đã trải qua một trăm năm, chỉ một quả của những cây này được kết trái. Kể từ khi tôi được sanh ra ở tập thể (chư Thiên) tại nơi này thì một trăm năm nhân loại đã trôi qua.
  1. Thưa quý vị, tôi đã nhìn thấy tôi sẽ tồn tại ở Thiên cung này năm trăm năm, do sự cạn kiệt của tuổi thọ, do sự cạn kiệt của phước báu, tôi sẽ chết; chính vì nỗi sầu muộn ấy tôi bị hoảng loạn.”
  1. “Bằng cách nào mà vị ấy, thuộc thành phần như thế, sau khi đạt được Thiên cung không thể sánh bằng một cách lâu dài, lại có thể sầu muộn? Chỉ có những người nào đã được sanh lên một cách ngắn ngủi, phải chăng những người ấy, với phước báu ít ỏi, mới có thể sầu muộn?”
  1. “Việc quý vị nói lời nói yêu mến với tôi (nghĩa là) điều khuyên bảo của tôi thích hợp đối với quý vị. Thưa quý vị, quý vị đã được tôi hộ trì theo như ước muốn, vì thế quý vị hãy lên đường một cách an toàn.”
  1. “Sau khi đi đến vùng đất Sindhu và Sovīra, chúng tôi với mục đích về tài sản, với mong mỏi về lợi nhuận, có sự hào phóng đầy đủ theo như kế hoạch, sẽ làm lễ hội cao sang cho Serissa.”
  1. “Quý vị chớ có làm lễ hội cho Serissa, và tất cả sẽ trở thành hiện thực cho quý vị theo điều quý vị nói. Quý vị hãy tránh xa hẳn các nghiệp ác xấu, và hãy phát nguyện gắn bó với Giáo Pháp.
  1. Ở tập thể này, có người cận sự nam đa văn, được đầy đủ giới hạnh và phận sự, có đức tin, có sự hào phóng, và vô cùng tốt lành, có sự suy xét, tự hài lòng, có sự thận trọng.
  1. Là người không cố tình nói lời dối trá, không suy nghĩ đến việc hãm hại người khác, không gây ra sự chia rẽ, đâm thọc, và nói lời mềm mỏng, tử tế.
  1. Có sự tôn kính, có sự phục tùng, đã được huấn luyện, không độc ác, thanh tịnh về giới bậc thượng, có hạnh kiểm thánh thiện, con người ấy nuôi dưỡng mẹ và luôn cả cha đúng theo Pháp.
  1. Tôi nghĩ rằng vị ấy tầm cầu của cải vì lý do (phụng dưỡng) mẹ cha, không vì nguyên nhân của bản thân. Với sự qua đời của mẹ và cha, người ấy, với khuynh hướng xuất ly, sẽ thực hành Phạm hạnh.
  1. Là người ngay thẳng, không khúc mắc, không gian trá, không xảo quyệt, và không phát biểu theo lối viện cớ. Vị ấy, như thế ấy, là người tạo nên hành động đã được thực hiện một cách tốt đẹp, đứng vững trong Giáo Pháp, sao lại nhận lãnh sự khổ đau?
  1. Bởi lý do người ấy, tôi tự thân hiện ra; vì thế, quý vị thương buôn hãy nhận thức Giáo Pháp. Ở đây, không có người ấy, quý vị có thể trở thành tro bụi, bị rối loạn như người mù, bị lạc lối trong khu rừng; (bởi vì) đối với kẻ đang xử tệ người ấy, như thế ấy hay việc khác nữa là điều dễ dàng. Quả vậy, việc kết giao với người tốt lành là hạnh phúc.”
  1. “Người ấy tên là gì, làm nghề nghiệp gì, tên gọi là gì, hơn nữa họ của người ấy là gì? Thưa vị Dạ-xoa, chúng tôi cũng có mong muốn được gặp người ấy, vì lòng thương tưởng người ấy mà ngài đã đi đến nơi đây, bởi vì người nào mà ngài yêu quý thì lợi ích là thuộc về người ấy.”
  1. “Người nào là thợ cạo, có tên gọi là Sambhava, là người cận sự nam, có sự nuôi mạng bằng lược và dao cạo, quý vị biết người ấy, người ấy là người sai vặt của quý vị. Đúng vậy, chớ khinh chê người ấy, người ấy vô cùng tốt lành.”
  1. Thưa vị Dạ-xoa, chúng tôi biết người mà ngài nói, nhưng chúng tôi quả không biết người ấy là người như thế ấy. Thưa vị Dạ-xoa, chúng tôi cũng sẽ tôn vinh người ấy sau khi lắng nghe lời nói cao cả của ngài.”
  1. “Bất cứ người nào ở đoàn xe này, thanh niên, lão niên, luôn cả trung niên, hết thảy tất cả những người ấy hãy bước lên Thiên cung, những kẻ keo kiệt hãy nhìn xem quả báo của các việc phước thiện.”
  1. “Tại đó, sau khi đã đưa người thợ cạo ấy lên phía trước tại nơi ấy, hết thảy tất cả những người ấy (đã nói rằng): ‘Tôi trước,’ hết thảy tất cả những người ấy đã bước lên Thiên cung tựa như (Thiên cung) Masakkasāra của vị Vāsava (Chúa Trời Sakka).[13]
  1. Tại đó, hết thảy tất cả những người ấy (đã nói rằng): ‘Tôi trước’ và đã tuyên bố bản thân là người cư sĩ. Họ đã kiêng chừa việc giết hại mạng sống, họ đã xa lánh vật chưa được cho (việc trộm cắp) ở trên đời.
  1. Không có việc uống chất say, và họ đã không nói lời dối trá, họ đã được vui thích (chỉ) với người vợ của mình. Tại đó, hết thảy tất cả những người ấy (đã nói rằng): ‘Tôi trước’ và đã tuyên bố bản thân là người cư sĩ. Trong khi đang tùy hỷ với thần thông của vị Dạ-xoa đợt này đến đợt khác, đoàn xe, được cho phép, đã khởi hành.
  1. Sau khi đi đến vùng đất Sindhu và Sovīra, những người ấy với mục đích về tài sản, với mong mỏi về lợi nhuận, có sự đạt được đầy đủ theo như kế hoạch, đã trở về lại Pāṭaliputta không bị tổn hại.
  1. Những người ấy, sau khi đi về đến căn nhà của mình, có sự an toàn, được gần gũi với những người con và những người vợ, có sự vui thích, hớn hở, có tâm ý vui vẻ, trở nên mừng rỡ, đã làm lễ hội cao sang cho Serissa.
  1. Những người ấy đã cho xây dựng tòa nhà Serissakā. Sự thân cận với những người tốt lành là như thế ấy, sự thân cận với những đức tính của Giáo Pháp là có lợi ích lớn, nhờ vào sự lợi ích của một cận sự nam, hết thảy tất cả chúng sanh đã có trạng thái hạnh phúc.”

Chuyện Ngạ Quỷ Serissaka là thứ nhì.

TỤNG PHẨM THỨ BA.

4. 3

  1. Đức vua tên Piṅgalaka đã là vị chúa tể của xứ Suraṭṭha. Sau khi đi đến trợ giúp cho những người Moriya, đức vua đã trở về lại Suraṭṭha.
  1. Vào lúc giữa trưa nóng nực, đức vua đã đi đến đầm lầy và đã nhìn thấy con đường đáng yêu, lối đi bằng cát của các ngạ quỷ.
  1. Đức vua đã nói với người đánh xe rằng: “Con đường này xinh đẹp, an toàn, may mắn, tốt lành. Này xa phu, người hãy đi bằng lối này từ đây cho đến khu vực phụ cận của xứ Suraṭṭha.”
  1. Đức vua xứ Suraṭṭha cùng với đạo binh gồm bốn binh chủng đã xuất phát theo lối đi ấy. Có (một) người nam với dáng vẻ kinh hoàng đã nói với đức vua xứ Suraṭṭha điều này:
  1. “Chúng tôi đã đi vào con đường sai trái, ghê rợn, khiến nổi da gà, con đường được nhìn thấy ở phía trước và không được nhìn thấy ở phía sau.
  1. Chúng tôi đã đi vào con đường sai trái, ở gần khu vực của các nam nhân cõi Dạ-ma, có mùi phi nhân tỏa ra, có âm thanh ghê rợn được nghe.”
  1. Đức vua xứ Suraṭṭha, bị rúng động, đã nói với người đánh xe rằng: “Chúng ta đã đi vào con đường sai trái, ghê rợn, khiến nổi da gà; con đường được nhìn thấy ở phía trước và không được nhìn thấy ở phía sau.
  1. Chúng ta đã đi vào con đường sai trái, ở gần nơi của các nam nhân cõi Dạ-ma, có mùi phi nhân tỏa ra, có âm thanh ghê rợn được nghe.”
  1. Rồi đức vua đã cỡi lên lưng voi, quan sát bốn phương, và đã nhìn thấy cây đa đáng yêu, có bóng râm, giống như màu sắc của đám mây đen, tương đương với vẻ oai vệ về màu sắc của đám mây mưa.
  1. Đức vua đã nói với người đánh xe rằng: “Vật to lớn kia trông giống như màu sắc của đám mây đen, tương đương với vẻ oai vệ về màu sắc của đám mây mưa là vật gì vậy?”
  1. “Tâu đại vương, vật ấy là cây đa, có bóng râm, giống như màu sắc của đám mây đen, tương đương với vẻ oai vệ về màu sắc của đám mây mưa.”
  1. Vua xứ Suraṭṭha đã tiến theo lối đi ấy về phía vật to lớn ấy, được nhìn thấy giống như màu sắc của đám mây đen, tương đương với vẻ oai vệ về màu sắc của đám mây mưa.
  1. Sau khi leo xuống từ lưng voi, đức vua đã đi đến gần thân cây, rồi đã ngồi xuống ở gốc cây với viên quan cận thần và đoàn tùy tùng.
  1. Đức vua đã nhìn thấy bình nước đầy và các loại bánh ngọt đa dạng. Và có (một) người nam với dáng vẻ Thiên nhân, được điểm tô với tất cả đồ trang sức, đã đi đến gần đức vua xứ Suraṭṭha và đã nói điều này:
  1. “Tâu đại vương, việc đi đến của quý vị là tốt đẹp, hơn nữa đối với quý vị không phải là việc đi đến sai trái. Tâu vị thuần phục kẻ thù, xin bệ hạ hãy uống nước, hãy ăn các bánh ngọt.”
  1. Đức vua cùng viên quan cận thần và nhóm tùy tùng đã uống nước, và đã ăn các bánh ngọt. Uống xong, đức vua xứ Suraṭṭha đã nói điều này:
  1. “Phải chăng ngươi là Thiên nhân, là nhạc sĩ Thiên đình, hay là (Chúa Trời) Sakka, người đã bố thí trước đây? Trong khi không biết, chúng tôi hỏi ngươi, làm thế nào chúng tôi có thể nhận biết ngươi?”
  1. “Tôi không là Thiên nhân, không là nhạc sĩ Thiên đình, cũng không là (Chúa Trời) Sakka, người đã bố thí trước đây; tâu đại vương, tôi là ngạ quỷ đã từ xứ Suraṭṭha đi đến đây.”
  1. “Trước đây ở Suraṭṭha ngươi đã có giới hạnh gì, có sự thực hành gì? Do hạnh kiểm cao đẹp nào của ngươi mà ngươi có năng lực này?”
  1. “Tâu đại vương, tâu vị thuần phục kẻ thù, tâu vị làm quốc độ phát triển, xin bệ hạ hãy lắng nghe điều ấy; các viên quan cận thần, đoàn tùy tùng, và vị Bà-la-môn viên quan tế tự (cũng thế).
  1. Tâu bệ hạ, từ xứ Suraṭṭha, tôi đã là người đàn ông có tâm ý ác xấu, có tà kiến và có giới tồi, keo kiệt, là kẻ mắng nhiếc (các Sa-môn và Bà-la-môn).
  1. Tôi đã ngăn cản nhiều người trong khi họ đang bố thí. Tôi đã là người gây chướng ngại cho những người khác trong khi họ đang ban phát, (bằng cách nói rằng):
  1. ‘Không có quả thành tựu của việc bố thí, từ đâu có quả báo của việc thu thúc (giới)? Không có người gọi là thầy dạy học, ai sẽ huấn luyện cho kẻ không được huấn luyện?
  1. Các chúng sanh đều bằng nhau bình đẳng, do đâu lại có việc tôn kính người trưởng thượng? Không có sức mạnh hay sự tinh tấn, do đâu lại có người với sự vươn lên?
  1. Không có cái gọi là quả báo của sự bố thí, không thể xóa sạch sự thù hằn, loài người nhận lãnh điều sẽ phải nhận lãnh, được sanh lên do sự xoay vần của số phận.
  1. Không có mẹ, cha, anh em trai, không có thế giới nào khác với thế giới này, không có việc đã được bố thí, không có việc đã được hiến dâng, thậm chí việc đã khéo được quy định không được biết đến.
  1. Thậm chí ai đó có thể giết chết người, có thể chặt đầu người khác, thì cũng chẳng có người nào giết chết người nào cả, (con dao đâm vào) khe hở ở khoảng giữa của bảy nhóm (các yếu tố cấu thành cơ thể).[14]
  1. Mạng sống không thể bị cắt đứt, không thể bị đập vỡ, là hình bát giác, là quả cầu tròn, (cao) năm trăm do-tuần, kẻ nào có khả năng cắt đứt mạng sống?
  1. Giống như cuộn chỉ được ném ra, trong khi tháo rời, nó lăn đi, cũng tương tự y như thế, mạng sống ấy trong khi tháo rời, nó lăn đi.
  1. Giống như người sau khi rời khỏi ngôi làng thì đi vào ngôi làng khác, cũng tương tự y như thế, mạng sống ấy đi vào thân thể khác.
  1. Giống như người sau khi rời khỏi ngôi nhà thì đi vào ngôi nhà khác, cũng tương tự y như thế, mạng sống ấy đi vào thân thể khác.
  1. Bởi vì những kẻ ngu và các người trí sau khi bị ném vào luân hồi cho đến tám mươi bốn trăm ngàn (8.400.000) đại kiếp thì sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ đau.
  1. Các khổ và lạc được đo lường bằng các đấu và các giỏ; đấng Chiến Thắng biết rõ tất cả, còn những người khác hoàn toàn mê muội.
  1. Trước đây, tôi đã có tà kiến như vậy, hoàn toàn mê muội, bị bao trùm bởi si mê, có tà kiến và có giới tồi, keo kiệt, là kẻ mắng nhiếc (các Sa-môn và Bà-la-môn).
  1. Trong vòng sáu tháng nữa, tôi sẽ chết. Tôi sẽ rơi vào địa ngục vô cùng khổ sở, ghê rợn.
  1. Địa ngục có bốn góc, có bốn cửa, được phân chia thành các phần cân xứng, được bao quanh bằng tường sắt, được đậy lại bằng tấm sắt.
  1. Mặt nền của nó làm bằng sắt, cháy rực, có sức nóng, tỏa rộng ra xung quanh một trăm do-tuần, và luôn luôn tồn tại.[15]
  1. Cứ đến mỗi một trăm ngàn năm thì được nghe tiếng vang. Tâu đại vương, đó là mộtlakkha; một trăm lần (lakkha) là số năm tính theo koṭi.[16]
  1. Những kẻ có tà kiến và có giới tồi, và những kẻ chỉ trích bậc Thánh nhân bị nung nấu ở địa ngục một trăm ngàn koṭi năm.
  1. Tại nơi ấy, tôi đã cảm giác cảm thọ khổ, quả báo của nghiệp ác một thời gian dài lâu; vì việc ấy tôi sầu muộn vô cùng.
  1. Tâu đại vương, tâu vị thuần phục kẻ thù, tâu vị làm quốc độ phát triển, xin bệ hạ hãy lắng nghe điều ấy. Tâu đại vương, con gái của tôi là Uttarā. Cầu mong bệ hạ được điều tốt lành.
  1. Cô ấy tạo nghiệp tốt lành, thích thú các giới và ngày trai giới, có sự tự kiềm chế và có sự san sẻ, có sự ân cần, đã xa lìa sự bỏn xẻn.
  1. Cô ấy là người có sự thực hành không bể vỡ về điều học, và nhu mì ở các gia đình những người khác, là cận sự nữ của vị Hiền Trí dòng Sakya, bậc Toàn Giác, đấng Vinh Quang.
  1. Có vị tỳ khưu đầy đủ giới đức đã đi vào làng để khất thực, mắt nhìn xuống, có niệm, có giác quan được canh phòng, khéo được thu thúc.
  1. Trong khi đi tuần tự theo từng nhà, vị ấy đã đi đến chỗ trú ngụ ấy. Tâu đại vương, Uttarā đã nhìn thấy vị ấy. Cầu mong bệ hạ được điều tốt lành.
  1. Và cô ấy đã dâng cúng bình nước đầy và các loại bánh ngọt đa dạng (nói rằng): ‘Thưa ngài, cha tôi đã qua đời, mong rằng việc này thành tựu đến ông ấy.’
  1. Khi được chỉ định thì quả thành tựu đã được sanh lên ngay lập tức, tôi thọ hưởng, là người có dục lạc theo như ước muốn, giống như Thiên Vương Vessavaṇa.
  1. Tâu đại vương, tâu vị thuần phục kẻ thù, tâu vị làm quốc độ phát triển, xin bệ hạ hãy lắng nghe điều ấy. Đức Phật được gọi là bậc cao cả của thế gian luôn cả chư Thiên. Tâu vị thuần phục kẻ thù, bệ hạ cùng vợ và các con hãy đi đến nương nhờ đức Phật ấy.
  1. Nhờ vào Đạo Lộ tám chi phần, các ngài chạm đến vị thế Bất Tử. Tâu vị thuần phục kẻ thù, bệ hạ cùng vợ và các con hãy đi đến nương nhờ Giáo Pháp ấy.
  1. Bốn hạng đã thực hành Đạo Lộ và bốn hạng đã trụ ở Quả vị, Hội Chúng ấy có bản thể chính trực, có Giới – Định – Tuệ. Tâu vị thuần phục kẻ thù, bệ hạ cùng vợ và các con hãy đi đến nương nhờ Hội Chúng ấy.
  1. Bệ hạ hãy lập tức kiêng chừa việc giết hại mạng sống, hãy xa lánh vật chưa được cho (việc trộm cắp) ở trên đời, chớ có việc uống chất say và nói lời dối trá, và hãy vui thích (chỉ) với người vợ của mình.”
  1. “Này vị Dạ-xoa, ngươi là người mong mỏi sự tốt đẹp cho trẫm. Này vị Thiên nhân, ngươi là người mong mỏi sự lợi ích cho trẫm. Trẫm thực hành lời nói của ngươi; ngươi là thầy dạy học của trẫm.
  1. Trẫm đi đến nương nhờ đức Phật, luôn cả Giáo Pháp vô thượng, và trẫm đi đến nương nhờ Hội Chúng thuộc về vị Trời của nhân loại.
  1. Trẫm lập tức kiêng chừa việc giết hại mạng sống, trẫm xa lánh vật chưa được cho (việc trộm cắp) ở trên đời, không có việc uống chất say, và trẫm không nói lời dối trá, và trẫm vui thích (chỉ) với người vợ của mình.”
  1. Trẫm (sẽ) sàng lọc ở trong cơn gió mạnh, hoặc ở dòng sông chảy xiết, rồi loại bỏ tà kiến ác xấu; trẫm (sẽ) vui thích trong lời dạy của chư Phật.”
  1. Sau khi nói điều này, sau khi loại bỏ quan điểm ác xấu, sau khi thực hiện việc kính lễ đến đức Thế Tôn, vị vua xứ Suraṭṭha đã bước lên xe, mặt nhìn hướng đông.

Chuyện Ngạ Quỷ Nandaka là thứ ba.

4. 4

  1. “Này Revatā, này cô nàng có bản tính vô cùng xấu xa, cô hãy đứng lên. Này cô nàng không có nết hạnh bố thí, cánh cửa (địa ngục) là không bị đóng lại. Chúng tôi sẽ đưa cô đến nơi mà những kẻ bị đọa vào khổ cảnh than khóc, (và) những kẻ địa ngục bị gánh chịu khổ đau.”[17]
  1. Sau khi chỉ nói như thế, các sứ giả cõi Dạ-ma, hai Dạ-xoa ấy, có cặp mắt đỏ ngầu, cao to, mỗi người một cánh tay, đã nắm lấy Revatā rồi đi đến nơi có sự hiện diện của hội chúng chư Thiên.
  1. “Thiên cung xinh đẹp, được che phủ bằng mạng lưới vàng, có màu sắc của mặt trời, đáng yêu, rực rỡ. Thiên cung này, có người đông đảo, đang rực sáng tựa như hào quang của mặt trời, là của người nào?
  1. Các nhóm phụ nữ, được thoa tinh chất của trầm hương, làm cho cung điện được sáng chói cả hai nơi (bên trong và bên ngoài). Thiên cung được nhìn thấy có màu sắc như là mặt trời. Người nào đã đạt đến cõi Trời và vui sướng ở Thiên cung?”[18]
  1. “Ở Bārāṇasī, đã có người cận sự nam tên là Nandiya, không bỏn xẻn, là người thí chủ, là người nhân từ. Thiên cung này, có người đông đảo, đang rực sáng tựa như hào quang của mặt trời, là của người ấy.
  1. Các nhóm phụ nữ, được thoa tinh chất của trầm hương, làm cho cung điện được rực sáng cả hai nơi (bên trong và bên ngoài). Thiên cung được nhìn thấy có màu sắc như là mặt trời. Người ấy đã đạt đến cõi Trời và vui sướng ở Thiên cung.”
  1. “Tôi là người vợ của Nandiya, là nữ gia chủ, có uy quyền đối với tất cả gia đình. Giờ đây, tôi sẽ thích thú ở Thiên cung của chồng, tôi không mong mỏi về việc nhìn thấy địa ngục.”
  1. “Này cô nàng có bản tính vô cùng xấu xa, cái địa ngục ấy là dành cho cô. Việc phước thiện đã không được cô làm khi ở thế giới có cuộc sống. Bởi vì người nữ bỏn xẻn, giận dữ, có bản tính xấu xa, không đạt được sự cộng trú với những người đã đi đến cõi Trời.”
  1. “Phân và nước tiểu nhơ bẩn được nhìn thấy là cái gì vậy? Cái mùi hôi thối này là cái gì? Cái phân bốc mùi này là cái gì?”
  1. “Này Revatā, cái ấy gọi là địa ngục Saṃsavaka có độ sâu một trăm lần chiều cao của người nam, là nơi cô (sẽ) bị nung nấu hàng ngàn năm.”
  1. “Vậy việc làm ác nào đã được làm do thân, do khẩu, do ý? Vì việc gì mà bị gánh chịu địa ngục Saṃsavaka có độ sâu một trăm lần chiều cao của người nam?”
  1. “Cô lừa gạt các Sa-môn, các Bà-la-môn, và luôn cả những người khốn khổ khác nữa bằng lời nói dối trá; việc xấu xa ấy đã do cô gây ra.
  1. Này Revatā, do việc ấy mà bị gánh chịu địa ngục Saṃsavaka có độ sâu một trăm lần chiều cao của người nam, ở nơi ấy cô (sẽ) bị nung nấu hàng ngàn năm.
  1. Chúng chặt các bàn tay, rồi luôn cả các bàn chân, chúng xẻo các lỗ tai, rồi luôn cả lỗ mũi, rồi còn có các bầy quạ bu lại, tụ tập lại, ngấu nghiến kẻ đang quằn quại.”
  1. “Quả là tốt đẹp, xin các vị hãy đưa tôi trở về, tôi sẽ thực hiện nhiều điều tốt đẹp với việc bố thí, với việc hành thiện, với việc thu thúc, với việc rèn luyện, là việc mà sau khi thực hành, người ta được hạnh phúc và không bị ân hận về sau này.”
  1. “Trước đây cô đã xao lãng rồi bây giờ than van. Cô sẽ gánh chịu quả thành tựu của các nghiệp đã làm của mình.”
  1. “Vị nào, sau khi từ thế giới chư Thiên đi đến thế giới loài người, được tôi hỏi rồi nói như vầy: ‘Nàng nên dâng cúng vật thí, y phục, chỗ nằm, và cơm nước ở những vị đã buông các gậy gộc xuống, bởi vì người nữ bỏn xẻn, giận dữ, có bản tính xấu xa, không đạt được sự cộng trú với những người đã đi đến cõi Trời?’
  1. Chắc chắn rằng tôi đây, khi đã đi khỏi nơi này, sau khi đạt được việc sanh lại làm người, (tôi sẽ) là người nhân từ, đầy đủ giới hạnh, tôi sẽ thực hiện nhiều điều tốt đẹp với việc bố thí, với việc hành thiện, với việc thu thúc, với việc rèn luyện.
  1. Với tâm ý tịnh tín, tôi sẽ cho dựng lên các tu viện, các cây cầu ở chỗ khó đi, nước uống dọc đường, và giếng nước.
  1. Vào ngày mười bốn, ngày mười lăm, ngày mồng tám của mỗi nửa tháng, và những ngày phụ trội của nửa tháng là có sự thọ trì tốt đẹp về tám giới.
  1. Tôi sẽ hành trì ngày trai giới, luôn luôn thu thúc trong các giới, và sẽ không xao lãng trong việc bố thí; điều này đã được đích thân tôi nhìn thấy.”
  1. Trong khi cô ấy đang rên rỉ như thế, đang quằn quại thế này thế khác, chúng đã ném cô ấy vào địa ngục ghê rợn, chân phía trên, đầu phía dưới.
  1. “Trước đây, tôi đã là người bỏn xẻn, là người mắng nhiếc các vị Sa-môn và Bà-la-môn, và sau khi dối gạt người chồng bằng việc không thật, tôi bị nung nấu ở địa ngục có hình thức ghê rợn.”

Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Revatī là thứ tư.

4. 5

  1. “Rừng mía rộng lớn này sanh lên cho tôi là quả phước không phải ít, mà giờ đây nó không đem lại (cho tôi) việc thọ hưởng. Thưa ngài, xin ngài hãy nói cho đây là quả thành tựu của việc gì?
  1. Tôi bị đánh đập và bị nhai nghiến. (Khi) tôi ra sức, cố gắng thọ dụng cái gì đó, thì tôi đây có sức lực bị đứt đoạn, thê thảm, nên than vãn; đây là quả thành tựu của việc gì?
  1. Và bị đánh đập, tôi ngã quỵ ở mặt đất. Tôi lăn quay trong sự nóng bức tựa như loài cá (ở đất khô nóng bỏng). Và trong khi khóc lóc, nước mắt của tôi nhỏ xuống. Thưa ngài, xin ngài hãy nói cho đây là quả thành tựu của việc gì?
  1. Bị đói, bị nhọc mệt, và bị khát, bị hoảng sợ, tôi không tìm thấy thoải mái, an lạc. Thưa ngài đại đức, tôi hỏi ngài về việc này, làm thế nào tôi có thể đạt được việc thọ dụng mía?”
  1. “Trước đây, ngươi đã đích thân tạo nghiệp khi là con người trong kiếp sống trước đây. Và ta nói cho ngươi về việc này. Sau khi lắng nghe, ngươi hãy nhận biết về việc này.
  1. Ngươi đã bước đi trong lúc nhai mía. Và người đàn ông đã đi theo sau lưng ngươi. Trong lúc mong mỏi, người ấy đã nói với ngươi, ngươi đã không nói điều gì với người ấy.
  1. Và trong lúc ngươi không nói, người ấy đã cầu xin và đã nói với ngươi rằng: ‘Này ông, xin ông cho mía.’ Ngươi đã cho người ấy cây mía ở sau lưng của ngươi; đây là quả thành tựu của nghiệp ấy.
  1. ‘Này, ông hãy cầm lấy cây mía ở sau lưng, sau khi cầm lấy ông hãy ăn tùy theo ý thích. Do chính điều ấy, ông sẽ hoan hỷ, vui mừng, phấn khởi, và hứng thú.’
  1. Người ấy đã đi đến cầm lấy (cây mía) ở sau lưng, sau khi cầm lấy đã nhai nó tùy theo ý thích. Do chính điều ấy, ông ấy đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, phấn khởi, và hứng thú.”

Chuyện Ngạ Quỷ Mía là thứ năm.

4. 6

  1. Ở sườn núi Hy-mã-lạp có thành phố tên là Sāvatthi. Tôi đã được nghe rằng: ‘Có hai thanh niên, con trai của đức vua, đã ngụ tại nơi ấy.’
  1. Bị say đắm ở các sự ái luyến, vui thích sự khoái lạc ở các dục, tham đắm ở sự sung sướng trong hiện tại, họ đã không nhìn về tương lai.
  1. Và họ đã chết đi, lìa bản thể nhân loại, từ nơi đây họ đã đi đến thế giới khác. Ở nơi này, trong khi không được nhìn thấy, họ kêu than về việc xấu xa đã làm của bản thân trong thời quá khứ (nói rằng):
  1. “Hỡi ôi, khi các bậc đạo đức có nhiều, khi các vật bố thí được sẵn sàng, chúng tôi đã không thể làm chút ít việc đem lại sự an lạc cho bản thân.
  1. Có thể có việc gì tồi tệ hơn thế ấy, là việc chúng tôi đã chết đi từ dòng dõi vua chúa rồi bị sanh vào cảnh giới ngạ quỷ, bị gánh chịu sự đói khát?”
  1. Họ đã là những người chủ ở nơi đây, và không còn là những người chủ ở nơi khác. Lúc là loài người, họ đã được nâng cao, và (giờ đây) bị hạ thấp, họ lang thang trong sự đói khát.
  1. Sau khi biết được điều bất lợi ấy có nguồn sanh khởi là sự say đắm quyền lực, sau khi dứt bỏ sự say đắm quyền lực, con người có thể đi đến cõi Trời; do sự tan rã của thân xác, người có trí tuệ ấy được sanh lên cõi Trời.

Chuyện Ngạ Quỷ Hai Người Thanh Niên là thứ sáu.

4. 7

  1. Quả thành tựu của các nghiệp đã được làm trong thời quá khứ có thể khuấy động tâm ý do duyên cảnh sắc, thinh, vị, hương, và xúc làm thích ý.
  1. Sau khi hưởng thụ điệu vũ, lời ca, sự khoái lạc, sự vui thích không phải là ít, sau khi đi lang thang ở vườn hoa, (vị Sát-đế-lỵ) đi vào Giribbaja.
  1. Vị Sát-đế-lỵ đã nhìn thấy bậc ẩn sĩ Sunetta, vị đã chế ngự bản thân, được định tĩnh, có ít ham muốn, thành tựu sự khiêm tốn, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực.
  1. Sau khi leo xuống từ lưng voi, vị Sát-đế-lỵ đã nói rằng: ‘Thưa ngài, đã được nhận lãnh (vật thực) chưa ạ?’ rồi đã cầm lấy bình bát của vị ấy đưa lên cao.
  1. Trong lúc cười giỡn, vị Sát-đế-lỵ đã đập vỡ bình bát ở nền đất cứng, rồi đã bỏ đi (nói rằng): ‘Tôi là con trai của đức vua Kitava. Này ông tỳ khưu, ông sẽ làm gì tôi?’
  1. Quả thành tựu của hành động thô lỗ của vị (Sát-đế-lỵ) ấy đã là dữ dội, là việc người con trai của đức vua đã cảm thọ, đã bị gánh chịu ở địa ngục.
  1. Kẻ đã làm điều tội lỗi đã trải nghiệm sự khổ sở vô cùng ở địa ngục đến sáu lần của thời gian tám mươi bốn ngàn năm.
  1. Kẻ ấy đã bị nung nấu ở tư thế nằm ngửa, nằm sấp, nằm nghiêng bên trái, nằm nghiêng bên phải, chân ở phía trên (chổng ngược), và luôn cả tư thế đứng; kẻ ngu si đã bị nung nấu dài lâu.
  1. Trong nhiều ngàn năm và nhiều lần mười ngàn (năm), kẻ đã làm điều tội lỗi đã trải nghiệm sự khổ sở vô cùng ở địa ngục.
  1. Thật vậy, sau khi công kích bậc ẩn sĩ có sự hành trì tốt đẹp, không tồi bại, không tội lỗi, những kẻ có hành động ác xấu bị nung nấu dữ dội như thế ấy.
  1. Sau khi cảm thọ nhiều khổ đau ở tại nơi ấy nhiều năm, sau khi chết đi từ nơi ấy đã trở thành ngạ quỷ, đương nhiên bị hành hạ bởi sự đói khát.
  1. Sau khi biết được điều bất lợi ấy có nguồn sanh khởi là sự say đắm quyền lực, sau khi dứt bỏ sự say đắm quyền lực, nên hành xử theo lối nhún nhường.
  1. Người nào có sự tôn kính đối với chư Phật được sự ngợi khen ngay trong hiện tại; do sự tan rã của thân xác, người có trí tuệ ấy được sanh lên cõi Trời.

Chuyện Ngạ Quỷ Con Trai của Đức Vua là thứ bảy.

  

4. 8

  1. “Sau khi đi lên từ hố phân, ngươi là ai mà đứng thật thảm thương? Đương nhiên là kẻ có hành động ác xấu, tại sao ngươi lại gây tiếng ồn?”[19]
  1. “Thưa ngài đại đức, con là ngạ quỷ bị đọa đày, thuộc cõi Dạ-ma. Sau khi làm nghiệp ác, từ nơi đây con đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”
  1. “Vậy ác hạnh gì đã được làm, bởi thân bởi khẩu bởi ý? Do quả thành tựu của nghiệp gì mà ngươi lại trải nghiệm sự khổ đau này?”
  1. “Vị (tỳ khưu) thường trú (ở trú xá) của con đã có sự ganh tỵ, có sự bỏn xẻn về gia đình (thí chủ). Bị dính mắc với trú xá của con, vị ấy trở nên keo kiệt, là kẻ mắng nhiếc.
  1. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ấy, con đã mắng nhiếc các vị tỳ khưu. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, từ nơi đây con đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”
  1. “Kẻ thường tới lui với gia đình ngươi có dáng vẻ bạn hữu nhưng không phải là bạn hữu; do sự tan rã của thân xác, kẻ có trí tồi ấy sau khi chết đã đi đến cảnh giới nào?”
  1. “Con đứng ở trên đầu, nơi chóp đỉnh, của chính kẻ có hành động ác xấu ấy, và kẻ ấy đã đạt đến vị thế khác, là người hầu hạ của riêng con.
  1. Thưa ngài, vật nào mà những người khác thải ra, vật ấy là thức ăn của con. Và sau đó, vật mà con thải ra, kẻ ấy sống nhờ vật ấy.”

Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Phân là thứ tám.

4. 9

  1. Sau khi đi lên từ hố phân, cô là ai mà đứng thật thảm thương? Đương nhiên là kẻ có hành động ác xấu, tại sao cô lại gây tiếng ồn?”[20]
  1. “Thưa ngài đại đức, con là nữ ngạ quỷ bị đọa đày, thuộc cõi Dạ-ma. Sau khi làm nghiệp ác, từ nơi đây con đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”
  1. “Vậy ác hạnh gì đã được làm, bởi thân bởi khẩu bởi ý? Do quả thành tựu của nghiệp gì mà cô lại trải nghiệm sự khổ đau này?”
  1. “Vị (tỳ khưu) thường trú (ở trú xá) của con đã có sự ganh tỵ, có sự bỏn xẻn về gia đình (thí chủ). Bị dính mắc với trú xá của con, vị ấy trở nên keo kiệt, là kẻ mắng nhiếc.
  1. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ấy, con đã mắng nhiếc các vị tỳ khưu. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, từ nơi đây con đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”
  1. Kẻ thường tới lui với gia đình cô với dáng vẻ bạn hữu không phải là bạn hữu, do sự tan rã của thân xác, kẻ có trí tồi sau khi chết đã đi đến cảnh giới nào?”
  1. “Con đứng ở đầu, nơi chóp đỉnh, của chính kẻ có hành động ác xấu ấy, và kẻ ấy đã đạt đến lãnh vực khác, là người hầu hạ của riêng con.
  1. Thưa ngài, vật nào mà những người khác thải ra, vật ấy là thức ăn của con. Và sau đó, vật mà con thải ra, kẻ ấy sống nhờ vật ấy.”

Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Ăn Phân là thứ chín.

4. 10

  1. Này các ông, các ông có vóc dáng xấu xí, ốm o, nổi đầy gân, lòi cả xương sườn, gầy guộc, các ông là những ai vậy?”
  1. “Thưa ngài đại đức, chúng tôi là ngạ quỷ bị đọa đày, thuộc cõi Dạ-ma. Sau khi làm nghiệp ác, từ nơi đây chúng tôi đã đi đến thế giới ngạ quỷ.”
  1. “Vậy ác hạnh gì đã được làm, bởi thân bởi khẩu bởi ý? Do quả thành tựu của nghiệp gì mà từ nơi đây các ông đã đi đến thế giới ngạ quỷ?”
  1. “Ở những bến tắm không bị ngăn cấm, chúng tôi đã góp nhặt từng nửa đồng tiền māsaka. Trong khi các vật bố thí đang hiện hữu, chúng tôi đã không tạo lập hòn đảo (nương nhờ) cho bản thân.
  1. Bị khát (nước), chúng tôi đi đến gần dòng sông thì dòng sông trở nên khô cạn. Vào những lúc nóng, chúng tôi đi đến gần bóng râm thì bóng râm trở thành ánh nắng mặt trời.
  1. Và làn gió, có dáng vẻ của ngọn lửa, thổi đến đốt nóng chúng tôi. Và thưa ngài, chúng tôi xứng đáng với việc này và việc khác tồi tệ hơn thế ấy.
  1. Chúng tôi còn đi nhiều do-tuần, bị đói ăn, có sự ham muốn về vật thực, lại chẳng được thọ lãnh, chúng tôi quay trở lại. Ôi, tình trạng phước báu ít ỏi của chúng tôi!
  1. Bị đói, bị choáng váng, lảo đảo, quỵ xuống ở mặt đất, chúng tôi dã dượi nằm ngửa ra, chúng tôi té ngã sụm xuống.
  1. Và ngay tại nơi ấy, bị té ngã, quỵ xuống ở mặt đất, chúng tôi đây đấm ngực và đầu. Ôi, tình trạng phước báu ít ỏi của chúng tôi!
  1. Và thưa ngài, chúng tôi xứng đáng với việc này và việc khác tồi tệ hơn thế ấy. Trong khi các vật bố thí đang hiện hữu, chúng tôi đã không tạo lập hòn đảo (nương nhờ) cho bản thân.
  1. Chắc chắn rằng chúng tôi đây, sau khi đi khỏi nơi này, sau khi đạt được sự xuất thân thuộc loài người, sẽ là những người nhân từ, đầy đủ giới hạnh, sẽ thực hiện nhiều điều tốt đẹp.”

Chuyện Nhóm Ngạ Quỷ là thứ mười.

4. 11

  1. “Nàng đã nhìn thấy địa ngục, chủng loại súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, luôn cả loài người, chư Thiên. Nàng đã đích thân nhìn thấy quả thành tựu của nghiệp của bản thân, ta sẽ đưa nàng đến Pāṭaliputta, không bị tổn hại. Sau khi đi đến nơi ấy, nàng hãy tạo nghiệp tốt lành.”
  1. “Thưa vị Dạ-xoa, ngài là người mong mỏi sự tốt đẹp cho thiếp. Thưa vị Thiên nhân, ngài là người mong mỏi sự lợi ích cho thiếp. Thiếp thực hành lời nói của ngài; ngài là thầy dạy học của thiếp.
  1. Thiếp đã nhìn thấy địa ngục, chủng loại súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, luôn cả loài người, chư Thiên. Thiếp đã đích thân nhìn thấy quả thành tựu của nghiệp của bản thân, thiếp sẽ thực hiện không ít các việc phước thiện.”

Chuyện Ngạ Quỷ ở Pāṭaliputta là thứ mười một.

4. 12

  1. “Và hồ sen này của ngươi rất đáng yêu, có những bãi tắm đẹp bằng phẳng, và có nhiều nước, đã khéo được trổ hoa, có các bầy ong vò vẽ lúc nhúc; bằng cách nào ngươi đạt được (hồ sen) làm hài lòng này?
  1. Và khu rừng xoài này của ngươi rất đáng yêu, mang nặng các trái ở tất cả các mùa, đã khéo được trổ hoa, có các bầy ong vò vẽ lúc nhúc; bằng cách nào ngươi đạt được cung điện này?”
  1. “(Vật thí gồm có) xoài chín, nước, cháo; nhờ vào vật thí đã được dâng cúng ấy của người con gái, ở nơi này tôi đã đạt được bóng râm mát mẻ, làm thích ý.”
  1. “Quý vị hãy nhìn xem nghiệp được thấy rõ ràng như thế này, quả thành tựu của sự bố thí, của sự rèn luyện, của sự thu thúc: sau khi là nữ tỳ trong các gia đình của ông chủ, tôi trở thành con dâu và là nữ chủ nhân của gia đình.”

Chuyện Ngạ Quỷ ở Hồ Sen là thứ mười hai.

4. 13

  1. “Vật mà người bố thí, không hẳn (quả thành tựu) lại là vật ấy. Ông hãy bố thí; người ban bố vật thí vượt qua cả hai (khổ đau và bất hạnh trong kiếp này và vị lai), nhờ vào việc bố thí ấy mà đi đến cả hai (sự lợi ích và an vui trong kiếp này và vị lai). Ông hãy tỉnh thức, ông chớ xao lãng.”

Chuyện Ngạ Quỷ ở Cây Xoài là thứ mười ba.

4. 14

  1. “Chúng tôi gom góp các của cải theo cách đúng đắn và không đúng đắn; những người khác thọ hưởng các của cải ấy, còn chúng tôi chịu phần khổ đau.”

Chuyện Ngạ Quỷ Gom Góp Của Cải là thứ mười bốn.

4. 15

  1. Tổng cộng là sáu mươi ngàn năm tròn, khi nào sẽ là sự chấm dứt cho (chúng tôi) những người đang bị nung nấu ở địa ngục?
  1. Thưa ông, theo như việc ác đã do tôi và ông đã gây ra thì (sự khổ đau của tôi và ông) không có sự chấm dứt, sự chấm dứt do đâu mà có, sự chấm dứt không được nhìn thấy.
  1. Chúng tôi đã sống cuộc sống tồi tệ, chúng tôi đã không bố thí các vật đang có. Trong khi các vật bố thí đang hiện hữu, chúng tôi đã không tạo lập hòn đảo (nương nhờ) cho bản thân.
  1. Chắc chắn rằng tôi đây, sau khi đi khỏi nơi này, sau khi đạt được sự xuất thân thuộc loài người, sẽ là người nhân từ, đầy đủ giới hạnh, sẽ thực hiện nhiều điều tốt đẹp.”

Chuyện Ngạ Quỷ Các Con Trai Nhà Triệu Phú là thứ mười lăm.

4. 16

  1. “Tại sao ngươi bỏ chạy như có vẻ điên khùng, tựa như con nai bị lạc lối? Đương nhiên là kẻ có hành động ác xấu, tại sao ngươi lại gây tiếng ồn?”
  1. “Thưa ngài đại đức, tôi là ngạ quỷ bị đọa đày, thuộc cõi Dạ-ma. Sau khi làm nghiệp ác, từ nơi đây tôi đã đi đến thế giới ngạ quỷ.
  1. Tổng cộng là đầy đủ sáu mươi ngàn quả búa tạ rơi xuống đầu của tôi; và chúng làm vỡ cái đầu (của tôi).”
  1. “Vậy ác hạnh gì đã được làm, bởi thân bởi khẩu bởi ý? Do quả thành tựu của nghiệp gì mà ngươi lại trải nghiệm sự khổ đau này?
  1. Tổng cộng là đầy đủ sáu mươi ngàn quả búa tạ rơi xuống đầu của ngươi; và chúng làm vỡ cái đầu (của ngươi).”
  1. “Khi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Giác Ngộ Sunetta, có giác quan đã được tu tập, ngồi ở gốc cây, đang tham thiền, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.
  1. Bằng việc ném đá, tôi đã làm vỡ cái đầu của vị ấy. Do quả thành tựu của nghiệp ấy mà tôi trải nghiệm sự khổ đau này.
  1. Tổng cộng là đầy đủ sáu mươi ngàn quả búa tạ rơi xuống đầu của tôi; và chúng làm vỡ cái đầu (của tôi).”
  1. “Này kẻ xấu xa, một cách hợp lẽ đối với ngươi. Tổng cộng là đầy đủ sáu mươi ngàn quả búa tạ rơi xuống đầu của ngươi; và chúng làm vỡ cái đầu (của ngươi).”

Chuyện Ngạ Quỷ với Sáu Mươi Ngàn Quả Búa Tạ là thứ mười sáu.

Đại Phẩm là thứ tư.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

(Chuyện) Ambasakkhara, Serissaka, Piṅgala, Revatī, những kẻ ăn mía, hai người thanh niên, hai kẻ ăn phân, nhóm (ngạ quỷ), Pāṭaliputta, và hồ sen, cây xoài, gom góp của cải, con trai nhà triệu phú, sáu mươi (ngàn) quả búa tạ, như vậy là mười sáu câu chuyện; bởi vậy phẩm được gọi tên thế ấy.

CHUYỆN NGẠ QUỶ ĐƯỢC ĐẦY ĐỦ.

–ooOoo–

 

[1] Các câu kệ từ 393 trở đi là lời thuật lại của các vị tham gia cuộc Kết Tập (Sđd. 169).

[2] Và cả hai: thứ nhất là bốn món vật cần thiết để sống gồm có vật thực, y phục, nhà ở, và thuốc men (ở đây là nước uống) và thứ hai là phương tiện di chuyển (Sđd. 186).

[3] Chú giải cho biết đây là nữ ngạ quỷ thuộc dạng vimānapetī (Sđd.).

[4] Câu kệ 453 là lời của các vị tham gia cuộc Kết Tập (Sđd. 191).

[5] Tựa đề của câu chuyện này đúng ra phải là Rathakārapetivatthu – Chuyện Nữ Ngạ Quỷ ở Hồ Rathakāra.

[6] Một nam cư sĩ ngụ tại thành phố Hatthinī đã nhìn thấy nữ ngạ quỷ ấy và đã có cuộc trò chuyện này (Sđd. 201).

[7] Tựa đề của câu chuyện này đúng ra phải là Seriṇīpetivatthu – Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Seriṇī.

[8] Người bạn ấy khuyên bảo không có kết quả nên đã thỉnh vị tỳ khưu giáo huấn (Sđd. 208).

[9] Câu kệ này là lời giới thiệu của các vị Kết Tập. Năm câu kệ kế tiếp (527-531) là lời đức vua Ambasakkhara hỏi ngạ quỷ về gã đàn ông đang chịu hình phạt cắm ở cọc nhọn (Sđd. 217).

[10] Kapinaccanā: do sự nhảy múa (naccanaṃ) của các con khỉ (kapi) mà khu vực đã được gọi tên như vậy (Sđd. 231).

[11] Câu chuyện này giống câu chuyện Thiên Cung của Serissaka (TTPV 30, Chuyện Thiên Cung, chương 7, trang 202).

[12] 1 ratana = 0.25 mét; như vậy 100 ratana = 25 mét.

[13] Sáu câu kệ cuối cùng, 661-666, là của các vị tham gia cuộc Kết Tập (VvA, 350).

[14] Pakudha Kaccāyana thuyết về bảy nhóm (kāya): đất, nước, lửa, gió, sự khổ, sự lạc, mạng sống (Xem TTPV tập 01, Trường Bộ tập 1, bài Kinh Sāmaññaphalasuttaṃ, trang 99).

[15] Hai câu kệ 702, 703 giống hai câu kệ 70, 71.

[16] 1 lakkha = 100.000, 1 koṭi = 10000.000.

[17] Câu chuyện này giống câu chuyện Thiên Cung của Revatī (TTPV 30, Chuyện Thiên Cung, chương 5, trang 123).

[18] Hai câu kệ 725, 726 là lời của Revatā.

[19] Câu hỏi này là của ngài Moggallāna (PvA, 267).

[20] Câu chuyện này có nội dung hoàn toàn giống với câu chuyện trước, tuy nhiên người đối thoại với ngài Moggallāna ở đây là ngạ quỷ nữ (ND).

–ooOoo–

 

[1] Hai câu kệ 286, 287 không có ở Tạng Miến Điện và Thái Lan (ND).

[2] Hai câu kệ này là lời của đức Thế Tôn khi Ngài liên hệ đến thời kỳ quá khứ, lúc là thầy giáo dạy đàn tên Guttila, còn người học trò đã thách thức tài nghệ với thầy có tên Mūsila, là tiền thân của Devadatta. Chi tiết câu chuyện được ghi lại ở Chú Giải của tập Kinh này. Bổn Sanh 243 (Guttilajātakaṃ) ở Chú Giải Kinh Bổn Sanh có nội dung cũng tương tợ.

[3] pañcaṅgulikaṃ: (pañca: số 5, aṅgulikaṃ: thuộc về ngón tay), pañcaṅgulikaṃ là một nhúm vật thơm do năm ngón tay chụm lại rồi bốc lên.

[4] Chúa Trời Sakka nhìn thấy ánh sáng vượt trội của Subhaddā nên đã hỏi Bhaddā về điều ấy (Sđd. 153).

[5] Chuyện Thiên Cung Khúc Mía này giống như chuyện Thiên Cung của Người Nữ Bố Thí Mía (các câu kệ 297-307), chỉ thay đổi một chi tiết là “cầm lấy cục đất” thay vì “cầm lấy chiếc ghế” trong việc đả thương cô con dâu của người mẹ chồng (ND).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Chuyện Ngạ Quỷ“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Chuyện Ngạ Quỷ ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.