Tiểu Sử Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng Xi Bhaddanta Indapala
Tiểu sử tóm tắt của Ngài Tam Tạng thứ XI Bhaddanta Indapāla
Thông thuộc thấu suốt Tam Tạng vào năm 2004, Ngài Indapāla là vị Tam Tạng thứ 11 trong 11 vị Tam Tạng từ trước đến nay tại Miến Điện. Sinh vào ngày Chủ nhật, 17 tháng 7 năm 1960 tại thôn Ma Chi Chun, thị trấn Yan Bye, huyện Chauk Phyu thuộc tiểu bang Rakhine ở miền Tây Bắc Miến Điện, Ngài là con trai đầu của cụ ông U Ngwe Tin Aung và cụ bà Daw Pe Sein. Tiểu bang Rakhine là một trong những nơi mà Phật giáo du nhập vào rất sớm.
Lên 10 tuổi, vào ngày 13/11/1970, Ngài Indapāla xuất gia sa-di; thầy tế độ là Ngài Myaut Chaung Sayadaw ở thôn Ma Chi Chun, và thí chủ hộ độ xuất gia sa-di là bà nội của Ngài, Daw Ei Myat U.
Ngày 26/05/1981, Ngài Indapāla thọ đại giới tỳ khưu tại Phật học viện Min Chaung thuộc tỉnh Bago. Thầy tế độ là Ngài Nāginda,và thí chủ hộ độ xuất gia tỳ khưu là gia đình ông U Thein Aung và bà Daw Me Me Khin ở thành phố Bago.
Ngài Indapāla đã học Chánh Tạng Pāli, Chú Giải (Aṭṭhakathā) và Phụ Chú Giải (Ṭīkā) với nhiều danh tăng học thức uyên bác như Ngài đệ nhất Tam Tạng Mingun Sayadaw, Ngài Kumāra (nhà chú giải) ở Phật học viện Pajjotāyon thuộc thị trấn Myaung Myat, Ngài Kumārābhivaṁsa (tiến sĩ danh dự văn từ Pāli, D. Lit.), Ngài Suriya (tiến sĩ Pāli) ở Phật học viện Min Chaung thuộc tỉnh Bago và Ngài Nanda (tiến sĩ Pāli) ở Phật học viện Pajjotāyon, Myaung Myat. Ngài Indapāla tham gia chương trình thi Tam Tạng sau khi học xong các lớp Phật Pháp: Pathama-nge (sơ cấp) vào năm 1976, Pathama-lat (trung cấp) vào năm 1977, Pathama-ji (cao cấp) vào năm 1978, và Dhammācariya (pháp sư) vào năm 1980. Dưới đây là quá trình học và thi Tam Tạng của Ngài.
– Năm 1984, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 36, Ngài thông thuộc 2 bộ đầu tiên trong 5 bộ của Tạng Luật (Ubhatovibhaṅga-dhara).
– Năm 1985, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 37, Ngài thông thuộc 3 bộ sau cùng của Tạng Luật, và đạt bằng Vinaya-dhara (thông thuộc Tạng Luật).
– Năm 1988, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 40, Ngài thông thuộc (tụng thuộc lòng) và thấu suốt (viết thuộc lòng kèm với Chú Giải và Phụ Chú Giải) 2 bộ đầu tiên của Tạng Luật (Ubhatovibhaṅga-kovida).
– Năm 1990, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 42, Ngài thông thuộc thấu suốt 3 bộ sau cùng của Tạng Luật, và đạt bằng Vinaya-kovida (thông thuộc thấu suốt Tạng Luật).
– Năm 1992, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 44, Ngài thông thuộc Trường Bộ Kinh (Dīgha-bhāṇaka), với kết quả xuất sắc, và đạt bằng Dvipiṭaka-dhara (thông thuộc Nhị Tạng).
– Năm 1993, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 45, Ngài thông thuộc thấu suốt Trường Bộ Kinh (Dīghanikāya-kovida), và đạt bằng Dvipiṭaka-kovida (thông thuộc thấu suốt Nhị Tạng).
– Năm 1996, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 48, Ngài thông thuộc 5 bộ đầu tiên trong 7 bộ của Tạng Vi Diệu Pháp (Mūla-abhidhammika).
– Năm 1999, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 51, Ngài thông thuộc thấu suốt 5 bộ đầu tiên của Tạng Vi Diệu Pháp (Mūla-abhidhammika-kovida).
– Năm 2001, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 53, Ngài thông thuộc 2 bộ sau cùng của Tạng Vi Diệu Pháp. Lần này Ngài được chính phủ Miến Điện dâng tặng văn bằng thông thuộc Tam Tạng (Tipiṭaka-dhara), với quạt đỏ, cờ 3 lọng trắng và ấn dấu.
– Năm 2004, trong kỳ thi Tam Tạng lần thứ 56, Ngài thông thuộc thấu suốt 2 bộ sau cùng của Tạng Vi Diệu Pháp, và được chính phủ Miến Điện dâng tặng văn bằng thông thuộc thấu suốt Tam Tạng (Tipiṭaka-dhara, Tipiṭaka-kovida), với quạt vàng, cờ 3 lọng trắng và ấn dấu.
Song song với các kỳ thi sơ cấp, trung cấp, cao cấp, pháp sư và các kỳ thi Tam Tạng do chính phủ tổ chức, Ngài cũng tham gia các kỳ thi do các hội Phật học phi chính phủ bảo trợ, và đã đạt nhiều học vị khác liên quan đến Tam Tạng, Chú Giải và Phụ Chú Giải.
Để duy trì và phát triển Pháp học (Pariyatti-sāsana), Ngài Tam Tạng Indapāla đã:
– Sáng lập kỳ thi Phật học cho tất cả tăng ni tại thị xã Yan Bye. – Sáng lập Phật học viện Tipiṭaka Thein Lin tại thành phố Mandalay.
– Sáng lập Phật học viện Tipiṭaka Pale Yaung Shein tại thành phố Yangon.
– Là thành viên trong ban lãnh đạo tại Phật học viện Mingun Tipiṭaka Nikāya – nơi đào tạo Ngài trở thành bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng.
Nguồn Trung Tâm Hộ Tông