Tạng Kinh – Tiểu Bộ – Cẩm Nang Học Phật (nettippakaranapāli) (vie)
CẨM NANG HỌC PHẬT
TAM TẠNG SONG NGỮ PĀLI – VIỆT – TẬP 43
SUTTANTAPITAKE KHUDDAKANIKĀYE
NETTIPPAKARANAPĀLI
TẠNG KINH – TIỂU BỘ
Một vài chia sẻ về cuốn sách này từ Sư Hiripañño Tuệ Tàm:
Quyển Nettippakaraṇa Cẩm Nang Học Phật cùng với “người anh em” của mình là Peṭakopadesa Tam Tạng Chỉ Nam là hai bộ sách đặc biệt được các bậc tiền nhân liệt kê chính thức vào Kinh Tạng Tích Lan và Miến Điện. Nếu như hai bộ Diễn Giải Niddesa được xem là bản kinh cổ xưa đặt nền móng cho hệ thống Chú Giải thời kỳ sau thì hai tác phẩm của Ngài Mahākaccāyana này lại nổi trội với phân tích về phương pháp diễn đạt trong các bài giảng của đức Thế Tôn.
Một ý tưởng hay nếu được trình bày vụng có thể làm hỏng việc nhận thức của người nghe, và ngược lại, một suy niệm sai lạc nếu được trình bày hấp dẫn có thể khiến thính giả lầm đường lạc lối. Nắm rõ thâm ý của đức Thế Tôn qua phương pháp diễn đạt không những có thể giúp cho người học Phật khỏi ngỡ ngàng khi tiếp xúc với cách hành văn xưa cổ, mà còn can ngăn họ trước những tác phẩm nguỵ tạo lời dạy của đấng Giác Ngộ. Ngày xưa, khi bước đầu chập chững tìm hiểu Abhidhamma, các vị giáo thọ đã truyền thụ cho cách phân tích cặn kẽ đến tận cùng chi pháp. Qua đó, khi một vấn đề khó xác minh được đưa ra, nhiệm vụ của người học là phải quy được tất cả về mức căn bản nhất của pháp chân đế để tìm ra lời giải đáp.
Vốn dĩ văn phong Kinh Tạng có nhiều cách diễn đạt và câu chữ ẩn dụ, học thuật không tinh thông chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hiểu lầm. Nếu phân tích rốt ráo được theo lối của Vô Tỷ Pháp, thì chắn hẳn sẽ không bị đi quá xa so với tôn ý của đức Đạo Sư mà còn có thể cảm nhận lời dạy đó có phù hợp hay không với tinh thần của Giáo Pháp. Bàng bạc trong những trình bày của Nettippakaraṇa Cẩm Nang Học Phật cho người đọc có cảm giác quen thuộc đó. Những đoạn trích dẫn được giản lược tối đa thành những chi pháp tương hỗ làm cho lời kinh trực diện dễ nắm bắt hơn, nhất là đối với những vị đã có nền tảng Phật Học cơ bản. Không dám nhận định tác phẩm này có đầu dây mối nhợ với lối phân tích Chân Đế được truyền lại hay không, nhưng chí ít cũng xác minh được cách diễn giải của người học Abhidhamma là phù hợp với bản kinh xưa cổ.
Đối với các hành giả thiền sinh, tác phẩm này cũng có thể gợi thêm vài ý tưởng để gỡ rối quan kiến tu tập và sở tri chướng của mỗi người. Theo nhận định cá nhân, số đông người Việt học theo các dòng thiền nổi tiếng tại Miến Điện thường hay xảy ra bất đồng về đường hướng tu chứng. Người theo phương pháp Chỉ Tịnh bảo hành giả Minh Sát Tuệ là tu “nhảy” pháp, và ngược lại thiền sinh tu Quán chỉ trích người học thiền Định là hiệp thế luân hồi. Dường như khái niệm về Samatha và Vipassanā của chúng ta đã bị bó buộc trong một khuôn khổ từ ngữ và làm cho sự hiểu lầm lời dạy của đức Thế Tôn càng nặng nề hơn.
Phản phất trong Nettippakaraṇa Cẩm Nang Học Phật, người đọc sẽ chợt nhận ra định nghĩa của Chỉ Tịnh và Minh Sát trong chúng ta bấy lâu nay là quá bé nhỏ so với những hiện thân của nó trong rất nhiều chi pháp khác. Đơn cử trong trường hợp của Bát Chánh Đạo khi được phân thành ba nhóm, thì Giới Uẩn và Định Uẩn là Chỉ Tịnh còn Tuệ Uẩn là Minh Sát. Thật là oan ức nếu cho rằng một hành giả tu đường Bát Chánh thiếu một trong hai Chỉ Tịnh và Minh Sát, bởi tám chi Đạo được phát triển đầy đủ mới có thể đưa chúng sanh đến bến bờ giác ngộ. Xa hơn nữa, nếu chỉ vướng mắc vào các tầng thiền chứng hoặc các tầng tuệ giác thì chúng sanh chỉ có trói buộc trong Tam Giới mà thôi. Người viết không dám nhận là thiền sư, cũng không phải là thiền sinh chuyên nghiệp, chỉ là kẻ sơ cơ tập lặng nghe hơi thở, đọc kinh sách cảm nhận được lời giảng, chỉ xin mạo muội chia sẻ mấy lời.
Đề cập đến những vấn đề nhạy cảm này, chắc sẽ nhận không ít phản biện và hoài nghi về tính xác thực của tác phẩm so với độ nổi tiếng của những tác phẩm khác đã được phiên dịch ra Việt Ngữ trước đây. Aṅguttara Nikāya Tăng Chi Bộ Kinh đưa ra cách giải quyết vấn đề này bằng bốn Đại Cứ Pháp Mahāpadesa. Nếu ai đó bảo rằng lời này là của đấng Tôn Sư được tai nghe mắt thấy, từ một Tăng đoàn xuất chúng, từ một vài vị đa văn, hoặc từ một trưởng lão tinh thông, thì không nên vội bác bỏ cũng không vội tán đồng; các thuật ngữ và văn tự nên được đối chiếu ở Kinh và xem xét ở Luật. Chú Giải Tăng Chi Bộ Kinh diễn giải thuật ngữ Sutta chỉ cho những truyền đạt ghi lại trong Tam Tạng Thánh Điển và Vinaya là phương pháp diệt trừ tham ái và những phiền não khác. Nettippakaraṇa Cẩm Nang Học Phật cũng giải thích dễ hiểu hơn, người học Phật cần đối chiếu với Sutta tức lời dạy về bốn Chân Lý Cao Thượng và xem xét ở Vinaya trên phương diện trừ diệt luyến ái, sân hận và si mê.
Điều nào thuận với Tứ Đế và hướng chúng sanh đến đoạn tuyệt phiền não thì chắc hẳn là phù hợp với tôn ý của bậc Đạo Sư vậy. Xa hơn nữa, từng trường hợp cụ thể đã được viện dẫn trong tác phẩm giúp người đọc làm quen dần với nhiều cách truyền đạt khác nhau của đức Thế Tôn nhằm tránh phóng tác sai lạc lời dạy của Ngài, nhất là khi được giảng lại qua một ngôn ngữ khác.
Như dịch giả có trình bày trong phần Giới Thiệu, Nettippakaraṇa Cẩm Nang Học Phật vốn dĩ không phải là một tác phẩm giải thích những điểm khó hiểu trong Kinh Tạng như một bộ Chú Giải. Chính xác hơn, đó là một hệ thống hướng dẫn về phương pháp nghiên cứu và truyền đạt Phật Pháp như một bộ cương lĩnh cho một nhà chú giải. Với riêng bản thân người viết, quyển sách này đã mở ra được nhiều ý tưởng và giải toả những khúc mắc bấy lâu nay cả về phương diện học thuật lẫn tu tập. Người học Phật nếu cố bám chấp vào những thuật ngữ và khái niệm sẽ khiến họ trở thành con mọt ăn giấy mà không tìm được lợi ích từ kinh sách. Còn học đòi “ý tại ngôn ngoại” mà không nắm chắc được cách truyền đạt của đức Thế Tôn sẽ khiến họ diễn giải quá trớn chân ngôn của Ngài. Kính tri ân Ngài Indacanda đã mang thêm một tác phẩm có giá trị vào kho tàng nghiên cứu Chánh Tạng Nam Truyền Phật Giáo.
Siêu Lý Phú Định
21.03.2020
Sư Hiripañño Tuệ Tàm
DOWNLOAD EBOOK: CẨM NANG HỌC PHẬT – NETTIPPAKARANAPĀLI
CẨM NANG HỌC PHẬT