Phân Tích Giới Tỳ Khưu I – Chương Pārājika – Điều Pārājika Thứ Ba
MAIN CONTENT
Phân Tích Giới Tỳ Khưu I
Chương Pārājika
Điều Pārājika Thứ Ba
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự ở thành Vesālī, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn thuyết giảng về (đề mục) tử thi, ngợi khen về (đề mục) tử thi, ngợi khen sự tu tập về (đề mục) tử thi, ngợi khen sự chứng đạt về (đề mục) tử thi thế nầy thế khác cho các tỳ khưu bằng nhiều phương thức.
Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, Ta muốn thiền tịnh trong nửa tháng. Không ai đến gặp Ta ngoại trừ một vị mang lại vật thực.” – “Bạch ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy đã trả lời đức Thế Tôn. Và quả thật không có vị nào đi đến gặp đức Thế Tôn ngoại trừ một vị mang lại vật thực.
Các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Quả thật, đức Thế Tôn thuyết giảng về (đề mục) tử thi, ngợi khen về (đề mục) tử thi, ngợi khen sự tu tập về (đề mục) tử thi, ngợi khen sự chứng đạt về (đề mục) tử thi thế nầy thế khác bằng nhiều phương thức,” rồi các vị ấy sống chuyên chú gắn bó vào việc tu tập về (đề mục) tử thi với nhiều động cơ khác nhau.
Các vị ấy bị khổ sở, xấu hổ, và nhờm gớm với cơ thể của mình. Cũng giống như người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu bị khổ sở, xấu hổ, và nhờm gớm với xác rắn, hoặc xác chó, hoặc thây người chết máng vào cổ; tương tợ như thế, các vị tỳ khưu ấy trong khi bị khổ sở, xấu hổ, và nhờm gớm với cơ thể của mình, (một số) tự mình đoạt lấy mạng sống của chính mình, (một số) đoạt lấy mạng sống lẫn nhau, (một số) đi đến gặp Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika rồi nói như vầy: – “Này đạo hữu, tốt thay ngươi hãy đoạt mạng sống của chúng tôi, y và bình bát này sẽ thuộc về ngươi.”
Sau đó, Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika được trả công bằng các y và bình bát đã đoạt lấy mạng sống nhiều vị tỳ khưu rồi cầm cây gươm đẫm máu đi đến dòng sông Vaggumudā. Khi ấy, trong lúc chùi rửa cây gươm đẫm máu Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika đã có sự ăn năn, đã có nỗi ân hận: “Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Quả thật ta đã gây ra nhiều điều bất thiện là việc ta đã đoạt lấy mạng sống của các vị tỳ khưu có giới hạnh có thiện pháp!”
Khi ấy, có vị Thiên nhân nọ là tùy tùng của Ma Vương đã đi đến ở trên mặt nước (nhưng mặt nước sông) vẫn không bị làm chao động và đã nói với Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika điều này: – “Này kẻ thiện nhân, tốt lắm, tốt lắm! Này kẻ thiện nhân, điều lợi ích đã có cho ngươi! Này kẻ thiện nhân, ngươi đã đạt được điều tốt! Này kẻ thiện nhân, ngươi đã tạo nhiều phước báu là việc ngươi đã giải thoát cho những kẻ chưa được giải thoát!”
Khi ấy, Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika (nghĩ rằng): “Họ nói điều lợi ích đã có cho ta! Họ nói ta đã đạt được điều tốt! Họ nói ta đã tạo nhiều phước báu! Họ nói ta giải thoát cho những kẻ chưa được giải thoát!” rồi cầm cây gươm bén đi đến từng trú xá một, từng phòng một nói như vầy: – “Vị nào chưa giải thoát? Ta giải thoát cho vị nào đây?”
Tại nơi ấy, các tỳ khưu nào chưa lìa tham ái, các vị ấy vào thời điểm ấy trở nên sợ hãi, thân run rẩy, lông dựng đứng. Còn các tỳ khưu nào đã lìa tham ái, các vị ấy vào lúc ấy là không sợ hãi, thân không run rẩy, lông không dựng đứng.
Rồi Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika trong một ngày đã đoạt mạng một vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng hai vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng ba vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng bốn vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng năm vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng mười vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng hai mươi vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng ba mươi vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng bốn mươi vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng năm mươi vị tỳ khưu, trong một ngày đã đoạt mạng sáu mươi vị tỳ khưu.
Sau đó, khi trải qua nửa tháng ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh và bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, có phải hội chúng tỳ khưu dường như bị ít đi?”
– “Bạch ngài, sở dĩ như thế là vì đức Thế Tôn thuyết giảng về (đề mục) tử thi, ngợi khen về (đề mục) tử thi, ngợi khen sự tu tập về (đề mục) tử thi, ngợi khen sự chứng đạt về (đề mục) tử thi thế nầy thế khác cho các tỳ khưu bằng nhiều phương thức. Và bạch ngài, các vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): ‘Quả thật, đức Thế Tôn thuyết giảng về (đề mục) tử thi, ngợi khen về (đề mục) tử thi, ngợi khen sự tu tập về (đề mục) tử thi, ngợi khen sự chứng đạt về (đề mục) tử thi thế nầy thế khác bằng nhiều phương thức,’ rồi các vị ấy sống chuyên chú gắn bó vào việc tu tập về (đề mục) tử thi do nhiều động cơ khác nhau. Các vị ấy bị khổ sở, xấu hổ, và nhờm gớm với cơ thể của mình. Cũng giống như người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu bị khổ sở, xấu hổ, và nhờm gớm với xác rắn, hoặc xác chó, hoặc thây người chết máng vào cổ; tương tợ như thế, các tỳ khưu ấy trong khi bị khổ sở, xấu hổ, và nhờm gớm với cơ thể của mình (một số) tự mình đoạt lấy mạng sống của chính mình, (một số) đoạt mạng lẫn nhau, (một số) đi đến gặp Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika rồi nói như vầy: ‘Này đạo hữu, tốt thay ngươi hãy đoạt mạng sống của chúng tôi, y và bình bát này sẽ thuộc về ngươi.’ Bạch ngài, rồi Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika được trả công bằng các y và bình bát trong một ngày đã đoạt mạng một vị tỳ khưu, ―(như trên)― trong một ngày đã đoạt mạng sáu mươi vị tỳ khưu. Bạch ngài, lành thay xin đức Thế Tôn hãy chỉ dạy phương pháp khác theo đó hội chúng tỳ khưu này có thể đạt được trí giải thoát.”
– “Này Ānanda, vậy thì có bao nhiêu tỳ khưu sống gần thành Vesālī, ngươi hãy triệu tập tất cả các vị ấy ở phòng hội họp.” – “Bạch ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda đã đáp lời đức Thế Tôn. Rồi có bao nhiêu tỳ khưu sống gần thành Vesālī, đại đức Ānanda đã triệu tập tất cả các vị ấy ở phòng hội họp rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, hội chúng tỳ khưu đã được triệu tập. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy suy tính bây giờ là thời điểm của việc gì.”
Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến phòng hội họp, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, định của niệm hơi thở ra hơi thở vào này được tu tập, được làm cho tăng trưởng, là thanh tịnh, cao quý, thuần khiết, có lạc là sự an trú, làm biến mất ngay lập tức và làm tịnh lặng các pháp ác và bất thiện đã sanh hoặc chưa sanh khởi. Này các tỳ khưu, cũng giống như cơn mưa lớn sái mùa vào tháng cuối của mùa nóng làm biến mất ngay lập tức và làm lắng xuống các bụi bặm đã bốc lên; này các tỳ khưu, tương tợ như thế định của niệm hơi thở ra hơi thở vào này được tu tập, được làm cho tăng trưởng, là thanh tịnh, cao quý, thuần khiết, có lạc là sự an trú, làm biến mất ngay lập tức và làm tịnh lặng các pháp ác và bất thiện đã sanh hoặc chưa sanh khởi.
Và này các tỳ khưu, thế nào là định của niệm hơi thở ra hơi thở vào này được tu tập? Thế nào là được làm cho tăng trưởng, là thanh tịnh, cao quý, thuần khiết, có lạc là sự an trú, làm biến mất ngay lập tức và làm tịnh lặng các pháp ác và bất thiện đã sanh hoặc chưa sanh khởi?
Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu đi đến khu rừng, hoặc đi đến gốc cây, hoặc đi đến nơi thanh vắng, ngồi xuống, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng và thiết lập niệm luôn hiện diện. Có niệm, vị ấy thở ra; có niệm, vị ấy thở vào:[1]
Hoặc trong khi thở ra dài, vị ấy nhận biết: “Tôi thở ra dài;” hoặc trong khi thở vào dài, vị ấy nhận biết: “Tôi thở vào dài,” hoặc trong khi thở ra ngắn, vị ấy nhận biết: “Tôi thở ra ngắn;” hoặc trong khi thở vào ngắn, vị ấy nhận biết: “Tôi thở vào ngắn.”[2] “Nhận biết rõ toàn bộ hơi thở, tôi sẽ thở ra”[3] vị ấy thực tập, “Nhận biết rõ toàn bộ hơi thở, tôi sẽ thở vào” vị ấy thực tập. “Làm cho an tịnh các thành phần của hơi thở, tôi sẽ thở ra” vị ấy thực tập, “Làm cho an tịnh các thành phần của hơi thở, tôi sẽ thở vào” vị ấy thực tập. “Nhận biết rõ hỷ, tôi sẽ thở ra” vị ấy thực tập, “Nhận biết rõ hỷ, tôi sẽ thở vào” vị ấy thực tập. “Nhận biết rõ lạc, tôi sẽ thở ra” vị ấy thực tập, “Nhận biết rõ lạc, tôi sẽ thở vào” vị ấy thực tập. “Nhận biết rõ các thành phần của tâm, tôi sẽ thở ra” vị ấy thực tập, “Nhận biết rõ các thành phần của tâm, tôi sẽ thở vào” vị ấy thực tập. “Làm cho an tịnh các thành phần của tâm, tôi sẽ thở ra” vị ấy thực tập, “Làm cho an tịnh các thành phần của tâm, tôi sẽ thở vào” vị ấy thực tập. “Nhận biết rõ tâm, tôi sẽ thở ra” vị ấy thực tập, “Nhận biết rõ tâm, tôi sẽ thở vào” vị ấy thực tập. “Tâm được hân hoan, ―(như trên)― “Tâm được định tĩnh, ―(như trên)― “Tâm được giải thoát, ―(như trên)― “ Quán xét về vô thường, ―(như trên)― “Quán xét về ly tham, ―(như trên)― “Quán xét về đoạn diệt, ―(như trên)― “Quán xét về dứt bỏ, tôi sẽ thở ra” vị ấy thực tập, “Quán xét về dứt bỏ, tôi sẽ thở vào” vị ấy thực tập.
Này các tỳ khưu, định của niệm hơi thở ra hơi thở vào này được tu tập như thế, được làm cho tăng trưởng như thế, được thanh tịnh, cao quý, thuần khiết, có lạc là sự an trú, làm biến mất ngay lập tức và làm tịnh lặng các pháp ác và bất thiện đã sanh hoặc chưa sanh khởi.”
Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu (một số) tự mình đoạt lấy mạng sống của chính mình, (một số) đoạt lấy mạng sống lẫn nhau, (một số) đi đến gặp Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika nói như vầy: ‘Này đạo hữu, tốt thay ngươi hãy đoạt mạng sống của chúng tôi, y và bình bát này sẽ thuộc về ngươi,’ có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn cho những tỳ khưu ấy, thật không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ấy lại tự mình đoạt lấy mạng sống của chính mình, lại đoạt lấy mạng sống lẫn nhau, lại đi đến gặp Sa-môn giả mạo Migalaṇḍika nói như vầy: ‘Này đạo hữu, tốt thay ngươi hãy đoạt mạng sống của chúng tôi, y và bình bát này sẽ thuộc về ngươi’ vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào cố ý đoạt lấy mạng sống con người hoặc tìm cách đem lại vũ khí cho người ấy; vị này cũng là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Sự quy định căn bản
Vào lúc bấy giờ, có người nam cư sĩ nọ bị bệnh. Vợ của người ấy thì đẹp dáng, đáng nhìn, khả ái. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư đem lòng say đắm người đàn bà ấy. Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã bàn bạc rằng: – “Này các đại đức, nếu người nam cư sĩ ấy còn sống thì chúng ta sẽ không đạt được người đàn bà ấy. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy ca ngợi lợi ích của sự chết đến người nam cư sĩ ấy.”
Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã đi đến gặp người nam cư sĩ ấy, sau khi đến đã nói với người nam cư sĩ ấy điều này: – “Này cư sĩ, quả thật ngươi có điều tốt đã làm, có điều thiện đã làm, sự sợ hãi lúc lâm chung đã được khắc phục, có điều ác không làm, điều tàn bạo không làm, điều tội lỗi không làm. Ngươi đã làm điều tốt đẹp, ngươi đã không làm điều ác, vậy thì còn gì cho ngươi với mạng sống tội lỗi xấu xa này, sự chết đối với ngươi còn tốt hơn sự sống vậy. Khi chết đi từ chỗ này, khi tan rã thân xác và chết đi, ngươi sẽ được sanh về cảnh giới tốt đẹp là cõi trời, loài người. Ở đó, được cung phụng, được sở hữu năm loại dục lạc thiên đường, ngươi sẽ mãn nguyện.
Khi ấy, người nam cư sĩ ấy (nghĩ rằng): “Các ngài đại đức đã nói sự thật bởi vì ta là người có điều tốt đã làm, có điều thiện đã làm, sự sợ hãi lúc lâm chung đã được khắc phục, có điều ác không làm, điều tàn bạo không làm, điều tội lỗi không làm. Ta đã làm điều tốt đẹp, ta đã không làm điều ác, vậy thì còn gì cho ta với mạng sống tội lỗi xấu xa này, sự chết đối với ta còn tốt hơn sự sống vậy. Từ chỗ này, khi tuổi thọ đã hết, khi tan rã thân xác và chết đi, ta sẽ được tái sanh về cảnh giới tốt đẹp là cõi trời, loài người. Ở đó, được cung phụng và được sở hữu năm loại dục lạc thiên đường, ta sẽ mãn nguyện.”
Và vị ấy đã ăn các thức ăn không hợp, đã nhai các vật nhai không hợp, đã nếm các thức nếm không hợp, đã uống các thức uống không hợp. Khi vị ấy đã ăn các thức ăn không hợp, đã nhai các vật nhai không hợp, đã nếm các thức nếm không hợp, và đã uống các thức uống không hợp, bệnh nặng đã phát khởi. Chính vì cơn bệnh ấy, vị ấy đã từ trần.
Vợ của vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, giới hạnh xấu xa, nói láo. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự an tịnh, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Các vị này đã ca ngợi lợi ích của sự chết đến chồng của tôi. Chồng của tôi đã bị giết chết bởi các vị này.”
Những người khác cũng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Các Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, giới hạnh xấu xa, nói láo. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự an tịnh, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Các vị này đã ca ngợi lợi ích của sự chết đến người nam cư sĩ. Người nam cư sĩ đã bị giết chết bởi các vị này.”
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại ca ngợi lợi ích của sự chết đến người nam cư sĩ?”
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng: – “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi đã ca ngợi lợi ích của sự chết đến người nam cư sĩ, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này những kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại ca ngợi lợi ích của sự chết đến người nam cư sĩ vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào cố ý đoạt lấy mạng sống con người, hoặc tìm cách đem lại vũ khí cho người ấy, hoặc ca ngợi lợi ích của sự chết, hoặc xúi giục đưa đến sự chết: – ‘Này người ơi, còn gì cho ngươi với mạng sống tội lỗi xấu xa này, sự chết đối với ngươi còn tốt hơn sự sống!’ Vị có tâm ý và có tâm tư như thế rồi bằng nhiều phương thức ca ngợi lợi ích của sự chết hoặc xúi giục đưa đến sự chết, vị này cũng là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú.”
Sự quy định lần hai
Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―
Tỳ khưu ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Cố ý: là sự vi phạm trong khi biết, trong khi có ý định, sau khi đã suy nghĩ, sau khi đã khẳng định.
Con người nghĩa là vật gì ở khoảng giữa thời gian từ lúc tâm đầu tiên được sanh lên (tức là) thức đầu tiên hiện hữu trong bụng mẹ cho đến lúc chết; vật ấy gọi là con người.
Đoạt lấy mạng sống: cắt đứt mạng quyền, làm hủy hoại, làm tổn hại sự tiếp nối.
Hoặc tìm cách đem lại vũ khí cho người ấy: là thanh gươm, là cây giáo, là mũi tên, là cọc nhọn, là dùi cui, là tảng đá, là cây kiếm, là thuốc độc, hoặc là dây thừng.
Hoặc ca ngợi lợi ích của sự chết: làm cho thấy được sự nguy hiểm trong sự sống và nói khen ngợi về sự chết.
Hoặc xúi giục đưa đến sự chết: (Nói rằng): “Hãy mang lại cây kiếm, hoặc hãy nhai thuốc độc, hoặc hãy dùng dây thừng treo lên rồi chết đi.”
Này người ơi: Đây là lối nói xưng hô “Này người ơi!”
Còn gì cho ngươi với mạng sống tội lỗi xấu xa này, Cuộc sống nghĩa là tội lỗi. So với cuộc sống của những người giàu, cuộc sống của những người nghèo là tội lỗi. So với cuộc sống của những người có tài sản, cuộc sống của những người không có tài sản là tội lỗi. So với cuộc sống của chư Thiên, cuộc sống của loài người là tội lỗi. Mạng sống xấu xa nghĩa là đối với người bị cụt tay, đối với người bị cụt chân, đối với người bị cụt tay và chân, đối với người bị đứt tai, đối với người bị đứt mũi, đối với người bị đứt tai và mũi (nói rằng): “Còn gì với sự tội lỗi này, với mạng sống xấu xa này, sự chết đối với ngươi còn tốt hơn sự sống!”
Có tâm ý như thế: Ý nào tâm nấy, tâm nào ý nấy.
Có tâm tư: có sự suy tưởng về sự chết, có sự suy tư về sự chết, có sự suy nghĩ về sự chết
Bằng nhiều phương thức: bằng nhiều cách khác nhau.
Ca ngợi lợi ích của sự chết: làm cho thấy được sự bất hạnh trong mạng sống và nói lời khen ngợi về sự chết: “Khi chết đi từ chỗ này, khi tan rã thân xác, ngươi sẽ được tái sanh về cảnh giới tốt đẹp là cõi trời, loài người. Ở đó, được cung phụng và được sở hữu năm loại dục lạc thiên đường, ngươi sẽ mãn nguyện.”
Hoặc xúi giục đưa đến sự chết: (Nói rằng): “Hãy mang lại cây kiếm, hoặc hãy nhai thuốc độc, hoặc hãy dùng dây thừng treo lên rồi chết đi, hoặc nhảy vào khe nứt, vào hố sâu, hoặc xuống vực thẳm.”
Vị này cũng: được đề cập liên quan đến các vị trước đây.
Là vị phạm tội pārājika: cũng giống như tảng đá lớn bị bể làm hai không thể gắn liền lại được, tương tợ như thế vị tỳ khưu cố ý đoạt lấy mạng sống con người thì không phải là Sa-môn, không phải là Thích tử; vì thế được gọi là ‘vị phạm tội pārājika.’
Không được cộng trú: cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là cộng trú. Vị ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là ‘không được cộng trú.’
*****
Tiêu đề hướng dẫn
Tự mình, bằng cách khẳng định, bằng người đưa tin, bằng người đưa tin theo lối dây chuyền, bằng người đưa tin không theo lối dây chuyền, bằng người đưa tin đã đi rồi quay trở lại, hiện diện nghĩ là không hiện diện, không hiện diện nghĩ là hiện diện, hiện diện nghĩ là hiện diện, không hiện diện nghĩ là không hiện diện, ca ngợi bằng thân, ca ngợi bằng lời nói, ca ngợi bằng thân và bằng lời nói, ca ngợi bằng người đưa tin, ca ngợi bằng chữ khắc, cái hố đào, sự trợ giúp, việc để bên cạnh, dược phẩm, sự đem lại cảnh sắc, sự đem lại cảnh thinh, sự đem lại cảnh khí, sự đem lại cảnh vị, sự đem lại cảnh xúc, sự đem lại cảnh pháp, sự chỉ bảo, sự dạy dỗ, hành động theo sự quy định, hành động theo dấu hiệu.
Tự mình: vị đích thân giết bằng (cách sử dụng) thân thể (tay, chân, nắm đấm, đầu gối, v.v…), hoặc bằng vật dính liền với thân thể (gươm, dao, v.v…), hoặc bằng vật được phóng ra (ví dụ mũi tên).
Bằng cách khẳng định: sau khi khẳng định rồi ra lệnh rằng: “Ngươi hãy đâm như vầy, hãy đánh như vầy, hãy giết như vầy.”
Vị tỳ khưu chỉ thị vị tỳ khưu rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy” thì phạm tội dukkaṭa. Vị kia nhận biết người ấy rồi đoạt lấy mạng sống của người ấy thì cả hai phạm tội pārājika.
Vị tỳ khưu chỉ thị vị tỳ khưu rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy” thì phạm tội dukkaṭa. Vị kia nhận biết người ấy rồi đoạt lấy mạng sống của người khác thì vị khởi xướng vô tội, còn vị giết người phạm tội pārājika.
Vị tỳ khưu chỉ thị vị tỳ khưu rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy” thì phạm tội dukkaṭa. Vị kia nhận biết người khác rồi đoạt lấy mạng sống của người ấy thì cả hai phạm tội pārājika.
Vị tỳ khưu chỉ thị vị tỳ khưu rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy” thì phạm tội dukkaṭa. Vị kia nhận biết người khác rồi đoạt lấy mạng sống của người khác thì vị khởi xướng vô tội, còn vị giết người phạm tội pārājika.
Vị tỳ khưu (A)[4] chỉ thị vị tỳ khưu (B) rằng: “Hãy bảo vị tên (C) rằng: Vị tên (C) hãy nói với vị tên (D) rằng: ‘Vị tên (D) hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy’” thì vị ấy (A) phạm tội dukkaṭa. Vị (nào) nói cho vị khác thì vị (nói) ấy phạm tội dukkaṭa. Vị giết người (D) đồng ý thì vị khởi xướng (A) phạm tội thullaccaya; vị ấy (D) đoạt lấy mạng sống của người ấy thì tất cả đều phạm tội pārājika.
Vị tỳ khưu (A) chỉ thị vị tỳ khưu (B) rằng: “Hãy bảo vị tên (C) rằng: Vị tên (C) hãy nói với vị tên (D) rằng: ‘Vị tên (D) hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy’” thì vị ấy (A) phạm tội dukkaṭa. Vị ấy (B) chỉ thị vị khác (D) thì vị ấy (B) phạm tội dukkaṭa. Vị giết người (D) đồng ý thì vị ấy (D) phạm tội dukkaṭa; vị ấy (D) đoạt lấy mạng sống của người ấy thì vị khởi xướng (A) vô tội, vị truyền chỉ thị (B) và vị giết người (D) phạm tội pārājika.
Vị tỳ khưu chỉ thị vị tỳ khưu rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy” thì phạm tội dukkaṭa. Vị kia đi rồi quay trở lại (nói rằng): “Tôi không thể đoạt lấy mạng sống người ấy.” Vị ấy lại chỉ thị thêm: “Khi nào ngươi có thể thì khi ấy ngươi hãy đoạt lấy mạng sống người ấy” thì phạm tội dukkaṭa. Vị kia đoạt lấy mạng sống người ấy thì cả hai phạm tộipārājika.
Vị tỳ khưu chỉ thị vị tỳ khưu rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi chỉ thị, vị ấy có sự hối hận nhưng không nói rõ cho vị kia nghe rằng: “Chớ có giết.” Vị kia đoạt lấy mạng sống người ấy thì cả hai phạm tội pārājika.
Vị tỳ khưu chỉ thị vị tỳ khưu rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi chỉ thị, vị ấy có sự hối hận rồi nói rõ cho vị kia nghe rằng: “Chớ có giết.” Vị kia (đáp lại rằng): “Tôi đã được ngài chỉ thị” rồi đoạt lấy mạng sống người ấy thì vị khởi xướng vô tội, còn vị giết người phạm tội pārājika.
Vị tỳ khưu chỉ thị vị tỳ khưu rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người tên như vầy” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi chỉ thị, vị ấy có sự hối hận rồi nói rõ cho vị kia nghe rằng: “Chớ có giết.” Vị kia (đáp lại rằng): “Tốt thôi” rồi ngưng lại thì cả hai vô tội.
Hiện diện, nghĩ là không hiện diện rồi xác định rằng: “Người tên như vầy nên bị giết” thì phạm tội dukkaṭa. Không hiện diện, nghĩ là hiện diện rồi xác định rằng: “Người tên như vầy nên bị giết” thì phạm tội dukkaṭa. Hiện diện, nghĩ là hiện diện rồi xác định rằng: “Người tên như vầy nên bị giết” thì phạm tội dukkaṭa. Không hiện diện, nghĩ là không hiện diện rồi xác định rằng: “Người tên như vầy nên bị giết” thì phạm tội dukkaṭa.
Ca ngợi bằng thân nghĩa là làm cử chỉ bằng thân rằng: “Người nào chết như vầy, người ấy đạt được tài sản, hoặc đạt được danh vọng, hoặc sanh về cõi trời” thì phạm tội dukkaṭa. (Vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ chết theo cách khen ngợi ấy” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Ca ngợi bằng lời nói nghĩa là nói ra bằng lời nói rằng: “Người nào chết như vầy, người ấy đạt được tài sản, hoặc đạt được danh vọng, hoặc sanh về cõi trời” thì phạm tội dukkaṭa. (Vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ chết theo cách khen ngợi ấy” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Ca ngợi bằng thân và bằng lời nói nghĩa là làm cử chỉ bằng thân và nói ra bằng lời nói rằng: “Người nào chết như vầy, người ấy đạt được tài sản, hoặc đạt được danh vọng, hoặc sanh về cõi trời” thì phạm tội dukkaṭa. (Vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ chết theo cách khen ngợi ấy” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Ca ngợi bằng người đưa tin nghĩa là nói ra lời chỉ dẫn cho người đưa tin: “Người nào chết như vầy, người ấy đạt được tài sản, hoặc đạt được danh vọng, hoặc sanh về cõi trời” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nghe lời chỉ dẫn của người đưa tin, (vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ chết theo cách khen ngợi ấy” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Ca ngợi bằng chữ khắc nghĩa là khắc chữ: “Người nào chết như vầy, người ấy đạt được tài sản, hoặc đạt được danh vọng, hoặc sanh về cõi trời” thì phạm tội dukkaṭa với mỗi mẫu tự. (Vị kia) sau khi nhìn thấy chữ khắc (nghĩ rằng): “Ta sẽ chết” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Cái hố đào nghĩa là đào cái hố dành cho người (nghĩ rằng): “Sau khi rơi xuống sẽ chết” thì phạm tội dukkaṭa. Khi đã bị rơi xuống, cảm thọ khổ sanh khởi (cho vị kia) thì phạm tộithullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika. Đào cái hố không có chỉ định (nghĩ rằng): “Bất cứ ai rơi xuống sẽ chết” thì phạm tội dukkaṭa. (Nếu) con người rơi vào đó thì phạm tội dukkaṭa. Khi đã bị rơi xuống, cảm thọ khổ sanh khởi (cho vị kia) thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika. (Nếu) Dạ-xoa, ngạ quỷ, hoặc thú có dạng người rơi vào đó thì phạm tội dukkaṭa. Khi đã bị rơi xuống, cảm thọ khổ sanh khởi (cho kẻ ấy) thì phạm tội dukkaṭa; (kẻ ấy) chết đi thì phạm tội thullaccaya. (Nếu) con thú rơi vào đó thì phạm tộidukkaṭa. Khi đã bị rơi xuống, cảm thọ khổ sanh khởi (cho con thú) thì phạm tội dukkaṭa; (con thú) chết đi thì phạm tội pācittiya.
Sự trợ giúp nghĩa là trong sự trợ giúp vị đặt vũ khí, hoặc thoa thuốc độc, hoặc làm cho yếu đi, hoặc đem để ở chỗ khe nứt hay ở hố sâu hoặc nơi vực thẳm (nghĩ rằng): “Với việc này, sau khi rơi xuống sẽ chết” thì phạm tội dukkaṭa. Do vũ khí, hoặc do thuốc độc, hoặc do bị rơi xuống khiến cảm thọ khổ sanh khởi (cho vị kia) thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Việc để bên cạnh nghĩa là đem lại gần bên hoặc là thanh gươm, hay là cây giáo, hoặc là mũi tên, hay là cọc nhọn, hoặc là dùi cui, hay là tảng đá, hoặc là cây kiếm, hay là thuốc độc, hoặc là dây thừng (nghĩ rằng): “(Người ấy) sẽ chết bằng vật này” thì phạm tội dukkaṭa. (Vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ chết bằng vật ấy” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Dược phẩm nghĩa là cho bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật, hoặc đường mía (nghĩ rằng): “Sau khi nếm vật này sẽ bị chết” thì phạm tội dukkaṭa. Khi đang nếm vật ấy, cảm thọ khổ sanh khởi (cho vị kia) thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Sự đem lại cảnh sắc nghĩa là đem lại cảnh sắc trái ý, dễ sợ, khủng khiếp (nghĩ rằng): “Sau khi nhìn thấy cảnh sắc này (người ấy) sẽ bị hoảng hốt và sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nhìn thấy cảnh sắc ấy, (vị kia) bị hoảng hốt thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika. (Vị) đem lại cảnh sắc hợp ý, dễ thương, đáng yêu (nghĩ rằng): “Sau khi nhìn thấy cảnh sắc này (người ấy) sẽ bị thất vọng vì không đạt được và sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nhìn thấy cảnh sắc ấy, (vị kia) bị thất vọng vì không đạt được thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Sự đem lại cảnh thinh nghĩa là đem lại cảnh thinh trái ý, dễ sợ, khủng khiếp (nghĩ rằng): “Sau khi nghe được âm thanh này (người ấy) sẽ bị hoảng hốt và sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nghe được âm thanh ấy, (vị kia) bị hoảng hốt thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika. (Vị) đem lại cảnh thinh hợp ý, dễ thương, đáng yêu (nghĩ rằng): “Sau khi nghe được âm thanh này (người ấy) sẽ bị thất vọng vì không đạt được và sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nghe được âm thanh ấy, (vị kia) bị thất vọng vì không đạt được thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Sự đem lại cảnh khí nghĩa là đem lại cảnh khí trái ý, ghê tởm, khó chịu (nghĩ rằng): “Sau khi ngửi mùi này, do sự ghê tởm và do sự chán ghét (người ấy) sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi ngửi mùi ấy, do sự ghê tởm và do sự chán ghét (vị kia) có cảm thọ khổ sanh khởi thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika. (Vị) đem lại cảnh khí hợp ý (nghĩ rằng): “Sau khi ngửi mùi này (người ấy) sẽ bị thất vọng vì không đạt được và sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi ngửi mùi ấy, (vị kia) bị thất vọng vì không đạt được thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Sự đem lại cảnh vị nghĩa là đem lại cảnh vị trái ý, ghê tởm, khó chịu (nghĩ rằng): “Sau khi nếm vị này, do sự ghê tởm và do sự chán ghét (người ấy) sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nếm vị ấy, do sự ghê tởm và do sự chán ghét (vị kia) có cảm thọ khổ sanh khởi thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika. (Vị) đem lại cảnh vị hợp ý (nghĩ rằng): “Sau khi nếm vị này (người ấy) sẽ bị thất vọng vì không đạt được và sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nếm vị ấy, (vị kia) bị thất vọng vì không đạt được thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Sự đem lại cảnh xúc nghĩa là đem lại cảnh xúc trái ý, gây đau đớn, thô cứng (nghĩ rằng): “Đụng chạm vào vật này (người ấy) sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Khi (vị kia) đụng chạm vật ấy, cảm thọ khổ sanh khởi thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika. (Vị) đem lại cảnh xúc hợp ý, gây khoái lạc, mềm mại (nghĩ rằng): “Đụng chạm vào vật này (người ấy) sẽ bị thất vọng vì không đạt được và sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Khi đụng chạm vật ấy, (vị kia) bị thất vọng vì không đạt được thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Sự đem lại cảnh pháp nghĩa là thuyết bài giảng về địa ngục của người đi địa ngục (nghĩ rằng): “Sau khi nghe điều này (người ấy) sẽ bị hoảng hốt và sẽ chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nghe được điều ấy, (vị kia) bị hoảng hốt thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika. (Vị) thuyết bài giảng về cõi trời của nghiệp lành (nghĩ rằng): “Sau khi nghe điều này (người ấy) sẽ bị tác động rồi chết đi” thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi nghe được điều ấy, (vị kia) bị tác động (nghĩ rằng): “Ta sẽ chết” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tộithullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Sự chỉ bảo nghĩa là khi được hỏi, vị nói rằng: “Nên chết như vầy, người nào chết như vầy người ấy đạt được tài sản, hoặc đạt được danh vọng, hoặc sanh về cõi trời” thì phạm tội dukkaṭa. (Vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ chết theo cách chỉ bảo ấy” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Sự dạy dỗ nghĩa là khi không được hỏi, vị nói rằng: “Nên chết như vầy, người nào chết như vầy người ấy đạt được tài sản, hoặc đạt được danh vọng, hoặc sanh về cõi trời” thì phạm tội dukkaṭa. (Vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ chết theo cách dạy dỗ ấy” rồi gây nên cảm thọ khổ thì phạm tội thullaccaya; (vị kia) chết đi thì phạm tội pārājika.
Hành động theo sự quy định nghĩa là lập nên sự quy định rằng: “Hãy đoạt lấy mạng sống người ấy vào giờ hẹn ấy, hoặc là trước bữa ăn, hoặc là sau bữa ăn, hoặc là ban đêm, hoặc là ban ngày” thì phạm tội dukkaṭa; (nếu vị kia) đoạt lấy mạng sống người ấy vào giờ hẹn ấy thì cả hai phạm tội pārājika; (nếu vị kia) đoạt lấy mạng sống người ấy trước hay sau giờ hẹn ấy thì vị khởi xướng vô tội, còn vị giết người phạm tội pārājika.
Hành động theo dấu hiệu nghĩa là lập nên dấu hiệu rằng: “Tôi sẽ nháy mắt, hoặc là tôi sẽ nhướng mày, hoặc là tôi sẽ ngẩng đầu lên, ngươi hãy đoạt lấy mạng sống người ấy theo dấu hiệu ấy” thì phạm tội dukkaṭa; (nếu vị kia) đoạt lấy mạng sống người ấy theo dấu hiệu ấy thì cả hai phạm tội pārājika; (nếu vị kia) đoạt lấy mạng sống người ấy trước hay sau dấu hiệu ấy thì vị khởi xướng vô tội, còn vị giết người phạm tội pārājika.
Vị không cố ý, vị không biết, vị không có ý muốn gây tử vong, vị bị điên, vị có tâm bị rối loạn, vị bị thọ khổ hành hạ, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Dứt tụng phẩm thứ nhất về tội pārājika vì giết người.
–ooOoo–
CHUYỆN DẪN GIẢI – KỆ NGÔN TÓM LƯỢC
Việc ca ngợi, vị đang ngồi xuống, cái chày và cối giã, chuyện các vị già xuất gia, mắc nghẹn thịt, thuốc độc.
Ba chuyện làm nền đất, ba chuyện khác về gạch, lưỡi rìu, và luôn cả khung gỗ, giàn giáo, leo xuống, vị bị té.
Hơ nóng, mũi, xoa bóp, việc tắm, và thoa dầu, trong khi nâng dậy, và xô ngã, chết bởi vì cơm, nước.
Có thai với nhân tình, và người có hai vợ, giết chết hai mẹ con, cả hai không bị chết, chà xát, đốt nóng, không sanh, còn sanh sản.
Thọt lét, sự trả thù, Dạ-xoa, quỷ dữ tợn, và vị phái người đi, tưởng vị ấy rồi giết, giảng về cõi trời và địa ngục.
Ba chuyện về cây cối ở Āḷavi, ba chuyện khác về lửa, chớ làm cho khổ sở, không theo cách của ngài, (cho uống) sữa còn bơ, và giấm mặn.
*****
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu vì lòng trắc ẩn đã ca ngợi lợi ích của sự chết đến vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: “Phải chăng chúng ta đã phạm tội pārājika?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, các ngươi đã phạm tội pārājika.” (1)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu đi khất thực nọ trong lúc ngồi xuống đã đè lên đứa bé trai được phủ bởi tấm màn ở trên chiếc ghế và gây ra tử vong. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika. Và này các tỳ khưu, khi chưa xem xét không nên ngồi xuống ở chỗ ngồi; vị nào ngồi xuống thì phạm tội dukkaṭa.” (2)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ, trong lúc sắp đặt chỗ ngồi ở nhà ăn nơi xóm nhà, khi cái chày được đưa lên thì đã cầm lấy một cái chày. Cái chày thứ hai đã rơi xuống và chạm mạnh vào đỉnh đầu của đứa bé trai nọ. Đứa bé đã chết đi. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, (khi ấy) ngươi có tâm gì?” – “Bạch Thế Tôn, con không cố ý.” – “Này tỳ khưu, không cố ý thì vô tội.” (3)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trong khi sắp đặt chỗ ngồi ở nhà ăn nơi xóm nhà đã bước lên vật dụng là cối giã khiến (chúng) quay tròn rồi chạm mạnh vào đứa bé trai nọ và gây ra tử vong. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không cố ý thì vô tội.” (4)
Vào lúc bấy giờ, có hai cha con cùng xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Khi thời giờ được thông báo, đứa con trai đã nói với người cha điều này: – “Thưa cha, hãy đi. Hội chúng chờ đợi cha,” rồi đã nắm lấy ở lưng và đẩy tới. Người cha đã té xuống và chết đi. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, (khi ấy) ngươi có tâm gì?” – “Bạch Thế Tôn, con không có ý muốn gây tử vong.” – “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (5)
Vào lúc bấy giờ, có hai cha con cùng xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Khi thời giờ được thông báo, đứa con trai đã nói với người cha điều này: – “Thưa cha, hãy đi. Hội chúng chờ đợi cha,” rồi đã nắm lấy ở lưng và đẩy tới có ý muốn gây tử vong. Người cha đã té xuống và chết đi. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (6)
Vào lúc bấy giờ, có hai cha con cùng xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Khi thời giờ được thông báo, đứa con trai đã nói với người cha điều này: – “Thưa cha, hãy đi. Hội chúng chờ đợi cha,” rồi đã nắm lấy ở lưng và đẩy tới có ý muốn gây tử vong. Người cha đã té xuống và không bị chết. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.”(7)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trong lúc đang ăn đã bị mắc nghẹn miếng thịt ở cổ họng. Có vị tỳ khưu khác đã vỗ vào cổ của vị tỳ khưu ấy. Cục thịt đã rơi ra có dính máu. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (8)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trong lúc đang ăn đã bị mắc nghẹn miếng thịt ở cổ họng. Có vị tỳ khưu khác có ý muốn gây tử vong đã vỗ vào cổ của vị tỳ khưu ấy. Cục thịt đã rơi ra có dính máu. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (9)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trong lúc đang ăn đã bị mắc nghẹn miếng thịt ở cổ họng. Có vị tỳ khưu khác có ý muốn gây tử vong đã vỗ vào cổ của vị tỳ khưu ấy. Cục thịt đã rơi ra có dính máu. Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (10)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu đi khất thực nọ sau khi nhận được vật thực có thuốc độc đã mang trở về và dâng các tỳ khưu nếm thử trước. Các tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, (khi ấy) ngươi có tâm gì?” – “Bạch Thế Tôn, con không biết (có độc).” – “Này tỳ khưu, vị không biết thì vô tội.” (11)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn thử nghiệm đã trao thuốc độc cho vị tỳ khưu khác. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, (khi ấy) ngươi có tâm gì?” – “Bạch Thế Tôn, con có ý muốn thử nghiệm.” – “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (12)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi thực hiện nền đất của trú xá. Có vị tỳ khưu nọ ở bên dưới đã đưa đá lên. Viên đá được vị tỳ khưu ở phía trên nắm lấy vụng về đã chạm mạnh vào đỉnh đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không cố ý thì vô tội.” (13)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi thực hiện nền đất của trú xá. Có vị tỳ khưu nọ ở bên dưới đã đưa đá lên. Vị tỳ khưu ở phía trên có ý muốn gây tử vong nên đã thả viên đá ở đỉnh đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (14)
Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)― Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (15)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi xây dựng bức tường của trú xá. Có vị tỳ khưu nọ ở bên dưới đã đưa gạch lên. Viên gạch được vị tỳ khưu ở phía trên nắm lấy vụng về đã chạm mạnh vào đỉnh đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không cố ý thì vô tội.” (16)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi xây dựng bức tường của trú xá. Có vị tỳ khưu nọ ở bên dưới đã đưa gạch lên. Vị tỳ khưu ở phía trên có ý muốn gây tử vong nên đã thả viên gạch ở đỉnh đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tộithullaccaya.” (17-18)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi xây dựng công trình mới. Có vị tỳ khưu nọ ở bên dưới đã đưa lưỡi rìu lên. Lưỡi rìu được vị tỳ khưu ở phía trên nắm lấy vụng về đã chạm mạnh vào đỉnh đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không cố ý thì vô tội.” (19)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi xây dựng công trình mới. Có vị tỳ khưu nọ ở bên dưới đã đưa lưỡi rìu lên. Vị tỳ khưu ở phía trên có ý muốn gây tử vong nên đã thả lưỡi rìu ở đỉnh đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tộithullaccaya.” (20-21)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi xây dựng công trình mới. Có vị tỳ khưu nọ ở bên dưới đã đưa khung gỗ lên. Vị tỳ khưu ở phía trên nắm lấy vụng về khiến khung gỗ chạm mạnh vào đỉnh đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không cố ý thì vô tội.” (22)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi xây dựng công trình mới. Có vị tỳ khưu nọ ở bên dưới đã đưa khung gỗ lên. Khung gỗ được vị tỳ khưu ở phía trên nắm lấy vụng về đã chạm mạnh vào đỉnh đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tộithullaccaya.” (23-24)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi trong khi xây dựng công trình mới buộc lại cái giàn giáo. Có vị tỳ khưu nọ đã nói với vị tỳ khưu khác điều này: – “Này đại đức, hãy đứng ở chỗ này rồi buộc lại.” Vị ấy đã đứng ở chỗ ấy, trong khi buộc lại đã bị té xuống và chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, (khi ấy) ngươi có tâm gì?” – “Bạch Thế Tôn, con không có ý muốn gây tử vong.” “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (25)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở thành Āḷavi trong khi xây dựng công trình mới buộc lại cái giàn giáo. Có vị tỳ khưu nọ có ý muốn gây tử vong đã nói với vị tỳ khưu khác điều này: – “Này đại đức, hãy đứng ở chỗ này rồi buộc lại.” Vị ấy đã đứng ở chỗ ấy, trong khi buộc lại đã bị té xuống và chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―đứng ở chỗ ấy] đã bị té xuống và không bị chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (26-27)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ lợp xong trú xá và leo xuống. Có vị tỳ khưu khác đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này đại đức, hãy leo xuống từ chỗ này.” Vị ấy trong khi leo xuống bằng chỗ ấy đã bị té xuống và chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (28)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ lợp xong trú xá và leo xuống. Có vị tỳ khưu khác có ý muốn gây tử vong đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: – “Này đại đức, hãy leo xuống từ chỗ này.” Vị ấy trong khi leo xuống bằng chỗ ấy đã bị té xuống và chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] đã bị té xuống và không bị chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tộithullaccaya.” (29-30)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bực bội bởi sự không thỏa thích nên đã leo lên đỉnh núi Gijjhakūṭa và trong khi lao xuống vách núi đã chạm người đan giỏ nọ và đã gây ra tử vong. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika. Và này các tỳ khưu, không nên lao mình xuống; vị nào lao xuống thì phạm tội dukkaṭa.” (31)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi leo lên núi Gijjhakūṭa đã ném đá để đùa giỡn. Viên đá đã chạm vào người chăn bò nọ và gây ra tử vong. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika. Và này các tỳ khưu, không nên ném đá để đùa giỡn; vị nào ném thì phạm tội dukkaṭa.” (32)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu đã hơ nóng vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (33)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã hơ nóng vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (34-35)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh nóng đầu. Các tỳ khưu đã cho vị ấy thuốc ở mũi. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (36)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh nóng đầu. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã cho vị ấy thuốc ở mũi. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (37-38)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu đã xoa bóp vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (39)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã xoa bóp vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (40-41)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu đã tắm cho vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (42)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã tắm cho vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (43-44)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu đã thoa dầu cho vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (45)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã thoa dầu cho vị ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (46-47)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu đã đỡ vị ấy đứng dậy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (48)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã đỡ vị ấy đứng dậy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (49-50)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu đã làm vị ấy ngã xuống. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (51)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã làm vị ấy ngã xuống. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (52-53)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu đã cho vị ấy thức ăn. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (54)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã cho vị ấy thức ăn. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (55-56)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu đã cho vị ấy thức uống. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (57)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu có ý muốn gây tử vong đã cho vị ấy thức uống. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (58-59)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ có chồng đi vắng đã mang thai với tình nhân. Cô ấy đã nói với vị tỳ khưu thường lui tới với gia đình điều này: – “Thưa ngài, ngài hãy tìm thuốc làm sẩy thai đi.” “Này chị gái, tốt thôi!” rồi đã cho cô ấy thuốc làm sẩy thai. Đứa bé trai đã chết đi. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (60)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ có hai vợ, một cô không sanh sản một cô còn sanh sản. Người đàn bà không sanh sản đã nói với vị tỳ khưu thường lui tới với gia đình điều này: – “Thưa ngài, nếu cô ấy sanh con thì sẽ trở thành chủ nhân của toàn bộ tài sản. Thưa ngài, ngài hãy tìm thuốc làm sẩy thai đi.” “Này chị gái, tốt thôi!” rồi đã cho cô ấy thuốc làm sẩy thai. Đứa bé trai đã chết đi. Người mẹ đã không bị chết. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (61)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ có hai vợ, một cô không sanh sản một cô còn sanh sản. Người đàn bà không sanh sản đã nói với vị tỳ khưu thường lui tới với gia đình điều này: – “Thưa ngài, nếu cô ấy sanh con thì sẽ trở thành chủ nhân của toàn bộ tài sản. Thưa ngài, ngài hãy tìm thuốc làm sẩy thai đi.” “Này chị gái, tốt thôi!” rồi đã cho cô ấy thuốc làm sẩy thai. Người mẹ đã chết đi. Đứa bé trai đã không bị chết. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (62)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ có hai vợ, một cô không sanh sản một cô còn sanh sản. Người đàn bà không sanh sản đã nói với vị tỳ khưu thường lui tới với gia đình điều này: – “Thưa ngài, nếu cô ấy sanh con thì sẽ trở thành chủ nhân của toàn bộ tài sản. Thưa ngài, ngài hãy tìm thuốc làm sẩy thai đi.” “Này chị gái, tốt thôi!” rồi đã cho cô ấy thuốc làm sẩy thai. Cả hai đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Cả hai đã không bị chết. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (63-64)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà có thai nọ đã nói với vị tỳ khưu thường lui tới với gia đình điều này: – “Thưa ngài, ngài hãy tìm thuốc làm sẩy thai đi.” “Này chị gái, như thế thì hãy tự chà xát.” Cô ấy đã chà xát và đã làm sẩy thai. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (65)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà có thai nọ đã nói với vị tỳ khưu thường lui tới với gia đình điều này: – “Thưa ngài, ngài hãy tìm thuốc làm sẩy thai đi.” “Này chị gái, như thế thì hãy đốt nóng.” Cô ấy đã đốt nóng và đã làm sẩy thai. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (66)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà không sanh sản nọ đã nói với vị tỳ khưu thường lui tới với gia đình điều này: – “Thưa ngài, ngài hãy tìm thuốc làm cho tôi có thể sanh sản.” “Này chị gái, tốt thôi!” rồi đã cho cô ấy thuốc. Cô ấy đã chết đi. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội dukkaṭa.” (67)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà còn sanh sản nọ đã nói với vị tỳ khưu thường lui tới với gia đình điều này: – “Thưa ngài, ngài hãy tìm thuốc làm cho tôi không còn sanh sản.” “Này chị gái, tốt thôi!” rồi đã cho cô ấy thuốc. Cô ấy đã chết đi. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội dukkaṭa.” (68)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã làm cho vị tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư cười bằng cách dùng ngón tay thọt lét. Vị tỳ khưu ấy trong khi rối loạn không thở ra được nên đã chết đi. Các vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika.” (69)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ gây chuyện” rồi chạm mạnh vào vị tỳ khưu nhóm Lục Sư khiến vị ấy chết đi. Các vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tội pārājika.” (70)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là thầy chữa bệnh tà ma đã đoạt lấy mạng sống của loài Dạ-xoa. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, không phạm tộipārājika mà phạm tội thullaccaya.” (71)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã phái vị tỳ khưu khác đến trú xá có Dạ-xoa dữ tợn. Các Dạ-xoa đã đoạt lấy mạng sống vị ấy. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (72)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn gây tử vong đã phái vị tỳ khưu khác đến trú xá có Dạ-xoa dữ tợn. Các Dạ-xoa đã đoạt mạng vị ấy. ―(như trên)―[đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Các Dạ-xoa đã không đoạt mạng vị ấy. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (73-74)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã phái vị tỳ khưu khác đến khu rừng có thú dữ. Các thú dữ đã đoạt lấy mạng sống vị ấy. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (75)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn gây tử vong đã phái vị tỳ khưu khác đến khu rừng có thú dữ. Các thú dữ đã đoạt mạng vị ấy. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Các thú dữ đã không đoạt mạng vị ấy. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (76-77)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã phái vị tỳ khưu khác đến khu rừng có cướp. Các kẻ cướp đã đoạt mạng vị ấy. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (78)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn gây tử vong đã phái vị tỳ khưu khác đến khu rừng có cướp. Các kẻ cướp đã đoạt mạng vị ấy. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Các kẻ cướp đã không đoạt mạng vị ấy. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (79-80)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ nhận ra người ấy rồi đã đoạt mạng người ấy, nhận ra người ấy rồi đã đoạt mạng người khác, nhận ra người khác rồi đã đoạt mạng người ấy, nhận ra người khác rồi đã đoạt mạng người khác. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (81-84)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị phi nhân chiếm giữ. Có vị tỳ khưu khác đã đánh vào vị tỳ khưu ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (85)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị phi nhân chiếm giữ. Có vị tỳ khưu khác có ý muốn gây tử vong đã đánh vào vị tỳ khưu ấy. Vị tỳ khưu ấy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tộipārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Vị tỳ khưu ấy đã không bị chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (86-87)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ thuyết về cõi trời của nghiệp lành. Người ấy bị tác động nên đã chết đi. Vị (tỳ khưu) ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (88)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn gây tử vong thuyết về cõi trời của nghiệp lành. Người ấy bị tác động nên đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Người ấy bị tác động đã không bị chết. Vị (tỳ khưu) ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (89-90)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ thuyết về địa ngục của kẻ đi địa ngục. Người ấy bị hoảng hốt và đã chết. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (91)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn gây tử vong thuyết về địa ngục của kẻ đi địa ngục. Người ấy bị hoảng hốt và đã chết. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Người ấy bị hoảnghốt và đã không bị chết. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (92-93)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở Āḷavi chặt cây trong khi làm công trình mới. Có vị tỳ khưu nọ đã nói với vị tỳ khưu khác điều này: – “Này đại đức, hãy đứng ở chỗ này rồi chặt.” Trong khi vị ấy đứng ở chỗ ấy đang chặt thì cây đã ngã xuống và giết chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (94)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở Āḷavi chặt cây trong khi làm công trình mới. Có vị tỳ khưu nọ có ý muốn gây tử vong đã nói với vị tỳ khưu khác điều này: – “Này đại đức, hãy đứng ở chỗ này rồi chặt.” Trong khi vị ấy đứng ở chỗ ấy đang chặt thì cái cây đã ngã xuống và giết chết. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] cây đã ngã xuống và không giết chết. Vị kia đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (95-96)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nổi lửa đốt rừng. Dân chúng bị đốt cháy đã chết đi. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vị không có ý muốn gây tử vong thì vô tội.” (97)
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư có ý muốn gây tử vong đã nổi lửa đốt rừng. Dân chúng bị đốt cháy đã chết đi. ―(như trên)― [đã phạm tội pārājika.” Vào lúc bấy giờ, ―(như trên)―] Dân chúng bị đốt cháy đã không bị chết. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, (các ngươi) không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (98-99)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi đi đến pháp trường đã nói với viên xử tử kẻ cướp điều này: – “Này đạo hữu, chớ để người này bị khổ sở. Hãy đoạt lấy mạng sống bằng một nhát.” – “Thưa ngài, tốt thôi!” rồi đã đoạt lấy mạng sống bằng một nhát. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (100)
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi đi đến pháp trường đã nói với viên xử tử kẻ cướp điều này: – “Này đạo hữu, chớ để người này bị khổ sở. Hãy đoạt lấy mạng sống bằng một nhát.” – “Tôi sẽ không làm theo lời nói của ngài” rồi đã đoạt lấy mạng sống kẻ ấy. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tộidukkaṭa.” (101)
Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ bị đứt lìa tay chân được các thân quyến vây quanh tại nhà của thân quyến. Có vị tỳ khưu nọ đã nói với những người ấy điều này: – “Này các đạo hữu, các vị có muốn cái chết cho người này không?” – “Thưa ngài, đúng vậy. Chúng tôi muốn.” – “Như thế thì hãy cho uống sữa còn bơ.” Họ đã cho người ấy uống sữa còn bơ. Người ấy đã chết đi. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: ―(như trên)― “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (102)
Vào lúc bấy giờ, có người nam nọ bị đứt lìa tay chân được thân quyến vây quanh tại nhà của gia đình. Có tỳ khưu ni nọ đã nói với những người ấy điều này: – “Này các vị, có muốn cái chết cho anh ta không?” – “Vâng, ni sư. Chúng tôi muốn.” – “Vậy hãy cho uống giấm mặn.” Họ đã cho anh ta uống giấm mặn. Anh ta đã chết. Vị ni ấy đã có nỗi nghi hoặc. Sau đó, tỳ khưu ni ấy đã kể lại việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã kể lại việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni ấy đã phạm tội pārājika.” (103)
Điều pārājika thứ ba được đầy đủ.
–ooOoo–
[1] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: “Assāso ti bahi nikkhamanavāto. Passāso ti anto pavisanavāto = Hơi thở ra là gió đi ra bên ngoài. Hơi thở vào là gió đi vào bên trong” (VinA. ii, 408). Như thế assasati là thở ra, passasati là thở vào. Nếu hiểu như vậy thì phương pháp Ānāpānassati hay “Niệm hơi thở” nên được trình bày và tu tập theo thứ tự hơi thở ra trước rồi mới đến hơi thở vào.
[2] Trong bốn mệnh đề đầu, động từ được sử dụng là pajānāti (biết rõ) và có liên từ “vā” (hay là, hoặc là) xen vào giữa. Từ mệnh đề thứ năm trở đi, động từ là sikkhati (thực tập, thực hành, học tập).
[3] Theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa, sabbakāya nên được hiểu là phần đầu, phần giữa, và phần cuối của toàn bộ hơi thở ra mỗi khi thở ra, hoặc toàn bộ hơi thở vào mỗi khi thở vào (VinA. ii, 411)
[4] A, B, C, D được thêm vào cho dễ hiểu dựa theo Chú Giải (VinA. ii, 448-450).
[5] Là việc bị mổ banh bụng ra bởi con dao bén của kẻ giết trâu bò (ND).
[6] Là việc nói lời ca ngợi lẫn nhau về pháp thượng nhân đến các người tại gia (ND).
[7] Kinh Pháp Cú, câu 307.
[8] Kinh Pháp Cú, câu 308.
[9] Vô phiền não giải thoát (suññato vimokkho) là nội tâm không còn tham sân si, vô tướng giải thoát (animitto vimokkho) là nội tâm không còn các biểu hiện của tham sân si, vô nguyện giải thoát (appaṇihito vimokkho) là không còn trạng thái mong mỏi tham sân si (VinA. ii, 492).
[10] Vị ấy vì chưa đề cập rõ ràng bản thân là A-la-hán (ahan ti avuttatā) nên không phạm tội pārājika(VinA. ii, 503).
[11] Câu chuyện này được lập lại y như câu chuyện (16) ở trên.
[12] Ngài Buddhaghosa giải thích các chim kên kên, chim quạ, chim ưng này là các Dạ-xoa có dạng chim, “yakkhagijjhā yakkhakākā yakkhakulalā” (VinA. ii, 507).
[13] Ngài Buddhaghosa giải thích về người không có lớp da bao bọc là do việc người này đã giết các con dê rồi lột da nên bị quả báu không có lớp da bao bọc (VinA. ii, 509).
[14] Người này tuy là quan xử án nhưng nhận hối lộ ở nơi kín đáo rồi xử án thiên lệch nên bị trả quả phải phơi bày vật kín ra (VinA. ii, 510).
[15] Có thể đây là một lầm lẫn trong lúc gom các đoạn văn trùng lặp lại với nhau vì các vị ni tu tập sự, sa di, sa di ni không có y hai lớp (saṅghāṭi). Chỉ tỳ khưu và tỳ khưu ni mới có y này.
[16] Không đạt được sự cộng trú cùng với các vị tỳ khưu nghĩa là vị ấy không còn được tham dự các lễ Uposatha (lễ Bố Tát), lễ Pavāraṇā (lễ Tự Tứ), việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và các loại hành sự của hội chúng (VinA. ii, 516).
[17] Trước đây như thế nào thì sau này là như vậy (yathā pure tathā pacchā) nghĩa là trước đây còn tại gia chưa tu lên bậc trên sự cách biệt đối với các vị tỳ khưu như thế nào, bây giờ sau khi phạm tội pārājika thì phải theo đúng như thế ấy (VinA. ii, 516).
Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I
–ooOoo–
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)